Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

Tiếu lâm Truyền kì (Kì...2020): RƯỢU MẶN / Vũ Duy Chu


 


        Chàng rể miền Tây Nam Bộ lần đầu tiên ra thăm quê vợ Hà Nội, nên thấy cái chi cũng lạ.

        Nhằm bữa có giỗ, ông bà già vợ làm 5-6 mâm tú hụ thức ăn thịnh soạn mời bà con gia tộc, xóm giềng.

        Ông bố vợ đứng giữa nhà xoa hai tay vào nhau trịnh trọng:

        - E… hèm… thưa…. Hôm nay ngày giỗ bà cụ nhà em. Vợ chồng em xin có lưng cơm rau, chén rượu nhạt mời các cụ, các ông, các bà. Mong các cụ thể tất cho...

        Chàng rể khều vợ:

        - Dòm hoài thấy cọng rau nào đâu? Toàn thịt cá đầy nhóc, ngon muốn chết, rau đâu?

        Vợ khẽ quạu:

        - Hết giỗ, ngày mai cho ăn rau chết luôn, rõ chưa?

        Chàng rể lại khều vợ:

        - Nè, uống rượu bằng chén à?

        Vợ nghiến răng, ghìm giọng:

        - Trời ơi trời! Quê vợ ông người ta gọi cái chén ăn cơm của ông là cái bát. Còn cái li uống rượu của quê ông thì quê vợ ông gọi là cái chén. Uống rượu bằng cái chén này này. Nói hoài không nhập tâm gì hết, uống đi, hỏi ít thôi cha nội.

        Chàng rể bèn nghiêng nguyên cái chén rượu đầy làm cái ực.

        Như bị điện giật, chàng rùng mình ho sặc sụa, vãi cả nước mắt…

        Vợ khẽ hỏi:

        - Sao vậy?

        Chàng rể:

        - Ui dza! Rượu mặn quá trời, chịu hết xiết, sặc muốn chết mụ nội luôn.

        Vợ trợn tròn mắt:

        - Sao rượu lại mặn là sao? Ai cho muối vào rượu mà kêu mặn, hả ông dở hơi.

        Chàng rể rít qua kẽ răng:

        - Chu cha! Bố vợ tui vừa kêu “có chén rượu nhạt mời các cụ” đó. Tui tưởng rượu nhạt thiệt tình, tợp vô phát cháy họng, tui kêu rượu mặn không đúng thì kêu bằng gì chớ?

 

SG, 27.5.2013

VDC

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét