Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

TÌNH TRẠNG LY HÔN HIỆN NAY Ở VIỆT NAM NÊN VUI HAY BUỒN / Việt Thắng

 



       Thời gian gần đây tác giả nhận được mấy tin buồn của mấy người bạn thân và họ hàng về tình trạng lớp trẻ ly hôn; cũng không thiếu những căp vợ chồng già sắp xuống lỗ cũng chia tay nhau.

       Trường họp thứ nhất, ông bạn già điện thoại buồn buồn báo tin: Thằng con trai ông cưới vợ cả chục năm nay, chả hiểu sao vợ chỉ sinh được hai cô “ vịt giời”, trong khi gia đình có một cậu con trai. Không hiểu cô vợ nghĩ lo cho tương lai nhà chồng không có người nhang khói; nên đã lén lút đổi trống coi sao? Một buổi chiều anh chồng đi làm về vừa mở cửa nhà ra muốn té ngửa vì thấy vợ mình đang trần truồng ôm tình nhân. Thế là ra tòa ly hôn; dù con còn nhỏ nhưng chị vợ cũng để dành cho cha nuôi con. Ly hôn được dăm ngày chị vợ cùng chàng tình nhân dắt díu nhau đi không một lời từ giã cha, mẹ, hàng xóm. Dẫu anh chành tình nhân kia đã có 3 con một trai hai gái. Còn anh chồng được hơn tháng cũng tấp tểnh cưới cô vợ đã bỏ chồng và có con hơn mười tuổi.

Trường hợp thứ hai, cô gái học cùng trường đại học với chàng trai. Ra trường ai cũng có việc làm thế là cưới nhau. Cô nàng ở Tây Nguyên chàng trai ở tận mũi Cà Mau. Ở đời khi yêu chả ai mà phô những điểm xấu lúc tiếp xúc nhau. Một khi đã thành vợ chồng thì ai cũng nhủ: “Chả còn gì phải giấu giếm”; thế là bao nhiêu tật xấu cứ lòi ra từng ngày. Cộng thêm tư tưởng “chồng chúa vợ tôi”. Anh chồng cứ tháng tháng lãnh lương quăng cho vợ vài triệu kể như xong trách nhiệm. Cùng đi làm như nhau nhưng khi về nhà chị vợ hùng hục lo cơm nước, con cái; anh chồng cứ ngồi coi truyền hình, hoặc ngồi bấm điện thoại. Đến khi ăn còn khen chê đủ kiểu thế là lời qua tiếng lại bát đĩa tung bay, con cái khóc la. Đích đến cuối cùng là ra tòa, cô vợ ôm con. Do tình trạng thất nghiệp không có việc làm; nên cô vợ đành phải ôm con về quê báo hại cha mẹ.

Trong xóm tác giả ở, có mấy cặp vợ chồng già ly hôn mà họ đã bước gần ngưỡng “thất thập cổ lai hy” cả. Lý do chả có gì; có lẽ do bà vợ già lọm khọm không đáp ứng được tình yêu của các ông “Trâu già thích gặm cỏ non”? Có tiền là các ông bia ôm, massage gần xa...thậm chí còn cặp bồ bịch, chuyện đổ bể đành phải ly hôn. Mấy bà vợ già thì đành chịu chứ tái hôn nỗi gì. Riêng mấy ông thì kiếm gái lỡ thời tái hôn, tiền chia ly hôn ôm lên rừng mua hẳn cả ngàn m2 vuông đất, có sẵn nhà vui vẻ duyên tình mới. Rồi cũng phải sinh con, thế là bảy mươi còn phải: “Ầu ơ...Ví dầu vợ trẻ chồng già, như răng rụng hết ăn cà muối chua...”. Được đâu vài năm cô vợ trẻ điện thoại về cho bà vợ già đã ly hôn: Bà bảo các con bà lên chở xác ông ấy về...”

Mở các trang mạng thấy tỷ lệ ly hôn ở các nước phát triển mà hết hồn: Nước Bỉ tỷ lệ ly hôn cao nhất:71%, như vậy chỉ có có 1/3 các cặp là chung thủy sống với nhau tới đầu bạc răng long. Tỷ lệ này ở Bồ Đào Nha 68%, Hung Ga Ry 67%...

Khi kinh tế thị trường hòa nhập, mức sống của người dân cũng tăng cao dần. Sự phát triển của khoa học nhất là ngành tin học; thì sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và thế giới đã đẩy tình trạng tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam lên cao. Theo thống kê các vụ ly hôn ở Việt Nam hiện nay ở mức 60.000 vụ, tương đương với 0,75 vụ /1000 dân. Như vậy tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh một công bố gây sốc: Cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn.

Luật hôn nhân và nam nữ bình đẳng ở Việt Nam đã có mấy chục năm nay. Nhưng không dễ gì đã xóa được những vết hằn phong kiến “Trọng nam khinh nữ” của các ông chồng có tư tưởng “ Chồng chúa vợ tôi”. Một thống kê ở Việt Nam 70% các vụ ly hôn là do phía nữ đệ đơn.

Các cặp vợ chồng trẻ ly hôn xong là mạnh ai nấy kiếm đối tác để lập ổ uyên ương mới. Chỉ khổ cho những đứa trẻ thơ, đầu óc còn non nớt mộng mơ; đã phải bị sốc nặng về mặt tình cảm vì cha mẹ chia ly. Rồi chúng phải sống theo cha hay mẹ, rồi chúng phải chứng kiến những vụ gây lộn của cha mẹ về chuyện con mày, con tao. Cũng không hiếm những vụ bạo hành, thậm chí dẫn đến cái chết con riêng của chồng hoặc vợ.

Theo trào lưu của lịch sử, nền kinh tế tăng trưởng tất nhiên nền dân trí cũng tỷ lệ thuận tăng; nhưng có điều nghịch lý là tỷ lệ ly hôn cũng tăng theo. Nhìn chung đã có một số phong tục tập quán của một số nước và vùng miền dần bị phai mờ thậm chí bị xóa bỏ. Việt Nam là một nước chịu ảnh hưởng cả ngàn năm của nền văn hóa phương Đông, gia đình là nền tảng cốt lõi để duy trì tính dân tộc. Nhưng với tình trạng ly hôn như hiện nay, chúng ta nên vui hay buồn?

VIỆT THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét