Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

TRAO ĐỔI ĐÔI ĐIỀU VỀ LÀNG TRÀ LŨ / Trần Mỹ Giống

 


 

       Một số cụ đồng hương, đồng nghiệp, bạn Fb có hỏi và yêu cầu tôi trả lời một số vấn đề về làng Trà Lũ. Tổng hợp câu hỏi của các cụ lại tập trung ba vấn đề sau:

 

1-    Cụ Trần Văn Tuấn ở Trà Lũ Trung hỏi:

 

       - Báo Nam Định điện tử ngày 11 – 6 – 2021 có bài “Làng Trà Lũ xưa – vùng quê mang đậm giá trị văn hóa truyền thống” của tác giả Khánh Dũng có đoạn viết:

       “Theo “Trà Lũ xã chí” – sách chữ Hán do Nhĩ Khê cư sĩ Lê Văn Nhưng biên soạn (Đỗ Hữu Trác dịch) thì địa danh Trà Lũ có từ năm 1533 do người dân từ làng Phượng Lũ (Hưng Yên) đến khai phá vùng ven biển Giao Thủy lập làng và đặt tên là Trà Lũ để ghi nhớ nguồn gốc quê quán của mình…”

       - Xin hỏi cụ: Làng Trà Lũ có phải là do dân Phượng Lũ (Hưng Yên) di cư về thành lập không?

 

2-    Cụ Trần Hoài Ngọc hỏi:

 

“Tôi mới được đọc một bản thảo của một tác giả có viết câu truyền ngôn của dân Trà Lũ như sau:

“Chữ Phượng đổi lấy chữ Trà

 Còn một chữ Lũ để mà làm ghi.”

 Tôi cũng đọc một số bài của cụ viết lại chép là:

“Chữ Kim đổi lấy chữ Trà

Còn một chữ Lũ để mà làm ghi.”

Vậy câu nào đúng?

 

3-    Đồng nghiệp Trung Nghĩa, Nam Sơn… hỏi:

 

Rốt cục, Trà Lũ do dân Kim Lũ hay Phượng Lũ di cư thành lập? Nếu là Kim Lũ thì là Kim Lũ (Hà Nội) hay Kim Lũ (Hưng Yên)?

 

TRẢ LỜI:

 

Xin phép được trả lời chung ba câu hỏi của các cụ như sau:

- Xin nói ngay: cụ Lê Văn Nhưng không hề khẳng định trong “Trà Lũ xã chí” rằng Trà Lũ do dân Phượng Lũ di cư thành lập. Bằng chứng là: Ngay từ những dòng đầu tiên của cuốn “Trà Lũ xã chí” cụ đã viết:

“Có người hỏi Nhĩ Khê tôi rằng: Làng Trà Lũ được lập từ khi nào? Đến nay là bao nhiêu năm? Nhĩ Khê tôi xin thưa rằng: Xã xưa không có Chí để lại, nên không thể biết rõ, chỉ có thể suy đoán thôi…”

… “Tương truyền rằng: Xã ta có từ thời Lê Hồng Đức thì cũng xấp xỉ con số ấy. Lại nói: từ Phượng Lũ di cư tới. Nhưng cũng không biết được đích xác như vậy.”…

Rõ ràng tác giả “Trà Lũ xã chí” không hề khẳng định mà chỉ viết lại lời người khác nói và ông cũng bảo không biết được đích xác như vậy.

Tôi có hỏi ý kiến dịch giả Đỗ Hữu Trác, người Trà Lũ Bắc, hiện sống ở Hà Nội, là tác giả dịch cuốn “Trà Lũ xã chí” thì được cụ trả lời:

“…cụ Cử Nhưng chỉ nhắc 1 câu là "có người nói làng ta từ Phượng Lũ di cư tới, nhưng cũng không khẳng định được như vậy."

Tóm lại: Tác giả bài báo trên đọc mà không hiểu đã viết sai ý tác giả “Trà Lũ xã chí”. Bài báo đã đổ oan cho cụ Cử…

 

- Vậy làng gốc của Trà Lũ là làng nào, ở đâu? Kim Lũ (Hà Nội) hay Kim Lũ (Hưng Yên)?

 

Một số cụ thế hệ trước tôi đã bỏ công lặn lội tìm kiếm làng gốc quê hương mình nhưng không hề thấy địa danh Phượng Lũ ở đâu. Chỉ có địa danh xã Kim Lũ có ở Hà Nội, Hưng Yên và một số nơi khác.

Tôi tra cứu một số tài liệu về địa danh, đặc biệt là cuốn “Tên làng xã Việt Nam đầu TK XIX (Thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra)” (Dương Thi The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn – của Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, 1981) thấy địa danh xã Kim Lũ có ở nhiều nơi như:

- Tổng Chiêu Lại, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. (Có lẽ nay thuộc Hưng Yên).

- Tổng Xuân Vàn, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây.

- Tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam Thượng. (Nay thuộc Hà Nội).

- Tổng Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. (Nay thuộc Hà Nam).

- Tổng Kim Lũ, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ. (Nay thuộc Nam Định).

- Tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Dực, phủ Thái Bình, Trấn Sơn Nam Hạ. (Nay thuộc Thái Bình).

- Tổng Xuân Lai, huyện Thiên Phúc, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc…

Và một số địa danh tổng, thôn, trang, trại… khác cũng có tên là Kim Lũ. Tuyệt nhiên không có địa danh nào là xã Phượng Lũ.

Tóm lại: Có thể loại trừ xã Phượng Lũ, chỉ còn xã Kim Lũ có thể là làng cũ của Trà Lũ. Nhưng có hai thuyết: Kim Lũ ở Hà Nội và Kim Lũ ở Hưng Yên. Cả hai thuyết này đều chưa tìm thấy cơ sở xác đáng để khẳng định đâu là làng cũ của Trà Lũ. Câu trả lời còn bỏ ngỏ. Các ý kiến cá nhân nói làng gốc Trà Lũ là Kim Lũ (Hà Nội) hay Kim Lũ (Hưng Yên) đều là suy đoán duy ý chí, không có cơ sở khoa học.   

 Cá nhân tôi, vốn họ Trần thuộc dòng Trần Hưng Đạo, có nghiêng về thuyết làng cũ Trà Lũ là Kim Lũ (thuộc Hà Nội ngày nay). Kim Lũ tục gọi Kẻ Lủ hoặc Làng Lủ với ý nghĩa Lủ, Lũ là lụa, tơ… Cũng chỉ là suy đoán mà thôi.

Cụ Đỗ Hữu Trác cũng cho biết: “Kim Lũ (kẻ Lủ) là có thực, thuộc Hà Đông xưa, nay là phường Đại Kim Hà Nội. Nên chữ Lủ - Lũ (lụa, tơ) là có nguyên do ấy. Gốc Kim Lũ ven đô nên dân lắm nghề chế biến, dịch vụ bác ạ.”

 

- Tôi hỏi nhiều cụ cao niên thì đêu nhận được câu trả lời như cụ Đỗ Hữu Trác viết: “Em chưa từng nghe câu "chữ Phượng đổi lấy chữ Trà" bác ạ.”

Từ những điều nêu trên, có thể kết luận câu truyền ngôn có thực ở Trà Lũ là “Chữ Kim đổi lấy chữ Trà…”, chứ không phải câu “Chữ Phượng đổi lấy chữ Trà..” không có thực và khổ độc, phát âm lên nghe trúc trắc như chó hóc xương ấy.

Cụ nào có cơ sở hoặc phản biện xin gửi ý kiến tới trang chủ, tôi đăng lên trang cho sôi nổi ạ.

Kính các cụ sức khỏe.

Trang chủ: TMG.

1 nhận xét:

  1. Xin xem Wikipedia về xã Xuân Phương, gia phả Phan tộc hầu như khẳng định là “Phượng Lũ” ạ: “Bản chi ta ngoại thành Hà Nội/ Phượng Lũ là xã cội quê hương / Thuỷ tổ Chính Niệm đường đường/ Về ngay Trà Lũ Xuân Trường định cư”…

    Trả lờiXóa