Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

ĐỀN THỜ XÃ NHẬT HY THỜ AI? / Đỗ Hữu Trác

 


Đền Hạ (Xuân Hy)

 

      Xã Nhật Hy(01), huyện Giao Thuỷ, Phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam xưa có 2 ngôi Đền vẫn còn tồn tại quy mô, bề thế đến ngày nay và đều đã được xếp hạng DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA từ những năm cuối thế kỷ trước:

       1- Đền Xuân Hy (thuộc xã Xuân Thuỷ, huyện Xuân Trường).

       2- Đền Xuân Bảng (xã Xuân Bảng, huyện Xuân Trường).

       Chúng ta cùng tìm hiểu về hai ngôi Đền đó.

 

I.                ĐỀN XUÂN HY:

 

       1- Theo tổng hợp thông tin di tích lịch sử văn hoá tại Website “https://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DEN-XUAN-HY-(DEN-HA)-a412.html” thì: “Đền Xuân Hy hay còn gọi là Đền Hạ nằm ở cuối làng Xuân Hy thuộc Xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Đền Xuân Hy được xây dựng để thờ Đại Đức - Ngô Miễn (1371 - 1407) – người đã có công tổ chức khai hoang lấn biển, xây dựng thôn ấp.” và: “Không những thế đền Xuân Hy còn thờ cả Quận Công Đỗ Nhân Tăng (1664-1729).”.

       2- Theo Báo Nam Định điện tử (https://baonamdinh.vn/channel/5093/201312/nam-dinh-manh-dat-con-nguoi-den-xuan-hy-2291529/) thì: “Đền Xuân Hy còn có tên gọi là đền Hạ thuộc xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Căn cứ vào các nguồn tư liệu hiện lưu giữ tại di tích cùng truyền thuyết tại địa phương, đền Xuân Hy là nơi ghi dấu công lao khai hoang lấn biển của tướng quân Ngô Miễn diễn ra vào cuối thời Trần.

       3- Theo cuốn sử địa phương “LỊCH SỬ LÀNG THI” được “Tổ nghiên cứu lịch sử quê hương” biên soạn vào năm 1985, ở trang 23 thì Đền Xuân Hy thờ Ngô Tướng Công (Ngô Miễn) và Đỗ Quận Công (Đỗ Nhân Tăng).

       4- Theo HỒ SƠ DI TÍCH được khảo lập năm 1989(02), trình Nhà nước xếp hạng DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA, ở các trang 46, 47 thì: “Năm Tự Đức thứ 33(1880), khi xã chia làm Nhật Hy Thượng và Hạ thì Nhật Hy Hạ cũng xây dựng Đền, chùa riêng. Lúc ấy nhân dân và hương lý hai xã bàn bạc nhất trí rước ông Trần Thận Đoan về thờ tại Đền thôn Đồng Nội (Xuân Bảng). Như vậy tại Xuân Hy chỉ còn thờ ông Ngô Miễn và Đỗ Nhân Tăng.”

      Tóm lại, theo báo chí, truyền thông, theo HỒ SƠ DI TÍCH do ngành Văn hoá khảo lập cũng như sách sử của làng thì Đền Xuân Hy thờ Ngô Tướng Công (Ngô Miễn) và Đỗ Quận Công (Đỗ Nhân Tăng), không thấy nói đến thờ cúng THẦN THÀNH HOÀNG LÀNG.

       5- Đi sâu tìm hiểu thực tế Di tích và các tài liệu có liên quan thì thấy rằng: KHÔNG PHẢI VẬY. Chúng ta cùng xem:

       5.1- Theo báo cáo tháng 4 năm 1938 gửi Chính phủ bảo hộ của Hương lý chức dịch xã Xuân Hy phủ Xuân Trường, do Chánh Hương Hội Nguyễn Văn Quỳ (鄉會阮文葵) ký tên(03) thì Đền Xuân Hy THỜ 3 VỊ THẦN: Thành Hoàng làng (Nam Hải Phạm Đại Vương), Ngô Tướng Công (Ngô Miễn) và Đỗ Quận công (Đỗ Nhân Tăng). Xin trích nguyên văn ở trang thứ 3 bản báo cáo: “Nguyên làng chúng tôi trước có hai ngôi Đền: Một ngôi Sinh từ đức Quận Công Đỗ Tướng Công ở xứ Hậu Cảnh, và Một ngôi trước thờ hai vị là Thần Thành Hoàng và Đức Ngô Tướng Công. Bởi ngôi Sinh từ bị mối mọt cả, đến năm Bảo Đại ngũ niên, chúng tôi xin phép làm lại một toà ở xứ Hậu Cảnh để hợp tự cả BA BỊ TÔN THẦN cho tiện việc lễ bái.

       5.2- Theo tập hợp SẮC PHONG HIỆN CÒN LƯU GIỮ TẠI ĐỀN và được Hương lý chức dịch xã Xuân Hy sao trình Chính phủ bảo hộ tháng 4 năm 1938 thì ở Đền Xuân Hy xưa có ít nhất là 13 đạo SẮC PHONG, CHO 3 VỊ THẦN, trong đó:

       5.2.1- Với THÀNH HOÀNG LÀNG NAM HẢI PHẠM ĐẠI VƯƠNG: 9 đạo, gồm (Lê Chiêu Thống: 1, Nguyễn Minh Mạng: 1, Nguyễn Thiệu Trị: 2, Nguyễn Tự Đức: 2, Nguyễn Đồng Khánh: 1, Nguyễn Duy Tân: 1, Nguyễn Khải Định: 1)

       5.2.2- Với Ngô Tướng Công (Ngô Miễn): 2 đạo, gồm (Nguyễn Khải Định: 2)

       5.2.3- Với Đỗ Quận công (Đỗ Nhân Tăng): 2 đạo, gồm (Nguyễn Khải Định: 2)

       5.3- Theo BIA ĐÁ KHẮC DỰNG NĂM TÂN MÙI (1931), hiện còn lưu giữ tại Đền, văn bia do Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Liên người làng Hành Thiện(04) soạn, ông Đặng Văn Giao(05) người làng Xuân Hy khắc thì: “歲既乆生祠頹壞邑中鄉耆里役禱請修理壹座合祀尊神三位 = Tuế ký cửu, sinh từ đồi hoại, ấp trung hương kỳ lý dịch đảo thỉnh tu lý nhất toà, hợp tự Tôn Thần tam vị = Sau nhiều năm, ngôi SINH TỪ bị hư hoại, các bô lão, chức dịch trong xã làm lễ, cầu xin được xây dựng một toà Đền chung, thờ cúng cả 3 VỊ TÔN THẦN trong đó”. Như vậy, Đền Xuân Hy được xác định là thờ 3 vị Thần: Thành Hoàng làng (Nam Hải Phạm Đại Vương), Ngô Tướng Công (Ngô Miễn) và Đỗ Quận công (Đỗ Nhân Tăng) đúng như báo cáo của Hương lý chức dịch xã Xuân Hy báo cáo Nhà nước bảo hộ năm 1938 sau đó.

       5.4- Thực tế tượng thờ cúng ở Đền Xuân Hy: Cuối năm 2022, được sự đồng ý và hướng dẫn của Ban Quản lý Di tích Đền Xuân Hy, người viết bài này đã trực tiếp vào khảo sát hậu cung của ngôi Đền thì thấy: Trong Đền hiện có thờ 5 pho tượng kích thước tương đương người thường, trong đó có 3 pho tượng hình dáng nam được cho là: Nam Hải Phạm Đại Vương, Ngô Tướng công (Ngô Miễn) và Quế Quận công (Đỗ Nhân Tăng), và 2 pho tượng hình dáng nữ được cho là: Ngô Tướng công phu nhân (Nguyễn thị) và Đỗ thị Ân (vợ của Quế Quận công Đỗ Nhân Tăng). Như vậy, thực chất Đền Xuân Hy cho đến ngày nay (2022) VẪN THỜ 3 VỊ THẦN: Nam Hải Phạm Đại Vương, Ngô Tướng công (Ngô Miễn) và Quế Quận công (Đỗ Nhân Tăng) có phối thờ 2 bà phu nhân.

       5.5- Thực tế bài vị thờ cúng ở Đền Xuân Hy: Cuối năm 2022, được sự đồng ý và hướng dẫn của Ban Quản lý Di tích Đền Xuân Hy, người viết bài này đã trực tiếp vào khảo sát hậu cung của ngôi Đền thì thấy: Trong Đền, bên cạnh 5 pho tượng nêu ở mục 5.4 trên đây, thì còn có các bài vị thờ:

       5.5.1- Nam Hải Phạm Đại Vương (với nội dung trùng đúng với Thần hiệu ghi trong sắc phong thời Lê Chiêu Thống).

       5.5.2- Ngô Tướng công (Ngô Miễn).

       5.5.3- Ngô Tướng công phu nhân (Nguyễn thị).

       5.5.4- Quế Quận công (Đỗ Nhân Tăng).

       5.5.5- Quế Quận công phu nhân (Đỗ thị Ân).

       Như vậy, thực chất ĐỀN XUÂN HY TỪ NĂM 1931 ĐẾN NAY (2022) VẪN THỜ 3 VỊ THẦN: Nam Hải Phạm Đại Vương, Ngô Tướng công (Ngô Miễn) và Quế Quận công (Đỗ Nhân Tăng) có phối thờ 2 bà phu nhân.

 

       II. ĐỀN XUÂN BẢNG:

 



       1- Theo Cổng thông tin điện tử huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, (https://xuantruong.namdinh.gov.vn/di-tich-lich-su-van-hoa/gioi-thieu-doi-net-ve-den-xuan-bang-thi-tran-xuan-truong-285513) dẫn theo “Di tích lịch sử văn hoá tỉnh Nam Định” thì “Đền Xuân Bảng thuộc thị trấn Xuân Trường là di tích thờ tướng quân Ngô Miễn, người có công tập hợp nhân dân và các dòng họ về đây khai hoang mở đất” và  còn là di tích thờ hai anh em Đỗ Thận Đoan và Đỗ Nhân Tăng. Cả hai anh em vốn là cháu xa của tướng quân Ngô Miễn và làm quan dưới hai triều vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông”.

       2- Theo báo Nam Định điện tử (https://baonamdinh.vn/channel/5087/202204/lang-xuan-bang-gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-2550498/) ngày 29/4/2022, thì “Ngoài thờ Ngô Miễn, Đền Xuân Bảng còn thờ 2 anh em Đỗ Thận Đoan và Đỗ Nhân Tăng - cháu họ xa của Tướng công Ngô Miễn làm quan dưới 2 triều Vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông.”

       3- Theo HỒ SƠ DI TÍCH được khảo lập năm 1988(06), trình Nhà nước xếp hạng DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA, ở các trang 2, 3, 4 văn bản 410/VH-DT ngày 18/10/1988 của Sở Văn Hoá Thông Tin tỉnh Hà Nam Ninh (do ông Bùi Xuân Quang lập, ông Giám đốc Sở Lê Huệ ký xác nhận) thì Đền Xuân Bảng thờ:

       3.1- Ông Ngô Miễn và vợ là bà Nguyễn Thị Lệnh.

       3.2- Ông Trần Thận Đoan (Trần Quận công).

       3.3- Ông Đỗ Nhân Tăng (Quế Quận công).

       4- Theo Báo cáo của Hương lý chức dịch xã Xuân Bảng với Chính phủ bảo hộ ngày 10/4/1938(07), do ông Chánh Hương Hội Bùi Đức Phu ký, thì “Đền Xã Xuân Bảng thờ Thần Thành Hoàng: Tên hiệu Ngài là Đức Nam Hải, sắc phong Hoành Hiệp Thượng Đẳng Thần, tên huý Ngài là Đức Ngô Miễn 吳免, Bà phu nhân Ngài sắc phong Trang Huy thượng đẳng thần, tên huý là Nguyễn Thị Lệnh 阮氏令.”

Như vậy, Chức dịch xã Xuân Bảng, năm 1938 xác định: Ngô Tướng công (Ngô Miễn) chính là Nam Hải Đại Vương, được thờ làm Thành Hoàng làng và đã được triều đình nhà Nguyễn sắc phong “Hoành Hiệp Thượng Đẳng Thần”. Trong báo cáo này không nói gì đến việc thờ cúng Trần Quận công (Trần Thận Đoan) và Quế Quận công (Đỗ Nhân Tăng) ở Đền cả.

       5- Theo Hương ước xã Xuân Bảng, tổng Thuỷ Nhai sao trình báo cáo Chính phủ bảo hộ năm 1940(08):

       Điều thứ 124: Làng ta có một ngôi Đền đá thờ Đức Thánh Ngô Miễn tướng công. Ngài quán thôn Mai làng Xuân Phương, huyện Kim Anh, Tỉnh Phúc Yên. Ngài sinh thời làm tướng nhà Hồ đánh giặc Minh, lại có công đưa các họ xuống khai khẩn lập ra làng Xuân Hy và làng Xuân Bảng ta, có để ra 22 mẫu tư kỵ điền để lấy tiền tu lý và cúng lễ.

       Lại có một Văn từ thờ Đức Khổng Tử. Lại có một miếu thờ Đức Quận Công, Ngài có để lại 10 mẫu tư kỵ điền cúng kỵ.”, và

       Điều thứ 128. Các ngày tế lễ, thì ngày Sinh nhật Đức Thánh Tổ 12 tháng 2. Lễ có giết bò, giết lợn, đồng dân thừa huệ. Lại có Kỵ Đức Thánh Quận ngày 21 tháng 2, cũng có giết bò, giết lợn, cả đồng dân 2 Giáp thừa huệ. Trong làng lại có trích ra một số tiền để đến ngày mồng 9 tháng Giêng lên làng Thôn Mai tỉnh Phúc Yên lễ Đức Thánh Tổ.”.

      Như vậy, theo Hương ước này thì Đền làng Xuân Bảng thờ Ngô Tướng công (Ngô Miễn) và Quế Quận công (Đỗ Nhân Tăng), không thấy nói gì đến việc thờ cúng Trần Quận công (Trần Thận Đoan).

       6- Theo mặt 1 bia đá khắc dựng năm Bảo Đại 4 (Kỷ Tỵ - 1929), hiện còn lưu giữ tại nhà bia phía trước, bên trái Đền, thì xác định ngôi Đền này là Đền thờ Ngô Tướng công (Ngô Tướng công Linh Từ Bi Ký =吳相公靈祠碑記 = Bia ghi chép về ngôi Đền thiêng thờ Ngô Tướng công) và: “吾鄉從前奉事陽神一位吳相公諱免。陰神一位相公夫人阮氏諱令 = Ngô hương tòng tiền phụng sự dương thần nhất vị Ngô Tướng công huý Miễn, âm thần nhất vị Tướng công phu nhân Nguyễn thị huý Lệnh = Quê ta nguyên từ trước thờ cúng 1 vị dương Thần là Ngô Tướng công Ngô Miễn và 1 vị âm Thần là bà phu nhân của Ngô Tướng công Nguyễn thị Lệnh.(09).

       7- Theo nội dung Sắc phong Thần thờ ở Đền xã Xuân Bảng của Vua Nguyễn Khải Định ban cấp ngày 25 tháng 7 năm 1924, được Chức dịch xã Xuân Bảng sao trình báo cáo Chính phủ bảo hộ năm 1938, thì vào thời điểm đó, ở Đền xã Xuân Bảng hiện có lưu giữ 2 đạo sắc phong(10):

       7.1- “…gia phong “HOÀNH HIỆP THƯỢNG ĐẲNG THẦN” cho “Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Trừng Trạm Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Phạm Đại Vương Ngô Tướng Công Trung đẳng Thần”” (là Ngô Tướng công Ngô Miễn), và

       7.2- “…gia phong “TRANG HUY THƯỢNG ĐẲNG THẦN” cho “Trai Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng Chương Quan Tấu Đà Thiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương Nguyễn Thị Phu Nhân Trung đẳng Thần”” (là Ngô Tướng công phu nhân Nguyễn thị).

      Như vậy, theo các nội dung, tư liệu từ 1 đến 7 kể trên, Đền Xuân Bảng từ xưa đến nay (2022) thờ Ngô Tướng công (Ngô Miễn) và phu nhân (Nguyễn thị Lệnh) và Trần Quận công (Trần Thận Đoan), Quế Quận công (Đỗ Nhân Tăng).

       8- Trên mặt 2 tấm BIA ĐÁ KHẮC DỰNG NĂM BẢO ĐẠI 4 (Kỷ Tỵ - 1929) hiện còn lưu giữ ở nhà bia phía trước, bên trái Đền, có liệt kê 14 ĐẠO SẮC PHONG các vị Thần thờ ở Đền của các triều Vua từ Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) đến Nguyễn Khải Định (1916 - 1925), chia ra:

       8.1- SẮC PHONG CHO NGÔ TƯỚNG CÔNG THƯỢNG ĐẲNG THẦN: gồm 9 đạo, với niên đại và Thần hiệu cụ thể như sau:

       8.1.1 - Lê Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, Sắc phong Đương Cảnh Thành Hoàng Nam Hải Phạm Đại Vương.

       8.1.2 - Cảnh Thịnh tứ niên, Sắc phong Đương Cảnh Thành Hoàng Nam Hải Phạm Đại Vương.

8.1.3 - Bản triều Minh Mạng nhị niên, Sắc phong Nam Hải Phạm Đại Vương Nhuận Trạch chi Thần.

8.1.4 - Thiệu Trị tứ niên, Sắc gia Nhuận Trạch Long Triêm chi Thần,

8.1.5 - Tự Đức tam thập tam niên, Sắc Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Trừng Trạm Nam Hải Phạm Đại Vương,

       8.1.6 - Đồng Khánh nhị niên, Sắc Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Trừng Trạm Phạm chi Thần, gia tặng Dực Bảo Trung Hưng chi Thần.

       8.1.7 - Thành Thái thập niên, Sắc phong Đương Cảnh Thành Hoàng Nam Hải Phạm Đại Vương Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần.

       8.1.8 - Duy Tân tam niên, Sắc chỉ Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Phạm Đại Vương Trung Đẳng Thần,

8.1.9 - Khải Định cửu niên, gia phong Ngô Tướng Công Hoành Hiệp Thượng Đẳng Thần.

8.2- SẮC PHONG CHO TƯỚNG CÔNG PHU NHÂN THƯỢNG ĐẲNG THẦN: gồm 5 đạo, với niên đại và Thần hiệu cụ thể như sau:

       8.2.1. - Lê Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, Sắc phong Chương Quan Tấu Đà Thiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương.

       8.2.2. - Cảnh Thịnh tứ niên, Sắc phong Chương Quan Tấu ĐàThiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương,

8.2.3. - Bản triều Thành Thái thập niên,Sắc phong Chương Quan Tấu ĐàThiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần.

       8.2.4. - Duy Tân tam niên, Sắc phongTrai Thục Dực Bảo Trung Hưng Chương Quan Tấu ĐàThiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương Trung Đẳng Thần.

       8.2.5. - Khải Định cửu niên, Gia phong Ngô Tướng Công phu nhân Nguyễn thị Trang Huy Thượng Đẳng Thần.

       8.3. - NHẬN XÉT:

       8.3.1. – Trong 9 đạo sắc liệt kê trên bia, được cho là phong Thần cho Ngô Tướng Công, chỉ có đạo cuối cùng (Khải Định 9 = 1924) trong Thần hiệu mới có ghi “Ngô Tướng công”. Các đạo sắc từ thời Lê Cảnh Hưng 44 (1783), đến Nguyễn Duy Tân 3(1909), các niên đại và Thần hiệu (“Nam Hải Phạm Đại Vương” và có thêm các mỹ tự về sau) hoàn toàn trùng khớp với các đạo sắc phong Thần Thành Hoàng làng thôn Thượng xã Nhật Hy (tức là xã Xuân Hy về sau này). Vị Thần Thành Hoàng này chính là An Dương Vương – Thục Phán – Nam Hải Phạm Đại Vương. Như vậy, trong số 9 đạo sắc này, có 8 đạo thực chất là sắc phong cho Thần Thành Hoàng làng Nam Hải Phạm Đại Vương. Chỉ duy nhất có 1 đạo là phong Thượng đẳng Thần cho Ngô Tướng công – Ngô Miễn. Kết hợp với nội dung báo cáo năm 1938 của chức dịch xã Xuân Bảng, có thể khẳng định rằng: ĐỀN XUÂN BẢNG TRƯỚC ĐÂY (trước 1924) CÓ THỜ ĐƯƠNG CẢNH THÀNH HOÀNG NAM HẢI PHẠM ĐẠI VƯƠNG (AN DƯƠNG VƯƠNG – THỤC PHÁN). Việc cho Ngô Tướng công – Ngô Miễn chính là “Nam Hải Phạm Đại Vương”, “được sắc phong HOÀNH HIỆP THƯỢNG ĐẲNG THẦN” chỉ bắt đầu vào cuối thời Nguyễn Khải Định.(11)

       8.3.2. - Trong 5 đạo sắc liệt kê trên bia, được cho là phong Thần cho Ngô Tướng Công phu nhân Nguyễn thị, chỉ có đạo cuối cùng (Khải Định 9 = 1924) trong Thần hiệu mới có ghi “Ngô Tướng công phu nhân Nguyễn thị”. 4 đạo sắc trước (từ Lê Cảnh Hưng 44, đến Nguyễn Duy Tân 3) phong thần cho “Chương Quan Tấu Đà Thiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương” là một vị Thần khác(12).

 

       III - NHẬN XÉT CHUNG:

 

1- Từ thời Lê hai xã Xuân Hy, Xuân Bảng (lúc đầu là hai thôn Thượng, Hạ của xã Nhật Hy) đều đã có xây dựng Đền Thần, thờ Thành Hoàng làng là Nam Hải Phạm Đại Vương – An Dương Vương – Thục Phán.

       2 - Từ năm 1721 cả hai thôn Thượng, Hạ xã Nhật Hy (sau này là hai xã Xuân Hy, Xuân Bảng) đều có xây dựng SINH TỪ để thờ sống Quế Quận công Đỗ Nhân Tăng (năm 1721 mới được phong tước HẦU – Quế Phương Hầu). Điều này ghi rõ trong hai tấm bia 1721 hiện còn lưu giữ tại Đền Xuân Hy và Đền Xuân Bảng.

       3. – Việc thờ cúng Ngô Tướng công và phu nhân Nguyễn thị ở Xuân Hy là Xuân Bảng chỉ bắt đầu vào khoảng trước thời Nguyễn Khải Định (1916 – 1925).Việc này xảy ra theo hai chiều hướng khác nhau:

       3.1.- Ở Xuân Hy thì phối thờ thêm Ngô Tướng công vào Đền thờ Thần Thành Hoàng làng Nam Hải Phạm Đại Vương. Từ đó, Đền làng Xuân Hy thờ 3 vị Thần: Thành Hoàng làng Nam Hải Phạm Đại Vương, Ngô Tướng công Ngô Miễn và Quế Quận công Đỗ Nhân Tăng. Ban nghiên cứu lịch sử làng cũng như Sở Văn hoá thông tin Hà Nam Ninh đã bỏ sót 1 vị Thần là Đương Cảnh Thành Hoàng Nam Hải Phạm Đại Vương khi viết “Lịch Sử Làng Thi” và lập “Hồ Sơ Di Tích” trình Nhà nước xếp hạng “Di Tích Lịch Sử Văn Hoá cấp Quốc Gia” vào những năm cuối Thế kỷ trước.

       3.2.- Ở Xuân Bảng thì cho rằng Ngô Tướng công chính là Đương Cảnh Thành Hoàng Nam Hải Phạm Đại Vương, lấy Thần hiệu Nam Hải Phạm Đại Vương làm Thần hiệu của Ngô Tướng công. Trong bia làng khắc dựng năm 1929 cũng như báo cáo của chức dịch xã Xuân Bảng năm 1938 không còn nói gì đến Đương Cảnh Thành Hoàng Phạm Đại Vương  được thờ ở Đền làng nữa. Sở Văn hoá thông tin Hà Nam Ninh cũng đã bỏ sót vị Thần “Đương Cảnh Thành Hoàng Nam Hải Phạm Đại Vương” khi lập “Hồ Sơ Di Tích” trình Nhà nước xếp hạng “Di Tích Lịch Sử Văn Hoá cấp Quốc Gia” vào những năm cuối Thế kỷ trước.

       4. – Thần tích hai ngôi Đền này cũng có nhiều điểm “mờ”, nhất là về nhân vật Ngô Tướng công – Ngô Miễn và Trần Quận công – Trần Thận Đoan. (Ví dụ: Ngô Miễn có thực là thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) không? Nếu đỗ thì đỗ ở khoa thi nào? Ngô Miễn, khi 21 - 25 tuổi, chưa làm quan, không phải hoàng thân quốc thích, quý tộc (họ Trần) thì lấy đâu ra tiền của mà giàu có đến mức có thể chia cho dân nghèo rất nhiều ruộng, đầm? Và làm cách nào mà Ngô Miễn có thể tiếp cận “xin với nhà Vua đưa dân 10 họ đi khai hoang lấn biển lập làng mới Nhật Hy”?, Ngô Miễn có phải là quan hoạn không mà lại được phong chức “Tổng Thái giám”? Năm 1400 nhà Hồ tiếm ngôi, Ngô Miễn ra làm quan, nhà Hồ xây dựng Tây đô ở phủ Thiên Xương (Thanh Hoá), chưa cần và chưa kịp có lăng (mộ) tẩm vua chúa, thì sao lại có thể phong cho Ngô Miễn chức “tổng quản chư lăng Thiên Xương phủ” (quản lý các lăng tẩm ở phủ Thiên Xương)? Cuối thế kỷ 14 vùng đất lân cận Nhật Hy nay là Trà Lũ, Hoành Quán, Thượng Miêu, Hành Thiện vẫn còn trống, chưa có cư dân, nếu tìm về khai hoang, lập làng, sao Ngô Miễn không chọn cư trú ở những chỗ đó mà lại chia ra lập xã Nhật Hy ở mấy cụm gò bãi ven sông cách xa nhau đến thế? Ngô Miễn và vợ có đóng góp gì cho nhà chùa mà lại được “tạc tượng thờ ở 4 ngôi chùa quê”? Trần Quận công thì lai lịch, hoàn cảnh, tính cách… hao hao giống với nhân vật Quế Quận công Đỗ Nhân Tăng viết trong bia Sinh Từ 1721? Liệu ông có phải chính là một “dị bản” của Đỗ Nhân Tăng? Trong Lịch sử Việt Nam thời phong kiến có trường hợp phải đổi họ để được đi thi làm quan? Và liệu việc cải họ, khai sai tên họ để đi thi có là “phạm quy” không? Mà ông đâu đã biết rằng cả hai anh em sau này đều có thể làm quan to, gia đình có “lưỡng hào” nên khi mới lớn lên, đi thi đã biết đổi họ để khỏi vướng mắc (“nhất gia bất lưỡng hào” = “một gia đình không thể có hai người làm quan to”) mai sau?

       5.- Thần hiệu “Trang Huy Thượng Đẳng Thần” được cho là của Ngô Tướng công phu nhân Nguyễn thị cũng có điểm đáng ngờ. (Tại sao bà lại có sắc phong ở Đền Xuân Bảng trước cả ông Ngô Miễn? (từ thời Lê Cảnh Hưng). Thật rất tiếc là hai ngôi Sinh Từ ở hai thôn Thượng, Hạ xã Nhật Hy thờ sống ông bà Đỗ Nhân Tăng – Đỗ Thị Ân, xây dựng từ năm 1721 đã hư hoại, đổ nát từ những năm đầu thế kỷ 20, tượng thờ, bài vị, sắc phong… của cả hai ông bà đều không còn lưu lại nên không thể xác quyết rằng Thần hiệu “Chương Quan Tấu Đà Thiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương” là của Quế Quận công phu nhân – Đỗ Thị Ân.

      Những hồ nghi trên cần được lưu tâm khảo xét tiếp!

 

       Đỗ Hữu Trác

--------------------------  

CHÚ THÍCH:

       (01).- Xã Nhật Hy (日熙) được khai hoang, lập làng mới - “tân ấp” vào khoảng cuối thế kỷ 15, do dân di cư từ quê cũ – “cựu quán” Xuân Hy (春熙) (thuộc Thành phố Phúc Yên ngày nay)

       (02).- Hồ sơ được Sở Văn Hoá Thông Tin tỉnh Hà Nam Ninh khảo sát, lập, trình năm 1989. Văn bản gốc hiện còn lưu tại Phòng Văn hoá – TTTT huyện Xuân Trường (có bản chụp kèm theo)

       (03).- Bản báo cáo này hiện còn lưu tại Thư viện Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội (1, Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội), có bản chụp kèm theo bài viết này.

       (04).- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên là người làng Hành Thiện, đỗ Tiến sĩ Khoa Kỷ Sửu – 1889 cùng với Tiến sĩ Đặng Hữu Dương (cũng người làng Hành Thiện), Ông được bổ làm Tri phủ Phủ Nam Sách, sau cáo quan ở quê dạy học, học trò của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên rất nhiều người thành đạt. Học trò của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên trước sau có tới hơn 700 người, trong số đó đi thi đỗ Cử nhân là hơn 30 vị, đỗ Tú tài là hơn 70 vị.

       (05).- Ông Đặng Văn Giao tòng quân, thăng lên đến chức Phó Quản cơ (cỡ Trung đoàn phó ngày nay), được phong tước “Tín Nghĩa Đô Uý”, về hưu lại được bầu giữ chức Chánh Hương Hội (tương đương Bí Thư Đảng Uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã ngày nay).

       (06).- Hồ sơ được Sở Văn Hoá Thông Tin tỉnh Hà Nam Ninh khảo sát, lập, trình năm 1988 (Giám đốc Sở Lê Huệ ký). Văn bản gốc hiện còn lưu tại Phòng Văn hoá – TTTT huyện Xuân Trường (có bản chụp kèm theo).

       (07).- Bản báo cáo này hiện còn lưu tại Thư viện Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội (1, Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội), với số hiệu: TTTS/7063, có bản chụp kèm theo bài viết này.

       (08).- Văn bản báo cáo này có chữ ký xác nhận của các vị: Chánh Hội đồng Kỳ mục:

Bùi Đức Phu ký tên

Tộc biểu Cựu Hương trưởng: Hoàng Thọ Nam, ký tên

Chánh Cửu phẩm, Cựu Chánh Tổng: Bùi Đức Hậu, ký tên

Chánh Hội: Bùi Đức Bá. Ký tên, đóng triện.

Cựu Lý trưởng: Hoàng Thọ Thế, ký tên.

Lý trưởng: Hoàng Thọ Phiệt, ký tên, đóng triện.

Thư ký kiêm Hộ lại: Hoàng Thọ Quynh, ký tên, đóng triện.

Thủ quỹ kiêm Chưởng bạ: Hoàng Thông, ký tên, đóng triện.

Phó lý: Bùi Đức Mai, ký tên.

Phó lý: Trần Viết Song, ký tên.

Tộc biểu: Hoàng Thọ Nhự, ký tên.

Tộc biểu: Bùi Đức Lãng, ký tên.

Tộc biểu: Bùi Đức Kiệm, ký tên.

Tộc biểu: Hoàng Thọ Tuyết, ký tên.

Tộc biểu: Nguyễn Viết Phố, ký tên.

Tộc biểu: Phạm Văn Thụ, ký tên.

Tộc biểu: Bùi Khắc Đản, ký tên.

Thương tá duyệt, ký ngày 6/9/1940.

Tổng đốc đã duyệt, ký ngày 31/10/1940”

Và hiện còn được lưu giữ ở Thư viện Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam (1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).

(09).- Nội dung này ghi ở cột 1, 2 của mặt 1 tấm bia. (có ảnh chụp thác bản bia kèm theo bài viết này). Chỗ này người soạn văn bia kiêng viết tên huý, đã chiết tự chữ Miễn và chữ Lệnh thành hai phần tên, dưới (thượng tòng…, hạ tòng…). Tên huý (LỆNH = ) của bà phu nhân Ngô Tướng công có lẽ lần đầu tiên xuất hiện ở tư liệu này, trong Đại Việt Sử Ký toàn thư chỉ chép bà phu nhân của Ngô Miễn là người họ Nguyễn (Nguyễn thị). Trong “Mai Thôn Phả Ký” (nguồn tư liệu làm căn cứ để xác định việc thờ cúng Ngô Tướng công và phu nhân Nguyễn thị ở cả hai quê “cựu quán” và “tân ấp”) cũng chỉ nói bà phu nhân của Ngô Miễn là người họ Nguyễn.

       (10).- Bản báo cáo này hiện còn lưu tại Thư viện Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội (1, Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội). Nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa của hai đạo sắc phong này như sau:

敕南定省春長府春榜社從前奉事原贈潤澤隆霑博利澄湛汪潤翊保中興南海梵大王吳相公中等神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封準許奉事肆今正值朕四旬大慶節經頒寳詔覃恩禮隆豋秩著加贈宏洽上等神特準奉事用誌國慶而申祀典欽哉啟定玖年柒月貳拾五日

       Sắc Nam Định tỉnh, Xuân Trường phủ, Xuân Bảng xã, tòng tiền phụng sự nguyên tặng Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Trừng Trạm Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Phạm Đại Vương Ngô Tướng Công Trung đẳng Thần, hộ quốc tí dân nhẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự, Tứ kim, chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Hoành Hiệp Thượng Đẳng Thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí Quốc khánh nhi thân tự điển, Khâm tai!

       Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.

       Phụng sao.

Dịch nghĩa:

      Sắc Xã Xuân Bảng, Phủ Xuân Trường, Tỉnh Nam Định, nguyên trước đã thờ cúng Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Trừng Trạm Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Phạm Đại Vương Ngô Tướng Công Trung đẳng Thần, giữ nước giúp dân rất là linh ứng, đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Nay đúng dịp tứ tuần đại khánh, Trẫm ban chiếu báu ân sâu, tặng thêm phẩm trật, phong thêm là Hoành Hiệp Thượng Đẳng Thần, chuẩn cho thờ cúng để ghi nhớ ngày lễ lớn của nước nhà. Hãy tuân!

       Khải Định năm thứ 9, tháng 7, ngày 25.

       Bản sao.

 

敕南定省春長府春榜社從前奉事原贈齋靜翊保中興章官奏陀少年僊人婵娘阮氏夫人中等神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封準許奉事肆今正值朕四旬大慶節經頒寳詔覃恩禮隆豋秩著加贈莊徽上等神特準奉事用誌國慶而申祀典欽哉啟定玖年柒月貳拾五日

       Sắc Nam Định tỉnh, Xuân Trường phủ, Xuân Bảng xã, tòng tiền phụng sự nguyên tặng Trai Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng Chương Quan Tấu Đà Thiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương Nguyễn Thị Phu Nhân Trung đẳng Thần, hộquốc tí dân nhẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự, Tứ kim, chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Trang Huy Thượng Đẳng Thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí Quốc khánh nhi thân tự điển, Khâm tai !

       Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.

Phụng sao.

Dịch nghĩa:

      Sắc Xã Xuân Bảng, Phủ Xuân Trường, Tỉnh Nam Định, nguyên trước đã thờ cúngTrai Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng Chương Quan Tấu Đà Thiếu Niên Tiên Nhân Thiền Nương Nguyễn Thị Phu Nhân Trung đẳng Thần, giữ nước giúp dân rất là linh ứng, đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ cúng. Nay đúng dịp tứ tuần đại khánh, Trẫm ban chiếu báu ân sâu, tặng thêm phẩm trật, phong thêm là Trang Huy Thượng Đẳng Thần, chuẩn cho thờ cúng để ghi nhớ ngày lễ lớn của nước nhà. Hãy tuân!

Khải Định năm thứ 9, tháng 7, ngày 25.

Bản sao.”

 

Bạn đọc nào đã từng tiếp cận nhiều với hệ thống sắc phong thời thời Lê Nguyễn thì có thể thấy thần hiệu “Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Trừng Trạm Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Phạm Đại Vương” chính là Nam Hải Phạm Đại Vương – An Dương Vương – Thục Phán là một vị Thần được thờ cúng làm Thành Hoàng từ thời Lê ở hàng trăm làng xã ven biển Bắc Bộ với Thần tích rất rõ ràng.

Do chưa được tiếp cận với bản chính của sắc “nguyên tặng” và sắc “gia phong”, người viết bài này tôn trọng nguyên bản báo cáo của chức dịch xã mà dịch, diễn giải ý nghĩa của hai đạo sắc.

       (11).- “Mai Thôn Phả Ký”, “Lịch Sử Làng Thi”… đều ghi Ngô Miễn được phong Linh Thần, Nam Hải Thần, Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần,… Mặt 2 tấm bia 1929 ở Đền, cột 11, 12 có đoạn: ”本朝啟定帝四旬大慶。吾鄉以事聞。朝廷加封相公偕夫人為上等尊神。上以表神庥下以孚民望

       = Bản triều Khải Định đế tứ tuần đại khánh, ngô hương dĩ sự văn, Triều đình gia phong Tướng Công giai phu nhân vi Thượng Đẳng Tôn Thần, Thượng dĩ biểu Thần hưu, Hạ dĩ phudân vọng” tôi dịch là: “Vào triều Nguyễn, khi vua Khải Định mừng đại khánh 40 tuổi (1924), làng ta có đề nghị, Triều đình đã gia phong Ngô Tướng công và Phu nhân làm Thượng Đẳng Thần, trên là để biểu dương công ơn của Thần, dưới là để thoả mãn nguyện vọng của dân ta”.

       (12).- Người viết bài này hồ nghi rằng đó là Thần hiệu của bà Đỗ thị Ân (vợ của Quế Quận công Đỗ Nhân Tăng). Điều này sẽ được viết ở một bài khác về nhân vật Quế Quận công và việc thờ sống (sinh từ) hai vợ chồng ông ở hai thôn Thượng, Hạ xã Nhật Hy (sau này là xã Xuân Hy và xã Xuân Bảng) và xã Hoành Quán từ năm 1721.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét