Sáng ngày 07 tháng 07 năm
2019, tầm 9 giờ anh đến nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi theo lời hẹn. Bắt tay
anh, tôi nói: - "Em có mời anh Đỗ Hoàng. Chốc gặp nhau, anh có ngại
không?". Thoáng chút bối rối nhưng nét mặt anh rất nhanh tươi trở lại:
- "Không sao! Chuyện thật người thật thì có gì tớ phải ngại.",
rồi chậm chậm bước lên tầng.
Vừa gặp Đỗ Hoàng, anh đã
quày quả trách tôi:
- Chú viết “Tưng
tửng 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hành” như thế hại anh quá. Nhiều người
hiểu sai nói anh thế này thế kia..
Tôi ngớ người, phân trần:
- Em viết nhẹ đi rất
nhiều so với lời anh nói. Anh mắng em hèn, không dám trich dẫn 100% lời anh vì
sợ mọi người chửi, sao giờ lại trách em?!.
Không trả lời tôi, anh
cười rất tươi với nhà thơ Đỗ Hoàng, giọng hồ hởi:
- Anh Đỗ Hoàng, bác Chử
Văn Long, bác Nguyễn Khôi là 3 sư phụ em rất kính trọng! Đời em chỉ tôn kính 3
sư phụ đây thôi!
Rồi vồn vã chuyển đề tài
thăm hỏi, luận bàn thơ phú. Tôi tròn mắt nhìn anh: Chẳng có lẽ tôi đang nghe
nhầm?
Tôi
nhớ, lần đầu anh rủ nhà thơ Hoàng Xuân Họa đến nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi,
Hà Nội. Vừa nhấp ngụm trà, anh hắng giọng, vẻ mặt cảm động:
- Thầy Hoàng Xuân Họa đây
là sư phụ tớ rất tôn kính! Sư phụ dạy tớ nhiều chiêu thức làm thơ lắm. Tớ rất
biết ơn sư phụ!
Rồi hai tay nắm chặt vào
nhau, anh chớp chớp mắt, khiến nhà thơ Hoàng Xuân Họa lặng người vài nhịp thở
mới run run gõ gõ ngón tay xuống bàn:
- Hành cứ quá lời nên
thế... Mình giúp Hành được bao nhiêu đâu....
Ở làng Đá, quê tôi, cũng
hơn một lần anh chém tay quả quyết:
- Tớ chơi với rất nhiều
nhà thơ, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần nhưng nói thật với cậu, chỉ bác Văn
Thùy đây mới đáng mặt để tớ tôn làm sư phụ. Thơ của sư phụ Văn Thùy tuyệt vời
lắm, đọc sướng lắm, khoái lắm, vào lắm...
Chỉ vài lời thế thôi đã
giúp không khí đang tẻ nhạt vì người nào người nấy còn mải giữ kẽ tức khắc trở
nên rôm rả, náo nhiệt, những câu thơ tếu, những chuyện lạ đời được "dị
nhân" Văn Thuỳ kể nghe dí dỏm hơn, có lửa hơn và “bạn rượu” cũng hào hứng
tán thưởng hơn.
Rồi bận nữa, cũng tại nhà
tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi, anh rổn rảng trước nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm:
- Thầy Lâm là nhà “Hà Nội
học”, là sư phụ kính trọng của tớ! Thơ của thầy đầy chất trí tuệ, đầy chất
Thiền, rất đại chúng mà cũng rất bác học. Thơ như của thầy khó làm lắm. Không
phải ai cũng làm được đâu. Vì thế, thơ của thầy rất kén bạn đọc. Phải có trình
độ uyên bác, có khả năng cảm thụ văn học sâu sắc mới cảm được thơ của thầy. Mấy
ông thơ Câu lạc bộ, thơ vườn... mà gặp được thơ của thầy Lâm thì thích lắm,
mừng như bắt được vàng nhưng hiểu được thơ của thầy thì mấy nhà thơ vườn đó còn
lâu, có mà mãi ú ớ như vịt nghe sấm.....
Anh say sưa như cử tọa
lên đồng, khiến nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm thỉnh thoảng lại tháo kính, dụi dụi
mắt, ngài ngại:
- Hành khen quá lên vậy,
tớ ngượng ....
Rồi, có lần anh vung tay
hào hứng:
- Đời anh may mắn được
kết giao với nhà thơ Phạm Tiến Duật, được ông dạy nhiều chiêu thức làm thơ lắm.
Dù luôn miệng chửi thơ anh là thơ con cóc, không xứng với thơ mấy Câu lạc bộ
"trăm hoa đua nở" nhưng duy nhất ông mới đáng mặt là sư phụ của anh!...
Tôi ngẩn người với thắc
mắc: Anh lắm sư phụ vậy? Sao ai anh cũng bảo là sư phụ duy nhất thế? Phải lặng
ngồi đến gần tiếng đồng hồ tôi mới vỡ lẽ vì nhớ ra lần anh bị nhà thơ Nguyễn
Khôi mắng là “thằng lưu manh chốn ngoại ô”, anh đã ghé tai tôi thủ thỉ:
- Bác Nguyễn Khôi khôn
lắm, không chê ai trước mặt vì không muốn làm mất mặt người ta nên ai cũng quý
bác ấy. Lần này chắc bác ấy bực lắm nên mới mắng tớ như vậy. Tớ thì khác, ai tớ
cũng tôn làm sư phụ, cho họ sướng ngất ngây. Mình mất gì đâu ngoài lời khen mà
lại được họ quý. Chú cứ thẳng ruột ngựa như thế sẽ bị nhiều người ghét lắm.....
Tôi thừ người khá lâu mới
thấm được bài anh dạy: Đó là nghệ thuật trong giao tiếp, đánh thẳng vào điểm
yếu của người đối diện là “cái tôi” thích được ca tụng, tôn thờ. Những lời khen có cánh đó
làm cho người ta thấy được trân trọng, dù biết đó chỉ là những câu nói xã giao
nhưng tâm trạng vẫn thoải mái, nói chuyện vẫn rôm rả hơn. Các cụ chả đã dạy:
"Lời nói chẳng mất tiền mua / lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
đấy thôi.
Bái phục anh! Bái phục
nhà thơ Nguyễn Đăng Hành! Nhưng thật lòng, đã quen với cách sống nghĩ sao nói
vậy, giờ có bắt học anh rồi thưởng lớn chắc tôi cũng làm không được bởi cổ nhân
đúc kết: “Giang sơn dễ đổi / Bản tính khó dời.”.
Tôi cứ vẩn vơ từ ngày đó
đến giờ, giá anh là doanh nhân hoặc chính khách, có lẽ anh sẽ rất thành công!
----------
Mời nhấp
chuột đọc thêm:
*.
Hà
nội, ngày 12 tháng 01 năm 2020
ĐẶNG
XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét