Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

LÊ VĂN HY BÌNH BÀI THƠ "GHẾ NGỒI" CỦA VŨ ĐỨC LONG




                     GHẾ NGỒI
               
                Cái ghế sinh ra vốn để ngồi
                Phải đâu là ghế để phân ngôi
                Ghế da ghế nhựa đều như vậy
                Ghế gỗ ghế mây cũng thế thôi
                Ghế thấp thường khi là vững chãi
                Ghế cao đôi lúc lại chơi vơi
                Ghế ngồi cao thấp do duyên phận
                Bền vững lung lay bởi chính người
                               
Vũ Đức Long
       

       LỜI BÌNH CỦA LÊ VĂN HY
             
  
        GHẾ NGỒI là bài thơ của tác giả Vũ Đức Long đăng trong Tuyển tập  thơ Đường luật Việt Nam kỷ niệm 10 năm ngày thành lập 9 / 2005 - 2015.
        Tác giả Vũ Đức Long có lý biết bao nhiêu khi ông chọn đầu đề bài thơ nói về cái ghế là “Ghế ngồi” . Bởi vì nếu chỉ nói “Ghế” thôi thì người ta có thể hiểu “ghế” là động từ như ghế cơm, cơm ghế khoai ghế sắn…. Dù rằng trong Từ điển tiếng Việt chỉ có một danh từ chung duy nhất là “ghế” dùng trong sinh hoạt của người để ngồi, để đứng, để lăn đi (nếu là ghế có bánh xe di động). Đề tài bài thơ ở đây tác giả chỉ muốn nói là ghế ngồi.
        Vậy thì cái ghế để ngồi  có thể là ghế ba chân, bốn chân hay chân liền như trường kỷ làm bằng vật liệu gì đi nữa  cũng chỉ dùng để ngồi mà thôi.
        Ghế da ghế nhựa đều như vậy
        Ghế gỗ ghế mây cũng thế thôi
        Nhưng nếu chỉ dừng ở đây thì bài thơ không có gì đáng nói. Cái tứ của bài thơ, cái ý nghĩa sâu xa của bài thơ là tác giả đã từ việc nói vê cái ghế ngồi mà nhân cách hóa lên  việc phân chia ngôi thứ địa vị trong xã hội như cái ghế tổng thống, ghế bộ trưởng, trưởng ban, trưởng phòng… người ngồi ở ngôi thứ nào phải đúng với vị trí như trong các hội nghị, đại hội có ghế dành riêng cho chủ tịch đoàn, dành riêng cho quý khách. Suy rộng ra còn có nghĩa là “Y phục xứng kỳ đức” người ngồi ghế nào  phải đúng với vị trí của mình, tài năng đức độ của mình. Người nào tài đức không có lại muốn ngồi ở ghế trên  đều là sai trái  đáng phải phê phán.
        Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Hai câu luận của bài thơ:
        Ghế thấp thường khi là vững chãi
        Ghế cao đôi lúc lại chơi vơi
        Nghĩa đen đúng.
Vì ghế là để ngồi, nên thiết kế vừa tầm thích hợp với người ngồi nên thường là vững chắc. Còn ghế cao người ta làm ra để thay cho cái thang khi phải làm việc trên cao như hái quả trong vườn, hoặc treo tranh ảnh trên tường nhà, hơi chơi vơi mạo hiểm đôi khi phải có người túc trực bên để giữ cho ghế vững.
        Và, nghĩa bóng cũng rất đúng.
Khuyên người ta nên thủ thường làm đúng chức trách theo khả năng được phân công, không nên cố mà leo cao khi khả năng mình chưa tới, chưa có.
        Hai câu kết của bài thơ:
        Ghế ngồi cao thấp do duyên phận
        Bền vững lung lay bởi chính người
        Đã thêm một lần nữa khẳng định “của bền tại người”. Muốn ghế của mình tốt bền thì phải năng lau chùi sửa chữa. Hiểu rộng ra với ý nghĩa xã hội là vị trí của mỗi người  làm được đến đâu là do duyên phận.
        Yên phận là hơn hết mọi điều
                                (Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm)
        Dù ở vị trí nào con người ta cũng nên tu dưỡng, học tập để làm tốt nhiệm vụ đã được xã hội phân công.
        Ý nghia nhân văn của bài thơ là ở chỗ đó.

LÊ VĂN HY
       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét