Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

TRUYỆN NHẶT TRẦN MỸ GIỐNG - Bản thảo (Kì 21 - 30)



Kì 21:  GIẢI THƯỞNG…

Một ông nhà thơ câu lạc bộ đăng lên mạng bài thơ khoe chiếm giải nhất một cuộc thi thơ cấp toàn quốc. Ông còn tổ chức mấy chục mâm mời bạn thơ ăn mừng… Tôi đọc bài thơ xong cứ băn khoăn tự hỏi không biết bài thơ này hay ở chỗ nào mà lại được giải nhất… Càng nghĩ càng hoang mang, hay là mình già lẩm cẩm mất khả năng thẩm thơ rồi?

*

Vừa thấy tôi đến, nhà thơ họ Trình đã khoe:
- Bài “Chợ làng” của tôi được Ban tổ chức cuộc thi thơ toàn quốc do một Tòa soạn tạp chí ngành gửi thông báo đoạt giải nhì chú ạ. Họ yêu cầu tôi nộp 500.000 đồng làm Cúp kỷ niệm, còn bài thơ thì họ in trong sách giá 250.000 đồng một cuốn, mua mấy cuốn thì đăng ký. Họ đề nghị tôi đóng góp ủng hộ cho họ tổ chức trao giải… Tôi đang định điện hỏi xem cụ thể thế nào đây. Chú ngồi uống nước chờ tôi một lát…
Nói rồi nhà thơ bấm máy gọi…
- A lô! Tôi là nhà thơ Trình đây ạ. Tôi đã nhận được thông báo của Ban tổ chức… Tôi muốn hỏi cụ thể đóng góp thế nào ạ… Mười tám triệu? Thế tiền giải nhì của tôi được bao nhiêu, cô trừ đi còn thiếu tôi nộp được không ạ… Giải nhì 6 triệu nhưng lại không được nhận là sao ạ?… Vâng, vâng, cảm ơn cô, tôi hưu trí lấy đâu ra 18 triệu để mua giải ạ. Chào cô.
Nhà thơ tắt máy, nét mặt khó coi:
- Tôi đang mừng vì họ thông báo tôi đoạt giải nhì, giờ họ đòi góp 18 triệu mà tiền giải lại không được nhận, để họ lo tổ chức lễ trao giải, mời truyền hình tuyên truyền…
Tất nhiên là cái giải nhì của nhà thơ họ Trình đã bị Ban tổ chức cuộc thi phế bỏ.

*

Tôi nghĩ mãi không biết thơ của mấy bố nó hay ở chỗ nào mà lại được giải thì ra là vậy. Cứ lấy bài thơ được giải nhất của ông câu lạc bộ nêu trên mà so sánh thì cái đất thành Nam này có biết bao nhà thơ xứng đáng được giải chứ chả bỡn…




Kì 22: ĐỜI LÀ THẾ

        Bận về quê một tuần mới lên, tôi vội vào thăm ông bạn già ốm nặng nằm viện tỉnh. Nhìn ông bạn nằm co ro như một nhúm xương da bọc trong quần áo, lòng tôi bỗng hụt hẫng lặng buồn. Loay hoay mãi mới đỡ được ông bạn ngồi dậy theo yêu cầu của ông. Tôi buột miệng:
        - Nhà thơ P đã vào thăm bác chưa?
        Thấy ông bạn xịu mặt, tôi cứ trách mình vì câu buột miệng đó. Ông bạn tôi và nhà thơ P cùng là đồng nghiệp, sinh hoạt trong một tổ chức văn nghệ với nhau. Nhớ trước đây, nhiều lần nhà thơ P ốm đi viện, mấy lần nằm viện Lao, ông bạn tôi chẳng ngại bị lây nhiễm, kéo tôi cùng đi thăm nhà thơ P, cư xử tận tình, chu đáo. Ông bạn tôi gặp hoạn nạn thì lẽ đương nhiên ông nhà thơ P phải là người thăm sớm, ít ra cũng là để đáp lễ lại cái tình của ông bạn tôi. Vậy mà…
        Ông bạn già trầm ngâm một hồi lâu rồi tâm sự:
        - Tôi buồn lắm ông ạ. Tôi quý trọng và cư xử tốt với nhà thơ P, nhà thơ P cũng thường nói với tôi bằng những lời thân tình… Vậy mà tự nhiên… có cảm giác P tránh mặt tôi.
        Chợt nhớ lại nhận xét của nhiều bạn bè, các thư nặc danh nói về nhân cách của nhà thơ P, mà tôi không muốn tin, láng máng trong đầu nhận thức mới… Tôi quyết định làm cho ông bạn tỉnh mê:
        - Nhiều lần bác đi viện, có lần bị tai nạn xe máy, vậy ông P có thăm không?
        - Chưa một lần!
        - Liệu có phải ông P không biết bác đi viện không?
        - Có một lần chắc chắn là biết. Vì lúc đó P gọi điện nhờ tôi mượn hộ một cuốn sách hiếm. Tôi trả lời rằng hiện tôi đang nằm viện thành phố vì mới bị đột quỵ, chờ tuần sau ra viện, tôi sẽ mượn giúp.
        - Nghe bác nói thế, mà P không tới thăm, không hỏi thăm sao?
        - Không. Sau này mượn trả sách xong cũng chẳng đả động đến chuyện tôi nằm viện.
        - Bác quý người ta thật lòng, nhưng người ta chỉ xã giao đãi bôi và thậm chí chỉ lợi dụng bác thôi. Với những người như vậy, bác nên quên đi cho thanh thản.
        Câu chuyện phải dừng lại vì có người vào thăm ông bạn tôi. Khách thăm về rồi, ông bạn bảo:
        - Ông H cùng Câu lạc bộ thơ văn với tôi đấy. Thơ ông này xoàng, bị tôi phê bình đến nơi đến chốn. Tưởng ông ấy giận từ tôi chứ, vậy mà lần nào tôi ốm ông ấy cũng thăm nom tử tế…
        - Ôi! Đời là thế mà bác!
        Nói rồi tôi cười ha ha… làm ông bạn tôi cũng phải cười theo.



Kì 23:  CHỈ CHO HÔN… CHỖ ẤY
        (Sưu tầm và biện soạn)
.
        Hai anh bạn đồng hương cùng tuổi. Một anh con nông dân nghèo, học giỏi, bị động viên vào lính, đi chiến trường, phải bỏ học giữa chừng. Một anh con nhà lãnh đạo, học dốt,  được cử đi học ở nước ngoài. Hơn chục  mươi năm sau, số phận sắp đặt thế nào mà hai anh bạn lại cùng công tác ở một viện nghiên cứu khoa học. Một anh làm bảo vệ, còn anh kia là Tiến sĩ làm cán bộ chủ chốt của viện. Anh bảo vệ ngày ngày cần mẫn làm nhiệm vụ bảo vệ, canh cổng cơ quan. Anh Tiến sĩ đến cơ quan bằng xe con của viện. Mỗi lần qua cổng viện, anh Tiến sĩ thường nhìn bạn đồng hương bằng ánh mắt thương hại.
        Trong viện có một cô kỹ sư xinh đẹp mặn mà hiền dịu. Đặc biệt trên má phải của cô có một vùng da trắng đẹp nổi bật… Cô kỹ sư xinh đẹp là mục tiêu cho các chàng trai trẻ khỏe trong viện mơ ước và tán tỉnh. Chàng Tiến sĩ là một trong số ấy…
        Một thời gian sau, chàng Tiến sĩ đã chinh phục được cô kỹ sư. Chàng lấy làm tự hào trước các đối thủ của mình. Nhưng có điều rất lạ là không hiểu làm sao, cô kỹ sư chỉ cho phép chàng Tiến sĩ hôn vào chỗ da trắng đẹp nhất trên má phải của cô. Tò mò, chàng Tiến sĩ gặng hỏi:
        - Tại sao em chỉ cho anh hôn vào vị trí da đẹp nhất trên má phải của em?
        Cô kỹ sư bảo:
        - Vì trên cơ thể của em chỉ có chỗ ấy là đẹp và có giá trị nhất mà em trân trọng yêu quý. Đó còn là chứng tích kỷ niệm chiến trường mà em không thể quên…
        Tình cờ một lần cùng tắm hơi, chàng Tiến sĩ thấy trên mông trắng của anh bảo vệ có vết sẹo sần sùi, bèn hỏi:
        - Này, hình như thân thể ông chỉ có vùng mông là đẹp nhất, nhưng sao lại có vết sẹo xấu xí vậy?
        - À… ngày tôi là chiến binh, tôi tình nguyện để các bác sĩ lấy vùng da mông ghép má cho một cô gái trẻ phục vụ chiến trường bị thương ấy mà!


          Kì 24: TÁN DÓC

        Nhà thơ Lê Tâm Quang đưa cho tôi tập bản thảo một bài viết, bảo:
        - Ông bạn tôi muốn in một tập thơ, có thuê nhà thơ Nguyễn Lục Bát viết cho bài bình in trên đầu tập sách. Tôi chưa kịp đọc, nhờ chú đọc rồi nhận xét giúp tôi nhé!
        Tôi lướt qua bài viết rồi trả lại nhà thơ Lê Tâm Quang:
- Tán dóc cả thôi. Đọc làm gì cho mất thời gian.
Nhà thơ Lê Tâm Quang phật ý:
        - Chú chẳng nhiệt tình với tôi gì cả. Sao chú không đọc đã phán như đinh đóng cột thế?
        - Ô hay. Em đọc rồi mà. Không tin bác cứ đọc xem em nói có đúng không.
.
        Sáng sớm hôm sau, nhà thơ Lê Tâm Quang điện cho tôi, bảo:
        - Đúng là ông Nguyễn Lục Bát toàn tán dóc, ca ngợi kiểu bịt mũi khen hay thôi. Sao chú mới lướt qua mấy phút mà đã biết vậy? Chú tài thật đấy!
        - Tài giỏi gì đâu bác. Em chỉ đọc những câu thơ trích dẫn trong bài, thấy dở ẹt. Thơ dở mà ông Nguyễn Lục Bát  lại chọn để bình thì chả tán dóc còn gì!


          Kì 25: THÀ MÌNH ÍT BẠN…

          Hắn tặng tôi tập thơ đầu tay từ khi hắn xin gia nhập hội thơ tỉnh mà lần xét duyệt đầu hắn rớt. Tôi nghĩ hắn là nông dân, chắc thật thà và ngờ nghệch, nên ủng hộ hắn. Nghĩ sao làm vậy, tôi liên tục giới thiệu tập thơ của hắn. Đôi lần hắn theo mấy nhà thơ cựu trào đến thăm tôi, tỏ ra ngoan lắm. Hắn cũng liên tục gửi nhờ tôi đăng blog thơ và tiểu luận của hắn. Nhiều người biết đến hắn qua blog của tôi.
         Khi hắn được kết nạp vào hội thơ tỉnh, tôi cùng một đồng nghiệp về tận nhà chúc mừng hắn.
         Hồi ấy tay chủ tịch hội liên tục ép tỉnh dẹp blog của tôi vì tôi phanh phui tiêu cực của ông ta. Hắn bỗng trở mặt quay ngoắt 180 độ với tôi. Hắn viết bài chửi blog của tôi, chửi những người bất đồng chính kiến với tay chủ tịch, chửi những ai dám tố cáo tiêu cực của lãnh đạo. Hắn công khai rêu rao rằng hắn không có gửi bài cho blog của tôi mà tôi cứ tự tiện đăng. Hắn nâng bi lãnh đạo lộ liễu và sống sượng.
Tôi tâm sự với bạn bè:
- Tôi có làm gì xấu với hắn đâu. Tôi từng ủng hộ hắn, sao hắn lại trở mặt với tôi thế?
Một đồng nghiệp cho tôi biết lý do sự trở mặt của hắn:
        - Tay chủ tịch lôi kéo mua chuộc để hắn làm tay sai, làm công cụ tấn công ông và những người lên tiếng phanh phui tiêu cực của lãnh đạo hội. Tay chủ tịch hứa hẹn sẽ cho hắn một giải thưởng…
Thì ra là vậy.
Bây giờ quan thầy hắn đã đổ. Không thấy hắn ngỗ ngược như trước nữa. Nhưng ai đảm bảo rằng hắn sẽ không bán mình cho một quan thầy mới và bán bạn để cầu lợi. Nghĩ vậy, tôi bỗng rùng mình và tự nhủ thà mình ít bạn còn hơn là có những bạn như hắn.


Kì 26: NÉT TÍNH CÁCH CỦA MỘT ÔNG CHỦ TỊCH
.
          Ông chủ tịch:
          - Mấy năm nay không thấy bài của bác trên Tạp chí nhà. Bác phải có trách nhiệm với Tạp chí Hội mình. Bác gửi bài cho Tạp chí nhé!
          - Tôi gửi nhiều bài rồi, có được đăng bài nào đâu!
          - Bác gửi lại cho em ngay nhé.
          Sau khi đọc bài của tôi, ông Chủ tịch bảo:
          - Bài của bác hay thế này mà Tổng biên tập lại không dùng. Mụ Tổng biên tập này kém quá. Em cầm tay chỉ việc mà mụ vẫn làm không ra hồn. Em sẽ chỉ đạo Tổng biên tập đăng bài của bác ngay số này.
          Một thời gian sau, Tổng biên tập đến tận nhà tôi, nói:
          - Bác thông cảm, em không dùng bài của bác vào số này được ạ.
          - Tại sao?
          - Chủ tịch lệnh cho em loại bài của bác để đăng bài của một người khác...

          ***

          Nhận được công văn Thông báo hạn chế blog do vị Phó giám đốc cơ quan chức năng ký, tôi gặp người ký văn bản chất vấn:
          - Blog của tôi quảng bá tác giả, tác phẩm quê ta. Vậy sai ở chỗ nào mà các vị ngăn cản tôi?
          - Đấy là do lãnh đạo Hội của bác nhiều lần kiến nghị tỉnh dẹp bỏ blog của bác. Chúng em buộc phải làm theo chỉ đạo của trên. Bác cứ coi việc này nhẹ như lông hồng. Việc chúng em, chúng em phải làm. Việc bác, bác cứ làm...
          Trong cuộc họp bộ môn, tôi chất vấn Chủ tịch:
          - Blog của tôi sai ở chỗ nào mà lãnh đạo Hội lại kiến nghị tỉnh dẹp bỏ?
          Chủ tịch liến láu:
          - Blog của bác quảng bá tác giả tác phẩm của tỉnh rất tốt ạ. Em không hề kiến nghị dẹp bỏ blog của bác...


                     Kì 27: THI NÓI PHÉT                                       
                        (Truyện cũ tân trang)

          Bốn ông văn nghệ sĩ tỉnh Nọ tụ tập ở quán cà phê, chợt nảy ra tổ chức thi nói phét cho vui. Thể lệ như vầy: Mỗi ông kể một chuyện, ai kể chuyện mà ba người còn lại công nhận là bốc phét thì đoạt giải nhất, sẽ được ưu ái cho làm chủ chi cuộc tụ họp hôm nay.

          Ông nhà thơ kể trước:
          - Tháng trước tôi được thằng cháu làm Tổng Giám đốc du lịch cho đi chuyến tên lửa lên thăm Ngọc Hoàng. Ở trên thượng giới cuộc sống đúng là tươi đẹp hết ý...
          Ông nhà văn xì một tiếng, phán:
          - Chuyện lên trời có gì lạ đâu. Từ thời xửa thời xưa Từ Thức chả đã theo Tiên lên trời sống là gì.
          Đến ông họa sĩ kể:
          - Cách đây 13 năm, tôi từng bị Diêm Vương bắt giải xuống âm phủ để trị tội bồ bịch. Diêm Vương đập bàn quát hỏi: “Táo công nhà ngươi báo cáo với ta nhà ngươi ngày nào cũng quần tam tụ ngũ đi chơi cái món ô kê bồ mà bỏ bê việc nhà. Cái món ô kê bồ nó thế nào mà làm các ngươi say mê thế? Ngươi hãy mau khai cho ta nghe!” Tôi bảo: “Xin ngài cho tôi vải bút và sơn dầu, tôi sẽ khai ạ!” Khi các thứ tôi yêu cầu được mang ra, tôi liền vẽ ngay một bức tranh lấy nguyên mẫu là một trong số các cô bồ của tôi, đặt tên tranh là THIẾU NỮ VÀ HOA HUỆ. Diêm Vương ngắm tranh, ngài đập tay cái “đét” lên đùi kêu lên: “Cha chả! Trông ngon thế này thì đến ta cũng muốn có một ô kê bồ! Thảo nào các ngươi mê say là phải. Ngươi hãy mau trở lại dương thế, vẽ sẵn mấy bức tranh ô kê bồ đẹp, khi nào tròn 100 tuổi thì mang xuống đây tặng cho ta, nghe chửa!”...
          Ông nhà thơ nhận xét:
          - Chuyện hấp dẫn đấy, nhưng cũng không có gì lạ. Ở chùa Hương chả có đường xuống âm phủ là gì.
          Đến lượt ông nhà văn kể:
          - Còn nhớ thời chống Mỹ, tôi là sĩ quan Hải quân chỉ huy tàu. Một đêm không trăng sao, tôi bị một nhóm người ngoài hành tinh bắt giải xuống một chiếc tàu ngầm, bắt tôi lái tàu cho họ đi thám hiểm vùng biển Bắc cực...
          Ông họa sĩ cắt ngang:
          - Ồ, chuyện người ngoài hành tinh, chuyện đi vòng quanh thế giới bằng tàu ngầm có gì lạ đâu. Truyện “Hai vạn dặm dưới biển” ai cũng biết còn gì.
          Đến ông đạo diễn sân khấu kể:
          - Các ông đã biết tin sốt dẻo này chưa? Hôm thứ bảy vừa rồi, họp ban chấp hành Hội Văn Nghệ tỉnh ta, một thành viên cao tuổi chất vấn phê bình ông Chủ tịch hội rất gay gắt. Tưởng ông Chủ tịch phản kháng, ai ngờ ông lại cảm ơn và thành khẩn tiếp thu bằng một bản tự kiểm điểm rất thống thiết và sâu sắc...
          Nghe ông đạo diễn kể đến đây, cả ba ông nhà thơ, nhà văn, họa sĩ đồng thanh hét lên:
          - Bốc phét! Bốc phét! Bốc phét!... Lên trời, xuống âm phủ còn tin. Chứ nói ông Chủ tịch Hội ta mà nhận khuyết điểm thì đến... chó nó cũng đ... tin được…
          He he he...



Kì 28: KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT ĐẦU TAY

        Là hội viên Bộ môn Nghiên cứu phê bình Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi viết chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình, còn các bộ môn khác, nhất là thơ, tôi là người “ngoại đạo”.
        Lần về quê, được mời dự buổi bình thơ của Câu lạc bộ thơ Đường, toàn các bậc cha chú. Các cụ yêu cầu tôi phê bình để các cụ tham khảo. Tôi bốc lên, chỉ ra hàng loạt lỗi trong thơ các cụ như điệp ý, đối không chỉnh, bình đầu, tịnh cước, mạ đề… lại còn lấy một bài đã được giải cao trong cuộc thi thơ Đường cấp quốc gia ra “chê bai”. Một số cụ tự ái, nhưng không bắt bẻ được, bèn nói với nhau cố ý cho tôi nghe thấy: “Nói thì hay lắm, có làm được đếch bài thơ Đường nào đâu!”.
        Tôi vờ như không nghe thấy, nhưng trong bụng khó chịu lắm. Cái món thơ luật Đường này rất khó làm, vì nó đòi hỏi niêm luật khắt khe, gò bó. Phê bình thì có thể học, chứ làm thơ phải có năng khiếu. Biết vậy, vẫn bụng bảo dạ: Thử làm một bài xem thế nào, nếu được thì khoe với các cụ...
Một đêm tháng năm, nửa khuya chợt tỉnh, bắt gặp ánh trăng vằng vặc soi cửa sổ, cảm hứng dâng trào, bèn rót rượu nhâm nhi, lời thơ tự bật ra không kìm lại được. Nhưng không biết đặt tên là gì, đành gọi “Vô đề”.
.
                VÔ ĐỀ
.
Nửa đêm thức giấc ngỡ mình mơ
Một khoảng trời vuông đẹp sững sờ
Dát bạc không gian vầng nguyệt tỏ
Lung linh nền sẫm giọt sao mờ
Thiên nhiên cảnh sắc như tranh vẽ
Cuộc sống muôn màu tựa áng thơ
Lúng liếng hằng nga trong đáy chén
Rượu tình chửa uống đã lơ ngơ.
.
        Sáng sớm đến ngay tòa soạn Tạp chí Văn Nhân, hăm hở nộp bài cho Tổng biên tập. Tổng biên tập dội cho “gáo nước lạnh”:
        - Ông làm nghiên cứu, viết thơ làm gì. Để tạp chí đăng thơ cho hội viên bộ môn thơ…
        - Ô hay! Các ông bộ môn thơ cũng vẫn viết phê bình đấy thôi!
        - Thôi được. Để tôi xem sau!
        Qua ba kì Văn Nhân, không thấy bài được đăng, tôi chất vấn Tổng biên tập:
        - Xin Tổng biên tập cho biết bài thơ của tôi niêm luật có đạt không, có dùng được không?
        Tổng biên tập:
        - Ông nói bài gì nhỉ?
        - Bài “Vô đề” tôi gửi chín tháng trước, ông bảo để ông xem sau…
        - À… Để tôi tìm… Đây rồi… xem nào… Thơ ông mòn sáo quá…  Ông viết “trời vuông” là thế nào? Trời sao lại “vuông” được?
        Tôi thất vọng:
        - Thôi tôi về. Đăng hay không tùy ông!

        Tôi cứ băn khoăn, “văn mình vợ người”, mình tự đánh giá thơ mình thường chỉ thấy hay, không thấy dở. Tổng biên tập là nhà thơ chính hiệu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã phán như thế…
          Đưa bài thơ cho thằng cháu ngoại đang học lớp tám, bảo đọc và nói cho ông biết cháu hiểu thế nào, tại sao trời lại vuông? Thằng cháu đọc xong, nói luôn:
        - “Nửa đêm tác giả tỉnh giấc thấy trăng soi qua cửa sổ cảm hứng viết thành thơ. Hai câu đầu vào đề, cho ta biết khái quát một cảnh thiên nhiên đẹp. Hai câu tiếp tả cái đẹp cụ thể, chi tiết. Hai câu 5 và 6 liên hệ với cuộc sống. Hai câu kết tóm lại tình yêu thiên nhiên…”
-        Nhưng sao lại là “trời vuông”?
        - Nửa đêm tỉnh giấc thì tác giả đang nằm ở trên giường, đúng không ạ? Tác giả thấy khoảng trời trăng, sao qua cửa sổ, đúng không ạ? Cửa sổ thường hình chữ nhật đứng, nằm dưới nhìn lên thấy nó vuông, đúng không ạ? Mà ở đây là sáng tác nên cái cửa sổ ấy nó vuông có sao đâu, đúng không ạ? Nhìn trời qua cửa sổ vuông thì chỉ thấy “một khoảng trời vuông” chứ thấy sao được trời tròn. Đúng không ạ?

        Nghe thằng cháu ngoại cứ luôn mồm “Đúng không ạ?” mà nở ruột nở gan, thấy cái giọng nói, câu hỏi của nó sao mà đáng yêu đến thế.
.
        Khi tôi đã quên chuyện Tổng biên tập không chịu đăng bài thơ của mình thì bất ngờ Văn Nhân (số 62 năm 2008 trang 31) lại trương bài “Vô đề” của tôi lên…


Kì 29: ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG - HỎI MÓC ĐÁP XOÁY

ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG

        Một ông Nhà văn Việt Nam đến nhà bạn thơ ngoài hội, lên giọng:
        - Ông là nhà thơ mà nhà chả có lấy một bức tranh, phù điêu gì. Tôi khuyên ông nên mua một bức chữ TÂM, một bức chữ ĐỨC treo giữa nhà… để tỏ cho mọi người biết ông ít nhiều cũng có tâm, có đức chứ!
        Một thời gian sau, ông nhà thơ ngoài hội đến chơi nhà ông Nhà văn Việt Nam, thấy hai bức chữ TÂM và chữ ĐỨC to tướng treo giữa nhà thì gật gù đầy ngụ ý… Ông  Nhà văn Việt Nam khoe khoang, giải thích ý nghĩa chữ Tâm, chữ Đức một hồi rồi hỏi:
        - Ông thấy hai bức chữ Tâm, chữ Đức này của tôi có hoành tráng không?
        - Rất hoành tráng. Rất cần cho những người quá thiếu hai chữ này…
       

HỎI MÓC, ĐÁP XOÁY

Ông nhà thơ hỏi móc ông nhà nghiên cứu:
- Ông mang danh là nhà nghiên cứu, vậy ông có biết xã nào có tới ba nhà văn Việt Nam không?
Ông nhà nghiên cứu đáp xoáy:
- Ông là nhà thơ khoác áo nhà văn Việt Nam, vậy ông có biết xã nào có ba nhà văn Việt Nam mà có tới hai vị từng khai man lý lịch, ăn cắp thơ người khác, ăn gian giải thưởng không?



Kì 30: VĂN NGHỆ SĨ THẬT BÉ NHỎ ĐÁNG THƯƠNG…
.
        Ông bạn hàng xóm là cựu giáo chức có kiến văn đáng kính nể, hỏi:
        - Trưa nay ông đi đâu về mà mặt mũi tươi tỉnh vậy?
        Tôi hào hứng khoe:
        - Đi ăn khao mừng ông bạn đồng nghiệp được lĩnh giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh ạ.
        - Thế à? Bảo sao cả tháng nay ông quặt qoẹo ủ rũ, hôm nay lại vui thế. Ông nào được giải vậy ông?
        - Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa ông ạ.
        - À, tôi biết ông này, cũng nhiều người khen lắm. Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa, nhà thơ Đồng Thị Chúc là hai trong số các danh nhân văn hóa đương đại của họ Đồng Việt Nam đây mà.
        - Vâng, đúng ông ấy đấy ạ.
        - Cuốn nào của ông ấy được giải vậy ông?
        - Cuốn “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” ông ạ.
        - Cuốn này tôi có được đọc. Tám trăm trang của cuốn sách thể hiện kiến thức về Phật giáo Nam Định toàn diện và khá sâu. Nghe nói để hoàn thành cuốn sách, tác giả mất ba bốn năm điền dã khắp các chùa đền trong tỉnh, miệt mài nghiên cứu, tốn rất nhiều sức lực, chất xám và tiền bạc… Cuốn sách được giải là xứng đáng ông ạ.
        - Vâng! Đúng vậy ông ạ.
        - Chắc giải của ông ấy to lắm. Mấy chục triệu hả ông?
        - Những ba triệu cơ ông ạ.
        Ông hàng xóm dường như nghe không rõ, tròn mắt, dằn từng tiếng, hỏi lại:
        - Ông bảo sao? Những – ba – triệu?
        - Vâng! Ba triệu!
        Ông hàng xóm nghe rõ thì nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại:
        - Khổ! Giải thưởng của các ông không bằng cái tốc váy của ca sĩ!
        Cảm thấy như mình bị xúc phạm, tôi gằn giọng:
        - Ông nói vậy là sao?
        - Ông còn nhớ ngày trước có lần tỉnh mời ca sĩ HN về hát ở sân vận động Thiên Trường chứ! Bữa ấy con ca sĩ nó vừa hát vừa nhảy múa bằng động tác tốc vảy cho mà xem. Mà nó chỉ hát đớp, chứ có hát thật đâu. Nó mở cát xéc ghi âm thôi. Thế mà cát xê của nó hai chục triệu một bài đấy! Tính ra tiền trượt giá ngày nay thì hai mươi triệu ngày ấy bằng bốn mươi triệu bây giờ. Tôi nói ba triệu giải thưởng của bạn ông không bằng cái tốc váy của ca sĩ không đúng à?
        Mặt tôi nóng bừng. Với lòng tự ái cao độ của một văn nghệ sĩ chân chính, tôi định nổi điên choác lại ông bạn, nhưng chợt nhớ có lần nhà báo Nguyễn Giang Phong đưa lên FB ý kiến so sánh tương tự, đành nuốt cục tức cục tủi vào lòng…
        Ông bạn lại nhìn tôi thương cảm:
        - Văn nghệ sĩ các ông thật bé nhỏ đáng thương quá.
        Cái lạnh se se thấu vào tận gan ruột. Tôi vừa bỏ về nhà, vừa vô thức lẩm nhẩm “Văn nghệ sĩ thật bé nhỏ đáng thương”…
.
Tệ xá 13/398 đường Trường Chinh, tp Nam Định.
                       8 – 11 – 2018

 TMG
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét