LỜI THƯA
Các bạn đọc thân yêu!
Mỗi khi quần tam tụ ngũ với bạn bè, chúng tôi thường tếu táo chuyện trên trời dưới biển. Nhiều khi có ông bạn nào đó kể một câu truyện gì đó thấy hay hay, tôi bèn nảy ra ý định ghi nhớ rồi viết lại thành mẩu để đọc chơi lúc trà dư tửu hậu. Tất nhiên là tôi có nêm tý gia vị cho truyện đỡ nhạt.
Có khi bất chợt gặp sự việc, lời nói, hành động của một ai đó gây ấn tượng cho mình, tôi cũng ghi lại, nhiều khi chẳng thêm mắm muối thì tự nó cũng nói được một điều gì đó…
Lại có lúc tôi gặp chuyện gì đó vui buồn về người thân, về bản thân, tôi cũng ghi lại, gửi tâm hồn tình cảm mình trong đó… Âu đó cũng là một cách tự giải tỏa về mặt tinh thần, thể hiện tình cảm suy nghĩ của mình, và xả trét…
Ghi được mẩu nào là tôi lên FB…
Vừa rồi, mấy cụ nhà thơ, nhà văn cộng tác với blog của tôi, khuyên tôi tập hợp những mẩu truyện trên FB thành tập, để đọc chơi cho vui, để cười, để suy ngẫm…
Tôi nghĩ truyện mình viết chẳng qua chỉ là những mẩu nhỏ nhặt để thỏa mãn chính mình, nhưng các bạn văn đã bảo vậy thì tôi liều làm thử xem sao… Trước khi ra tập sách nhỏ, tôi lần lượt đăng lại trên FB xin ý kiến bạn đọc. Mong được bạn đọc quan tâm cho ý kiến, dù chỉ là một like… để tôi quyết định chỉnh lý, bổ sung hay cắt bỏ…
Xin cảm ơn các bạn đã đọc.
TRẦN MỸ GIỐNG
Kỳ 1
ĂN... DẤU HUYỀN
(Sưu tầm và kể)
Hai anh bạn thân lâu ngày mới đến thăm nhau, chủ nhà sai vợ giết gà đãi khách. Khổ nỗi nhà nghèo, có mỗi con gà mái đẻ lấy trứng làm thức ăn hàng ngày, đành phải giết cho chồng đãi khách, chị vợ xót ruột lắm. Thương chồng, chị chỉ giữ lại cái mề gà cho mình, còn bao nhiêu thịt gà luộc đều bày hết ra mâm cho chồng và khách. Hai anh bạn vừa uống rượu, vừa hàn huyên rôm rả. Chị vợ ở trong buồng chờ chồng sai phái. Trước khi ăn, khách đề nghị chủ:
- Nhân có mâm thịt gà luộc, tôi và bác chơi trò ăn dấu cho vui, hỉ?
Chủ bất đắc dĩ hưởng ứng:
- Vâng, thế bác định chơi thế nào?
- Bây giờ thế này, tôi và bác quy định: nếu bộ phận nào của gà có dấu sắc thì nhường bác, còn dấu huyền là của tôi. Bác đồng ý chứ, hỉ?
- Thôi được, tôi đồng ý.
Khách thao thao bất tuyệt:
- Ôi, đùi, đùi là của tôi.
Vừa nói, khách vừa gắp lên bát hai cái đùi gà, xé ăn ngấu nghiến. Trong khi chủ tìm mãi chưa được cái dấu sắc nào thì khách lại reo lên:
- A, đây rồi, lườn, lườn là của tôi.
Khách cầm cả hai cái lườn gà xé ăn ngon lành. Đĩa thịt gà chỉ còn lại cái cánh xương xẩu. Chợt khách phát hiện ra chủ chưa ăn miếng nào, khách nhồm nhoàm bảo:
- Ô kìa, bác ăn đi chứ, đây này, cánh, cánh là sắc của bác đấy. Dấu huyền của tôi chả còn...
Chị vợ trong buồng nghe thế, liền đưa cái mề gà chưa kịp ăn ra cho khách:
- Dạ, em còn một cái dấu huyền, mời bác xơi nốt ạ.
- Dạ, em còn một cái dấu huyền, mời bác xơi nốt ạ.
- !!!
Kì 2:
VÔ TƯ
Trong một lần bù khú với Nhạc sĩ Lê Huy Tập và Nhà thơ Tống Đức Hiển, tôi nghe hai ông liên hoàn đọc bài thơ có tiêu đề là “Vô tư”. Tôi chợt liên tưởng đến hiện thực ở một số cơ quan nhà nước… Vậy là tối về, tôi “sáng tác” thành câu chuyện…
Chuyện rằng:
Thủ trưởng trẻ mới nhậm chức thay thủ trưởng già về hưu. Để tỏ ra là tay chịu chơi và hòa mình với quần chúng, thủ trưởng trẻ mở tiệc buổi tối chiêu đãi toàn bộ công nhân viên chức trong cơ quan. Không khí trịnh trọng nghiêm trang ban đầu nhanh chóng nhường chỗ cho không khí cởi mở thoải mái gần gũi sau lời tuyên bố của thủ trưởng trẻ:
- Thưa anh chị em, tôi mới nhậm chức còn bỡ ngỡ, xin được tất cả ủng hộ. Bữa tiệc tối nay là để chúng ta hòa mình với nhau. Tính tôi thoải mái vô tư. Tiền chi tiệc là tiền chùa. Vậy chúng ta cứ vô tư đi, uống dài dài, lai rai dài dài không hạn chế.
Tiếng vỗ tay rào rào, tiếng mở nút chai bôm bốp, tiếng chạm cốc như súng liên thanh, tiếng cười muốn vỡ phòng tiệc.
Khi các cái bụng thực khách đã chứa đầy sơn hào hải vị và rượu tây rượu ta, các cái đầu đã nóng lại càng nóng thêm, các cái miệng luôn cười khe khé, nồng nặc hơi men. Cậu phụ trách công tác văn hóa văn nghệ cơ quan dùng cái xương đùi gà vừa gặm hết thịt gõ cheng cheng vào cái đĩa men dùng đựng rau thơm:
- Im lặng! Im lặng nghe tôi nói. Hôm nay tân thủ trưởng cho chúng ta vô tư nhậu, nhậu dài dài bằng tiền chùa, thật là đã quá. Vậy tôi đề nghị ta cùng làm bài ca dao lấy tên là VÔ TƯ để ghi nhớ cái buổi hôm nay. (Vỗ tay). Tôi xin đọc câu mở đầu như vầy:
Vô tư là cái dài dài
Phó thủ trưởng miệng còn đang nhai miếng nẩu dê, trợn mắt nuốt vội, hưởng ứng:
- Tôi xin làm câu tiếp như sau:
Vô đi vô lại sáng mai vẫn còn.
Đến lượt bà trưởng ban nữ công tham gia:
- Thưa các anh, theo kinh nghiệm bản thân, em xin định nghĩa cái “vô tư” thế này.
Nói rồi bà hắng giọng đọc liền hai câu như hát:
Vô tư là cái tròn tròn
Vô đi vô lại vẫn còn... vô tư.
Tiếng vỗ tay rào rào, tiếng mở nút chai bôm bốp, tiếng chạm cốc như súng liên thanh, tiếng cười muốn vỡ phòng tiệc, tiếng tán thưởng “Hay quá! Hay quá!” rền rền.
Cậu phụ trách công tác văn hóa văn nghệ cơ quan lại đập cheng cheng cái xương đùi gà lên mặt đĩa men:
- Bây giờ đến lượt thủ trưởng. Đề nghị tất cả im lặng nghe thủ trưởng tổng kết. Xin trịnh trọng mời thủ trưởng cho lời vàng ngọc.
Thủ trưởng mặt đỏ như gà chọi, miệng líu ríu:
- À... ừ... Đáp lại tấm lòng ủng hộ của anh chị em, tôi tổng kết thế này, e hèm...
Vô tư là cái... vô tư.
Trưởng phòng hành chính cười toác cả miệng:
- Thủ trưởng đã kết luận rồi: “Vô tư là cái... vô tư”. Vậy tôi đề nghị:
Đã vô tư, cứ từ từ mà vô...
Tiếng vỗ tay rào rào, tiếng mở nút chai bôm bốp, tiếng chạm cốc như súng liên thanh, tiếng cười muốn vỡ phòng tiệc, tiếng tán thưởng “Hay quá! Hay quá!” rền rền.
Tiếng la hét “Cứ từ từ mà vô” điệp khúc...
Cứ từ từ mà vô... đến sáng.
Cứ từ từ mà...
Cứ từ từ...
Cứ từ...
Cứ…
Kì 3:
CÁI GIẺ LAU
Nhà văn Trần Quốc Tiến có nhiều bài viết trên báo Văn nghệ và một số báo, tạp chí khác về chủ đề chống tham nhũng rất sắc sảo. Nhân về thăm nhà văn (tại làng Địch Lễ, xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định), tôi hỏi ông:
- Thưa nhà văn Trần Quốc Tiến, đọc các bài viết chống tham nhũng của ông, tôi rất thích vì nó thường ngắn gọn mà súc tích. Nhưng hình như ông chưa chú ý lý giải vì sao cái nạn tham nhũng càng chống lại càng... tham nhũng hơn? Ông có dự định viết về điều này không?
Trần Quốc Tiến sôi nổi:
- Có chứ! Ông nghe tôi kể về... cái giẻ lau nhé.
Nhà văn vừa mời chúng tôi uống trà, vừa hắng giọng kể câu chuyện tưởng như chẳng ăn nhập gì tới câu hỏi của chúng tôi:
- Một lần, tôi sai thằng cháu nội lau cái bàn viết. Nó lau đi lau lại mà cái bàn vẫn không sạch. Nó bảo tôi: “Ông ơi, cái bàn của ông bẩn quá nên cháu lau mãi mà vẫn không sạch?” Thì ra cu cậu lau bằng cái giẻ lau bẩn. Tôi liền bảo cháu: “Cháu lau mãi mà bàn vẫn bẩn, không phải tại cái bàn, mà chính là tại cái giẻ lau của cháu bẩn”. Cháu tôi hiểu ra, nó liền thay bằng cái giẻ lau sạch, và tất nhiên là cái bàn cũng được lau sạch.
Tệ tham nhũng làm bẩn xã hội, cần phải có những cái giẻ sạch để lau đi. Chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được tệ tham nhũng là vì chúng ta còn dùng những cái giẻ lau bẩn. Bốn quan thanh tra tỉnh Nam Định bị bắt quả tang nhận hối lộ 40 triệu đồng mà gần đây báo chí phanh phui là những cái giẻ lau bẩn. Còn bao nhiêu cái giẻ lau bẩn hơn mà chúng ta chưa biết hoặc chưa xử lý đến nơi đến chốn?
Chuyện cái giẻ lau của nhà văn Trần Quốc Tiến thật giản dị và dễ hiểu. Tôi trầm trồ:
- Chuyện của ông như là chuyện ngụ ngôn hiện đại ấy. Chống tham nhũng trước hết phải chống bẩn cho những cái giẻ lau, phải không ông?
Trần Quốc Tiến khẳng định:
- Đúng vậy! Một trong các biện pháp hàng đầu chống tham nhũng là phải lựa chọn kỹ càng và thường xuyên làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra, những người được nhà nước trao cho trọng trách làm trong sạch xã hội. Giẻ có sạch thì mới lau sạch được bẩn. Đúng không?
Tôi chỉ còn biết tán đồng:
- Đúng thế!
Kì 4:
SỐNG LẠI ĐỂ… NGHE VĂN
Nhà văn Trần Quốc Tiến - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là người có khiếu văn thơ từ nhỏ. Anh được rất nhiều bạn đọc nông dân mến mộ không chỉ vì anh là nông dân tự học thành tài, mà còn vì những tác phẩm của anh viết về nông thôn rất hấp dẫn.
Làng bên có cụ Ngô Đức, một người thông thạo chữ Hán rất hâm mộ văn của Trần Quốc Tiến. Năm ngoài tám mươi tuổi bị ốm nặng, cụ sai con trai mời Trần Quốc Tiến đến nhà để cụ thưa chuyện. Khi Trần Quốc Tiến đến, cụ trình bày nguyện vọng:
- Trước khi từ giã cõi trần, tôi muốn được anh viết cho bài điếu để tôi sai con cháu sao thành hai bản, một bỏ vào quan tài, một để vào khám thờ tôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, mong anh giúp cho.
Nhà văn vui vẻ nhận lời. Nhưng công việc cuốn hút, lại nghĩ chắc cụ Ngô Đức chưa vội quy tiên đâu nên Trần Quốc Tiến lần khân rồi quên khuấy đi. Một buổi trưa, Trần Quốc Tiến được tin cụ Ngô Đức vừa qua đời. Nhà văn hốt hoảng như rụng rời tay chân. Anh lao vào bàn, xé vội hai tờ giấy vở học sinh, cầm bút viết lia lịa trong niềm ân hận, vừa viết vừa khóc. Viết xong, anh chạy ngay sang nhà cụ Ngô Đức, xin người nhà dừng khóc và nhường lối cho anh vào bên giường cụ nằm. Anh vái cụ hai vái, rồi xin đọc bài điếu cho linh hồn cụ nghe. Khi đọc được một phần ba bài điếu, anh thấy hình như cụ chớp mắt. Đọc được nửa bài, bỗng nghe cụ nói thành tiếng “Hay lắm”. Nghe xong bài điếu, cụ yêu cầu sửa lại số lượng con cháu cho đúng thực tế, vì bài điếu nói chưa đủ. Sau này người nhà kiểm tra lại thì hoá ra số liệu con cháu do con trưởng cụ cung cấp là sai, số liệu cụ yêu cầu sửa mới là đúng. Nhà văn kính cẩn nâng đầu cụ dậy, đặt bài văn xuống gối. Cụ thì thào:
- Cảm ơn! Anh ở lại, tôi đi .
Nói xong, cụ nhắm mắt rồi đi hẳn.
Chuyện người chết sống lại để nghe văn lần đầu tiên tôi được biết. Tôi rất tin chuyện này là có thực, vì tác phẩm văn học nghệ thuật có sức truyền cảm rất mạnh. Nếu ai không tin, cứ về xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định, hỏi chính nhà văn Trần Quốc Tiến, hoặc hỏi con cháu cụ Ngô Đức thì sẽ rõ.
Kì 5:
PHẢI LÒNG… BÀI THƠ “PHẢI LÒNG”
Nguyễn Thị Kim Ngân- cô giáo dạy toán Trường THCS Phùng Chí Kiên (Tp. Nam Định) là tác giả có thơ được in trong một số tuyển thơ. Tập “Bến đợi” của cô do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2005 được bạn đọc quan tâm tìm đọc.
Ông Trần Minh là một bạn đọc lâu năm của thư viện tỉnh Nam Định, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ông rất thích bài thơ “Phải lòng” của Nguyễn Thị Kim Ngân. Nguyên văn bài thơ như sau:
Sớm nào thả bước trên đê
Bên anh bỗng thấy say mê tình đời
Dưới sông thuyền cứ êm trôi
Trên bờ hai đứa - hai người lang thang
Cánh cò chấp chới bay ngang
Mặt trời nghiêng nắng nhuộm vàng mặt sông.
Cớ sao sông cứ lượn vòng?
Để con đê - Kẻ phải lòng... lượn theo?
Ông Trần Minh cứ đọc đi đọc lại hai câu kết của bài thơ “Cớ sao sông cứ lượn vòng / Để con đê - Kẻ phải lòng... lượn theo?” Rồi ông ngắm kỹ bức hình tác giả - một cô gái xinh như mộng in ở đầu bài thơ, càng ngắm càng mê mẩn. Ông liều gọi điện thoại xin được làm quen với Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông như mở cờ trong bụng khi Nguyễn Thị Kim Ngân nhận lời tới thăm và tặng thơ cho ông. Thế rồi chờ mãi không thấy Nguyễn Thị Kim Ngân đến, ông bức bối trút sự oán trách trong lòng bằng bài lục bát có tên là “Nỡ nào” như sau:
Thơ em thương đến là thương
Yêu thơ nên phải đánh đường tìm... em.
Nỡ nào em hẹn rồi quên
Mặc ai đứng lửa ngồi than... Nỡ nào?
Tình thơ thánh thiện thanh cao
Phải chi ong bướm tầm phào mà e?
Hay là chưa tỉnh cơn mê
Lượn theo dòng chảy, đê về nơi đâu?
Một mai sông tới biển sâu
Còn riêng đê với khối sầu... giống ai.
Ông chưa kịp gửi thơ đi thì Nguyễn Thị Kim Ngân bất ngờ xuất hiện và tặng ông tập thơ vừa xuất bản. Thế là mọi bức bối trong lòng ông tan biến đi.
Tôi trêu ông:
- Hay là ông phải lòng tác giả bài thơ “Phải lòng” rồi?
Ông cười thật hiền :
- Đâu có! Mình phải lòng bài thơ “Phải lòng” đấy chứ!
Một bài thơ nhỏ mà làm xao động tâm hồn ông già ngoài 60 tuổi. Sức truyền cảm của văn học thật mạnh mẽ.
Kì 6:
THI CUỒNG TRƯỜNG LOẠN – HỘI NÁT CƠ TEO
Nhân dịp về thăm quê được mời dự buổi sinh hoạt bình thơ đầu xuân của Câu lạc bộ hưu trí xóm, tôi tặng các cụ cuốn tạp chí Văn Nhân, trong đó có đăng vế mời đối của tác giả Đỗ Thanh Dương như sau:
Người văn nhân làm báo Văn Nhân, Nhân hòa Văn sáng
Tôi đề nghị các cụ hưởng ứng đối cho vui. Cụ Trần Khắc Cánh – một cây bút thơ được các bạn thơ xếp loại là “nhà thơ xóm” nêu ý kiến trước:
- Kính thưa các cụ! Các cụ đều biết là tình trạng mất đoàn kết trong lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ta kéo dài nhiều năm. Gần đây lại lùng bùng chuyện xét Giải thưởng Văn học Nghệ thuật định kỳ 5 năm mà nhiều tờ báo đã phản ánh... Như thế là nhân chưa hòa. Nhân chưa hòa thì văn làm sao mà sáng được. Vậy tôi xin cứ lấy cái thực tế ấy mà nhại lại vế xuất đối của tác giả Đỗ Thanh Dương như sau:
Thơ trường thi tự thưởng Trường Thi, Thi cuồng Trường loạn
“Nhà thơ xã” Trần Hùng Thắng tiếp lời:
- Vâng! Đúng như cụ Trần Khắc Cánh đã phát biểu, “nhân hòa văn sáng” vẫn còn là mục tiêu phấn đấu, tức là còn ở thì tương lai đối với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ta. Vậy vô phép các cụ, tôi xin lấy cái thực tế ấy để nhập đối hưởng ứng tác giả Đỗ Thanh Dương.
Nói đoạn, “nhà thơ xã” hắng giọng rồi trịnh trọng đọc vế nhập đối của mình như sau:
Phường cơ hội kéo bè Cơ Hội, Hội nát Cơ teo
Tôi hết sức bất ngờ là dường như ngay lập tức các cụ hưu xóm tôi đã nắm bắt được mã khóa câu mời đối của nhà nghiên cứu văn học Đỗ Thanh Dương, từ lối chơi chữ đồng âm khác nghĩa, khác âm đồng nghĩa, đến lối chiết tự ghép thêm định ngữ. Khẩu khí các cụ đúng là của con cháu cụ Tú Xương.
Khi các cụ “xin ý kiến của nhà nghiên cứu cấp tỉnh để được mở rộng tầm mắt” thì tôi chỉ còn biết chắp hai tay vái các cụ, miệng lắp bắp: “Bái phục! Bái phục! Bái phục!”.
Kì 7
GIAI THOẠI HOÀNG DƯƠNG CHƯƠNG
Hoàng Dương Chương là nguyên mẫu của một số ký sự và truyện "Dũng sĩ diệt cá sấu" mà một thời được bạn đọc nhỏ tuổi say mê. Hiện ở bảo tàng đặc công rừng Sác có bức tượng dũng sĩ diệt cá sấu đề rõ tên tuổi anh. Anh còn là tác giả hàng trăm bài nghiên cứu đăng báo chí, đồng tác giả trên chục công trình nghiên cứu và sách đã xuất bản, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng ban thanh tra Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định. Tôi đã viết bài dựng chân dung anh đăng nhiều báo, tạp chí. Xin kể hai giai thoại về anh:
1 - CHỈ CÓ MỘT CÁI CHƯA BIẾT
Ông HV là một tác giả "tầm tầm" cỡ địa phương có tính rất thích khoe sự hiểu biết của mình. Một lần đi cơ sở, ông ta thao thao bất tuyệt hết chuyện trên trời đến chuyện dưới biển, không còn để cho ai nói chen vào được. Quan khách nói đến lĩnh vực nào ông cũng tham gia bàn luận say sưa, tỏ ra hiểu biết hơn người.
Trong số những người phải ngồi "chịu trận" trước ông HV có nhà nghiên cứu - phê bình văn học Thạc sĩ Hoàng Dương Chương tình cờ cũng đi điền dã ở cơ sở đó. Chờ cho ông HV nói chán chê rồi, Hoàng Dương Chương mới nhận xét:
- Thưa ông, quả là cái gì ông cũng biết, nhưng có một cái hẳn ông chưa biết.
Ông HV ngạc nhiên:
- Cái mà tôi chưa biết là cái gì?
Hoàng Dương Chương thẽ thọt:
- Thưa, cái mà ông chưa biết chính là cái ông không biết mình chưa biết cái gì.
- !!!
2 - KHÔNG CHẤP
Hoàng Dương Chương thường được mời vào Ban giám khảo các cuộc thi về nhiều lĩnh vực ở địa phương. Một lần, Hội đồng nghệ thuật tỉnh N. gặp khó khăn trong việc xét giải thưởng thường kỳ cho một tác phẩm hiện có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau, bèn mời anh thẩm định giúp để tham khảo. Bản thẩm định của anh đã có tác động mạnh tới các thành viên Hội đồng nghệ thuật. Kết quả là tác phẩm đó (được Hội đồng nghệ thuật cơ sở đề xuất loại A) đã bị hạ xuống loại C. Trong khi dư luận bạn đọc đồng tình với nội dung bản thẩm định của anh thì tác giả của tác phẩm bị hạ loại lại phản đối quyết liệt bằng đơn thư kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và thơ văn nặc danh với lời lẽ rất thiếu văn hoá bôi nhọ anh. Thấy anh cứ bình thản, không có phản ứng gì trước việc người ta bôi nhọ mình, tôi hỏi:
- Là nhà nghiên cứu - phê bình văn học có uy tín của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà anh lại để yên cho cái tay học vấn chưa qua phổ thông nó điên cuồng bôi nhọ mình là làm sao?
Anh điềm tĩnh trả lời tôi bằng một câu hỏi làm tôi "ớ" người ra:
- Thế ông bảo tôi có nên chấp với một kẻ điên khùng không?
- !!!
- !!!
Kì 8
SỜ... XỜ...
(Sưu tầm và biện soạn)
Cô giáo miền xuôi lên công tác ở miền núi. Cô giảng mãi mà học sinh vẫn không phân biệt được S với X. Một đồng nghiệp bảo:
- Đối với trẻ em dân tộc thiểu số thì phải dùng hình tượng chúng mới hiểu được.
Cô cho là phải, bèn nghĩ ra cách dạy dễ hiểu hơn. Hôm sau lên lớp, cô vừa viết chữ S thường lên bảng vừa nói:
- Chữ S trông giống con chim, trên là đầu, dưới là đuôi, cái bụng vòng bên phải. Đúng chưa nào?
Cả lớp đồng thanh:
- Thưa cô, đúng ạ!
Cô lại viết chữ X thường lên bảng và hỏi:
- Chữ X trông giống con gì nào?
Một học trò thưa:
- Thưa cô chữ X giống con bướm ạ!
Cô giáo khen:
- Đúng rồi! Em giỏi lắm! Vậy các em đã phân biệt được chữ S với chữ X chưa nào?
Cả lớp đồng thanh trả lời:
- Thưa cô, rồi ạ! S giống con chim, X giống con bướm ạ!
Đến giờ chính tả, cô vừa đọc đến từ “sản xuất” thì một học sinh rụt rè hỏi:
- Thưa cô, “sản xuất” phải viết... sờ chim hay xờ bướm ạ?
- !!!
Kì 9
PHÊ BÌNH MỀM DẺO
Anh là nhà nghiên cứu phê bình văn học có danh. Khi nghe tôi đọc câu: “Trông thấy em, anh chỉ muốn vào tù”, anh liền hỏi:
- Cậu đọc cái gì vậy?
Tôi bảo:
- À, em đọc câu thơ của một nhà thơ Việt Nam, lãnh đạo tòa soạn ta đấy ạ.
- Thế à? Thằng này chắc còn ngồi ghế lãnh đạo tòa soạn lâu đây.
- Anh thấy câu thơ này thế nào ạ?
- Hay! Rất hay! Câu thơ tả gián tiếp một cách tế nhị cái đẹp của “em” – cô gái biu-ti-phun - đẹp đến nỗi tác giả mới vừa nhìn thấy đã ngưỡng mộ, say mê, ham muốn đến bất chấp tất cả. Để được chiếm đoạt cô, tác giả sẵn sàng chịu hình phạt cao là vào tù, mà còn rất “muốn vào tù” nữa thì chứng tỏ cô gái đẹp đến mê hồn thế nào… Câu thơ còn thể hiện được một nét tâm lý phổ biến của đàn ông đối với cái đẹp khác giới… Giỏi! Giỏi!
*
Ba năm sau, tôi lại đọc lại câu thơ “Trông thấy em anh chỉ muốn vào tù” để nhâm nhi thưởng thức cái đẹp của cô gái và tài năng của tác giả mà nhờ anh truyền cho hiểu biết và cách thẩm định. Anh la lớn:
- Thô thiển! Thô thiển! Không có một tí chất thơ nào! Chỉ có những thằng tâm thần mới muốn vào tù vì một cô gái, mà cái cô gái ấy đẹp xấu thế nào cũng chưa biết. Thơ thằng ấy như cứt. Một thằng chỉ giỏi thủ đoạn man trá cầu danh cầu lợi, lợi dụng quyền chức tranh giành giải thưởng với anh em thì làm sao có thơ hay được… Nó bị trên cách chức là quá đúng!
Tôi ngạc nhiên:
- Ơ, câu này anh đã bình cách đây ba năm…
Anh cắt lời tôi:
- Phê bình mà nguyên tắc cứng nhắc máy móc như cậu thì chỉ có… gẫy. Phải biết phê bình mềm dẻo, bám sát thực tế. Thực tế luôn biến đổi, ngày hôm nay khác ngày hôm qua. Phê bình mà xa rời thực tiễn thì sẽ bị đào thải. Rõ chưa?
- !!!
Kì 10
MỘT CUỘC THI HOÀN HẢO
Hội những người yêu thơ tỉnh tổ chức một cuộc thi sáng tác, đọc - bình thơ để khuấy động phong trào sáng tác và thưởng thức thơ. Thể lệ đại để là: Tất cả các công dân có hộ khẩu trong tỉnh đều có quyền dự thi. Mỗi thí sinh gửi dự thi từ 1 đến tối đa 5 bài thơ, bài dài không quá 30 câu. Ban giám khảo sẽ căn cứ vào số lượng lượt người đọc và bình thơ của từng bài để xếp loại trao giải cho tác giả.
Kết quả cuộc thi được công bố:
- Sau một tuần phát động, ban tổ chức đã nhận được 5.000 bài thơ, bài nào cũng đủ 30 câu, của 1.000 tác giả gồm đủ các thành phần trong xã hội: Công nhân, nông dân, trí thức, quan chức, nhà thơ các cấp (toàn quốc, tỉnh, huyện, làng, xóm, phường, xã…)
- Qua ba tháng tích cực làm việc, với tinh thần vô tư công bằng chính xác, ban giám khảo đã quyết định: Trao đồng giải Nhất (không có giải nhì và các giải khác) cho 1.000 tác giả có 5 bài dự thi, mỗi bài đều có một lượt người đọc và một lời bình có cánh…
Một bữa tiệc lớn mừng cuộc thi thành công mỹ mãn do các tác giả tự nguyện đóng góp được tổ chức ở nhà hàng sang nhất tỉnh. Ban giám khảo và các tác giả ai nấy đều hân hoan…
Thật là một cuộc thi hoàn hảo!
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét