Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

CHỮ “NGHE” NÊN BỎ ĐI HAY GIỮ LẠI? / Phạm Đức Nhì

 



 

Đoạn Thơ Của Yên Sơn

Ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày 
dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn 
dừng lại giữa đồi trăng
cho chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt

 

Đây là đoạn thứ 7 trong 9 đoạn thơ của bài Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai. Tác giả đã cho “dừng lại” ở câu 2 đụng “dừng lại” ở câu 4. Điệp ngữ như vậy là không khéo, làm giảm nét đẹp của đoạn thơ. Điều đó quá rõ ràng. Người yêu thơ rất dễ thấy.

 

Khi viết “thư góp ý” cho bài thơ tôi có bàn một chút đến chữ “nghe” ở câu 3. Theo tôi, chữ “nghe” ấy có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng gì đến chức năng truyền thông của đoạn thơ - nghĩa là độc giả vẫn có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa của đọạn thơ y như lúc có sự hiện diện của chữ “nghe” đó.

 

Như vậy chữ “nghe” đã trở thành “vô tích sự”, chẳng đóng góp gì cho đoạn thơ hết.

 

Ý Kiến Của Nguyễn Hùng Dũng

 

Một độc giả yêu thơ, anh Nguyễn Hùng Dũng, không đồng ý với nhận xét của tôi. Anh viết:

 

“… nếu theo PĐN bỏ chữ “nghe” vì muốn câu thơ gọn ghẽ thì làm sao cắt nghĩa được “gió vờn hoa hát lời ân ái” và “chú cuội nôn nao tâm sự với chị Hằng?” (Yên Sơn viết là “nói” chứ không phải “tâm sự”) Tôi xin đọc lại một tứ thơ của Hàn Mạc Tử có chữ “nghe” trong bài Đà Lạt Trăng Mờ:

 

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để 
nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để 
nghe tơ liễu run trong gió,
Và để 
nghe (1) trời giải nghĩa yêu…

 

https://huynhthuckhangluongvancan.wordpress.com/2021/01/11/han-mac-tu-voi-da-lat-trang-mo/

 

Và anh Phạm Đức Nhì sẽ bảo tôi tùy từng chỗ mà thêm vào hay cắt bớt. Vâng nhưng ở đây, dù câu thơ có bị thừa, nhưng độc giả vẫn thưởng thức được trọn ý nghĩa của bài thơ.

 

(Anh Nguyễn Hùng Dũng diễn đạt không được mạch lạc, trơn tru lắm nhưng chắc độc giả cũng có thể hiểu được ý của anh)

  

PHẢN BIỆN CỦA PHẠM ĐỨC NHÌ

  

1/ Chữ “Nghe” Trong Đoạn Thơ Của “Đà Lạt Trăng Mờ”

 

Nghe” ở đây là nghe âm thanh có thật bằng lỗ tai – mà âm thanh lại rất nhỏ - là tiếng “dưới đáy nước hồ reo” và tiếng “tơ liễu run trong gió” nên phải im lặng và chú tâm mới có thể nghe thấy được.

 

Oái oăm thay, cảnh thơ của Đà Lạt Trăng Mờ lại có nhân vật “Ai” thuộc loại “lắm mồm” nên tác giả đã phải yêu cầu:

 

“Ai” hãy làm thinh chớ nói nhiều

  

Vì trong cảnh thơ này nếu không “làm thinh” thì sẽ không thể nghe được những âm thanh dễ thương như thế. Sự hiện diện của chữ “nghe” không những hợp lý mà còn cần thiết.

  

Chữ “Nghe” Trong Cảnh Thơ Của Yên Sơn

 

Trong cảnh thơ của Yên Sơn không có nhân vật “Ai” lắm mồm mà chỉ có đôi tình nhân nằm bên nhau lòng thầm ao ước:

 

ước chi đêm dài thêm                                                                        cho tháng ngày dừng lại

 

nên câu tiếp theo

 

 để gió vờn hoa hát lời ân ái

 

chữ “nghe” đã được hiểu ngầm. Lý do: Đôi tình nhân nằm yên lặng bên nhau thì khi “gió vờn hoa hát lời ân ái” “tiếng hát” đó sẽ tự động lọt vào tai họ. Chữ “nghe” có cũng được mà không có cũng không sao.

Anh Nguyễn Hùng Dũng còn thắc mắc không có chữ “nghe” “thì làm sao cắt nghĩa được ‘chú cuội nôn nao nói với chị Hằng?’” Thắc mắc của anh Nguyễn Hùng Dũng chứng tỏ anh chưa biết được trong đoạn thơ của Yên Sơn có 2 kiểu nghe:

 

1/ “Nghe” “gió vờn hoa hát lời ân ái” là kiểu nghe âm thanh bằng tai. Nhưng trong cảnh thơ yên lặng đó, như tôi đã giải thích ở trên, chỉ cần “gió vờn hoa hát lời ân ái” là đủ; chữ “nghe” được hiểu ngầm.

 

2/ Còn “chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng” không phải âm thanh thật nên chỉ có thể cảm nhận bằng trí tưởng tượng trong tâm hồn. Đưa chữ “nghe” vào là sai bét.

 

Kết Luận

 

Anh Nguyễn Hùng Dũng còn nói:

 

“Vâng nhưng ở đây, dù câu thơ có bị thừa, nhưng độc giả vẫn thưởng thức được trọn ý nghĩa của bài thơ.”

 

Nói như vậy anh đã lờ đi một đặc tính rất quan trọng của ngôn ngữ thơ.

Khác với văn, ngôn ngữ trong thơ thường được chắt lọc kỹ càng, nhiều khi phải “chẻ sợi tóc làm tư”. Bởi vậy, nếu chữ (hoặc nhóm chữ) nào “không có cũng không sao”, đã trở thành “vô tích sự”, thì bỏ đi là thượng sách.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét