Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

NGHỆ SĨ TRẦN CHÍNH NGHĨA / Trần Tuấn Phương

 


Nhóm bạn thân thiết của TMG: Từ trái qua phải: Trần Mỹ Giống, Đồng Ngọc Hoa, Trần Chính Nghĩa, Đăng Sơn Nam...

 

       Nghệ sĩ Trần Chính Nghĩa là một trong số rất ít bạn thân của Trần Mỹ Giống. Mỗi lần gặp Trần Mỹ Giống, nghệ sĩ Trần Chính Nghĩa say mê nói cả buổi về nghệ thuật, bình luận tác phẩm mới, phác thảo kịch bản, ý tưởng mới nảy ra trong đầu… Trần Mỹ Giống thường chăm chú nghe, cuối buổi mới đưa ra lời nhận xét ngắn gọn, đúng, trúng, trùng với ý tác giả.

       Xuất thân là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng Trần Chính Nghĩa lại viết nhiều kịch bản và thơ. Kịch của ông là kịch để diễn, không phải kịch để đọc, nên yếu tố ngôn ngữ hành động, khẩu ngữ rất rõ nét. Một số tác giả kịch thường lấy cốt truyện từ truyện ngắn để biến thành kịch bản của mình. Bạn đọc có kiến văn đọc là phát hiện ra ngay. Trần Chính Nghĩa biết rõ và rất ghét điều đó. Kịch của ông phải là tự ông sáng tác.  

Thơ Trần Chính Nghĩa không giống thơ của ai, cách viết rất riêng, kén người đọc. Người đọc phải có vốn kiến thức lịch sử, lịch sử triết học, các nhân vật nổi tiếng trong ngoài nước, khoa học nhất định mới có thể hiểu và cảm được thơ ông. Một số người không khoái thơ ông, vì họ đọc mà không hiểu nên cũng không cảm hết… Trần Mỹ Giống là bạn đọc thật hiếm hoi đồng cảm với ông. Có lần Trần Chính Nghĩa bảo: “Ở cái hội văn học nghệ thuật tỉnh, chỉ có Trần Mỹ Giống là hiểu và cảm đúng nhất kịch và thơ tôi.”  

*

Một bận, Trần Chính Nghĩa tâm sự:

- Tôi đang manh nha ý tưởng xây dựng nhân vật Trần Ích Tắc là nhà tình báo vĩ đại thời Trần… Ông thấy thế nào?

Trần Mỹ Giống ủng hộ:

- Tôi nảy ra ý nghĩ tương tự như ông từ những năm hai nghìn. Số là cuốn Tác giả Hán Nôm Nam Định của tôi có mục tác giả Trần Ích Tắc, bị một vị lãnh đạo tuyên giáo phê phán, đòi loại Trần Ích Tắc ra khỏi bản thảo… Biết đâu Trần Ích Tắc không chỉ là tác giả nổi tiếng mà có thể ông không phản bội Tổ quốc như lịch sử ghi chép. Căn cứ vào nội dung thơ của ông thấy rõ ông rất yêu nước…

- Con giai Trần Ích Tắc là Trần Hữu Lượng nổi lên xưng vương chống lại triều đình nhà Nguyên, tự xưng vua, tranh nhau với Chu Nguyên Chương. Năm 1361 Trần Hữu Lượng cho người về nước cầu viện nhưng không được nhà Trần chấp nhận. Sau ông thua Chu Nguyên Chương. Nếu nhà Trần chấp nhận cho quân tiếp viện thì có thể tình hình đã khác. Dù sao thì con cháu nhà Trần cũng từng làm vua trên đất Trung Hoa.

- Tại sao những kẻ theo giặc chạy đi Trung Quốc đều bị quân dân nhà Trần tiêu diệt, chỉ riêng Trần Ích Tắc đem theo cả gia quyến chạy sang Trung Quốc mà nhà Trần để cho đi yên ổn?

- Có thể nhận định rằng Trần Ích Tắc đi làm nhiệm vụ chui sâu leo cao vào bộ máy giặc để cung cấp thông tin cho ta và phá giặc từ trong nội bộ. Con giai ông đã thực hiện ý định của ông…

- Dù thế nào thì ý tưởng xây dựng nhân vật kịch Trần Ích Tắc là tình báo nhà Trần cũng có cái mới. Tư tưởng bảo thủ ở mình còn rất nặng nề. Người ta lười biếng chỉ tin vào sách sử. Viết khác đi là khó chấp nhận. Vấn đề là viết sao cho thuyết phục. Không cẩn thận họ sẽ quy tội bóp méo lịch sử, khó đấy ông ạ.

- Tôi cũng nghĩ vậy. Để tôi suy nghĩ thêm…

*

Lại một lần, Trần Chính Nghĩa đến nhà Trần Mỹ Giống chơi, chưa kịp ngồi xuống ghế đã sôi nổi:

- Khi tôi nói về nhân vật Dinh điền sứ Đỗ Phát, ông X chẳng biết Đỗ Phát là ai. Nói đến nhân vật Hải Hậu là phải nói đến Đỗ Phát. Ông là nhà khoa bảng duy nhất thời phong kiến ở Hải Hậu, chức Dinh điền sứ… mà nhà nghiên cứu X lại không biết thì…

Trần Mỹ Giống làm bộ ngơ ngác, bảo:

- Hải Hậu làm gì có ai đỗ Tiến sĩ thời phong kiến, chỉ có Đỗ Bỉnh Thành đỗ Cử nhân thôi chứ!

Trần Chính Nghĩa ngạc nhiên, còn đang bán tín bán nghi thì Trần Mỹ Giống giả vờ tra cứu Ai Pát mấy giây rồi reo lên:

- À đúng rồi, Đỗ Tông Phát đỗ Giải nguyên 1840, đỗ Đồng Tiến sĩ 1843. Trải các chức Hàn lâm Biên tu, Tri phủ, Đốc học, Thương biện tỉnh vụ kiêm Dinh điền phó sứ rồi Chánh dinh điền sứ…

Trần Chính Nghĩa nghe vậy tỏ ra rất vui và tiếp tục  say mê nói về chủ đề mình suy nghĩ.

Khi Trần Chính Nghĩa về rồi, bà lão bảo:

- Ông cứ giả ngốc không sợ bác Nghĩa giận à?

- Tôi quên mà!

- Ông nói với ai chứ nói vậy với tôi làm sao được. Thế bao nhiêu năm nghiên cứu, xuất bản cuốn Các nhà khoa bảng Nam Định, được giải thưởng của tỉnh… ông nói quên ai mà tin được. Rồi bác Nghĩa sẽ nhận ra, bác ấy giận đấy!

- Thôi, miễn là khích và gợi cho bạn nói được thoải mái suy nghĩ của mình. Bà thấy bác Nghĩa nói say sưa như thế hẳn bác ấy vui lắm khi thể hiện mình. Tôi thì rất vui khi bạn vui. Vui vì có bạn đồng cảm. Vui, thế là được rồi!

*

Ở tuổi tám mốt, Trần Chính Nghĩa trông vẫn phong độ trẻ trung nhanh nhẹn. Hiểu biết nghệ thuật, cuộc sống ngày càng dày lên, sức viết vẫn dồi dào. Ông thường đi xe máy lai họa sĩ Đặng Nam đi đó đây. Nghĩa, Nam, Giống bộ ba gắn bó chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống, cùng nhau thăm thú bạn bè, cùng nhau hát karaoke, cùng nhau có mặt ở quán bún, cùng nhau đọc nghe tác phẩm của nhau, cùng đồng cảm…

Chúc cho các cụ sức khỏe và luôn vui vẻ.

 

TRẦN TUẤN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét