Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

BÌNH BÀI THƠ CỦA CỤ NGUYỄN KHUYẾN VIẾT ĐÙA TẶNG CỤ BANG ĐƯỜNG / Lê Văn Hy





Hí tặng song hữu Lê Xá tú tài

Đồng bệnh do lai bệnh bất đồng,
Quân thiên minh mục ngã thiên thông.
Đàm y thủ hoạ nhàn quân nhĩ,
Tửu hữu nhân châm tá ngã đồng.
Thiên tính chỉ ưng linh bất muội,
Thế tình mạc yếm dữu như sung.
Nhị nhân giải sử hợp vi nhất,
Phú dữ vi công khước vị công.


Dịch nghĩa:

Viết đùa tặng bạn học là ông tú Lê Xá

 

Cùng là bệnh nhưng bệnh không giống nhau
Bác thì chỉ còn mắt sáng, tôi thì còn tai sáng
Nói chuyện bằng tay vẽ làm cho tai bác rảnh
Rượu có người rót hộ đỡ cho con mắt của tôi
Sẵn có tính trời chỉ cần giữ cho tâm linh khỏi mờ đi là đủ
Đối với thói đời hãy cứ điếc mà cười xoà càng hay
Hai người nếu hợp lại chỉ bằng một người
Tạo vật phú dữ cho người, cứ bảo là công những cũng chưa công


 Dịch thơ
Cùng bệnh nhưng mà bệnh khác xa
Ta thì không điếc bác không lòa
Nói bằng tay viết nhàn tai bác
Rược có người đưa đỡ mắt ta
Bẩm tính ta mong lòng sáng tỏ
Nhìn đời bác cứ miệng cười xòa
Hai ta giá được như là một
Tạo hóa công bằng đã được chưa?

        Trên đây là bài thơ Đường luật chữ Hán của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến viết tặng cụ Tú tài làng Lê Xá (Lê Thế Truyện – tức Bang Đường), người đã cùng các sĩ phu yêu nước Bắc Hà tham gia khởi xướng văn thân chống thực dân Pháp vào thời vua Tự Đức.*
        Bài thơ được coi là viết đùa (hý tặng), bởi những chi tiết dí dỏm, hóm hỉnh “nhàn tai bác”, “đỡ mắt ta”, “giá được như là một”. Nhưng trong cái viết đùa đó lại bao hàm ý nghĩa nhân sinh quan và lòng lạc quan yêu đời rất sâu sắc.
        Sự thực thì khi về già, cụ Nguyễn Khuyến bị bệnh lòa, cụ Bang Đường bị bệnh điếc. Thế mà lời thơ mở đầu lại như là hai cụ không có bệnh:
        Cùng bệnh nhưng mà bệnh khác xa
        Ta thì không điếc bác không lòa
        Bệnh lòa, bệnh điếc của riêng hai cụ dường như là được dấu đi, hoặc là làm giảm nhẹ bớt đi, không có gì ảnh hưởng, thậm chí còn thuận lợi hơn, tốt hơn không có bệnh.
        Không trông thấy thì đã có người rót rượu dâng đến tận tay, đỡ cho mắt khỏi phải trông. Không nghe thấy thì trao đổi với nhau bằng nét chữ, lại càng nhàn tai.
        Nói bằng tay viết nhàn tai bác
        Rược có người đưa đỡ mắt ta
        Ý nghĩa của lòng lạc quan yêu đời là xem thường beenhjloaf, vì bẩm tính (tính trời cho) lòng sáng tỏ là trên hết.
        Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ
                        (Thơ Nguyễn Đình Chiểu)
        Còn không nghe thấy ư? Lại làm cho lòng khoan dung độ lượng được cơ thể hiện. Mọi việc cứ bỏ qua đi, cứ cười xòa là xong, giống như lời Phật dạy, cái gì mà mình không nghe không nhận không chấp nghĩa là không “nhiễm” thì nó chỉ như gió cuốn bay đi.
        Bẩm tính ta mong lòng sáng tỏ
        Nhìn đời bác cứ miệng cười xòa
        Hai câu kết của bài thơ:
        Hai ta giá được như là một
        Tạo hóa công bằng đã được chưa?
        Nói được tính công bằng của tạo hóa “Tổn hữu dư bổ bất túc” (lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu). Nếu biết xẻ chia chỗ mạnh bù chỗ yếu, bù đắp cho nhau thì mọi việc sẽ đi đến hoàn chỉnh viên mãn.

        Bài thơ “Hí tặng song hữu Lê Xá tú tài” đã tỏ rõ sự ý tại ngôn ngoại, là lòng lạc quan trong nhân dân, lòng từ bi hỷ xả của nhà Phật và tính công bằng của tạo hóa, đáng khâm phục lắm thay.

        Lê Văn Hy

Thôn Lê Xá, thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. ĐT: 0844410749

        Chú thích:

          * Nay là tổ dân phố thôn Lê Xá, thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Bài thơ còn lưu trong cuốn gia phả họ Lê cùng chuyện kể về tình bạn đồng môn giữa cụ Nguyễn Khuyến và cụ Bang Đường (Tú tài Lê Xá).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét