1- Bị bệnh đái tháo đường, huyết áp, đau lưng ba bốn năm nay, tôi phải đi khám định kỳ tại Bệnh viện tỉnh. Ban đầu định kỳ hàng tháng. Thời covid 19 diễn biến phức tạp, định kỳ hai tháng.
Mỗi lần đi khám, tôi phải dậy từ bốn giờ sáng, đi sớm xếp sổ lấy
phiếu khám trước để có thể hoàn thành khám lấy thuốc trong buổi sáng. Nếu đi muộn
chắc chắn mất cả ngày.
Không hiểu sao từ đầu năm 2022, định kỳ rút ngắn còn hai tuần,
rồi rút xuống một tuần. Thuốc cũng không được cấp đủ như trước, bệnh nhân phải
tự mua là chính.
Tôi phàn nàn với bà bệnh nhân già cùng khám. Bà hỏi:
- Thế ông có biếu tiền bác sĩ không?
Tôi thật thà:
- Chưa bao giờ ạ!
- Ông cứ nghe tôi, khéo léo đừng để ai biết…
Tôi hoang mang nghĩ: Bà bệnh này nói có lý. Đời sống bác sĩ
cũng khó khăn lắm. Cháu gái tôi học bác sĩ sáu năm, lại tu nghiệp chuyên khoa
hai năm mà xin việc trầy trợt, lương năm triệu. Tôi bỏ tờ tiền mệnh giá cao nhất
hiện có trong ví vào phong bì, dán kín. Lại bỏ phong bì vào cuốn sách.
- Thưa bác sĩ! Tôi muốn tặng bác sĩ cuốn sách tôi viết, được
không ạ?
Bác sĩ trẻ đẹp trai vui vẻ:
- Vâng được ạ. Cảm ơn ông.
Bác sĩ mở qua cuốn sách, cầm phong bì trả lại tôi:
- Cháu nhận sách, không nhận tiền đâu ạ!
Tôi lúng túng:
- Tôi… Đó là nhuận đọc thôi ạ!
- Các cụ đã bệnh tật, khổ lắm rồi. Cháu không nhận tiền đâu.
Ông để tiền mua thuốc uống ạ!
- Cảm ơn bác sĩ!
Tôi
bỗng cảm thấy mình bé nhỏ.
- Bệnh viện quy định mỗi lần khám chỉ cấp 30 viên thuốc tiểu
đường. Ông khám hàng tuần lấy thuốc đủ dùng vậy.
- Tôi đề nghị bác sĩ cho tôi đơn thuốc tự mua đủ dùng một
tháng. Tuần nào cũng đi khám thì mệt mỏi lắm!
- Vâng được ạ. Cháu đã kê cho ông thuốc ngoại. Ông tự mua nhé!
- Vâng!
2- Sáng nay đến hẹn khám định kỳ. Cả đêm qua
thao thức. Cứ có việc gì là tôi lại mất ngủ. Mất ngủ thì lại thấy lưng đau hơn.
Tôi nửa nằm nửa ngồi chờ đến bốn giờ sáng. Kiểm tra các thứ cần mang theo: Phiếu
bảo hiểm y tế, căn cước công dân, tiền, sổ khám tiểu đường huyết áp, gói bánh gạo
nứt, chai nước lọc, thuốc huyết áp tiểu đường…
Bốn
rưỡi trời còn tối, tôi đã dắt xe ra khỏi nhà. Gửi xe, xếp sổ xong thì đã năm giờ
sáng. Hai chồng sổ cao hơn gang tay. Chồng sổ ưu tiên bằng nửa chồng sổ nhân
dân. Nhiều người xếp sổ từ tối hôm trước.
Tôi tìm được một ghế trống trong góc hành lang, ngồi chờ. Sáu
giờ uống thuốc huyết áp. Sáu giờ mười năm thì nhân viên y tế bắt đầu gọi tên
phát phiếu khám. Người bệnh (hầu hết là cao tuổi) chen chúc vây kín cửa phát
phiếu khám. Tôi nhận được phiếu khám bàn 1 số 27 lúc bảy giờ kém hai mươi.
Tôi
cầm sẵn sổ khám tiểu đường, phiếu khám, chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế ra
tay, đứng xếp hàng trước cửa bàn khám số 1. Khoảng bảy giờ hai mươi tôi nhận được
hồ sơ khám phòng 201 số 27. Lên tầng hai khoa khám bệnh, tôi xếp sổ chờ đo huyết
áp. Huyết áp không cao lắm do đã uống thuốc, nhưng nhịp tim cao 105.
Đứng chờ một lúc, tôi “chớp” được ghế ngồi của một bệnh nhân đến
lượt vào khám. Mệt mỏi, tôi nhắm mắt thư giãn. Họ khám hết các bệnh nhân có thẻ
ưu tiên rồi mới theo thứ tự khám bệnh nhân thường. Các cụ ngồi chờ râm ran bàn
tán.
- Nam Định mình có ông bộ trưởng y tế bị còng tay đấy các cụ ạ.
- Việt Á là cái bẫy tóm được hàng trăm con chuột cống trong
ngành y tế. Chúng cướp được hàng nghìn tỷ… Cảm ơn Việt Á!
- Có một trăm con chuột mà nó phá tanh bành cả ngành y tế…
Mong ông Trọng ra tay tóm sạch lũ chuột cho dân nhờ.
- Kết cục thì người bệnh phải hấng chịu hậu quả. Khám bảo hiểm
mà phải tự mua thuốc… Là nó ăn chặn bảo hiểm của dân chứ sao!
- Các bệnh viện không ai dám ký giao dịch mua thuốc nên không
có thuốc các cụ ạ. Ai cũng sợ…
- Không biết tình hình này bao giờ mới kết thúc.
Tôi đang mơ mơ màng màng thì nghe một bà bệnh nói to:
- Ai Trần Mỹ Giống vào khám kìa.
Tôi đứng dậy. Bà bệnh bảo:
- Bác sĩ gọi mấy lần mà ông không nghe à?
- Cảm ơn bà! – Tôi vừa lào phào trả lời bà bệnh, vừa bước vào
phòng khám.
Nữ bác sĩ trung tuổi cất giọng như gió thoảng:
- Kỳ này bác thấy trong người thế nào?
- Bình thường cô ạ. Không còn hiện tượng đói thì xỉu đi như
trước.
- Tôi sợ là lượng đường tăng. Bác cầm giấy đi xét nghiệm màu
nhé.
- Vâng! Cảm ơn bác sĩ.
Đến phòng xét nghiệm máu, nhận phiếu số 67. Lấy máu xong thì
tám giờ ba mươi. Tôi tìm một chỗ ngồi ngoài hành lang, chờ 10 giờ - 10 giờ 30 lấy
kết quả. Một ông bệnh già hơn tôi đang gặm bánh mì. Tôi uống thuốc tiểu đường
và ăn bánh gạo nứt.
- Ông bị bệnh gì vậy. – Ông già hỏi làm quen.
- Tôi bị tiểu đường ông ạ!
- Tôi cũng tiểu đường!
- Tiểu đường thì ông nên kiêng bánh mì và xôi nếp. Hai món này
tăng đường nhanh lắm!
- Thế à ông? Cháu nó chuẩn bị cho…
- Mời ông ăn với tôi cái bánh gạo nứt cho vui. Cái anh gạo nứt
tốt cho tiểu đường lắm ông ạ.
Tôi vừa nói vừa bỏ vào tay ông già ba cái bánh gạo nứt. Ông
già cảm ơn rồi xé giấy bóng ăn bánh.
- Dễ ăn ông ạ. Thế ông mua ở đâu, giá cả làm sao?
- Mua ở phố Hoàng Văn Thụ, hai năm nghìn một gói hơn chục cái…
- Đắt ông nhỉ.
- Vâng.
Tôi mệt mỏi ngoẹo đầu vào tường, nhắm mắt, rù đi. Lâu sau ông
già đập tay vào vai tôi:
- Chắc cũng sắp có kết quả, ta vào phòng chờ ông ạ.
Lấy được kết quả, quay lại phòng khám ban đầu thì đã 10 giờ rưỡi.
Lại xếp kết quả chờ thứ tự. Mười một giờ đến lượt tôi.
- Đúng là lượng đường tăng hơn tháng trước. Nhiều chỉ số tăng
lipid hỗn hợp ông ạ. – Bác sĩ bảo.
- Vâng!
- Kỳ này phải tự túc nhiều đấy ông ạ.
- Vâng!
- Hai loại thuốc cuối ông mua toàn bộ. Hai loại thuốc trên,
ông mua thêm mỗi loại một nửa nhé!.
- Vâng! Cảm ơn cô.
Tôi bước vội xuống tầng một, nộp hồ sơ bệnh án cửa số 8 thanh
toán cho kịp buổi sáng.
Một ông bệnh nhân hỏi tôi:
- Bác có đi mua thuốc ở Đền Giếng cho em theo với. Ở huyện
lên, em chả biết đâu vào đâu.
- Vâng. Bác đi theo tôi.
- Bác đi chậm cho em theo nhé!
Đến hiệu thuốc Đền Giếng, tôi đưa đơn thuốc cho nhân viên bán
hàng. Ông bạn ở huyện hỏi nhỏ cô nhân viên:
- Cô làm ơn xem đơn của tôi hết bao nhiêu, tôi sợ không đủ tiền!
Tôi đã định tặng ông bạn số tiền thiếu, nếu ông không đủ.
Nhưng khi nghe cô nhân viên nói số tiền thì ông bệnh nhân thở phào:
- Thế thì tôi vừa đủ ạ!
Tôi giơ tay chào ông bệnh nhân.
Về đến nhà, tôi nằm lên võng rồi ngủ lịm đi!
Chiều, điện cho ông bạn đồng môn đồng đội đang sống ở Hà Nội,
than phiền bệnh tật... Ông bạn bảo cũng tiểu đường, huyết áp. Mỗi lần đi khám ở
Bệnh viện E được lĩnh số thuốc trị giá tới một triệu hai trăm nghìn, uống thoải
mái.
Cùng bảo hiểm 100% mà Hà Nội khác xa tỉnh đến vậy?
Giấy hẹn khám kỳ tới 23 – 8 – 2022.
Cầu cho bình an để khám đúng hẹn!
Tệ xá 13 ngõ 398 Trường Chinh, thành
Nam 25-7-2022
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét