Nhà thơ Thùy Linh
QUA PHỐ
Hôm qua có người qua phố
Bên thềm chiếc lá vàng rơi
Hình như đông về rồi nhỉ?
Sương giăng trên mắt cỏ buồn
Chiều qua mưa về ướt tóc
Phố quen chẳng thấy chim chào
Hoàng lan nghiêng mình cười
khẽ
Giữa trời rơi giọt mưa ngâu
Đêm qua sao khuya đi vắng
Bài thơ lạc mất một vần
Ngủ quên thơ bay theo gió
Ai người nhặt hộ... cảm ơn
Thùy Linh
27/10/23
ĐỌC BÀI THƠ “QUA PHỐ” CỦA THÙY LINH
Châu Thạch
Tôi
chưa quen biết với tác gỉả bài thơ nầy. Thấy nhà thơ Lê Mai Lĩnh đem một bài
thơ hay không có tựa đề của Thùy Linh về trang của ông nên tôi xin kết bạn với
tác giả và mới được chấp nhận. Theo lời nhận xét của nhà thơ Lê Mai Lĩnh thì
“Thơ như ni, mà không gọi tác giả là thi sĩ thì hẹp hòi quá”. Thùy Linh thì “Đừng
gọi em là nhà thơ, thơ em là thơ la cà ngẫu hứng”. Vâng, tác giả có phải nhà
thơ hoặc không phải nhà thơ chẳng sao , nhưng chính những vần thơ “La cà ngẫu hứng”
đó đã cho tôi sự thú vị, buộc tôi không nằm yên mà phải viết, cũng viết la cà
ngẫu hứng như tác giả bài thơ.
Bài
thơ mà tôi viết cảm nhận nầy là bài thơ Lê Mai Lĩnh đem về trang ông, một bài
thơ không có tựa đề, nên tôi phải lấy tựa đề cho bài viết của tôi là “Đọc bài
Thơ Qua Phố của Thùy Linh”. Chữ Qua Phố không đóng trong ngoặc kép có nghĩa là
chữ của tôi dùng để chỉ bài thơ.
Xin
lỗi đã phi lộ hơi nhiều. Bây giờ xin vào thăm khổ thơ thứ nhất:
Hôm qua có người qua phố
Bên thềm chiếc lá vàng rơi
Hình như đông về rồi nhỉ?
Sương giăng trên mắt cỏ buồn
Ta
thấy khổ thơ có 4 câu, nhưng 4 cầu thơ ấy nối kết nhau theo trình tự hài hòa,
nhuần nhuyễn và ý vị vô cùng. “Hôm qua có người qua phố”: Ai đọc cứ tưởng là
tác giả nói bâng quơ về một bóng người đi qua. Thế nhưng đọc tiếp 3 câu thơ sau
ta mới thấy sự cảm xúc trong lòng theo từng câu thơ như mùa nước lũ dâng cao.
Chỉ một bóng người qua phố và tiếp theo chỉ “Một chiếc lá vàng rơi” bên thềm
nhưng nói lên được tác động của hai sự kiện bé nhỏ ấy là lớn lao trong lòng tác
giả.
Vì
một người qua phố, vì chiếc lá vàng rơi mà tác giả cảm thây mùa đông trong lòng
mình và cảm nhận mùa đông hình như cũng về trên vạn vật. Câu thơ “Sương giăng
trên mắt cỏ buồn” bày tỏ sự lóng lánh tuyệt vời và nỗi buồn thấm thía trong
lòng tác giả được thể hiện trên ngàn cây nội có.
Cả
4 câu thơ của khổ đầu bài thơ nầy là một dáng thơ hiền thục, dịu dàng, cuốn hút
mà không chàng trai nào không đi theo sau. Tôi cũng thế, dầu lớn tuổi nhưng chẳng
bao giờ quay lưng với một dáng thơ như dáng giai nhân thuần khiết và thanh tao
như thế.
Bài
thơ được tiếp tục với một phong cách dễ thương, rất điềm đạm nhưng rất sâu xa ý
vị:
Chiều qua mưa về ướt tóc
Phố quen chẳng thấy chim chào
Hoàng lan nghiêng mình cười khẽ
Giữa trời rơi giọt mưa ngâu
“Mưa
về ướt tóc” nên phố quen chẳng thấy ai chào là chuyện bình thường. Ở đây câu
thơ không nói phố quen chẳng thấy ai chào mà lại nói “Phố quen chẳng thấy chim
chào”. Chỉ một chữ “chim” thôi mà câu thơ bỗng như một đóa hoa vụt nớ, tỏa ra một
thứ hương thơm dịu dàng, thấm thía trong lòng sự êm ái của một buổi chiều mưa
buồn.
Thế
rồi câu thơ kế tiếp: “Hoàng lan nghiêng mình cười khẽ”: Quá hay! Mưa về ướt
tóc, chim không chào mà hoa Hoàng Lan không khóc, ngược lại “Hoàng lan nghiêng
mình cười khẽ”. Một nụ cười của Hoàng lan làm cho bầu trời không còn u ám. Buổi
chiều tuy có “rơi giọt mưa ngâu” nhưng buổi chiều vẫn đẹp, đẹp như một cô gái
khóc vì đang yêu nhưng cũng đang có dỗi hờn chi đó.
Bốn
câu thơ trên tả chiều bằng những nét điểm xuyết nhưng đọc lên ta thấy hình ảnh
thiếu nữ trong câu thơ đầu, hình ảnh của chim trong câu thơ thứ hai, hình ảnh của
hoa trong câu thơ thứ ba. và hình ảnh nước mắt trong câu thơ chót, cả 4 hình ảnh
đặt cận kề nhau cho ta nhìn tổng thể một bức tranh buồn tuyệt đẹp, một bức
tranh buồn man mác, mênh mang, chứa đầy sự nhớ thương êm ái.
Bài thơ viết về một người qua phố làm cho nỗi buồn được tác giả
kể lể đến một ngày. Người đi đã làm cho buổi sáng lá vàng rơi, buổi chiều chim
không hót, và bây giờ đến buổi đêm thì
Bầu
trời vắng những vì sao:
Đêm qua sao khuya đi vắng
Bài thơ lạc mất một vần
Ngủ quên thơ bay theo gió
Ai người nhặt hộ... cảm ơn
Cứ
cho người đi qua phố là nam, người ở lại là nữ đi, thì quả thật người nữ nầy là
người làm “thơ la cà”, bởi vì làm thơ để lạc mất vần rồi lại ngủ quên bỏ thơ
luôn.
Khổ
thơ chót quả là một khổ thơ lạc đề, nhưng chính sự lạc đề đó lại làm cho bài
thơ trở nên độc đáo, thú vị, trẻ trung và ngây thơ như đóa hoa còn hàm tiếu.
Sao không viết thức suốt đêm, sao không nói khóc trong khuya, sao không nói nhớ
vô cùng như trăm ngàn bài thơ khác, mà lại nói lên sự vô tình với người qua phố
đến thể? Lý giải điều nầy chắc có nhiều lý do, có thể vì chưa biết yêu, có thể
vì tình chưa sâu đậm, có thể vì tánh hời hợt..., nhưng dầu gì đi nữa thì khổ
thơ chót cho ta một cảm xúc bình an, một cái kết luận thật ngộ nghĩnh đến độ ta
muốm ôm ngay thơ vào lòng để cười như Hoàng Lan cười khi mưa về làm ướt tóc người
thơ.
Bài
thơ thật hay, không có gì khó hiểu, không có gì thương nhớ, không có gì sầu bi.
Tình yêu chỉ như một người qua phố nhưng sự rung động thẩm thấu vào tâm hồn của
lá, ảnh hưởng đến tiếng hót của chim, đánh động cho hoa cười, cỏ khóc và khiến
bầu trời cũng cảm động rơi giọt lệ mưa ngâu. Thế nhưng, cô gái sầu đó rồi mau
quên đó, cô ngủ một giấc ngon lành, để bài thơ viết cho cuộc tình bay theo gió.
Sáng ra cô không ân hận chút nào, ai nhặt được bài thơ trả lại thì cô cảm ơn.
Có
lẽ tánh tình tôi cũng la cà như cô Thùy Linh, nên tôi nhặt được bài thơ nầy mà
viết ra đây. Tôi không cần cô cảm ơn vì tôi phải cảm ơn cô trước, bởi bài thơ
cho tôi một buổi sáng vui được ngồi khỏ máy tính, cho niềm vui tràn lên trên
câu chữ.
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét