Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

ĐỌC “NGUYỄN TRÃI TRƯỚC GIỜ TRU DI” THƠ TRẦN MẠNH HẢO / Châu Thạch.

 



       Đối với tôi, nhà thơ Trần Mạnh Hảo là con voi trắng trong rừng văn chương, còn tôi chỉ là tên mù lang thang trong khu rừng ấy. Theo như chuyện ngụ ngôn nước ta, tên mù làm sao tả voi cho đúng, có tả chăng thì chỉ tả chưa chắc đúng cái đuôi, cái vòi, cái tai hay cái chân con voi mà thôi. Thế nhưng câu chuyện ngụ ngôn cho biết 4 tên mù có tả voi thật, rồi chúng cải nhau vì tên nào cũng cho rằng mình tả đúng con voi. Với tôi, nói chi đến sự nghiệp văn chương của Trần Mạnh Hảo, chỉ bài thơ “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” của ông đã là con voi đối với tôi rồi. Thế nhưng, bởi yêu mến tiếng voi rống trong rừng khuya, bởi linh tính thấy voi trong tâm tưởng, tôi thử rờ và tả con voi, hay nói trắng ra, viết về bài thơ “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” bằng suy tư hạn hẹp, bằng lời văn thô thiển của mình, bởi vì nếu tôn trọng quyền tự do thì không ai cấm tên mù tôn vinh điều mình ưa thích.

Tôi xin vào đề ngay với khổ thơ đầu tiên của bài thơ:

Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ

Tiếng cháu thét chào đời như tiếng ngàn chim lợn báo tang

Đội ơn vua ban tã lót

Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt

Khổ thơ hay chổ nào? Hay ở chổ “chim lợn báo tang”. Theo quan niệm dân gian, chim lợn là loài chim báo điềm xấu. Khi chim lợn kêu liên tục là điềm báo có người sẽ chết. Đứa bé chào đời và tiếng khóc của nó lúc ấy là niềm vui cho gia đình và nói rộng ra là niềm vui cho cả thế gian. Thế nhưng ở đây tiếng khóc chào đời của một đứa bé lại là tiếng thét, và tiếng thét ấy ghê rợn như tiếng ngàn chim báo tang. Thật ra, tiếng khóc chào đời của đứa bé không phải là tiếng thét vì nó không biết gì. Tiếng khóc chào đời của đứa bé trở thành tiếng thét trong lòng Nguyễn Trãi, trong lòng ba họ Nguyễn Trãi và tồn tại trong lòng lịch sử người Việt phản đối nỗi hàm oan mãi mãi khi nước ta còn. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã chiếu lên màn hình đoạn đầu cuốn phim những hình ảnh lạ lùng, độc đáo mà xưa nay chưa có đạo diễn nào nghĩ ra. Đúng lý hình ảnh ban đầu phải là một đoàn người bị cùm tay, lê thê kéo chân ra pháp trường dưới những làn roi vọt. Thế nhưng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã làm ngược lại, cho sự sinh trước sự tử, khiến hình ảnh được phơi bày ảm đạm hơn, đau thương hơn và làm cho nghịch lý của đời đối xứng trước mắt ta.

Khổ thơ còn hay chổ nào nữa? Vâng, hay ở chổ “Đội ơn vua cho tả lót/ Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt”. Đứa trẻ mới sinh ra đã bị chém, vậy chém trần truồng hay chém có tả lót khác gì nhau đâu. Chẳng qua hai chữ “Đội ơn” chỉ là tiếng cười khảy hay lời châm biếm để nói lên cái lương tâm cặn bã của bậc đế vương. Ai đọc hai câu thơ nầy có khi nghĩ đó là hồng ân của thiên tử, nhưng tôi đoán chắc khi viết hai câu thơ nầy Trần Mạnh Hảo không nghĩ đó là hồng ân. Nhà thơ muốn dùng ẩn dụ sâu xa để ám chỉ một điều chua cay xảy ra trong thời đó. “Đội ơn vua ban tả lót” không phải là một lời tạ ơn. Đây là tiếng thét đau thương, tiếng kêu oan ức vì sự bất công và tiếng rên bi thiết mà lòng ta khi đọc thơ, thấy rõ tính chất dã man, cặn bã, xấu xa và lương tâm bị chết của vua quan thời đó.

Vậy bây giờ xin mời đọc khổ thứ 2 của bài thơ:

Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình

Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ

Ông Cao Xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở

Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào

Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa.

Khổ thơ thứ 2 hay ở chổ nào? Hay ở chổ con đường ra pháp trường dài hơn con đường ở núi Lam Sơn. Hay ở chổ ông Cao Xanh tức ông Trời đã “bỏ kinh thành về rừng xưa ở”. Đây có lẽ không phải là suy tư của Nguyễn Trãi trên đường ra pháp trường, vì trước cái chết không mấy ai có tâm trí ổn định để suy nghĩ xa vời. Đây là lời nói thay của Trần Mạnh Hảo, nhà thơ đồng cảm với người xưa, thổn thức với tâm trạng của nhân tài khi bị sa cơ thất thế. Nhà thơ dùng thời gian tâm ly, lấy cái ngắn để so với cái dài, lấy thời gian khi gian truân để so với thời gian khi thành cuộc, mỗi câu thơ như tiếng thở dài, như lời kể lể, làm cho con đường ra pháp trường dường như dài hơn con đường 10 năm ở núi Lam Sơn thật.

Qua khổ thơ thứ 3, thứ 4 và thứ 5, nhà thơ Trần Mạnh Hảo để cho Nguyễn Trải thấm thía với con đường dài của đời minh, chua chát với xã tắc mà mình phụng hiến một đời:

Chừng như ta đã đi con đường này từ ải Bắc

Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta ?

Đêm mưa đá, mưa tròng ngươi, mưa xuống nghìn con mắt

Ôi xã tắc

Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường

 

Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ

Thân tùng bách há phải thân mùng tơi

Mây trắng xưa ơi

Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ

 

Ta thương xã tắc không mất về tay giặc

Lại mất về tay bọn gian thần

Triều đình ai cũng là Lê Sát

Mắt thiên tử như Nam hải, đố ai lấp đầy giai nhân

Luân thường đem gác gác bếp

Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân

       Ba khổ thơ nầy hay ở chổ nào? Hay ở chổ “Đêm mưa đá, mưa tròng người, mưa xuống nghìn con mắt”. Theo niềm tin dân gian, nằm mơ thấy mưa đá trên đầu là điềm tai nạn sắp đến. Nguyễn Trãi là bậc khai quốc công thần mà 3 họ phải ra pháp trường vì bị vu oan, cho nên mưa đá trong đêm là nước mắt của trời, của thiên nhiên đồng cảm. Nước mắt ấy đọng thành đá là biểu hiện nỗi hàm oan động đến đất trời. Nước mắt ấy cũng như tròng người, như nghìn con mắt tái tê hóa đá vì bất lực khi nhìn thấy xã tắc mà người ngay như Nguyễn Trãi đi con đường nào cũng dẫn đến pháp trường, bất lực khi nhìn thấy nhân tài cạn kiệt ở giai cấp lảnh đạo: “Luân thường đem gác gác bếp/ Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân”.

      Khổ thơ thứ 6 nhắc đến nhưng trung thần bị giết oan thời xưa bên Trung Quốc. Nguyễn Trãi cất tiếng gọi Thị Lộ, tiếng than của ông như tiếng kêu tuyệt vọng vì trong giờ phút sắp lâm chung, Nguyễn Trãi thấy quyền lực đen còn vững chắc:

Ôi Hàn Tín, Phạm Tăng, Phàn Khoái

Gió trung thần đang hú gọi hồn đi

Dưới vòm trời Lã Hậu

Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì

Lẽ nào gươm Hán Cao Tổ cùn đến vậy?

       Thị Lộ ơi, dưới lòng sông hẳn nàng nóng ruột đợi ta

Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy

Đôi ta bị trói chặt vào nhau bằng dây trói mãng xà

Khổ thơ thứ 6 hay ở chổ nào? Hay ở chổ “Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy/Đôi ta bị trói chặt vào nhau bằng dây trói mãng xà”. Hai câu thơ nầy nói đến rắn, tưởng như là nhà thơ nhắc lại tiếng đồn trong dân gian rằng bà Thị Lộ (vợ lẽ của Nguyễn Trải) nguyên là con rắn ở trong vườn nhà tại làng Nhị Khê mà Nguyễn Trãi đã giết 3 con của nó trước đây. Sau nầy Thị Lộ hoá thành giai nhân tài sắc vẹn toàn, lấy Nguyễn Trãi và gây ra vụ thảm án Lệ Chi Viên tru di tam tộc để trả thù. Thật ra chữ “rắn” ở đây, nhà thơ nói rõ là “rắn quyền lực”, tức là để chỉ bọn cầm quyền gian ác, ngày xưa là vua quan, ngày nay là bọn cầm quyền bính trên tay. Thứ rắn đó chính là SaTan, là ma quỷ, có từ thời sáng thế kỷ đến nay, chúng gian manh độc ác, quấn chặt nhân tài, trói chặt xã hội, làm cho không phát triển được vì lợi ích cá nhân của nó.

        Qua hai khổ thơ sau, lại đội ơn vua không trói bọn trẻ, lại đội ơn vua cho cõng bọn trẻ ra pháp trường:

Vẫn biết vân cẩu bày trò sinh diệt chơi

       Lịch sử cợt đùa sai đúng

Sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi

Đội ơn vua không trói chúng

Tội chết chém còn được ơn vua ban đao phủ cõng

 

Giá chỉ mình ta chui qua lỗ nẻ giữa đất dày trời cao

Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao

Chợt gió dữ tru di mây trời từng đám

Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm

        Tôi không dám chắc sử sách có ghi lại ân huệ của vua thời đó cho việc tru di tam tộc Nguyễn Trãi hay không. Tôi nghĩ ân huệ vua ban để Nguyễn Trãi tạ ơn chỉ là hư cấu của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Nhà thơ cố ý nhắc đi nhắc lại những đặc ân rất nhỏ của vua cho một khai quốc công thần mà Nguyễn Trãi đội ơn, mục đích chỉ để trình bày tấm lòng tận trung của Nguyễn Trãi, để khẳng định Nguyễn Trãi là một trung thần không thể giết vua. Trong 2 khổ thơ nầy, các câu thơ “Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao/chợt gió dữ tru di mây trời từng đám/Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm” thật khó hiểu. Tôi nghĩ đây là giờ hành quyết bắt đầu. Đêm đã qua và mặt trời ló dạng. Ban đêm trời mưa đá và mây mù đã che hết trăng sao. Bình minh đến, gió tru di hay thổi nhưng đám mây bay đi hết để cho mặt trời ló dạng. Mặt trời trong giờ hành quyết đỏ như máu của chiếc đầu bị trảm, thảm thương như chiếc đầu của bậc thánh hiền bị rơi ra, chớ không bình thường như đầu của tên tội phạm. Chỉ 3 câu thơ thôi, nó khó hiểu nhưng hiểu ra thì ta thấy một cảnh tượng bi thương cùng cực mà lời thơ mô tả .

       Khổ thơ chót chỉ là những câu hỏi “ngu ngơ”, sự ngu ngơ biểu hiện một con người đơn sơ, chơn chất, thiệt thà, vì vậy mới thua thiệt trên đường hoạn lộ:

Sao phép nước dùng dao chém đại thần

Để chém trẻ sơ sinh?

Mai sau lấy gì chém sông núi?

Đầu người đang rụng quanh ta

Máu là nước lũ Hồng Hà dời non

Hồn ta là đứa trẻ con

Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ

Nỗi oan không chết bao giờ

Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân.

       Trần Mạnh Hảo đã cho Nguyễn Trãi nhận ra “Hồn ta là đứa trẻ con” trước khi bị trảm. Thật dễ nực cười cho những ai có tâm hồn thực tế, vì họ sẽ chê thơ Trần Mạnh Hảo, bởi họ cho rằng Nguyên Trãi làm đến chức Học Sĩ mà là trẻ con sao được. Thật ra Trần Mạnh Hảo tuyệt vời khi đặt tâm hồn ngu ngơ của Nguyễn Trãi vào đây để làm một kết luận của bài thơ. Bởi vì từ cổ chí kim, những anh hùng lấp biển vá trời đều là người thật thà ngu ngơ không khác gì Nguyễn Trãi, do đó họ dầu bị đời vùi dập nhưng tên tuổi họ trường tồn cũng sông núi, hình tượng họ được dựng lên trên đất và trong lòng loài người để tôn vinh họ ngàn năm. Những bậc vĩ nhân như Nguyễn Trãi, họ thật ngu ngơ về tranh dành danh lợi, ngu ngơ về hiếp đáp dân lành, ngu ngơ về tham nhũng tài lộc, nhưng ngược lại, họ là những thánh nhân, rất khôn ngoan về đối nhân xử thế, thương yêu tha nhân, anh hùng cứu nước…v.v. Tôi nghĩ, với một tâm hồn thánh, Nguyễn Trãi chưa chắc nhận ra mình ngu ngơ ở phút chót, chẳng qua khổ thơ là của Trần Mạnh Hảo, nhà thơ muốn thổ lộ cho người đời biết sự quý trọng tinh trong của một tâm hồn vỹ nhân hiền sĩ thời xa xưa, và cũng gởi vào đó một tâm sự của chính mình về thời đại ngày nay. Đọc mỗi bài thơ của Trần Mạnh Hảo, như đi vào một kho văn chương. Hãy nhìn và hãy ngắm tuỳ theo mắt thẩm mỹ của mỗi người, ta sẽ thấy trong thơ Trần Mạnh Hảo, có sự trong sáng vô biên của thơ còn ẩn chứa những lung linh nhiều điều suy nghiệm sâu xa dành cho mắt ai tinh tế.

      Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo và bạn đọc. Tôi tự nhận mình là con Dế Già gáy dưới cỏ, nay con Dế Già lại muốn làm tên người mù sờ voi. Vậy cho nên xin tác giả bài thơ và quý vị cứ đọc như tường thuật của tên người mù sờ voi. Hãy cười vui và tha thứ những ý tứ bá vơ, những suy tư sai trật. Thành thật cảm ợn./.

 

                  Châu Thạch

  

NGUYỄN TRÃI TRƯỚC GIỜ TRU DI

  


Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ

Tiếng cháu thét chào đời như tiếng ngàn chim lợn báo tang

 Đội ơn vua ban tã lót

 Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt

 Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình

 Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ

 Ông Cao Xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở

 Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào

 Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa

 Chừng như ta đã đi con đường này từ ải Bắc

 Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta ?

 Đêm mưa đá, mưa tròng ngươi, mưa xuống nghìn con mắt

 Ôi xã tắc

 Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường

 Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ

 Thân tùng bách há phải thân mùng tơi

 Mây trắng xưa ơi

 Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ

 Ta thương xã tắc không mất về tay giặc

 Lại mất về tay bọn gian thần

Triều đình ai cũng là Lê Sát

 Mắt thiên tử như Nam hải, đố ai lấp đầy giai nhân

 Luân thường đem gác gác bếp

 Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân

 Ôi Hàn Tín, Phạm Tăng, Phàn Khoái

 Gió trung thần đang hú gọi hồn đi

 Dưới vòm trời Lã Hậu

 Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì

 Lẽ nào gươm Hán Cao Tổ cùn đến vậy ?

 Thị Lộ ơi, dưới lòng sông hẳn nàng nóng ruột đợi ta

 Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy

 Đôi ta bị trói chặt vào nhau bằng dây trói mãng xà

 Vẫn biết vân cẩu bày trò sinh diệt chơi

 Lịch sử cợt đùa sai đúng

 Sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi

 Đội ơn vua không trói chúng

 Tội chết chém còn được ơn vua ban đao phủ cõng

 Giá chỉ mình ta chui qua lỗ nẻ giữa đất dày trời cao

 Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao

 Chợt gió dữ tru di mây trời từng đám

 Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm

 Sao phép nước dùng dao chém đại thần

 Để chém trẻ sơ sinh ?

 Mai sau lấy gì chém sông núi ?

 Đầu người đang rụng quanh ta

 Máu là nước lũ Hồng Hà dời non

 Hồn ta là đứa trẻ con

 Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ

 Nỗi oan không chết bao giờ

 Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân.

 

                        Sài gòn 9-93

                              T.M.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét