Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

ĐỌC ‘TÂM TRẠNG CỦA TRỜI” THƠ PHẠM ĐỨC MẠNH (TÂM TRẠNG CỦA TRỜI HAY CỦA NGƯỜI?) / Châu Thạch


 


 TÂM TRẠNG CỦA TRỜI! 

 

 

Hình như tâm trạng của Trời 

Còn vương vướng chuyện nợ lời nguyền xưa 

Sáng thơm nắng, chiều đắng mưa 

Buồn khê bất chợt rớt trưa nơi nào 

 

 Đi tìm trưa ở hồn ao 

Chỉ nghe tiếng dũi cồn cào sóng bơi 

Đi tìm xóm tiếng ve rơi 

Hàng tre cưa gió rối bời thời gian 

 

Hoàng hôn ám ảnh chiều tàn 

Du dương vỡ mộng núi đàn mây bay 

Thăng trầm nốt ánh sáng ngày 

Cung mùa giao cảm thèm say màu người. 

 

 

Thì ra tâm trạng của Trời 

Sợ ta nhớ mẹ lệ đời bầm đau 

Yêu thương hùn hạp với nhau 

Giữ ta ở lại ươm màu tình quê 

 

Gỡ mùi chinh chiến trở về 

Thơm niềm kiêu hãnh lời thề với sông 

Gối lòng biển mẹ mênh mông 

Càng thương đời mẹ ngóng trông mỏi mòn 

 

Đếm đau thương - những mất - còn 

Nhưng không để mất nước non của mình 

Mỗi ngày hỏi ánh bình minh 

Hồn thiêng người lính lặng thinh chốn nào ? 

 

                   Phạm Đức Mạnh 

                       20.05.2021 

 



 LỜI BÌNH CỦA CHÂU THẠCH 

 

       Bài thơ “Tâm Trạng Của Trời” của nhà thơ Phạm Đức Mạnh không phải là bài thơ tình, cũng không phải là bài thơ đạo, cùng không anh hùng hay bi hùng, chẳng lâm ly ủy mị,  nhưng bài thơ vừa mới đăng lên facebook thì liên tiếp những lời khen tặng được gởi đến trong phần bình luận dưới bài thơ. 

       Châu Thạch tôi cũng gởi một lời bình luận như sau: “Bài thơ thật thâm thúy. Tâm trạng của Trời, của người và của lính hoà quyện trong nhau. Tôi muốn viết về bài thơ nhưng không viết được, vì không thể nói hết được những gì bài thơ muốn nói!”.   

       Thật quả nhiên nói trước bước không khỏi, trong lòng tôi dằn vặt  bởi những suy nghĩ về bài thơ cứ mãi ám ảnh trong đầu. Vi vậy tôi phải viết về bài thơ. Viết xong “để gió cuốn bay đi” như “Sống trên đời phải có một tấm lòng” của Trinh Công Sơn. 

       Bây giờ, xin vào ngay khổ  đầu  của bài thơ, xem tác giả nói gì về tâm trạng của Trời: 

                  1 

       Hình như tâm trạng của Trời 

       Còn vương vướng chuyện nợ lời nguyền xưa 

       Sáng thơm nắng, chiều đắng mưa 

       Buồn khê bất chợt rớt trưa nơi nào 

        Bước vào khổ thơ đầu tiên, tác giả chưa khẳng định sáng nắng chiều mưa là do tâm trạng bất ổn  của Trời, nhà thơ còn  nghi ngờ  khi dùng hai từ “Hình như”. Thật ra tâm trạng của Trời thì con người làm sao biết được. Kinh Thánh viết rằng:  “Đức Giê-hô-va phán: Ý-tưởng ta chẳng phải ý-tưởng các ngươi, đường-lối các ngươi chẳng phải đường-lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”. (Ê-Sai 55:8-9)”. 

       Thế nhưng, dầu con người không thể biết được những việc làm của Trời, nhưng ý Trời luôn được mặc khải  cho loài người biết, thể hiện qua thiên nhiên.  Nhà thơ Phạm Đức Mạnh nhìn thiên nhiên sáng nắng chiều mưa, trưa “buồn  khê bất chợt” mà đoán định tâm trạng của Trời. Tác giả nghĩ rằng tâm trạng Trời chưa ổn định vì  “Còn vương vướng chuyện nợ lời nguyền xưa”, theo tôi là không sai mấy. 

       Vì sao không sai mấy? Ta nhớ theo Kinh Thánh,  khi A-Dam ông tổ của loài người ăn trái cấm, Đức Chúa Trời đã phán một lời nguyền như sau: 

       “Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn.  Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng;  ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi. (Sáng Thế Ký:3-17-19)” 

       Bởi lời nguyền trên, trái đất sẽ còn chịu nhiều đau khổ cho đến ngày tận thế, ngày mà theo Kinh Thánh nói, ai sống đẹp lòng Trời vào nước Thiên Đàng, ai sống nghịch  lòng trời thì về địa ngục. Cho nên hiện nay “Sáng thơm nắng, chiều đắng mưa/ Buồn khê bất chợt rớt trưa nơi nào” chỉ là vì ông Trời “Còn vương vướng chuyện  nợ” nên thực hiện “lời nguyền xưa” như nhà thơ Phạm Đức Mạnh đã đoán ra chắc là hợp lý. 

       Rồi ta bước sang khổ thơ thứ hai: 

       Đi tìm trưa ở hồn ao 

       Chỉ nghe tiếng dũi cồn cào sóng bơi 

       Đi tìm xóm tiếng ve rơi 

       Hàng tre cưa gió rối bời thời gian 

       Lạ nhỉ? đang nói chuyện tâm trạng của Trời lại nói qua chuyện con người. Vậy thì hiểu rõ, nhà thơ mượn tâm trạng ông Trời để nói về tâm trang con người. Tâm trạng Trời không yên nên khiến mưa khiến nắng bất ngờ, tâm trạng người cũng không yên nên đi giữa thiên nhiên,  tìm sự bình an trong lòng mình cũng không có. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, vì  tâm trạng  nhà thơ không vui nên nhìn cảnh nào cũng hóa ra không vui cả. 

Vậy thì tâm trạng không vui sao nhà thơ không đi đến nơi nào lại tìm đến cái ao? Không khó hiểu mấy vì ao làng là nơi lưu giũ những kỷ niệm tuổi thơ, những ký ức sâu đậm của quê hương trong cuộc sống. Nhà thơ có tâm trạng không vui, tìm đến ngắm ao làng, từ đó ta có thể  hiểu được tâm trạng không vui trong lòng nhà thơ là tâm trạng gì. Phải chăng, tác giả trăn trở vì nhừng đổi thay không vừa ý trên chính quê hương mình? 

Từ khổ thơ thứ hai, ao làng, đường xóm, hàng tre đều không cho tác giả niềm vui nào. Qua khổ thơ thứ ba, nhà thơ đưa mắt nhìn bao trùm quê hương, để rồi dưới con mắt nhìn bi quan đó, tác giả cảm nhận như tất cả quê hương đang khao khát, đang thèm say một đời sống, một quê hương tốt đẹp đúng với “màu người”.  “Màu người” chính là tình yêu, đạo đức, nhân cách, phẩm giá và cuộc sống hạnh phúc, có địa vị cao hơn  mọi sinh vật trên đời nầy.     

        Hoàng hôn ám ảnh chiều tàn 

        Du dương vỡ mộng núi đàn mây bay 

        Thăng trầm nốt ánh sáng ngày 

        Cung mùa giao cảm thèm say màu người. 

        Vậy màu người là màu gì? Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời có phán rằng: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện-luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. (Ê-sai 1;18”). Vậy “màu người” theo Kinh Thánh chính là màu trắng, là linh hồn của những ai vô tội, hoặc được tha tội thành trắng trong. Tất nhiên nhà thơ không nói theo ý đạo, nhưng màu người chính là phẩm giá tốt đẹp mà tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã  ấn định các quyền cơ bản mà con người phái có. 

Qua phần thứ 2 của bài thơ, nhà thơ Phạm Đức Mạnh đã hiểu lòng Trời. Trời khi nào cũng có ý định tốt đẹp, Trời không cho ông ra đi, xa quê hương như bao nhiêu người, Trời giữ nhà thơ ở lại để chung tay “ươm màu tình quê” nghĩa là xây đắp quê hương, làm cho quê hương xanh màu tươi đẹp, làm cho con người nơi quê hương có “màu người”: 

         Thì ra tâm trạng của Trời 

         Sợ ta nhớ mẹ lệ đời bầm đau 

         Yêu thương hùn hạp với nhau 

         Giữ ta ở lại ươm màu tình quê 

 

         Gỡ mùi chinh chiến trở về 

         Thơm niềm kiêu hãnh lời thề với sông 

         Gối lòng biển mẹ mênh mông 

         Càng thương đời mẹ ngóng trông mỏi mòn 

Trời hiểu tình yêu quê hương của nhà thơ, nhà thơ không phụ ý Trời, cởi áo lính với niềm kiêu hãnh, toàn tâm toàn ý cho dự phóng báo đáp tình yêu mênh mông của mẹ. mẹ ở đây là quê hương, là non sông, là tổ quốc mà cũng là người mẹ yêu thương của nhà thơ, người mẹ  đại diện  cho tất cả những điều cao cả ấy. 

Bài thơ với những trăn trở của Trời, của người và của lính hòa quyện trong nhau được rõ nét ở khổ thơ cuối cùng: 

        Đếm đau thương - những mất - còn 

        Nhưng không để mất nước non của mình 

        Mỗi ngày hỏi ánh bình minh 

        Hồn thiêng người lính lặng thinh chốn nào? 

        Người lính chấp  nhận những đau thương của mất- còn nhưng không bao giờ chấp nhận để mất nước non. Khi tác gỉả phải nói như thế là tác giả đang đối diện với một vấn đề nan giải, và tác giả đã quyết định chọn cho mình một chọn lựa. Chọn lựa đó là “Nước non của mình”. 

        Khi tác giả viết “Hồn thiêng người lính lặng thinh chốn nào” với một dấu hỏi, là nhà thơ đang mang tâm trạng cô đơn, đang hoài mong, đang chờ đợi đang đi  tìm giá trị những lời thề yêu nước của người lính, chờ đợi sự lên tiếng thề bảo vệ non sông, bảo vê quê hương và xứ sở. Tôi nghĩ, hồn thiêng người lính đang ở quanh ta, nếu chưa lên tiếng không phải là không lên tiếng. 

       Đây là một bài thơ mang tâm trạng của người, không phải tâm trạng của Trời, thế nhưng nhà thơ mượn Trời để gởi vào đó tâm trạng của mình. Bài thơ không có nỗi buồn nhưng có  niềm đau, niềm đau thật  thấm thía. Như tôi đã nói ở trên, tôi không thể viết hết những điều mà nhà thơ muốn nói, vì có ai đo được nỗi đau đâu, huống chi đây là niềm đâu. Niềm đau là sao? Là trong niềm vui vẫn có những nỗi đau khó nói ra thành lời./. 

                                Châu Thạch 

                            (Trưa 21/5/2021) 

 

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét