Anh Châu Thạch là người Điện Bàn, nói rặc giọng Quảng Nam. Nhưng tôi luôn coi anh là một đồng hương khác quê.
Bởi tự thuở thiếu thời anh theo bố ra sống và lớn lên
tại thị xã Quảng Trị, quê hương tôi. Học trường Nguyễn Hoàng, uống nước gánh từ
sông Thạch Hãn, đọc cọp báo tại hiệu sách Lương Giang, sáng ăn bún mụ Ấm tối
bánh mì chú Hưng, xem cine ở rạp Đại Chúng. Anh đã lớn lên bằng chất liệu Quảng
Trị cho đến lúc tòng quân đeo lon sỹ quan Quân Lực, bôn ba khắp bốn vùng chiến
thuật. Từ trại cải tạo về, anh sinh sống
tại Đà Nẵng, nhập vào cộng đồng lưu dân người Quảng Trị, sinh hoạt các hội đồng
hương, đồng môn và giao lưu với bạn bè hầu hết là người Quảng Trị cùng trang lứa.
Châu Thạch là
người nghiệp dư làm thơ và viết bình thơ. Bình thơ là một thể loại khó, đòi hỏi
phải có kiến thức và một tâm hồn nhạy cảm đủ cảm nhận được sáng tác của người
khác để tái tạo vẻ đẹp của tác phẩm, giúp người đọc thưởng ngoạn tốt hơn. Và
anh đã viết bình thơ nhiều hơn thơ anh làm.
Vừa rồi Châu Thạch có tặng tôi tập thơ Qua Miền Ký Ức, miền ký ức của
Châu Thạch cũng chính là ký ức của những lưu dân Quảng trị sau biến cố 72 đã ra
đi mà chưa hề trở lại.
Mỗi bài thơ của anh là mỗi niềm tiếc nuối về một thị
xã, nơi đã từng lưu giữ biết bao kỷ niệm thời trai trẻ của anh, nay đã biến
thành bình địa, tất cả đã bị chôn vùi dưới lớp bụi phế hưng.
Anh làm thơ như một cách giữ lại chút trầm tích cho
gam màu ký ức:
“Hạt lóng lánh qua miền ký ức
Màu năm xưa soi giọt sương nay
Đời vô thường trơn tuột trên tay
Đá Thành Cổ đỏ rêu màu cháy
Trầm tích của nỗi đau lắng đáy
Niềm vui xưa đã hóa bọt bè
Chút vần thơ phụng nhiến trong veo
Xin vào đọc mở lòng yêu mến”
(Lời tựa)
Thị xã Quảng Trị bé nhỏ, hiền hòa theo năm tháng bên dòng sông Thạch
Hãn, Châu Thạch rất dễ dàng gói trọn hết vào thơ. Tất cả đã được đánh thức bởi
những câu thơ đẹp như:
"Áo trắng bồng bềnh
Con phố nhỏ mờ sương"
hay:
"Gió tự Nhan Biều gió thổi qua
Thơm như hoa cúc hương hoa cà"
(Em Nhan Biều)
" Em Như Lệ Mắt chưa hề vướng lệ
Chỉ trời thu xanh biếc dưới hàng mi"
(Em Như Lệ)
Hình ảnh của một ngôi trường mang tên chúa Tiên nay không còn nữa
được tái hiện bằng những lời mộc mạc:
“Có những chiều xưa trống điểm vang
Phố xưa Quảng Trị trường Nguyễn Hoàng
Bao cô thiếu nữ tan giờ học
Dạo bước vui chơi chẳng vội vàng"
(Chiều Tím)
Và sau đây là một hồn thơ đầy ma lực, làm thức dậy ngôi Thành Cổ vốn
đã ngủ yên từ mấy trăm năm:
"Và bóng ai đi dưới Cổ Thành
Chân chim từng bước gợn âm thanh
Mơ hồ tiếng nhạc qua đường vắng
Gõ cả tim người lặng lối xanh"
(Dáng Xưa)
Đọc Qua Miền Ký Ức của Châu Thạch, ta cảm
thấy dường như tác giả đã bỏ quên con sông chảy qua thị xã Quảng Trị. Trong các
tiêu đề không có bài nào dành riêng cho sông Thạch Hản cả. Thực ra thì không,
tuy rằng không được đặc tả nhưng dòng sông Thạch Hãn trong thơ luôn được hóa
thân vào nét xuân thì của người con gái hay loãng tan vào hương sắc của thiên
nhiên như làn gió, hương hoa và vạt nắng chiều... Con sông Thạch Hãn trong thơ
Châu Thạch như được dú trong thơ bằng phép ẩn dụ. Ta hãy cùng nhà thơ đi dọc
triền sông:
"Những sáng mai em đạp xe đi học
Theo hàng tre xanh ngát suốt con đường
Ven dòng sông ẩn hiện giữa mù sương
Tà áo trắng lùa hương về phố thị
(Em Như Lệ)
Hay
lên một chuyến đò ngang:
" Gió tự Nhan Biều gió thổi qua
Thơm hương hoa cúc hương hoa cà
Thuyền ai tách bến ngang sông Thạch
Áo trắng đi về chung với hoa"
(Em Nhan Biều)
Có thể nói, khi nương vào thuật ẩn dụ để nói về dòng sông, Châu Thạch
đã giải mã được một mật ngữ, khươi ra vẻ đẹp của dòng Thạch Hãn, từ lâu đã vốn
mang một phận đời của mồ hôi đá.
Thực ra thì mỗi dòng sông đều có vẻ đẹp riêng của nó, vấn đề là nằm
trong mắt ai mà thôi. Như một triết gia phương Tây đã nói: "vẻ đẹp của người
con gái không nằm nơi đôi má hồng mà nằm trong ánh mắt của kẻ si tình".
Rồi thì cũng chính dòng sông đó với con nước im lìm mãi miết lạnh
lùng trôi đã trở thành chứng nhân cho một cuộc đời dâu bể:
"Rồi một ngày kia rất hãi hùng
Lửa về theo hạ vượt qua sông
Tôi đi biền biệt theo chính chiến
Em đến rừng thiêng đón gió đông"
(Em Nhan Biều)
Tàn cuộc chiến chinh, tác giả về lại chốn xưa thì:
" Hồn xưa tự ấy không về nữa
/Ở cõi hư vô dấu đã chìm"
(Hàn mặc Tử)
Có thể nói bài Hư Mộng trong tập thơ là một bài xuất sắc, là tiếng
khóc khô không lệ trong Qua Miền Ký Ức của Châu Thạch:
" Phố của ảo những ngày xưa còn đó
Tìm không ra dấu tích của một thời
Ta bươn bả giữa thành quách sụp đổ
Nhà em xưa ẩn hiện trong sương
Những ngã tư không phải của con đường
Ta đã đợi đón em thời xưa cũ
Trường trong mơ gạch màu tro ủ rũ
Hai hàng cây sa nước mắt song song
Ta bước đi quay quắt ở trong lòng
Tà áo trắng vật vờ bay trong gió"
Chỉ hai câu “ Những ngã tư không phải của con đường/ta đã đợi đón
em thời xưa cũ” cũng đủ để biết rằng thị xã đã được cơ cấu lại hoàn toàn mới. Một bài thơ hay thường chạm đến được cảm xúc
của người đọc, Châu Thạch đã làm được điều đó. Từ một vùng bình địa, thị xã Quảng
Trị nay được tái sinh. Đúng ra là đã được đầu thai bằng một vong hồn khác,
không phải là linh hồn của một thị xã tiền kiếp
Nói vậy vì qua trải nghiệm của bản thân tôi, khi lần đầu về thăm lại
cố hương, cũng vẫn bến bờ sông cũ, nhưng sao nghe như nơi nầy hình như không phải
là nơi trước đây mình đã từng thuộc về, khiến tôi cảm xúc viết những vần thơ
sau đây:
"Tôi trở lại bên ni giòng Thạch Hãn
Đường Gia Long nay đã đổi tên rồi
Phía Nhan Biều mưa giăng mù bãi bắp
Con nước im lìm, mãi miết lạnh lùng trôi
Quảng Trị yêu thương nay sao nghe là lạ!
Vọng tiếng chuông ngân từ chùa Tỉnh Hội
Tôi gởi hồn tôi tới mênh mông
Còn mưa nào buồn hơn mưa trên sông?"
( tch)
Tóm lại, Một tập thơ thì có bài hay với người này, bài hay với người
kia, nhưng những khổ thơ đã chọn trích dẫn trong bài viết này đối với tôi,là những
mãnh lụa trong nhiều mãnh lụa mượt mà được lượm ra từ xấp vải thơ Qua Miền Ký Ức
của Châu Thạch. Hơn nữa viết về thơ của một nhà chuyên bình thơ thì cũng hơi
khó nên tôi xin dừng lại nơi đây.Và hy vọng rằng tôi sẽ không sai khi gọi anh
là một người đồng hương khác quê, vì từ tố chất tới tâm hồn anh đã được hoàn
toàn Quảng Trị hóa./.
TRƯƠNG CÔNG HẢI
Tháng 8/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét