Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

VÀI NÉT VỀ HỌC VỊ THỜI PHONG KIẾN Ở NƯỚC TA / Trần Mỹ Giống

 



       Học vị thời phong kiến ở nước ta trải qua một quá trình lịch sử nhiều biến đổi. Vì vậy, nghiên cứu về học vị không thể thiếu tính lịch sử cụ thể. Nếu không coi trọng tính lịch sử cụ thể sẽ dẫn tới nhầm lẫn học vị, danh hiệu các nhân vật đỗ đạt thời phong kiến, hoặc tổng hợp số liệu khoa bảng sai với thực tế lịch sử khi nghiên cứu về các nhà khoa bảng…

 

       VỀ HỌC VỊ:

 

       Các sách đăng khoa lục và lịch sử còn ghi chép được, ở nước ta, từ 1075 đến 1919 tổ chức được 183 khoa thi cấp quốc gia (Đại tỷ, Đại tỷ thủ sĩ, Thái học sinh mà ta quen gọi là Đại khoa, tức thi Hội và thi Đình), lấy đỗ 3415 người (hiện chỉ còn danh sách 2898 người). Những người đỗ Đại khoa thường phải trải qua ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) và đều được nhận một học vị nhất định tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

       Việc phân cấp người đỗ đại khoa thời Lý chưa rõ ràng, chỉ thấy khoa thi năm 1196 có học vị Xuất thân. Từ khoa thi năm 1232 thời Trần bắt đầu chia người đỗ đại khoa làm ba giáp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Cách chia này được dùng tới triều Nguyễn. Khoa thi năm 1239 lại chia người đỗ làm hai loại là Giáp khoa và Ất khoa. Từ khoa thi năm 1246 xuất hiện Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang gọi tắt là Thám hoa). Khoa thi năm 1256 và 1266 lấy hai Trạng nguyên (Kinh Trạng nguyên cho vùng đồng bằng Bắc bộ, Trại Trạng nguyên cho vùng Thanh Hoá...). Hai khoa năm 1304 và 1374 người đỗ Đệ nhị giáp được ban danh hiệu Hoàng giáp. Khoa thi năm 1426 chia người đỗ thành Giáp đẳng và Ất đẳng. Khoa thi năm 1442 xếp Đệ nhất giáp và Đệ nhị giáp vào Chính bảng, Đệ tam giáp vào Phụ bảng. Năm 1462 Lê Thánh Tông ban thêm học vị Cập đệ và Xuất thân, năm 1472 định tư cách và phân loại Tiến sĩ. Từ đây danh hiệu chính thức của người đỗ đại khoa từ cao xuống thấp là:

       - Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ: Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa).

       - Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).

       - Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

       Năm 1829 nhà Nguyễn đặt thêm học vị Phó bảng, lấy người đỗ trong các kỳ thi đại khoa kém điểm người đỗ Đệ tam giáp, xếp riêng thành một bảng và chưa được coi là Tiến sĩ.

       Về thời Lý, các sách lịch sử và đăng khoa lục chỉ ghi được danh tính cụ thể 5 người đỗ Đại khoa thời Lý. Danh hiệu học vị những người đỗ đại khoa thời Lý chưa được rõ, chỉ thấy người đỗ các khoa thi như Tuyển Minh kinh bác học cập Nho học tam trường, khoa thi tam giáo, khoa thi chọn người tài về thi thư…

       Người đỗ đại khoa thời Trần gọi là Thái học sinh (có từ năm 1232 đến năm 1400), từ năm 1442 gọi là Tiến sĩ. Tiến sĩ dùng chỉ những người đỗ từ Đệ Tam giáp trở lên, đồng thời cũng là tên thông tục chỉ người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa dùng gọi những người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Đệ nhất danh, Đệ nhị danh, Đệ tam danh), Hoàng giáp dùng gọi những người đỗ Đệ nhị giáp.

       Những người đỗ từ Tiến sĩ đến Trạng nguyên gọi là nhà khoa giáp, người đỗ Phó bảng gọi là nhà khoa bảng. Người ta thường gọi chung những người đỗ đại khoa là nhà khoa bảng cho tiện.

       Người đỗ Cử nhân ở các khoa thi cấp địa phương gọi là nhà khoa mục. Trong khoa thi Hương, người chỉ đỗ một kỳ gọi là Nhất trường, đỗ hai kỳ gọi là Nhị trường, đỗ ba kỳ được nhận học vị Tú tài (trước 1828 gọi là Sinh đồ), người đỗ cả bốn kỳ mới được nhận học vị Cử nhân (trước 1828 gọi là Hương cống) và được đi thi Đại khoa.

 

       VỀ DANH HIỆU:

 

       Người đỗ đầu cả ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) gọi là Tam nguyên, đỗ đầu ba khoa thi liên tục gọi là Tam nguyên liên trúng.

       Người đỗ đầu khoa thi Hội gọi là Hội nguyên.

       Người đỗ đầu khoa thi Đình gọi là Đình nguyên. Trạng nguyên là học vị cao nhất nên tất nhiên là Đình nguyên. Đình nguyên có thể là Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp hoặc Tiến sĩ, nhưng không bao giờ là Phó bảng vì Phó bảng chưa phải là Tiến sĩ. Trạng nguyên chỉ được đặt ra từ khoa thi 1246 nên tất cả các khoa trước đó đều chỉ có người đỗ đầu mà không có Trạng nguyên.

       Người đỗ đầu hai khoa thi Hội và thi Đình gọi là Song nguyên.

       Người đỗ đầu khoa thi Hương gọi là Giải nguyên (còn gọi là Tỉnh nguyên, Hương nguyên).

       Năm 1442 chính thức phân cấp thành ba khoa thi Hương, Hội, Đình nên từ đây mới có Tam nguyên và Song nguyên. Một số khoa chỉ có thi Hội mà không thi Đình cũng không thể có Tam nguyên và Song nguyên như các khoa 1453, 1458 và các khoa từ 1554 đến 1592.

 

TMG

………….

  

       BÌNH LUẬN – HỎI ĐÁP:

                     (Trích)

 

       1. Bình luận từ: trantam51 [Blogger] Email 12.01.14@06:09

       Tôi đã được đọc bài tương tự về khoa cử ngày xưa trong bộ sách của Thái Doãn Hiểu. Nay lại được đọc bài của bác. Xin cảm ơn bác và tôi xin phép photo mang về nhà khi nào rỗi rãi đọc lại. Kính bác sức khỏe và an lành!

 

2. Bình luận từ: PhuongNamDuongThi [Blogger] Email 12.01.14@06:15

       Đọc bài này bổ ích quá - Cảm ơn Mỹ Giống đã cho nhớ lại một thời mà các cụ đã thành danh,

       Chúc G.Đ đón Xuân vui vẻ.

       PNam

 

3. Bình luận từ: Đào Phan Toàn [Blogger] 12.01.14@07:10

       Em đến thăm anh đọc và lưu giữ để tham khảo. Em cảm ơn anh nhiều! Kính chúc anh vui vẻ!

 

4. Bình luận từ: TRẦN MINH THÀNH [Bạn đọc] Email 12.01.14@11:15

       Xin hỏi bác:

       - Tôi có đọc một bài viết trên báo Nam Định nói về song nguyên La Ngạn... Có người nói bác bảo không có song nguyên La Ngạn là sao?

 

       4-1. Phản hồi từ: Trần Mỹ Giống [Blogger] Email 12.01.14@14:47

       Vâng, trên báo Hà Nam Ninh số ra ngày 13 – 12 – 1991 có đăng bài “100 năm giỗ song nguyên La Ngạn” của tác giả Nguyễn Văn Huyền. Xin nói rõ về trường hợp này như sau:

       - “Ông La Ngạn” mà bác hỏi chính là Đỗ Huy Liêu (1844 – 1891), người La Ngạn, Đại An (nay thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ông đỗ Giải nguyên Cử nhân năm 1867, Đình nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1879.

       Ông đỗ đầu hai khoa thi Hương (cấp địa phương) và thi Đình, nhưng không thể gọi là song nguyên được, vì chỉ những người đỗ đầu hai khoa thi (cấp quốc gia) là thi Hội và thi Đình mới được gọi là Song nguyên.

 

       5. Bình luận từ: VŨ CHÍNH [Bạn đọc] Email 12.01.14@11:18

       Gần đây tôi có xem một bộ phim trên truyền hình Việt Nam do GS Lê Văn Lan cố vấn và thực hiện gọi Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên đầu tiên của nước ta. Có đúng không ạ?

 

       5-1. Phản hồi từ: Trần Mỹ Giống [Blogger] Email 12.01.14@14:49

       Xin trả lời bác thế này ạ:

       Một số tác giả phim truyền hình, bài đăng tạp chí và sách có viết "Trạng nguyên Lê Văn Thịnh" là không chính xác, bởi khoa thi mà Lê Văn Thịnh đỗ đầu là khoa Tuyển Minh kinh bác học cập Nho học tam trường năm Ất Mão Thái Ninh 4 (1075), khi đó danh hiệu Trạng nguyên chưa được đặt ra.

 

       6. Bình luận từ: ĐÀO BÌNH THANH [Bạn đọc] Email 12.01.14@11:21

       Trạng nguyên Đào Sư Tích đỗ đầu từ thi Hương đến thi Đình là Tam nguyên phải không ạ?

 

       6-1. Phản hồi từ: Trần Mỹ Giống [Blogger] Email 12.01.14@14:51

       Thưa bác Đào Bình Thanh:

       Trong lịch sử khoa cử nước ta, từ năm 1442 mới chính thức phân cấp rạch ròi ba khoa thi Hương, Hội, Đình (trước đó thi Hội, thi Đình không chia làm hai khoa thi riêng) nên từ đây mới có danh hiệu Tam nguyên. Trạng nguyên Đào Sư Tích đỗ đầu cả thi Hương, thi Hội, thi Đình nhưng không thể gọi là Tam nguyên vì ông đỗ Trạng nguyên năm 1374 (khi ấy thi Hội và thi Đình chưa được tách thành hai khoa riêng).

 

       7. Bình luận từ: TÂM QUANG [Bạn đọc] Email 12.01.14@11:25

       Bài này chú in trong sách "Các nhà khoa bảng Nam Định" được Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh phải không?

 

       7-1. Phản hồi từ: Trần Mỹ Giống [Blogger] Email 12.01.14@14:57

       Dạ, thưa bác Tâm Quang, đúng vậy ạ. Bài này là phần đầu bài "Nước ta có bao nhiêu Trạng nguyên" tranh luận với nhiều tác giả khác, em viết cách đây ba chục năm, đã đăng ở các tạp chí như Khoa học và Môi trường NĐ, Văn hóa Hà Nam Ninh... gần đây đăng ở một số trang mạng như Newvietart.com. Năm 2009 em đã đưa vào phần mở đầu cuốn "Các nhà khoa bảng Nam Định"... Nay do có một số bạn đọc gửi câu hỏi, đề nghị giải thích nên em đăng lại trả lời chung cho nhiều bạn đọc bác ạ!

 

       8. Bình luận từ: Người Nam Định [Bạn đọc] Email 12.01.14@14:23

       Xin hỏi Ba vấn đề Mong nhà nghiên cứu phê bình TMG giúp bạn đọc chưa rõ:

       1- Nguyễn Hiền Quê ở làng Thượng Nguyên Phủ Thiên Trường, nay là thôn Dương A xã Nam Thắng, sinh năm 1235, đỗ Trạng nguyên năm 1247. Có phải vua Trần Thái Tông đích thân ra đề thi, khi chấm bài có cả Trần Thủ Độ. Ý của bài thi đó theo nghĩa đen là Trần Thủ Độ đã làm cuộc đảo chính lật đổ nhà Lý một cách êm dịu. Ngay bấy giờ không ai biết, mà chỉ tung tin là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, xong thực chất không phải thế có đúng không xin nhà nghiên cứu phê bình văn hoc TMG trả lời cho bạn đọc biết.

       2- Đề thi đó hiện đang còn treo ở đền thờ Trạng Nguyên Thôn Dương A Xã Nam Thắng có tên là: "ÁP TỬ TỪ KÊ MẪU DU HỒ PHÚ".

       3- Có phải Trạng Nguyên Nguyễn Hiền làm quan đến chức Thượng Thư và mất năm 21 tuổi không? Mất vì lý do gì?

 

       8-1. Phản hồi từ: Trần Mỹ Giống [Blogger] Email 12.01.14@16:20

       + Câu hỏi của bác thuộc lĩnh vực lịch sử đấy ạ. Trạng nguyên Nguyễn Hiền người làng Dương A, huyện Thượng Nguyên nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng (Nam Trực – Nam Định) như bác nêu. Lệ thi Đình do vua ra đề thi và trực tiếp sát hạch thí sinh. Không thấy tài liệu lịch sử nào nói Trần Thủ Độ tham gia chấm bài của Nguyễn Hiền. Như bác nói chẳng qua là dân gian thôi. Với lại, Trần Thủ Độ tương truyền không biết chữ thì chấm sao được bài đối sách thi Đình ạ?

       + Tài liệu về Trạng nguyên Nguyễn Hiền không nhiều nên dựng lại chân dung ông phần nhiều dựa vào dân gian. Xin thống kê mấy tài liệu lịch sử đề cập đến Nguyễn Hiền theo chiều càng về sau càng chi tiết hơn:

       - Đại việt sử ký toàn thư (của Ngô Sĩ Liên) chỉ thông tin ngắn gọn là tháng 2 năm 1247 thi học trò cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên.

       - Kiến văn tiểu lục (của Lê Quý Đôn) cho biết thêm chi tiết Nguyễn Hiền người huyện Thượng Nguyên đỗ năm 13 tuổi.

       - Lịch triều hiến chương loại chí (của Phan Huy Chú) nói rõ hơn quê Nguyễn Hiền là làng Dương A.

       - Đại Nam nhất thống chí (Quốc Sử quán triều Nguyễn) cho biết thêm Nguyễn Hiền đỗ năm 12 tuổi, vua cho về chờ 3 năm mới bổ dụng, khi có sứ Trung Quốc thách đố giải 4 câu thơ, triều đình phải mời Nguyễn Hiền giải đố là chữ “Điền”. Ông làm quan đến Thượng thư bộ Công, khi mất được dựng đền và cấp ruộng thờ.

       - Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục (của Nguyền Ôn Ngọc) tổng hợp các chi tiết về Nguyễn Hiền và cung cấp thêm bài văn sách của ông là bài “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú” (Con vịt từ giã mẹ gà trở về với hồ).

       - Nam Hải dị nhân liệt truyện (của Phan Kế Bính) thêm một số giai thoại chưa được đưa vào sách sử, chẳng hạn chuyện Nguyễn Hiền thông minh học giỏi từ năm 6, 7 tuổi…

       Về năm mất của Nguyễn Hiền không thấy sách sử nào nói tới. Theo dân gian thì ông mất khi đương chức và mới 21 tuổi (1251). Mất vì lý do gì không rõ.

       + Nghĩa đen của bài văn sách thi Đình của Nguyễn Hiền có phải như bác nói không thì xin bác cứ nghiên cứu chính văn bài phú đó. Khi còn công tác, tôi có sưu tầm bản dịch bài phú này lưu tại Thư viện tỉnh Nam Định. Riêng tôi nghĩ rằng những điều bác hỏi là suy diễn của người đời áp vào lịch sử đó thôi. Mỗi người đọc hiểu theo cách của mình, bác có thể hiểu theo cách của bác…

 

       9. Bình luận từ: phauthuattk [Blogger] Email 12.01.14@22:21

       Cảm ơn anh về nhiều kiến thức bổ ích!

 

       10. Bình luận từ: Người Nam Định [Bạn đọc] Email 13.01.14@09:04

       Xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu phê bình Trần Mỹ Giống. Tôi có nghe Trần Thủ Độ không được hoc chữ thánh hiền. Xin hỏi thêm: Khi thi đỗ vua không cho Hiền làm quan ngay, cho về nhà học thêm lễ nghĩa, khi Tầu sang thử chữ "ĐIỀN", Nguyễn Hiền từ giã quê hương lên kinh đô làm quan. Nguyễn Hiền ra khỏi ngõ giơ cao chân giận một cái thật lực và nói đất này không có ai hơn tao. Từ đấy trở đi không có Trạng nguyên nữa và hiện giờ lốt chân của Nguyễn Hiền còn in dấu vì sao Nguyễn Hiền lại có hành xử như vậy? Xin hỏi mong được trả lời, chuyện đó có thật hay chuyện dân gian đồn thổi? Tương truyền rằng, Nguyễn Hiền không phải chính quê ở làng Dương A, mà là dân di cư. Quê ông chính gốc ở đất Nghệ An có phải ?

 

       10-1. Phản hồi từ: TRẦN MỸ GIỐNG

       Những chuyện bác hỏi đều không thấy sách sử nào ghi chép. Đó là chuyện dân gian thôi bác ạ. Cái mô típ lời nguyền để giải thích một hiện tượng có thật trong đời sống xã hội ở một vùng đất nào đó rất phổ biến. Còn quê Trạng Hiền ở đâu thì xin bác khảo cứu gia phả dòng họ Trạng sẽ có thể có câu trả lời.

 

11. Bình luận từ: Đông A Trần [Bạn đọc] Email 14.09.15@09:35

       Xin hỏi nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống một câu: Tôi nghe người ta nói về một người nào đấy thi đến Tam tràng mà không hiểu Tam tràng là gì, xin ông giải thích cho. Trân trọng cám ơn.

 

       11-1. Phản hồi từ: TRẦN MỸ GIỐNG

       Tam tràng là cách nói trại Tam trường mà dân gian hay dùng thôi mà bác. Thi Hương chia làm 4 kì. Ai đỗ 1 kỳ được gọi là ông Nhất (Nhất trường), đỗ 2 kì gọi là ông Nhì (Nhị trường), đỗ 3 kì gọi là Tam trường (mà bác bảo có người nói là Tam tràng) được nhận học vị Tú tài (có thời gọi là Sinh đồ), đỗ cả 4 kì mới được học vị Cử Nhân, có thời gọi là Hương cống.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét