Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

CẢM NHẬN CỦA NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO VỀ TẬP THƠ “ANH ĐẾN” CỦA NHÀ THƠ TRẦN THANH BÌNH

Nhà thơ Trần Thanh Bình


        Trang chủ blog TMG:
Nhà thơ Trần Thanh Bình (Thanh Bình). Sinh năm 1960. Quê tỉnh Thái Bình. Từng sống ở Sơn Tây (Hà Nội), Tiền Giang. Hiện đang cư ngụ tại tp Hồ Chí Minh. Là hội viên hội nhà văn tp Hồ Chí Minh.
        Thơ Thanh Bình trên trang FB của chị khá hay, được nhiều bạn đọc quan tâm. Được nhà thơ Thanh Bình cho phép, trang blog TMG sẽ giới thiệu dần một số chùm trong tập “Anh đến” mời bạn đọc thưởng lãm.
        Xin mời bạn đọc đọc cảm nhận của nhà thơ Trần Mạnh Hảo về tập “Anh đến” của nhà thơ Thanh Bình:


        “ANH ĐẾN” TÌM THƠ



                                  Trần Mạnh Hảo

        Nữ nhà thơ Trần Thanh Bình vừa cho ra mắt tập thơ “Anh Đến”, NXB Hội Nhà Văn Việt Nam, phát hành tháng 01-2020. Tập thơ có nhiều bài truyền cảm, cho tôi cảm giác ngạc nhiên. Trong thơ, người ta chỉ “cách tân” được chữ nghĩa, mấy ai cách tân được tâm hồn và tình yêu ?

        Bốn đại thi hào lớn nhất Việt Nam : Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều và Hồ Xuân Hương không hề theo chủ nghĩa hình thức, không ai tuyên bố “cách tân” thơ; nhưng thơ họ bất tử, đặt nền móng mãi mãi cho tâm hồn và tư tưởng Việt Nam
        Hơn 50 năm qua, có một số người không rành thi ca đã tuyên bố ầm lên rằng thơ không vần, thơ văn xuôi, thơ tự do chối bỏ vần điệu niêm luật là thơ mới nhất, tự do nhất, hiện đại nhất…

        Nhầm to. Thơ có vần, có nhịp điệu niêm luật mới là loài thơ mới của loài người; thơ không vần, thơ văn xuôi xưa hơn rất nhiều: đã có từ khi con người chưa có chữ viết.

        Trần Thanh Bình nữ sĩ và hàng vạn người làm thơ trong các câu lạc bộ thi ca luôn dị ứng với một thứ thơ dễ dãi, nhạt nhẽo, viết ra cốt không để ai hiểu.
        Tình yêu, món cũ hơn cả trái đất có cần phải cách tân, phải yêu, phải nôm na nói toẹt ra theo kiểu con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đấy, con cóc ngồi đấy, con cóc nhảy đi như trường phái “tân con cóc” của loài thơ “háp háp” hay không ?
        Thơ mới hay không mới, hay hay không hay chủ yếu do nó có truyền cảm được hay không ?  Thi ca cũng như tình yêu có cùng bản chất là làm rung động tâm hồn con người !

        Hãy đọc bài thơ “Trò Đời” của Trần Thanh Bình :

        “TRÒ ĐỜI

Vũ trụ giam cầm bé cỏn con
Ta đây phá ngục thoát hang lòn
Ngờ đâu cửa đóng cài then chặt
Trốn chạy mây trời ngập nước non” ( tr.47)
        Là người Nam Kỳ, Trần Thanh Bình quen nói “cúi lòn”, không nói “cúi luồn” như người Bắc, người Trung, nên mới có câu: “Ta đây phá ngục thoát hang lòn”… Mới đọc qua bài thơ tứ tuyệt trên, ta thấy đâu đây có hơi hám nữ sĩ Hồ Xuân Hương “Giơ tay với thử trời cao thấp / Xọac cẳng đo xem đất ngắn dài”… nhưng ngậm ngùi hơn, quan hoài hơn, bi lụy hơn… Thân phận “cỏn con” của người đàn bà bị giam nhốt trong lồng vũ trụ, hai tay đập cửa càn khôn mong thoát khỏi thân phận “cúi lòn” (cúi luồn) mà không sao thoát nổi. Câu 4 là câu hay nhất của bài thơ: “Trốn chạy mây trời ngập nước non”… Người đọc có cảm giác tâm hồn mình cũng bị câu thơ đuổi bắt, đột nhiên tràn ngập và chìm nghỉm trong một cái gì đó như mây trời, như non nước, như tang thương, như trăng sao bị dìm trong lòng sông lòng suối!
        Một cảm giác ngột ngạt, tức thở, u minh bao phủ hồn ta do bài thơ mang đến, rất khó diễn đạt bằng lời… Tự do hỡi, thoát ra được chăng cái u uẩn, yếm khí “ngập nước non” của niềm quan hoài vạn thuở?

        Trần Thanh Bình vẫn tiếp tục chơi đồ cổ. Nhà thơ dùng thể thơ bảy chữ, bốn câu ba vần có từ thời thơ Đường, nhưng hiệu quả truyền cảm thì lênh láng cả trang giấy:

        CỐ HƯƠNG

Biết nỗi buồn tôi gió vấn vương
Hàng tre cúi xuống vuốt môi hường
Đường làng bóng đổ ai gồng gánh
Giếng nước nghiêng mình nhớ cố hương” (trang 17)
        Ôi nỗi nhớ cố hương. Cái gánh nặng tâm hồn sao cứ đè trên vai ta nỗi “thương nhà mỏi miệng cái gia gia” của niềm hoài cảm trong thơ Bà Huyện? Chạnh thương Lý Bạch xưa chỉ có vệt trăng trên giường mà nhớ quê khôn xiết : “ Sàng tiền minh nguyệt quang / Nghi thị địa thượng sương / Cử đầu vọng minh nguyệt / Đề đầu tư cố hương” (Tĩnh dạ tư)
        Cái dáng: “Ngửa mặt nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương” của người xưa sao còn di chứng mãi hôm nay? Một vệt trăng sáng, một ánh mặt trời cũng động lòng thiên cổ nỗi niềm cố quận trong ta!
        Nỗi niềm người phụ nữ nhớ quê hương nước Việt trong thơ nay giữa ban ngày của Trần Thanh Bình, khi gió vít bóng tre xuống đường quệt môi hường thiếu phụ, chợt làm lòng ta nghi ngút khói sương. Người đàn bà in bóng mình trong lòng giếng nghiêng nghiêng, quảy bóng tre như đi vào chốn không đâu… Cái cảm giác bâng khuâng oằn mình cả giếng nước trưa vàng xao xác gió. Nỗi nhớ quê hương từ trời xanh rót khôn cùng xuống lòng giếng hun hun nhớ thương…
        Nỗi nhớ nhà ấy, xao xác ấy, bơ thờ ngơ ngác ấy vừa rất cổ điển lại rất hiện đại ?

        Đôi khi nữ nhà thơ cũng vu vơ nghĩ ngợi. Thời gian ư? Ba thì quá vãng, hiện tại, tương lai ư… Tất cả chừng trong một sát-na (phần tử bé nhất của thời gian theo quan niệm Phật giáo)… Cái sát na ấy không còn có thể chia cắt: tất cả dòng chảy thời gian chỉ còn là hiện hữu, hiện tại, hiện tồn. Nên “Trời già” khôn nhất, mặc cho người phàm chia tách ba thì của thời gian ra mà ăn thua nhau chí chết. Câu thơ hay nhất của bài “Thời gian” dưới đây là câu: “Biết rằng vô nghĩa trời già đứng im”…

        Trời vẫn đứng im xưa nay, có nói gì đâu mà không cái gì là không nói; hình như con người chưa học được cách lắng nghe tiếng nói của cao xanh mà thôi! Phật, chừng như đã từng nói với chúng sinh trong thí dụ “nắm lá trong tay” và “lá trong rừng già” thuở ấy rằng: “ta đã nói gì đâu”?
        Làm như Trời kia đang đứng ngoài cái khung hư ảo tưởng như cứng ngắt của thời gian vậy! Bài thơ đã nói đến cái chân lý của quan niệm thời gian trong Phật giáo: hiện tại là vĩnh cửu, một bài thơ nghĩ mà như không nghĩ, sâu sắc mà tưởng nông choèn:

        THỜI GIAN

Ngày mai ruồng bỏ hôm nay
Không đâu, hiện tại vẫn bày hôm qua
Cuồng xoay ở tại lòng ta
Biết rằng vô nghĩa trời già đứng im” (tr.36)

        Tôi yêu “cơn gió đông” thổi qua thơ Trần Thanh Bình:

SÀI GÒN NHỚ GIÓ ĐÔNG

Gió xõa vờn em nổi bão giông
Cơn mưa bất chợt ghẹo mây hồng
Lòng nghe rạn vỡ trời phương bắc
Chạm lối Sài Gòn tiếc gió đông”
(tr.45)

        Yêu cơn gió “ghẹo tóc” em làm thành bão tóc, yêu vệt mưa “ghẹo” má mây hồng tưởng gió ấy làm rạn vỡ trời phương Bắc quê mẹ Thái Bình của tác giả… Và về miền Nam sống với quê cha Tiền Giang trong nỗi “tiếc gió đông” khôn nguôi của một tâm hồn đa cảm, một con tim của mưa nguồn chớp bể, của khung trời rạn vỡ nhớ thương…

        Tôi ngơ ngẩn với hơi lục bát Huy Cận đi lạc vào thơ Trần Thanh Bình. Nhà thơ dùng cây bút không đâu để vẽ vời nắng gió, ẩn đấy mà hiện đấy, khói đấy mà sương đấy, như một nỗi niềm u uẩn chưa biết gọi tên là buồn hay vui, sầu hay muộn:
        “Nắng lùi vài bước trong sân
        Chiều đi vội vã gió lân la về
        Chớm đông chưa hẳn tái tê
        Sao lòng nặng trĩu bộn bề heo may” 
                                (Chớm đông – tr. 50)
        Lòng ta có khi bộn bề như sương khói, như thi ca, như chớm yêu chớm nhớ một điều gì nghi ngút, dư ba, vừa nặng trĩu như hư vô, vừa nhẹ tênh như nhật nguyệt?

        Trần Thanh Bình viết khá nhiều thơ lục bát. Thảng hoặc, thơ dìu ta lên đỉnh núi, rồi bỏ rơi ta ở chốn chênh vênh quên dắt ta về, để nỗi cô đơn bị “dải lụa vắt ngang” mây trời vuốt ve, dìm ta vào sườn sơn khê của mối tình sơn cước:
        “Núi cao đâu chạm cô đơn
        Giữa trời lộng gió thiệt hơn chẳng màng
        Bỗng đâu dải lụa vắt ngang
        Quấn ôm sườn ấy khẽ khàng vuốt ve”  (Hỏi núi tr.91)
        Thơ hình như đang khô khan, thô thiển vô hồn, rất cần thi pháp “khẽ khàng vuốt ve” của dải lụa mây tình lưng lửng núi?

        To như núi kia mà còn cần cái vuốt ve của mây trời huống nữa là con người? Phần lớn thơ Trần Thanh Bình trong tập “Anh đến” là thơ tình, là nỗi niềm trai gái yêu nhau, “muối nhau” trong biển cả tình yêu: 

        TÌNH SI

Biển hiểu lòng anh muối mặn mà
Trăm năm vẫn đậm chẳng phôi pha
Si tình mắt biếc em thu hết
Trả xác anh về với biển xa” (tr.51)

        Linh hồn anh, tình yêu anh đã bị muối biển em muối lại bằng mắt si tình muôn đời không tan rã, chỉ còn thân xác vô hồn anh xin biển bờ xa nhận lấy! Bài thơ nói về muối mặn, về biển khơi hay khát vọng bất tử của tình yêu anh sống mãi cùng biển em, dù mai sau thể xác sẽ không còn! Nhưng trời ơi, bằng tình yêu, em đã ướp muối anh cả tâm hồn và thể xác! Anh có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi bờ bến đại dương em…

        Người tình trong thơ Trần Thanh Bình đã mắc lưới tiếng chim hay tiếng chim đã mắc lưới màn đêm cô độc? Cả vầng trăng kia cũng “bịt mắt bắt dê” người đàn bà đang hi vọng tìm một tri âm, một tiếng đáp, một niềm chia sẻ khi con tim buốt giá; đêm ơi, hãy cho nàng một hơi ấm dù chỉ là vệt đom đóm sáng mà không biết nóng:

        TIẾNG CHIM

Khắc khoải lòng đêm vẳng tiếng chim
Em nghe gió gọi muốn đi tìm
Vầng trăng khuất bóng che tầm mắt
Tắt lịm sao trời buốt giá tim” (tr.57)

        Thần tình yêu Eros ơi, chàng giấu mũi tên thần ở đâu, hãy bắn vào tim em đi, con tim đang bị vô biên bắt cóc; đấng cứu rỗi trên cao xanh có thấu lòng nàng chăng  :

        TÊN THẦN

Cửa biển chiều nay vắng bóng thuyền
Hồn tôi lạc lõng giữa vô biên
Cầu xin cứu rỗi cao không thấu
Phập mũi tên thần sóng ngả nghiêng”
(tr.57)

        Nhưng mũi tên của thần tình yêu không bắn vào tim nàng; mũi tên ấy sao lại bắn vào sóng biển làm sóng đập nghiêng bờ vì yêu; mà yêu ai? Thà yêu bờ cát vô hồn hơn là yêu nàng sao? Dù nàng đang mang trong mình một trái tim rớm máu?
        Tình yêu trong thơ Trần Thanh Bình là một tình yêu đi “tìm”; tìm trong cái chết hi vọng gặp sự sống lẻ loi. Tôi yêu tiếng chim họa mi của người đàn bà cô độc, lạc vào “rừng thu đã chết” đi tìm “dấu vết” tàn phai:

                 TÌM 
Lảnh lót tiếng họa mi
Em đi tìm dấu vết
Giữa rừng thu đã chết
Sót vệt nắng chim ca… (tr. 39)

        Hi vọng tình thơ trong tuyệt vọng sẽ tìm ra vệt nắng sót còn lưu lại tiếng chim ca từ cõi chết vọng về!

        Nhà thơ biết học con chim hót hết lời hay của tạo hóa, hót xong rồi “Trả hết mây trời xác rã tan” như trong bài thơ “Đời thi sĩ” trang 18:
        “Chấm mực đòi thơ cả thế gian
        Cuồng si biển khát chớp mưa ngàn
        Anh gom vạn vật vào trang viết
        Trả hết mây trời xác rã tan…”

        Thơ hay là tiếng lòng của nữ thi sĩ trong cơn “ĐAU YÊU” quằn quại:
        “Nguồn cơn cái giống đa tình
        Bắt nhau phải chịu cực hình gặp nhau
        Vía hồn xác ấy đủ đau
Cối xay thớt nghiến nát nhàu thân yêu”
        Ai dám bảo yêu là cực hình? “Cối xay thớt nghiến” cả trời xanh âm dương chứng kiến. Ta chợt nhớ một câu thơ của Xuân Diệu dịch từ thơ Tây rất “cực hình” theo kiểu đa tình Trần Thanh Bình: “Yêu là chết ở trong lòng một ít / Mà mấy khi đã biết mình yêu”. Cho hay, tình yêu mạnh hơn cái chết chắc là vì lẽ đó chăng?
        Thơ tình của Trần Thanh Bình có vẻ ngoài dễ thương nhưng bên trong dường rớm máu, dường héo mòn tang thương:
        “Cô đơn phố thị ồn ào
        Có không không có lối vào chung đôi
        Hỏi lòng riêng hỏi thế thôi
        Bước qua phố vắng làm môi héo mòn”
                                (Cô đơn trang 20)
        Đôi môi của thi ca có khi cũng phải héo mòn vì cô độc.
        Yêu là chết hay yêu là sống đây hỡi cặp vợ chồng hậu chiến trong thơ Trần Thanh Bình:

        HẬU CHIẾN TRANH

Anh về sau cuộc chiến tranh
Niềm vui nhỏ lệ chị dành tháng năm
Cạn đêm người chúc kẻ thăm
Ấp à chồng vợ trăng rằm thẹn soi

Bao kỳ nguyệt lặn chị đòi
Tinh hoa gieo cấy mặn mòi trổ bông
Mong chờ đỏ mắt vẫn không
Bóng anh cằn xuống… đèn trông cạn dầu

Nỗi đau hậu chiến về đâu
Dập vùi mầm sống úa tàu lá non
Mặt trời của chị tí hon
Chiến tranh cướp mất anh còn chi anh” (tr.86)

        Tôi chép ra đây bài thơ trên của nữ sĩ họ Trần để mở rộng tình thương yêu ra ngoài biên giới cái tôi, hướng tới những niềm bất hạnh con người mà chiến tranh mang tới. Những con người bất hạnh còn nằm la liệt ngoài thi ca của chúng ta. Những người sống đó mà tâm hồn họ đã bị chiến tranh chôn sống ngay trong thân xác mình, đang đòi thi ca chúng ta đến ủi an, chia sẻ. Hình như nhà thơ luôn là người chìa vai thi ca ra để vác đỡ cây thập giá của kẻ khác?

        Tôi yêu bài thơ dưới đây của Trần Thanh Bình, một bài thơ thương những nàng thơ góa bụa, đành phải gọt đầu đi tu để tránh tiếng chim từ quy đêm đêm gọi bạn tình tới sáng:

        NGẪM CHIẾN TRANH

Một đời xoay chuyển càn khôn
Một đêm khắc khoải vọng hồn chinh phu
Từ quy đầu núi sương mù
Cuối non gặp bạn… em tu suốt đời…
(tr.83)

        Thơ, đôi khi là tiếng chim từ quy gọi bạn tình không chỉ suốt đêm, mà gọi hoài cả đời… hi vọng tìm một hồi âm dù rất bé.
        Tập thơ “Anh Đến” của nữ sĩ Trần Thanh Bình chừng như là một tiếng chim từ quy ấy?

Sài Gòn 20-1-2020

T.M.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét