Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

NHẬT KÝ ĐI VIỆN MỔ THÁO NẸP ĐINH XƯƠNG ĐÒN / Trần Mỹ Giống





Tầm này năm ngoái (6-9-2017) mình bị tai nạn xe máy gẫy xương đòn, phải mổ nẹp sắt đóng đinh. Nằm viện 8 ngày, về kiêng đi xe đạp ba tháng. Bác sĩ hẹn 1 năm sau vào mổ tháo nẹp gỡ đinh…


11 - 9 - 2018

Ăn sáng cơm ruốc hoặc miến cà chua thịt băm mãi cũng chán, vợ đi mua cho đĩa bánh cuốn chả ở quán đầu ngõ. Lâu không ăn bánh cuốn, ngon miệng ăn hết đĩa bánh vẫn còn thòm thèm.
Chợt con gái gọi điện:
- Hôm nay con được nghỉ tiết đầu, lại là ngày tốt (2-8 âm lịch), bố vào luôn viện chờ con đưa đi làm thủ tục mổ gỡ đinh…
- Ừ! Nhưng 11- 8 âm bố phải đi dự đám cưới con gái bác Thi Thường, 14 – 8 về quê giỗ bác Vượng gái, 21 – 8 về Thái ăn cưới con cậu Sa… có kịp không?
- Thoải mái mà bố. Bố chỉ cần vào người ta mổ 15 phút, xong về luôn ạ.
- Nhanh thế à? Hay quá. Bố đi luôn.
8 giờ đã có mặt ở phòng khám Bệnh viện đa khoa tỉnh. Lấy phiếu khám, rồi vào cửa  phòng 116 chờ con gái. 8 giờ 30 con gái đến làm thủ tục khám xong dẫn bố đi chụp phim, siêu âm, xét nghiệm máu, điện tim đồ… Nhờ bạn của con gái làm trong viện mà các thao tác chụp chiếu, xét nghiệm rất nhanh gọn. Mang kết quả về phòng 116 được bác sĩ dẫn lên Khoa Chấn thương chỉnh hình, bàn giao bệnh nhân cho khoa. Bụng mừng thầm: mọi việc cứ nhanh gọn thế này thì tuyệt quá, mai kia có thể về nhà rồi…
Nhưng… Bác sĩ phòng đón tiếp bệnh nhân tại khoa Chấn thương chỉnh hình chưa xem hồ sơ đã bảo:
- Bác phải mượn quần áo bệnh viện đã chứ!
Con gái bảo:
- Chị không biết. Lúc nãy ở phòng khám, bác sĩ dẫn thẳng bố chị lên đây nên chị chưa mượn được quần áo.
Xem hồ sơ xong, bác sĩ phán:
- Trường hợp của bác không mổ được!
- Tại sao?
- Lượng đường trong máu của bác quá cao, những trên 11 phẩy, không cho phép mổ…
- Mình chưa bao giờ bị bệnh tiểu đường. Sao lại thế?
Con gái bảo:
- Do bố chị không biết nên ăn sáng rồi… lượng đường cao, chứ bố chị không tiểu đường đâu.
- Thế này vậy. Bác về nhịn ăn, sáng mai vào đây chúng cháu thử máu lại…
- Đành vậy.

12 – 9

7 giờ đã có mặt ở phòng đón tiếp bệnh nhân. Bác sĩ bận giao ban, 8 giờ 30 mới có người lấy máu… Cô bác sĩ trẻ có cái môi trên vá, nhưng trông cũng xinh, bảo:
- Bác cứ về nhà nghỉ. Bác để số điện thoại lại, cháu sẽ gọi cho bác…
- Cảm ơn cô.
Đầu giờ chiều, con gái gọi điện:
- Bác sĩ gọi điện cho con bảo thử máu lại thì lượng đường trong máu của bố có hơn 7 phẩy thôi, vẫn trong khung mổ được. Họ hẹn bố tầm 5 giờ chiều vào nhập viện để sáng mai mổ ạ.
Mừng quá, 3 giờ chiều đã vào viện, mượn quần áo bệnh nhân và vào phòng đón tiếp. Cô bác sĩ trẻ có cái môi trên vá nhưng trông cũng xinh, bảo:
- Bác vào sớm thế ạ. Thôi bác cứ về nhà tắm giặt, ăn uống đầy đủ rồi tầm 6 giờ tối bác vào nhận giường, nhịn ăn, mai mổ sớm.
Lại khăn gói quả mướp ra bắt tắc xi về nhà. Khổ, đi tắc xi có 3 cây số mà người nôn nao suýt thì ọe ra xe…
6 giờ tối. Con trai cả đi làm về liền lai bố vào viện. Vào thẳng phòng Hành chính, gặp bác sĩ Trưởng khoa. Năm ngoái chính ông bác sĩ Trưởng khoa mổ cho mình. Trưởng khoa hỏi:
- Ông Mỹ Giống phải không?
- Phải ạ.
Ông bác sĩ Trưởng khoa bảo một bác sĩ trẻ:
- Đưa ông về phòng…
Lại về nằm chính cái phòng Cấp cứu mà một năm trước mình đã nằm cái giường số 16 này… Nửa năm sau, ông em trai bị tai nạn gẫy 2 xương cẳng chân cũng nằm chính cái giường này… Và bây giờ mình… Cả đêm thao thức không sao ngủ được. Sao đêm dài quá vậy. Mong trời sáng để được mổ cho nhanh. Cùng phòng có một ông ở Giao Hải, Giao Thủy chờ tháo đinh khớp gối, hai ông tháo đinh tay, một người tháo đinh xương đòn, một người tháo đinh ống xương chân… Tất cả 6 ông già, trẻ được báo chuẩn bị 8 giờ sáng mai lên bàn mổ.

13 - 9

7 giờ sáng, bà xã và các con trai, con gái, con dâu đã túc trực chờ đưa bố đi mổ.
8 giờ. Bác sĩ nam trung niên cầm tập hồ sơ bệnh án đến phòng cấp cứu gọi to tên từng bệnh nhân…
- Bác Trần Mỹ Giống.
- Có! – Mình kêu to như hồi điểm danh trong quân đội.
- Các bác theo tôi đến phòng mổ.
- Rõ!
6 bệnh nhân hàng một kéo theo một đám đông người nhà phục vụ hành tiến về phòng mổ. Ti cửa phòng mổ, mấy bác sĩ mổ mặc áo bờ lu xanh ngăn người nhà lại, đưa bệnh nhân vào phòng mổ.
Trước khi lên bàn mổ, mỗi bệnh nhân đều được truyền một chai nước thuốc.
Bác sĩ đeo giây đo huyết áp vào tay trái mình, rồi lấy vải xanh che kín cả người cả mặt người bệnh, chỉ chừa vai trái để mổ. Trong khi bác sĩ chuẩn bị điều chỉnh cột đèn chùm (ấy là mình nghe tiếng xê dịch chân đèn và người nói mà đoán thế) thì mình nhắm mắt lắng nghe máy đo huyết áp cứ bơm hơi, xả hơi theo chu kỳ… Hình như có cục bông bôi nước lên khu xương đòn trái làm da mình nóng bỏng…
- Sáng nay cụ có ăn uống gì không?
- Không!
Nhói. Hình như lưỡi dao mổ nháy xuống thịt chạm vào nẹp sắt nghe tiếng “cạch”. Hơi rùng mình.
- Cụ có uống gì không?
- Có uống một viên hạ huyết áp.
- Đấy, là cụ có uống chứ! Cụ uống nhiều không?
- Uống một ít nước lọc…
Roẹt… roẹt… Hình như lưỡi dao mổ cắt ngược lên như rọc giấy… Lại cảm giác nắm bông ướt chùi qua chùi lại theo vết mổ nóng bỏng da…
- Chưa được… chỗ này còn… - Tiếng một bác sĩ.
- Được… - Bác sĩ mổ trả lời.
  Lại một riếng roẹt nữa… Chỗ mổ hơi đau. Chỉ hơi đau mà mình cứ sợ, đã lên gồng ngay từ đầu, hóa ra không cần thiết. Thế là mình mơ mơ màng màng thiu thiu…
- Cụ phải thức nhé! Cụ thở đều nào…
Không biết bác sĩ tháo ốc vít ra sao mà cảm thấy như ta dùng tô vít xoáy mũ đinh vít. Lần đóng đinh năm ngoái, nghe tiếng ốc vít xoáy vào xương như người ta khoan đinh vào tường. Lần này chỉ cảm thấy ốc được xoáy ra mà không nghe tiếng kêu. Mỗi khi một cái ốc vít được xoáy ra khỏi xương thì tự nhiên cả vai và tay mình bỗng co giật lên một cái, tê tê… Cái tê tê không hề khó chịu. Tất cả 6 lần tay vai giật lên như vậy. Hình như bác sĩ cầm dao mổ gõ lên mảnh nẹp sắt phát ra những tiếng cạch cạch cạch… Rồi lại có cục bông chùi đi chùi lại… Bắt đầu kim khâu móc vào hai bên vết mổ…
- Xong! Nào đưa cụ xuống giường…
Mình đang mơ màng thì giật mình: Đã xong rồi cơ à. Nhanh phết!
Chờ chai nước truyền hết, bác sĩ lại truyền tiếp cho mình chai thứ hai… Mình có bệnh tiểu nhiều lần. Bắt đầu buồn tiểu. Thót hậu môn lại để kìm cơn mót tiểu. Trời ạ, chờ hết chai nước này thì mình tè ra quần mất… May sao bác sĩ đã gọi người nhà ra cửa đón bệnh nhân về buống bệnh.
  Các con vừa đưa bố về đến buồng cấp cứu, mình nhỏm dậy định vào nhà vệ sinh thì bác sĩ trực phòng, một cô trung niên có khuôn mặt bầu, người hơi béo béo, ngăn lại:
- Không được! Yêu cầu bệnh nhân nằm im. Vừa gây mê tủy sống đã dậy, nhỡ bệnh nhân gục xuống trong nhà vệ sinh chúng tôi không chịu trách nhiệm.
- Nhưng bố em có bệnh tiểu đêm… - Con dâu bảo bác sĩ.
- Thế thì mua con vịt cho bệnh nhân tiểu tại giường.
Trời ạ. Khổ! Mình cảm thấy khỏe, chả cần gì phải tiểu tại giường. Lại cố lên gồng, thót hậu môn…
  Con dâu mua con vịt về. Con trai bảo bố nằm nghiêng tiểu vào con vịt. Nhưng mà giữa chỗ hơn ba chục bệnh nhân và người nhà chen chúc trong phòng, xấu hổ, tiểu làm sao được. Hơn nữa nó cứ rụt như chui tuột vào bụng, kéo mãi nó ngoan cố chẳng chịu ra thì làm sao đút nó vào mỏ con vịt mà tè được. Trời ạ. Không có cái khổ nào bằng cái khổ này…
Thót hậu môn, thót hậu môn… Chờ cho các bác sĩ ra hết khỏi phòng, mình nhỏm dậy bảo con trai kèm vào nhà vệ sinh. Ối trời đất ơi, nước trong bụng nhiều vậy không biết. Chờ 5 phút mới hết. Nhẹ cả người. Sướng thật.
Bác sĩ mặt bầu, người hơi béo béo bảo bà xã mình và các con mình:
- Nên cho bệnh nhân uống sữa và uống thuốc thay cơm. Nếu cần mua thì đến phòng tôi mua.
Con trai bảo:
- Bố em ăn uống bình thường, không cần đâu ạ.
Buổi chiều. Bác sĩ trực phòng mặt bầu, người hơi béo béo đến bên giường bảo:
- Người nhà thu dọn đưa bệnh nhân về buồng bệnh nhé!
Rồi quay sang gọi một bác sĩ trẻ (Bác sĩ thực tập thì phải):
- Cháu đưa bệnh nhân đến phòng 211 nhé!
Tặng ông cụ bệnh nhân nặng bên cạnh con vịt vừa mua chưa kịp dùng.
Đến phòng 211. Chỉ còn hai giường: Một trong góc cùng không cửa sổ, một ngay trước cửa nhà vệ sinh. Bà xã mình chọn gường trong góc cùng.
Phòng này 11 giường bệnh, người phục vụ và người bệnh ồn ào chật chội, nhếch nhác.
- Phòng vệ sinh bẩn lắm ông ạ. Ông hay đi vệ sinh mà cứ cảnh chầu chực đợi nhau như thế này thì khổ quá.  
- Đành vậy, biết sao giờ.
Đang than vãn thì thấy cô bác sĩ nhỏ nhắn, mặt thanh thoát dễ thương đến bảo:
- Bà thu dọn đưa ông sang phòng 210… Đưa cháu mang đồ cho.
Ừ! Phòng 210 có 5 giường bệnh. Nhà vệ sinh sạch sẽ, có sẵn xà phòng và giấy vệ sinh, vòi hoa sen, vòi xịt, bệ xí trắng phau… chả kém gì vệ sinh của gia đình.
Đêm. Con trai út vào ngủ với bố cho yên tâm. Hai bố con mỗi người một giường vì ít bệnh nhân, thừa giường.
Thì ra bác sĩ nhỏ nhắn, gương mặt thanh thoát đáng yêu là bạn của con gái mình. May thế! Đêm ngủ ngon.

14 – 9 

Sáng sớm, gặp bác sĩ Trưởng khoa. Ông bảo:
- Xương liền, vết mổ của ông rất tốt. Chỉ cần uống thuốc. Ông yên tâm.
- Vâng! Lần này tôi không thấy đau. Người cảm thấy khỏe khoắn bình thường. Không sốt… Xin bác sĩ cho ra viện sớm ạ.
- Thôi ông đợi đến thứ hai. Tôi bảo các bác sĩ phát thuốc bốn ngày cho ông về nhà. Thứ hai ông vào thay băng và làm thủ tục ra viện.
- Thế thì hay quá. Cảm ơn bác sĩ.
Bác sĩ nhỏ nhắn, gương mặt nhẹ nhõm thanh thoát bảo:
- Ông sang phòng tiêm cháu thay băng cho. Thuốc thì chiều mới có. Cháu vay trước cho ông về nhà. Thứ hai, 8 giờ 30  ông vào thay băng…
- Thứ hai tôi vào chiều làm thủ tục xuất viện luôn. Cảm ơn bác sĩ.
Hai con trai thu xếp cho bố về nhà.
Về đến nhà:
- Mới đi có một tuần mà thấy lâu quá bà ạ. Thằng đích tôn nó cứ nhìn tôi chằm chằm, như là nó không nhận ra ông nội bà ạ…
- Đâu mà một tuần. Ông mới mổ hôm qua mà… - Quay sang thằng cháu - Ông đâu Tôm? Ông mình đây này…
- Ừ nhỉ! Già lẩm cẩm mất rồi…
Thằng Tôm lúc này mới nhận ra ông nội, toét miệng cười.

17 - 9

Sáng vào viện nhận thuốc ngày cuối trước khi ra viện và thay băng. Vào phòng thay băng, bị cô ý tá mời ra ngoài chờ. Hai lần vào lại bị mời ra để họ thay băng cho bệnh nhân khác ở phòng 217 trước.
Nhìn cô bác sĩ nhỏ bé, gầy, xanh, hai mắt quầng thâm như mất ngủ thường xuyên thì nhớ ngay đến lần nằm viện năm ngoái. Cũng chính cô bác sĩ này một lần đã thay băng cho mình. Khi kiểm tra vết mổ của mình, bác sĩ Trưởng khoa đã quát cô bác sĩ này. Cô ta không hề nặn dịch mủ vết thương ra mà chỉ tháo băng cũ, thay luôn băng mới. Bây giờ nhờ cô này thay băng thì không tin tưởng. Vậy là điện hỏi con gái: “Cô bác sĩ bạn con tên là gì. Con gái bảo: “Tên là An bố ạ. Mình liền đến các phòng tìm cô An. Gặp cô An ở phòng tiếp đón bệnh nhân. Bác sĩ An niềm nở, nhiệt tình dắt mình sang phòng thay băng và thao tác luôn. Khi bác sĩ chọc kim nặn dịch, mình cảm thấy rõ dịch chảy thành dòng xuống vai ra lưng, Bác sĩ lau sạch và băng lại.
- Xong rồi bác ạ. Bây giờ bác về. Cháu ký nhận hồ sơ thay cho bác khỏi phải chờ đợi. Chiều bác bảo ai vào thanh toán và lấy thẻ bảo hiểm cho bác… À, bác nhớ là kiêng đi xe đạp xe máy, không mang xách vật nặng ba tháng cho xương liền hẳn các lỗ đinh, không nó gẫy lại thì khổ lắm bác ạ.
- Cảm ơn cô.
Chợt nhìn thấy cô bác sĩ phụ trách phòng tiêm và thay băng, người to béo, mặt bầu thô, đôi mắt to, đang ngồi trên ghế giáp tường. Cô này nhìn bác sĩ An bằng con mắt lòng trắng chiếm ưu thế vượt trội so với lòng đen, … Mình đi vội ra khỏi phòng.

3 giờ chiều vào Phòng hành chính lấy giấy ra viện.
- Phải nộp bao nhiêu tiền viện phí hả bác sĩ?
- Bác được bảo hiểm 100% nên bác chỉ phải nộp 52 nghìn đồng tiền xét nghiệm HIV vì khoản này Bảo hiểm không chi trả ạ.
- Đây ạ. Cảm ơn các bác sĩ.

Giấy ra viện dặn: 2 ngày thay băng một lần. Sau 12 ngày mới cắt chỉ.
Con dâu cả cầm đơn thuốc đi mua thêm 5 ngày thuốc cho bố uống đủ 10 ngày.

Vậy là đợt đi “công việc riêng” như thông báo với bạn bè trên FB đã kết thúc tốt đẹp.

TMG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét