Có lẽ tôi là tác giả ngu ngốc nhất trong việc ứng xử tặng sách, như lời một ông bạn văn thân thiết nhận xét. Tất cả sách của tôi, bảy lần xuất bản riêng, hơn hai chục lần đồng tác giả in chung, đều đem tặng biếu bạn đọc. Vừa lo tiền mua lệnh xuất bản, tiền tự in, lại vừa lo tiền gửi bưu điện tặng bạn đọc. May mắn cho tôi được bà vợ là đồng môn Đại học Thư viện và đồng nghiệp Thư viện tỉnh, rất quý trọng sách, đã thắt bụng bóp mồm để chia sớt tiền lương hưu còm cho chồng in sách.
Việc tặng sách đối với tôi có niềm vui và có cả nỗi buồn…
Tôi sung sướng khi có bạn đọc không quen biết nhắn tin, gọi điện
xin mua một cuốn sách của tôi. Đáp trả cái ơn bạn đọc cho mình phút giây sung
sướng đó, tôi lập tức ký tặng rồi gửi “máy bay” cho bạn đọc.
Một bác cựu chiến binh từ Hà Tĩnh gọi điện xin mua cuốn “Thời
áo lính” của tôi. Bác ấy không thấy đâu bán. Cuốn này xuất bản lần đầu 2018 chỉ
phát hành trong hệ thống thư viện quân đội. Xuất bản lần hai 2019 theo đơn đặt
hàng của nhà nước chỉ phát hành cho các thư viện ngoài quân đội (Thư viện cấp tỉnh,
bộ, viện, trường đại học…) chứ có bán ra ngoài đâu mà tìm mua được. Bác ấy nói
đã đọc rất nhiều hồi ký của tướng tá, lính tráng thấy tự ca đánh bóng và lựa
theo xu thế thời đại là chính, đọc không thích. Nay đọc trên mạng thấy cuốn của
tôi rất chân thực, rất thích. Dù chỉ còn hai bản lưu hai lần xuất bản kỷ niệm,
tôi gửi ngay tặng bác ấy một bản xuất bản lần đầu. Sau khi đọc xong, bác ấy gọi
điện tiếc rẻ “giá bác viết dài hơn”… Sách có 200 trang, đọc thấy không chán là
hạnh phúc cho tác giả rồi. Nếu viết dài sợ đọc chán bác ạ!
Ba lần được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in bao cấp, tôi xin
nhận tiền nhuận bút bằng sách để tặng bạn bè, đồng nghiệp. Vậy là tôi chỉ mất
tiền gửi bưu điện tặng sách bạn bè thôi. Càng gửi tặng được nhiều, tôi càng thấy
mình hạnh phúc.
Cuốn Trạng nguyên Đào Sư Tích do tôi và Đồng Ngọc Hoa, Dương
Văn Vượng hợp sức cùng làm. Một vị họ Đào xem bản thảo, đăng ký mua 200 cuốn.
Nhưng khi in ra thì vị này chạy làng vì “không có tiền”. Tôi ủy quyền cho Đồng
Ngọc Hoa đóng gói cả nghìn cuốn sách gửi tặng hết… Sau này có một vị họ Đào mặc
cả với tôi và Đồng Ngọc Hoa, xin chi 100 triệu cho tái bản sách, chỉ yêu cầu sửa
lại quê Trạng từ Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) thành Đông Trang (Ninh Bình).
Chúng tôi đã từ chối thẳng thừng. Trớ trêu là VTV1 lại phát chương trình ba chục
phút về Trạng nguyên Đào Sư Tích, do Nhà sử học Lê Văn Lan chủ trì, thuyết minh
quê Trạng ở Đông Trang Ninh Bình. Trong phim có 5 lần quay tư liệu cuốn sách do
chúng tôi làm, nhưng tên các tác giả không được quay, không được nhắc đến.
Cuốn sách đầu tiên tôi
một mình đứng tên tác giả, tôi háo hức tặng đồng nghiệp. Có hai vị đồng nghiệp
kiện Hội Văn Nghệ đã cấp tiền tài trợ in sách cho tôi, yêu cầu thu hồi. Hai vị
này vu cho tôi đã nhận tài trợ của Sở Văn hóa 50 triệu rồi… May mà những người
liên quan còn sống, sự thật sáng tỏ, nên vụ việc đã được dẹp yên.
Một nhà văn Việt Nam được tôi tặng đầu tiên khi cuốn “Các nhà
khoa bảng Nam Định thời phong kiến” vừa xuất bản. Mấy năm sau, tôi gửi cuốn
sách này dự giải thưởng của tỉnh. Nhà văn Việt Nam nói với tôi: “Tôi được phân
công viết lời nhận xét kết luận các tập sách dự giải thưởng của tỉnh ta. Tôi cứ
tưởng cuốn “Các nhà khoa bảng” của ông chỉ là thư mục tóm tắt tiểu sử các nhân
vật. Đọc mới biết là các bài nghiên cứu chuyên sâu. Tôi đồng tình với việc xếp
giải cuốn này của bộ môn..” Thì ra ông bạn văn tôi quý trọng nhận sách tôi tặng
rồi vứt xó, không thèm đọc.
Soạn xong bản thảo “Truyện nhặt”, chưa có tiền xuất bản, tôi
in đại ra vài chục cuốn bản thảo tặng bạn bè. Đến nhà tặng một ông nhà thơ, thấy
một đống sách vứt dưới gầm bàn, tôi hỏi thì ông bảo: “Ôi trời! Toàn là sách tự
in của các nhà thơ cả đấy. Tôi không đọc loại sách vớ vẩn ấy, mất thời gian.
Sách phải có nhà xuất bản trung ương thì tôi mới đọc.” Nghe ông bạn nói mà tôi
choáng váng hoa mắt. Thì ra mình coi trọng nội dung, chứ ông này lại trọng hình
thức. Vậy là tôi không dám thò bản thảo “Truyện nhặt” đã ký tặng ông ra nữa. Sau
này khi cuốn “Truyện nhặt” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ấn hành, tôi cũng
không dám tặng ông bạn thơ này.
Một ông bạn văn tôi rất quý trọng, đến nhà tôi chơi. Tôi đem
tác phẩm vừa xuất bản ra ký tặng ông. Bút bi không ra mực. Đúng lúc ông bạn hỏi
mượn cái bút để ghi điều gì đó bạn ông điện thoại. Tôi cố mài cái bút bi cho ra
mực (hơi lâu một chút) mới đưa cho ông. Từ lúc ấy ông tỏ thái độ không vừa
lòng, chuyện nhạt hẳn. Tôi đưa hai tay trao sách tặng cho ông. Ông thò một tay
ra thờ ơ cầm cuốn sách, vứt xuống ghế ngồi. Đến giờ tôi vẫn còn tự trách mình
đã tặng sách cho ông.
Có hai ông bạn văn được tôi tặng sách. Hai tháng sau tình cờ gặp
nhau, có người khen sách của tôi hay, hai ông bạn ngạc nhiên trách: “Sao ông
không tặng tôi?” – “Ô hay, tôi tặng các ông ngay từ đầu mà!” – “Đâu có! Ông
chưa tặng!”. Tôi đâm mất tự tin trí nhớ của mình, ký tặng sách cho hai ông. Khi
về nhà mở danh sách đã tặng sách, thấy tên hai ông ghi trên đầu trang…
Lại nói thời còn công tác, và sau này đã nghỉ hưu, tôi thường
nhận sách tác giả tặng thư viện và cá nhân. Mỗi lần được tặng sách mới, tôi đều
phân công cho đồng nghiệp thuộc quyền viết bài giới thiệu trên thư mục nhân vật
hoặc đăng báo tạp chí để cảm ơn tác giả. Một bận Nhà văn Việt Nam PTT tặng thư
viện 4 tập thơ của anh. Tôi phân công cho anh em viết giới thiệu. Sau một thời
gian không ai viết được vì “không có cảm hứng”. Nể PTT là lãnh đạo Hội và Tạp
chí Văn nghệ mà mình là hội viên, tôi đành đem bốn tập thơ về nhà, đọc liền ba
bốn tối, không sao có hứng để viết. Tôi định bỏ cuộc thì vớ được bài “Đèn sen”
hay quá. Tôi viết hết đêm bài bình dài 8 trang A4. Sáng đi nộp bài cho Tạp chí
Văn nghệ gặp ông bạn đồng đội hiện là nhà nghiên cứu. Ông bạn cho biết bài thơ
này đang bị nhà thơ LHT kiện đạo văn. Đúng là vụ việc sau lùm xùm cả hội. May
chưa kịp nộp bài cho Tạp chí Văn nghệ…
Một ông bạn văn gửi tặng sách cho tôi. Nhà xe chuyển sách điện:
“Mời bác đúng… giờ ra ngã tư ĐT nhận bưu phẩm ạ. Xe cháu biển số…” – “Tôi đang
cách ĐT 50 cây số, không thể về kịp”. – “Vậy cháu gửi hàng nước bà M. khi nào
bác đến nhận thì gửi tiền cước bà ấy cho cháu ạ.” – “Ô kê!”. Tuần sau tôi nhận
sách, một tập thơ chưa đầy 100 trang. Tiền cước 20.000 đồng, tiền lưu kho bà
hàng nước 20.000 đồng. Tôi vẫn gửi tặng sách trong cả nước, bằng thư phát
nhanh, chỉ một hai ngày là tới, trong tỉnh 12.000 đồng, Hà Nội 20.000 đồng, Sài
Gòn 30.000 đồng… Nhà bưu điện đem sách đến tận tay người nhận…
Một bữa, bà vợ tôi nhận hộ bưu phẩm là một tập thơ mỏng, do
tác giả ký tặng. Nhân viên chuyển phát bưu phẩm yêu cầu nộp tiền vận chuyển… Tiền
chả đáng kể gì, mà sao thấy buồn, như là bị coi thường, như là bị xúc phạm… Tự
nhiên thấy giảm hứng thú đọc, tình yêu sách mai một đi ít nhiều
Còn nhiều chuyện bi hài xảy ra với tôi trong chuyện tặng và nhận
sách, nhưng bài dài quá rồi, đọc nhàm chán. Xin dừng lời tâm sự trải lòng mình
với bạn bè ở đây. Chúc các bạn vui.
Tệ xá, thành Nam, 10-3-2022
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét