Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

CÙNG QUA MIỀN KÝ ỨC CỦA CHÂU THẠCH / Ngã Du Tử

 


Châu Thạch và Ngã Du Tử


        Nhà bình thơ cho Châu Thạch được giới văn chương biết đến quá nhiều từ trong ra ngoài nước. Anh xem bình thơ là niềm vui tao nhã, diễn dẫn thêm những gì còn phía sau con chữ của hồn thơ trong thi phẩm bất kỳ của ai, liên tưởng và khai triển thêm làm cho người đọc rõ ràng hơn, nâng tầm bài thơ cao hơn. Có thể nói anh cảm nhận thơ không cầu cạnh bất kỳ điều gì ngoài sự thích thú và đam mê chữ nghĩa.

Một người với tâm hốn phóng khoáng, vui tính, lãng mạn, thích giao du. Anh là chủ nhiệm bút nhóm HOA CỎ ở Đà Nẵng – nơi mà tôi tin bất kỳ bạn thơ, bạn văn nào đến Đà Nẵng nếu có duyên kết nối với nhóm anh, có lẽ sẽ thật vui khi tạm biệt nhóm Hoa Cỏ để trở về cố quận. Lòng lại bâng khuâng muốn một lần trở lại thăm những bạn thơ chân thành và cảm mến của bút nhóm Hoa Cỏ.

Anh đã xuất bản 3 tập BÌNH THƠ mỗi tập dày hơn 400 trang, riêng tập thứ 3 hơn 300 trang. Có đến gần vài trăm tác giả trong và ngoài nước được anh trân trọng bình thơ.

“Hữu xạ tự nhiên hương” Bút pháp không bóng bẫy, nhưng nhận định hay và súc tích, nên càng ngày càng nhiều người biết đến, yêu vì, kính nể anh. Lần này, nhà thơ Châu Thạch xuất bản thi phẩm QUA MIỀN KÝ ỨC như nhắc nhớ dấu chân xưa một thời dọc ngang trên vùng đất cũ, ngay cả những thời hoa mộng áo thư sinh hoặc cả ký ức nỗi buồn vui đã trầm tích trong hồn người anh chợt sống dậy thành thơ.

Với cái tuổi qua 80 theo tôi, sức viết vậy thật đáng nễ, tập thơ Qua Miến Ký Ức như ghi lại để lưu dấu cho đời sau hiểu rằng có một con người văn nghệ như thế đi qua cõi đời nầy nhiều bể dâu, đôi lúc cũng thoảng qua ưu tư thế thời nhưng vẫn bình yên, vui sống với thái độ hồn nhiên, an hòa trước nỗi mình, nỗi đời.

       Mở đầu cho thi phẩm anh viết như lời trần tình giới thiệu với độc giả:

       “Hạt lóng lánh qua miền ký ức

Màu năm xưa soi giọt sương nay.

Đời vô thường trơn tuột trên tay

Đá Thành Cổ đỏ rêu màu cháy

 

Trầm tích của nỗi đau lắng đáy

Niềm vui xưa đã hóa bọt bèo

Chút vần thơ phụng hiến trong veo

Xin vào đọc mở lòng yêu mến”

        Một ngày “Em đến thăm” dù “mắt em ăm ắp yêu thương” nhưng sao em vội vả, phải chăng  bởi đời cách ngăn nên khi “em quay bước/ tung tăng như chân sáo/ khiến lầu cao giương mắt cửa đam mê/ Linh hồn ta tưởng tượng lối em về/ Đi theo mãi chẳng dừng trong đêm mộng”.

       Có lúc anh ngồi nhập định dưới trăng sao thơ mộng, một bóng dáng yêu kiều, lướt nhanh qua trí như thực như mơ “Ôi kỷ niệm đã đi vào quá khứ/ đêm nằm mơ thấy thất lạc người yêu/ mở mắt ra em cũng vẫn yêu kiều/ nhưng cố bé ngày xưa giờ đâu nhỉ” - Cô bé hay là biểu kiến tất cả ngày xưa giờ đâu? Cũng có thể “Huế, Sài Gòn và bao thành phố khác/ Tôi đã từng bươn chải sống nhiều năm/ Biết bao nhiêu người đẹp tựa trăng rằm/ Và diễm lệ như hoa quỳnh, hoa cúc/ Những mỹ nữ vừa xinh vừa hiền thục”…

                      (Những nàng tiên Quảng Trị)

Dẫu tiếc nuối một thời đã qua làm sao trở lại, phải chăng nỗi niềm thân phận cứ liên hồi gióng lên từng đợt thanh âm vọng về từ thuở biết yêu người, yêu đời? thì ra trong con người anh là tình yêu và thân phận cứ như mách bảo con tim hãy viết khi còn có thể – có lẽ ai cũng đau đáu chứ đâu chỉ nhà thơ Châu Thạch, phải không anh?:

”Một mai đời sẽ trôi qua/ cái tôi còn lại ngân nga giữa trời”.

Anh đau đáu nỗi đau thân phận, nhất là ở thế hệ anh, tuổi trẻ không thể không bước tới đối diện với chiến tranh. Chẳng những đối diện mà anh nhập cuộc với Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm của đấng nam nhi thời binh lửa dày xéo trên thân thể Mẹ Việt Nam.  Ai cũng biết lịch sử Việt với cuộc chiến tranh dai dẵng những 20 năm, rồi kết thúc với những mất mát đau thương, người có lương tri nào không đau nỗi đau mất mát, chia lìa!. Rất may, anh viết như sự sẻ chia với con chữ có linh hồn:

‘Mượn chữ nghĩa chở hồn lên trăng sáng

Đâu ngờ mây che khất ánh huy hoàng

Rơi trở về tăm tối cõi trần gian

Làm con dế gáy đêm chờ đợi chết’

                    (Thơ ta Đau)

Mỗi người thơ là một nghiệp dĩ, có ai bảo thơ là nghề để kiếm sống đâu nào, nhưng đã mang lấy nghiệp văn vào thân, thì trách chi phải nhã tơ vàng ánh cho nhân gian vui vầy, Nguyễn Du đã nghiền ngẫm triết lý nghiệp văn:  

“Con tằm đến thác hãy còn vương tơ”. Hay là “Lỡ ta chọn theo nghiệp đời viết lách/ Mãi nhã tơ vàng ánh cho nhân gian” (NDT), anh cứ thong thả thích viết cái gì, cho ai cứ viết, đâu sá gí “thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” (Thuật hoài/ Đặng Dung).

Cuộc chơi sắp xếp ngôn ngữ vô biên, vô cùng, không có hồi kết thúc, người thành công trong sự nghiệp văn rất ít, dù sao cái thú tao nhã nhất trên trần thế mà lị, hà cớ gì không?

Xuyên suốt 95 bài thơ trong thi phẩm của nhà thơ Châu Thạch như lời thì thầm của người ưu thời mẫn thế được xâu chuổi từ lúc trẻ cho đến giờ (Lúc xuất bản tập thơ: Qua miền ký ức), với những thiên ký ức nỗi nhớ về tình yêu, về quê hương, về thế thời và nhân sinh quan cõi sống.

Anh tự nhận mình là Dế - Dế thường gáy về đêm như lời nỉ non cùng con người, nó gần gũi và làm vui với người nông dân nơi thôn dã, cũng như bản chất của anh vậy gần gũi, vui vẻ cùng người thơ. Anh cùng Lang Trương, Vy Linh lập nên nhóm thơ Hoa Cỏ rất văn nghệ, không ràng buộc hội hè, ai đã từng đến gặp gỡ, sinh hoạt văn nghệ với nhóm này một lần sẽ thấy sự đối đãi chân thành, chân thiết, lúc chia xa chắc hẳn còn ấn tượng thật đẹp về tính văn, tình văn nghệ của nhóm Hoa Cỏ mà anh là chủ soái (như tôi nói ở trên).

Tôi và BBT Sông Quê đã hân hạnh dự phần vài ba lần mỗi khi có dịp về quê ngoại Đà Nẵng, bao giờ khi tạm biệt con sóng lòng ngân vang những niềm vui trên dặm đường về.

Bài thơ của nhà thơ Hồ Văn Chi tặng Châu Thạch với tựa: Tâm Sự Cùng Dế, có lẽ 2 người bạn rất hiểu nhau, đoạn mở đầu thế này:

“Được tạo hóa ban cho đôi cánh đẹp

Dế không bay, trọn kiếp hiến nhân gian

Suốt đêm thâu thánh thót những cung đàn

Không thưởng lợi, chẳng than van số phận”

Đã qua tuổi bát tuần từng trải lúc vinh quang, lúc chua chát, ngậm ngùi cuộc đời, anh hiểu rõ ngọn nguồn của đối đãi nhân gian, luôn luôn có hai mặt đối lập: thương ghét, danh lợi, được thua, còn mất…nên anh an nhiên, tự tại trong vô thường thị, mặc mặc thế gian tĩnh say trong cõi người ta.

Nhà thơ Trần Thoại Nguyên viết tặng anh khá lý thú:

“Thơ Châu Thạch tợ ngọc vàng

Dâng đời Hoa Cỏ kết tràng thi ca

Dòng thơ lấp lánh sương sa

Tiếng thơm còn đọng ngân nga đất trời

 

…Con đường tư tưởng thi ca

Nghìn thu bất tuyệt hương hoa vườn hồng

Lật tờ nhật nguyệt sắc không

Đọc trong hư ảo có dòng thơ kinh

Hay là:

Mai sau im bặt núi sông

Cảo thơm lần giở tấc lòng Người đây’

Câu chuyện thú vị trong thi phẩm này là sự liên tưởng so sánh giữa nhà thơ Heinrich Heine (1797-1856) & Châu Thạch cách nhau vài thế kỷ mà Bs, dịch giả Nguyễn Đại Hoàng nêu lên: Họ Đã Thương Nhau và Bắt Đầu - kết Thúc, tôi xin trích ra để bạn đọc cảm nhận:

‘Năm tháng dần trôi

họ đã vào cõi chết

nhưng than ôi có bao giờ họ biết

- Cõi trần xưa họ đã…thương nhau

(Heinrich Heine/ Nguyễn Đại Hoàng dịch)

 

Bắt đầu ở đâu? – Dễ hiểu

Khi tôi gặp em là bắt đầu tất cả

Kết thúc ở đâu? – Dễ hiểu

Khi em quay lưng đi về một ngả

 

       Tôi nhìn em với nỗi niềm khôn tả

Và nghìn năm con tim vẫn hoài mong

(Châu Thạch)

Hai nhà thơ viết với ngôn ngữ rất giản dị, bình dân nhưng phía sau con chữ là muôn hình vạn trạng của bức tranh tình yêu khi quán tưởng, với dịch giả Nguyễn Đại Hoàng ‘dường như Heinrich chỉ là người kể chuyện’. Với tôi chắc chắc Heinrich chỉ là người kể lại chuyện tình, còn Châu Thạch là người tắm gội trong tình yêu. Cuối cùng bs, dịch giả Nguyễn Đại Hoàng kết luận: ‘Nhưng với tôi, điểm giống nhau căn bản giữa hai thi sĩ này là ngôn ngữ thuần phát và cao thượng…’

Dĩ nhiên khi các bạn đọc hết thi phẩm: QUA MIỀN KÝ ỨC của Châu Thạch sẽ còn lại dư hương trong mỗi người được đọc dù rằng thi phẩm chưa phải là kỳ hoa dị thảo trong làng văn nhưng rõ ràng mỗi người có nhận định riêng chính mình.

Thay lời kết, tôi trích 4 câu trong bài Dư Hương của anh như nói cùng bạn đọc giùm nhà thơ đáng kính Châu Thạch:

‘Ôi tuổi trẻ, tình yêu ta rất thật

Rất ngây thơ, rất trắng, rất trong

Những dư hương còn ép ở trong lòng

Thoáng ngào ngạt mỗi lần ta chợt nhớ’

Hân hạnh giới thiệu cùng độc giả bốn phương, ai muốn có thi phẩm liên hệ với tác giả Châu Thạch, tôi nghĩ anh rất vui khi có người muốn có tác phẩm để đọc và còn lại dư hương trong lòng mình như lời tự tình của tác giả Châu Thạch.

                             NGÃ DU TỬ

                  Sài Gòn, đầu tháng 8/ 2023

 


 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét