Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SĨ” CỦA BÙI GIÁNG / La Thụy

 



       Tiếc Thương Hòa thượng Thiền sư Thích Tuệ Sĩ viên tịch chiều 24.11.2023. Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.

       Trong quyển “ĐI VÀO CÕI THƠ”, Bùi Giáng viết về Tuệ Sĩ:

“Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...

       Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ

Trí Hải đa tàm trúc loạn ty

Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.

Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “KHÔNG ĐỀ” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ”.



*

Có lẽ Bùi Giáng là người phát hiện và bình bài thơ KHÔNG ĐỀ này đầu tiên trong tập 1, ĐI VÀO CÕI THƠ.

Thế mà, bỗng dưng bài thơ biến cái tên thành KHUNG TRỜI CŨ và từ ngữ CUNG TRỜI trong bài thơ lại biến thành KHUNG TRỜI.

“Cung trời” như là một cõi trời, một cảnh giới còn   “khung trời” chỉ là một không gian bị hạn chế. bị đóng khung…

CUNG TRỜI trong Phật giáo được biết qua sáu cõi, đó là:

1. Tứ thiên vương thiên.

2. Đao lợi thiên.

3. Dạ ma thiên.

4. Đâu Suất thiên.

5. Hóa Lạc thiên.

6. Tha hóa tự tại thiên.

6 “cung trời” đã nêu ở trên thuộc về Dục giới. Ngoài ra còn có Tam thanh thiên giới, Phạn Thiên giới, Vô sắc giới, Sắc giới nữa, gồm tất cả 36 cung trời.

Xin chỉ đề cập vài CUNG TRỜI nhiều người biết:

- Cung Trời Đao Lợi:

Đây là phẩm mở đầu của Kinh Địa Tạng. "Đao Lợi" là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là "tam thập tam", tức là chỉ cõi trời Ba Mươi Ba. Tuy gọi là cõi trời "Ba Mươi Ba", nhưng đó không phải do đếm từ dưới lên trên theo thứ tự, như tầng trời thứ nhất, tầng trời thứ hai, rồi đến tầng trời thứ ba,... cho tới tầng trời thứ ba mươi ba. Cõi trời Ba Mươi Ba này vốn nằm chính giữa, và ở bốn phía đông tây nam bắc của cõi trời này thì mỗi phía lại có tám cõi trời. Do đó, tổng cộng có ba mươi hai cõi trời phân bố chung quanh cõi trời Ba Mươi Ba.

Thiên chủ của cõi trời Ba Mươi Ba là Đế Thích. Trong Kinh A Di Đà có nói đến "Thích Đề Hoàn Nhân", tức là vị Đế Thích này vậy. Ngoài ra, trong Chú Lăng Nghiêm có câu "Nam Mô Nhân Đà La Da", thì Nhân Đà La Da cũng chính là Thiên Chủ Đế Thích. Ở cõi trời thì Đế Thích là một vị Thiên Chủ; còn trong Phật Giáo thì Ngài là một vị Hộ Pháp.

- Cung trời Dạ Ma:

Dạ Ma thiên (夜摩天)là tầng trời thứ ba trong sáu tầng trời cõi Dục. Cũng gọi Diệm ma thiên, Viêm ma thiên, Tu viêm thiên, Li tránh thiên, Tô dạ ma thiên (Phạm, Pàli: Suyàma), Tu dạ ma thiên.

Cung trời Dạ Ma là cõi trời này ánh sáng rực rỡ, không chia ngày đêm, người ở cõi trời này lúc nào cũng yên vui sung sướng không thể nghĩ bàn. Hơn nữa, theo luận Chương sở tri quyển thượng nói, thì tầng trời 33 (trời Đao lợi) thường đánh nhau với A tu la, nhưng cõi trời Dạ ma thì xa lìa sự tranh đấu, vì thế gọi là Li tránh thiên. Chúng sinh được sinh vào cõi trời này là nhờ đời trước thích tu các hạnh không giết hại, không trộm cướp, không gian dâm v.v..., tự mình giữ giới, lại khuyên người giữ giới, làm các việc lợi ích cho mình và người. Dạ ma là tầng trời đầu tiên (thấp nhất) trong các cõi trời ở trong hư không

- Cung trời Đâu Suất:

Đâu suất thiên  兜率天  thường gọi tắt là Đâu-suất, dịch ra Hán ngữ là Tri-túc thiên  có nghĩa là:

Tusita (skt)—Đâu Suất Đà—Tầng trời Đâu Suất, cõi trời Tri Túc hay cõi Tịnh Độ của Đức Di Lặc, nơi mà chư Bồ Tát tái sanh vào trước khi sanh vào cõi Phật

Cung trời Đâu Suất xuất hiện rất nhiều trong Kinh Quán Di Lặc Bồ tát thượng sanh Đâu Suất.

Theo từ điển Phật học Hán Việt của nhà nghiên cứu Đoàn Trung Còn, từ Đâu Suất, Đâu Suất Đà có nghĩa là Tri Túc, Hỷ Túc, Diệu Túc, Thượng Túc.

Trước kia, Đức Thích Ca Mâu Ni chưa thành Phật, thì làm Bồ tát Hộ Minh ngự nơi Cung trời Đâu Suất. Chừng ngài từ giã cung Đâu Suất mà xuống trần làm Phật thì ngài phó chúc lại cho đức Di Lặc, dặn đức Do Lặc kế tiếp ngài nơi cung ấy mà giáo hóa chư Tiên và chư Bồ Tát.

- Cung Trời Hóa Lạc:

Hoá lạc thiên (化樂天) Phạm: Nirmàịarati-deva. Dịch âm: Ni ma la thiên, Duy na la nê thiên. Cũng gọi Hóa tự tại thiên, Hóa tự lạc thiên, Bất kiêu lạc thiên, Lạc vô mạn thiên, Vô cống cao thiên, Lạc biến hóa thiên. Tầng trời thứ 5 trong 6 tầng trời cõi Dục, tức là tầng trời ở dưới cõi trời Tha hóa tự tại và ở trên cõi trời Đâu suất. Vì người cõi trời này tự biến hóa ra 5 trần cảnh để vui chơi, cho nên gọi là Hóa tự lạc.

Cung Trời Hóa Lạc thiên cao hơn cung Trời Đâu Suất một bậc. Một ngày ở đây bằng 800 năm ở cõi người, chúng sinh ở đây có thọ mạng trung bình 8000 năm. Thân của chúng sinh ở đây phát sáng. Nam nữ ở đây cười với nhau là nữ thụ thai và trẻ con sinh ra trên đầu gối, nghĩa là hóa sinh, không phải thai sinh. Trẻ con vừa sinh ra đã bằng cỡ trẻ con loài người 12 tuổi.

Cung trời này cùng với các cung Dạ ma, Đâu suất, Tha hóa tự tại đều có 3 việc thù thắng hơn cõi Diêm phù đề là: sống lâu, xinh đẹp và vui thú.

*

Trong 2 câu thơ Bùi Giáng làm nối tiếp thơ Tuệ Sĩ:

“Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ,

Trí Hải đa tàm, trúc loạn ty.”

Cụm từ “Trí Hải đa tàm” được hiểu như thế nào đây?

- Cách hiểu thứ nhất:

“Đa” nghĩa là “nhiều”

Tàm” nghĩa là “con tằm / lông mày”

Đa tàm” 多蚕 nghĩa là “nhiều lông mày”, “lông mày dày, rậm”

Trí Hải là tên ni cô được Bùi Giáng nhắc đến hai lần trong lời kể ở trên, nên cụm từ “Trí Hải đa tàm” có nghĩa là “Trí Hải nhiều lông mày, lông mày Trí Hải dày, đẹp”

Đây chỉ là lời đùa cợt cho vui của Bùi Giáng. Mà Bùi Giáng đã từng đùa gọi ni cô Trí Hải là “mẫu thân Phùng Khánh” đó thôi:
       “Trí Hải Ni Cô vừa rời bỏ Vạn Hạnh đi tu tiên ở trên núi. Nguyên nhân là: các vị sư ở Vạn Hạnh chế ni cô đã đẻ ra Bùi Giáng già nua, ni cô bẽn lẽn bèn giũ áo ra đi.

Sự tình nông nỗi ấy, Thích Minh Châu phải chịu trách nhiệm một phần lớn.

       Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Tôi là con người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật?

       Phân tích nghiêm mật luận lý học ra như thế, rành rành Phùng Khánh là mẹ của tôi.

       Huống nữa là: trong cõi mộng mơ chiêm bao tại bình diện thi nhạc phiêu bồng, Phùng Khánh đích nhiên cũng lại là mẹ của tôi nốt. Tôi vốn là Trung Niên Thy Sỹ.

       Ai đâu có ngờ rằng những bài thơ bất tử tôi làm ra là do Phùng Khánh cả đấy?

       Mỗi phen tôi mơ màng nghĩ tới dung nhan diễm lệ Phùng Khánh thì giòng thơ bát ngát lại tuôn ra ào ào. Vậy thì hiển nhiên như nhiên thiên tài của tôi là do liên tồn Phùng Khánh đẻ ra vậy.

       Tôi suy ngẫm suốt bao nhiêu năm trời, nhận ra sự tình cố kỳ nhiên đó, mới dám mạo muội mạnh bạo gọi Phùng Khánh bằng một tiếng Mẫu Thân. Há đâu dám bốc đồng mà gọi bướng!”

(Trích: Bùi Giáng Thi Ca Tư Tưởng - Saigon 1969)

Cho nên, 2 câu thơ

       “Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ,

       Trí Hải đa tàm, trúc loạn ty.”

Trí Hải viết hoa, tức là ám chỉ tên của ni cô.

Có thể hiểu là:

“Nỗi lòng xôn xao nước mắt chua cay rơi

       Nhìn đôi mày đẹp của Trí Hải làm tâm hồn rối như tơ.”

Tâm sự lâng lâng, dòng lệ chua cay

       Trí Hải mày tằm, trúc rối như tơ

Phải chăng “Trí Hải đa tàm”,Trí Hải mày tằm với nhan sắc như thế đã lắm phen làm Bùi Giáng “mơ màng nghĩ tới dung nhan diễm lệ Phùng Khánh thì giòng thơ bát ngát lại tuôn ra ào ào”.

- Cách hiểu thứ hai:

       TÀM nghĩa là hổ thẹn

       Trí hải 智海 nghĩa là “biển trí”

       Đa tàm多慚 nghĩa là hổ thẹn nhiều (trước, với)

       “Trí hải đa tàm” nghĩa là “hổ thẹn nhiều trước biển trí”

Câu “trí hải đa tàm trúc loạn ty” có thể hiểu là “Biển học mông mênh (trí hải) làm thẹn lòng rất nhiều vì đầu óc mình không minh mẫn (rối loạn)”

       Trở lại 2 câu thơ đầu của Tuệ Sĩ

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

        Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi”

Tuệ Sĩ đang nói về triết lý Nghiệp / Karma. Nghiệp thiện ác đã gieo, bây giờ (hiện tiền) tác giả bâng khuâng với “bóng nghiệp” nên trước mắt còn thấy liễu rớt hoa bay.

Nên hai câu thơ:

“Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ,

       Trí hải đa tàm, trúc loạn ty.”

Có nghĩa:

Tâm sự bâng khuâng, dòng lệ chua cay

       Hổ thẹn với ‘biển trí’ (vì chưa ngộ được), rừng trúc rối như tơ.

Hiểu như vậy thì bài tứ tuyệt “Vô đề” ý mới liền mạch được.

Quý bạn nghiêng về cách giải thích nào nhỉ!

                           *

       Xin dẫn những bài thơ có dùng chữ Đa tàm多慚 nghĩa là hổ thẹn nhiều

Thơ Trần Tung:

       Đa tàm thân trọc phùng thời trọc,

       Tiểu tại tâm thanh ngộ quốc thanh.

                           (Thoái cư-Ẩn cư)

Dịch:

       Thân đục thẹn sinh thời buổi đục,

       Lòng trong may gặp nước nhà trong.

       Thơ Kiều Nguyên Lãng:

       Thượng quốc ân thâm tình dị cảm,

       Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm.

                     (Tống Bắc sứ Ma Hợp)

       Có nghĩa:

       Ơn thượng quốc sâu sắc dễ cảm tình người,

       Phong tục nước nhỏ đơn giản, thẹn lễ nghi có phần sơ suất.

       Thơ Trần Nhân Tông:

       Nhất thị đồng nhân thiên tử đức.

       Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.

                     (Họa Kiều Nguyên Lãng Vận)

Có nghĩa:

       Thương yêu mọi người như nhau là đức của Vua,

       Sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu.

       Bùi Giáng viết nhiều tùy bút văn học, đặc biệt là tùy bút về thi ca.
       Thơ của các thi sĩ được Bùi Giáng cảm nhận theo một phong cách riêng “rất Bùi Giáng” thật dí dõm. Tuệ Sĩ là nhà thơ đầu tiên được Bùi Giáng bình thơ trong tập ĐI VÀO CÕI THƠ. Bùi Giáng viết cảm nhận thơ như người bạn tri âm đồng điệu và bài TUỆ SĨ của ông để lại những “dư vang nghệ thuật” trong lòng người đọc.

 

       La Thụy

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét