Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

TRẦN THOẠI NGUYÊN – NGƯỜI ĐI TRONG SƯƠNG MAI / Tuỳ bút Nguyễn Đại Hoàng

        (Phong cách cảm nhận và bình thơ của GS Nguyễn Đại Hoàng Anh Dung Hoang: Qua một bài thơ ngắn ngẫu hứng của Thi sĩ Bụi Đời TTN sau cuộc rượu với bạn thơ xóm quê mà thấu cảm hồn thơ phiêu lãng!)

 

Nhà thơ Trần Thoại Nguyên

 

       Bài thơ đến với tôi lúc nửa đêm hôm qua! Của Trần Thoại Nguyên - một nhà thơ cao niên, bình dị, khiêm ái, lễ nghi và hiếu để - mà tôi biết!

Một tiếng lòng người Đại Việt đến với tôi nửa đêm hôm qua! Và tôi đã viết ngay trong đêm một tiếng lòng đáp lại.

LÀNG QUÊ TÔI

Làng quê hỡi! Qua bao mùa chinh chiến

Xóm ven sông theo năm tháng lở bồi

Người mấy lớp như dòng sông về biển

Yêu nước thương nòi lầm lũi quê tôi!

 

Thương mấy bậc tài hoa, người xuất chúng

Huyền thoại tên bia mộ địa mênh mông!

Gốc đa làng khói nhang không thầy cúng

Thần thánh đi hoang, nói cũng không cùng!

 

Tôi về với mẹ già trên trăm tuổi

Ôi đứa con kiếp Thi sĩ Bụi Đời

Gia tài của mẹ tan rồi mẹ hỡi!

Ở nhờ phía ngoại. Tội lắm mẹ ơi!

 

Làng quê tôi ơi! Đình làng đã mất!

Đường ven sông sạt lở phải đê cừ

Một mai mẹ về Trời, tôi lang bạt

Vườn quê mình ủ rũ  biết bao thu!

……

Người đời gọi anh là Thi Sỹ Bụi Đời, nhưng tôi lại nghĩ, có lẽ đúng hơn là Bụi Đời Thi Sỹ!

Vâng trước hết anh là Bụi Đời- nhuốm phong sương những hạt bụi trần gian của Đại Việt này! Rồi sau đó anh mới là Thi Sỹ.

Cũng như ngày xưa tôi tự hỏi vì sao Bùi Giáng lại là Trung Niên Thi Sỹ vậy!

       Vâng! Anh TTN là thi sỹ của những hạt bụi, hạt bụi của một đời người, một đời thơ, và muôn đời đất nước.

Bởi vậy, có lần nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi Thomas Ferling hỏi tôi vậy thơ Trần Thoại Nguyên gọi là gì- tôi trả lời ngay:

- Đó là những hạt bụi thơ! Nhỏ vô cùng mà cũng lớn vô tận! Đời vô cùng mà thanh tao vô tận!

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là nhà thơ đã đạt đến cảnh giới – một cảnh giới vũ trụ toàn ảnh (holographic universe) như năm xưa nhà thơ Anh William Blake (1757 – 1827) đã viết:

To see a World in a Grain of Sand

And a Heaven in a Wild Flower,

Hold Infinity in the palm of your hand

And Eternity in an hour

Bạn có hiểu không? Theo lý thuyết này thì trong vật nhỏ nhất cũng chứa đựng cái vô cùng!

Mắt ta có thể hình dung vũ trụ qua một hạt cát! Có thể hình dung bầu trời qua một cánh lan rừng.

Tay ta có thể nắm lấy cái vô cùng. Và cũng có thể nắm bắt được thiên thu qua một khoảnh khắc!

- ??? !!! Thầy có thể nói rõ hơn?

- Trong thơ chẳng hạn, nhà thơ là gì?

Nhà thơ chính là người có thể dùng một chữ, một câu, hay một bài thơ- vốn hết sức bình thường - để nói lên những tình cảm, những tư tưởng, những nỗi buồn, những niềm vui, hay cả những niềm hư không… đối với tình yêu, thiên nhiên, đất nước và con người – những thứ vốn vô hình và vô tận.

Trần Thoại Nguyên chẳng hạn, trong bài viết tưởng nhớ một người bạn thân là cậu tôi - nhà thơ triết gia Đỗ Tư Nghĩa- anh đã dẫn 2 câu thơ của chính anh:

Một bóng tài hoa sầu cuối mộ

Hồn thơ còn động cõi thiên man…

Tôi nhớ ngày đó tôi đã phải đứng lên đi lại trong đêm khuya vì chữ CUỐI :

Một bóng tài hoa sầu CUỐI mộ…

Một chữ nói lên được cả vũ trụ sầu đau, nhưng không nước mắt!

Vì sao nhà thơ tìm được chữ này vẫn còn là một điều bí mật!

Bí mật vì khả năng đó là do vô thức mà có được! Và để có một biển vô thức, nhà thơ phải trải qua một biển đời, hay một cõi thiên man…

Nhưng thôi, chúng ta hãy quay lại bài Làng Quê Tôi -

Làng quê hỡi! Qua bao mùa chinh chiến

Xóm ven sông theo năm tháng lở bồi

Người mấy lớp như dòng sông về biển

Yêu nước thương nòi lầm lũi quê tôi!

Hai chữ lầm lũi – vốn chỉ hành động, tình trạng của một con người, nhưng trong khổ thơ này đã mang nghĩa bóng dáng của quê hương!

Thương mấy bậc tài hoa, người xuất chúng

Huyền thoại tên bia mộ địa mênh mông!

Gốc đa làng khói nhang không thầy cúng

Thần thánh đi hoang, nói cũng không cùng!

Khổ thơ này là thương tưởng những cố nhân tài hoa bạc mệnh.

Nhưng cả một cụm từ  “thần thánh đi hoang” đã mở ra một không gian làng quê thật gần gủi mà cũng thật xa xôi, hiện tại đó mà quá khứ cũng kề bên- và tương lai vô định.

Vì sao trong giây phút tửu hứng, TTN lại có thể viết được cụm từ thiên tài này?

Phải chăng là vì nhờ một đời thơ, một đời thi sỹ cũng “đi hoang” mà viết được? Bởi với nhà thơ, nhà thơ tài hoa nào cũng thế, chữ nằm trong vô thức!

Có thể lắm chứ!

Nhưng hoá ra sự đi hoang cũng có giới hạn trong đời thực, vì có tới 30% bài thơ, bài viết và thậm chí trong cả những câu nhắn tin của  TTN có nhắc đến Mẹ.

Vâng trong trái tim Tình Yêu của thi sỹ - luôn có mẹ hiền, ngay cả trong cơn say một tối bay về chân trời làng quê cũ, mẹ vẫn hiện ra cụ thể chi tiết và thắm thiết yêu thương:

Tôi về với mẹ già trên trăm tuổi

Ôi đứa con kiếp Thi sĩ Bụi Đời

Gia tài của mẹ tan rồi mẹ hỡi!

Ở nhờ phía ngoại. Tội lắm mẹ ơi!

Mẹ xuất hiện trong bài thơ ngụ ý hay ẩn dụ một điều gì chăng?

Vâng, nhà thơ, trong cơn say, nghĩ về mẹ, lại liên tưởng đến thực tại:

Làng quê tôi ơi! Đình làng đã mất!

Đường ven sông sạt lở phải đê cừ

Một mai mẹ về Trời, tôi lang bạt

Vườn quê mình ủ rũ  biết bao thu!

Khổ thơ này nói gì vậy?

Nói đến điêu tàn, nói đến dấu vết và tác động của thời gian.

Đình làng – biểu tượng tâm linh, văn hoá và cuộc sống của một làng Đại Việt xưa không còn nữa!

Đường xưa lối cũ cũng mất dần! Và Mẹ nữa….khi đó nhà thơ vốn lang bạt kỳ hồ nay sẽ càng bể dâu chăng?

Tôi nghĩ là có thể có, có thể không?

Vì nơi mẹ sống là quê hương, và quê hương cũng có nghĩa là mẹ… nên làm sao rời xa được?

Bởi thân tâm và thiên tài của người thi sỹ này là của Mẹ, do Mẹ và vì Mẹ mà đi dài theo cuộc sống – nên làng quê vẫn mãi mãi là nguồn cảm hứng và động lực sống của TTN.

Trong bài thơ Bóng Chiều Không năm xưa, TTN đã viết:

Đời anh soi bóng sông vô định

Mênh mông khách lữ giữa hư chiều

Vâng, Trần Thoại Nguyên mãi mãi là khách lữ của đời này, kiếp thơ này. Tài hoa và cao nhã!

 

                           Nguyễn Đại Hoàng

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét