Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

TIỂU LUẬN BÌNH THƠ “MẮT BUỒN” VÀ “CON MẮT CÒN LAI” (Thơ Bùi Giáng và nhạc Trịnh Công Sơn) / Châu Thạch

 

    

     “Mắt buồn” là một bài thơ cúa Bùi Giáng trong đó có câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” mang đầy tính cách đặc biệt để người ta nhớ và nhắc vê ông. “Mắt buồn” được đăng đầy trên các trang mạng nhưng bình bài thơ nầy thì hầu như quá ít. Châu Thạch tôi xin mạo muội ghi một vài ý kiến về “mắt Buồn”, không dám nói là bình, chỉ dám nói cảm nhân  chủ quan của mình mà thôi. Trước hết xin mời đọc bài thơ:  

          MẮT BUỒN  

                Tác giả: Bùi Giáng  

"Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi" 
                     (Nguyễn Du) 

Bóng mây trời cũ hao mòn 
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay 
Tấm thân với mảnh hình hài 
Tấm thân thể với canh dài bão giông 
 

Cá khe nước cõng lên đồng 
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng 
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng 
Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi 

Bỏ trăng gió lại cho đời 
Bỏ ngang ngửa sóng với lời hẹn hoa 
Bỏ người yêu bỏ bóng ma 
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời 
 

Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con ./.  

      

     Bây giờ ta hãy đến với từng câu thơ của “Mắt Buồn”:     

      - Bóng mây trời cũ hao mòn: “Bóng mây trời cũ” cho ta hiểu là những kỷ niệm của quá khứ trong ký ức cúa con người. Bóng mây đó “hao mòn” nghĩa là những kỷ niệm ấy đã mờ dần đi trong trí nhớ của mình.    

      - Chiêm bao náo động riêng còn hai tay : Những kỷ niệm như bóng mây đó tuy hao mòn trong trí nhớ nhưng nó lại đi vào sinh hoạt rộn ràng trong giấc chiêm bao. Những sinh hoạt của ngày xưa tuy có hao mòn trong trí nhớ ban ngày nhưng sống lại trong đêm, để rồi khi tỉnh giấc nó biến đi, để nhà thơ cảm thấy mình chỉ còn đôi tay trắng.      

      - Tấm thân với mảnh hình hài: “Tấm thân” hiểu là thể xác con người đang sống, “mảnh hình hài” hiểu là thể xác con người đã chết. Vậy “Tấm thân với mảnh hình hài”hiểu là thể xác đang sống đây cũng như chết rồi. Cũng có thể hiểu rằng thân thể còn đây xem như một xác chết vì quá khứ đã mất hết rồi, chỉ còn lại đây đôi tay trắng.      

     - Tấm thân thể với canh dài bão giông: “Tấm thân” có thể hiểu là chỉ về phần xác thịt, “tấm thân thể” chỉ toàn bộ cơ thể con người, có thể hiểu là cả về phần xác và những sinh hoạt phần tâm hồn của nó. “Tấm thân thể với canh dài bảo giông” chỉ chung sự trăng trở của thể xác và tâm hồn  trãi qua thời gian dài gian khổ       

     Được biết bài thơ nầy Bùi Giáng viết ở giai đoạn cúi cuộc đời, bốn câu thơ đầu nhà thơ than thở cho sự hao mòn trí nhớ, trăn trở bởi những kỷ niệm thân yêu dần phai trong ký ức ông. Thế nhưng đau khổ hơn nữa, những kỷ niệm ấy không quên hẳn mà nó trở về trong đêm, làm thành những cơn mơ lành có, ác mộng có, làm náo động giấc ngủ đáng ra cần sự bình yên trong tuổi già. Ta biết rằng những giấc mơ về quá khứ thì thường chắp vá từng mảnh rời rợt, đưa con người bềnh bồng trong mớ hình ảnh lộn xộn, khiến khi tỉnh dây, ta thường thấy mình cô dơn và buồn da diết.     

     Qua bốn câu thơ sau, có nhà bình thơ cho rằng Bùi Giáng tả thực cảnh nông thôn, thế nhưng Châu Thạch tôi không nghĩ vậy. Bài thơ này Bùi Giáng không tả cảnh, ông chỉ dùng cảnh để phát họa một đời sống đầy khó nhọc mà nhà thơ đã trãi qua mà thôi:  

Cá khe nước cõng lên đồng 
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng 
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng 
Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi 
        Đởi sống trong quá khứ của nhà thơ khó nhọc như hình ảnh con cá trong khe vượt con nước để lên đồng, buồn như ruộng ở thời điểm đem mồng một tháng giêng, không có một bóng người ra đồng vì là đêm của tết chẳng ai đi làm. Câu thơ “Tạ từ tháng chạp quay nghiêng/ Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi” cho ta thấy rằng tác giả không có ngày xuân bao giờ trong đời, bởi vì nhà thơ đã từ giả tháng chạp để quay đi, nhà thơ  đã gở bỏ trang sử lịch của năm cũ, thế nhưng thu trong cuộc đời vẫn cứ triền miên trôi.   

     Cụm từ “thu triền miên trôi” cho ta hình ảnh se lạnh kéo dài lê thê trong cuộc sống. Vì sao nhà thơ không nói “đông triền miên trôi” mà lại nói “thu triền miên trôi”? Bởi vì với nhà thơ, sự gian khổ về vật chất không đáng cho họ để ý, nỗi đau tinh thần như sự bất đắc chí với đời, như những cuộc chia ly xảy ra..v.v mới làm cho họ cảm thấy thật bi thương. Bão bùng trong tháng chạp chỉ là hình ảnh gian khổ vật chất, sự se lạnh của ngọn gió heo may trong mùa thu mới đại diện cho niềm đau gặm nhấm trong lòng. Từ đó Bùi Giáng dùng mùa thu làm hình ảnh cho nội tâm mình.  

     Qua khổ thơ sau nhà thơ nhấn mạnh, chỉ rõ những cái mất trong cuộc đời ông. Dầu nhà thơ đã cố gắng vượt qua bao nhiêu trắc trở của cuộc đời giống như con cá vượt khe nước để lên đồng, nhưng cuối cùng cái còn lại vẫn là con số không:  

Bỏ trăng gió lại cho đời 
Bỏ ngang ngửa sóng với lời hẹn hoa 
Bỏ người yêu bỏ bóng ma 
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời 

 

Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con .  

     Trong khổ thơ nầy, câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” là câu thơ được giới sành văn chương yêu thích nhất, vì nó là câu thơ khép lại bài thơ thật độc đáo với ý thơ bí hiểm, để lại cho mỗi người một suy tư mông lung,  gợi một nỗi đau nội tâm và một nỗi đau nhân thế trong một hình hài bé bỏng. Có người cho rằng Bùi Giáng viết câu thơ này cho một nhân vật có thật, cho một người đàn bà có một đứa con đã từng là tình nhân của ông. Cho dầu là Bùi Giáng có thật một nhân vật như thế đi nữa thì ý thơ không thể gò bó trong con người ấy. Đọc toàn bộ bài thơ ta thấy nhà thơ không chỉ viết cho một mối tình, ông viết cho cả cuộc đời ông với những trăn trở trong giấc mơ về đêm, với những khó nhọc trong cuộc đời và với những mất mát mà ông đã buông rơi trong cuộc sống.  

     Trịnh Công Sơn trong bản nhạc “Con Mắt Còn lại”, qua giọng ca của Khánh Ly cũng chỉ nói được một phần ý nghĩa của câu thơ nầy mà thôi:  

        CON MẮT CÒN LẠI  

        Nhạc sĩ:Trịnh Công Sơn  

Lời bài hát dài, xin rút ngắn còn ý chính mà thôi:  

Còn hai con mắt khóc người một con
…Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai
…Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi
….Con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm
Nhìn em ra đi lòng em xa vắng
Con mắt còn lại là đêm tối tăm
Con mắt còn lại là đêm nồng nàn.

     Không ai có thể phủ nhận rằng, qua lời của bài hát nầy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy ý từ câu thơ của Bùi Giáng để khóc cho đời và khóc cho chính mình. Trịnh Công Sơn chỉ thể hiện con mắt còn lại để khóc cho mình thì nhiều mà quên rằng Bùi Giáng lại dùng còn mắt còn lại để khóc cho người nhiều hơn. Nhà thơ nói “Còn hai con mắt khóc người một con” mà nhà thơ không nói “Còn hai con mắt khóc mình một con”nghĩa là ông chú ý đến nỗi đau của tha nhân nhiều hơn mình. Bài thơ được hay thêm nhờ ở chổ đó. Bùi Giáng đã khóc cho mình suốt cả bài thơ nhưng cuối cùng ông đã thổ lộ: khóc cho mình là thế đó, nhưng chỉ khóc một con, dành con mắt kia để khóc nhiều cho người nghĩa là cho nhân thế./.  

                                   Châu Thạch  

 

 

 

3 nhận xét:

  1. Theo cachs tiếp cận của tá giả, tôi dôngd tình. Có cách lý giải hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi, ở khổ 2 "Cá khe nước cõng lên đồng" là câu thơ diễn tả một trạng thái bị động của cá. Trong khi tác giả lý giải chủ thể trong trạng thái chủ động nên dẫn tới lý giải các câu thơ sau đó chưa đủ thuyết phục. Ta nên để chỉ thể trong trạng thái bị động. Có như vậy mới diễn tả được nhân vật trữ tình bị xô đẩy trong bòng xoáy của cuộc đời, sự xô đẩy ấy đã mài mòn thể xác lẫn tinh thần,... Và như vậy, sự lý giải trong các ý tiếp theo sẽ hợp lý hơn. Hơn nữa, điều đó sẽ làm tăng ý nghĩa của phần kết trong hai câu cuối, cũng làm tăng giá trị của phần kết của bài viết.
    Đây là ý kiến góp ý chứ không hàm ý tiêu cực khác.
    Trân trọng !

    Trả lờiXóa
  2. Có lẽ do khiêm tốn, nên việc bình 2 câu cuối, tác giả chưa mạnh dạm đào sâu cái giếng vốn đã sâu trong "hai con mắt" đó. Hình như muốn mượn ca từ của nhạc sĩ họ Trịnh để thay cho lời bình và lời kết của mình.

    Trả lờiXóa
  3. Lời bình toàn tự suy diễn theo cá nhân chứ chẳng chịu tìm hiểu ngọn ngành của tác giả bài thơ, xin lạy ông nội Châu Thạch này 100 lạy vì lời bình quá tào lao....

    Trả lờiXóa