Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

MỘT BÀI THƠ VÀO LOAI KIỆT TÁC CỦA TRẦN ÍCH TẮC! / Vũ Bình Lục

 



 

       SINH NHẬT TỰ CHÚC THỌ

       Đất trời bao la bát ngát, (ta như) một cánh cỏ bồng chuyển xoay theo gió,

Thời gian vô hạn, niềm vui vô cùng.

Ba ngàn tân khách như hồng bay lạc nhạn, giờ ở nơi đâu?

Ông lão sáu mươi tuổi như ta được sống lâu như loài rùa và hạc.

Khóm trúc xanh xanh trong cung cấm hãy còn giống như ngày xưa không?

Lại thêm gió thu thổi qua đám rau tần trắng ở bên sông (Lô).

Sáng sớm ở lầu quỳnh uống rượu ngon say chếnh choáng,

Thân mình như gần kề tầng mây phía đông chỗ sao Bắc Đẩu mọc.

Dịch thơ:

Cỏ bồng theo gió bay xa,

Thời gian vô hạn, vui ta vô cùng.

Ba ngàn tân khách tưng bừng,

Giờ đâu? Sáu chục, ta mừng sống dai.

Trúc xanh cung cấm xanh hoài?

Đám rau tần trắng ở ngoài bãi sông?

Lầu quỳnh chếnh choáng hương nồng,

Tưởng bay lên mãi tận cùng Đẩu sao…

                           (VŨ BÌNH LỤC dịch)

Cứ theo như tình ý bài thơ, thì thấy, năm Trần Ích Tắc tự chúc thọ mình 60 tuổi, chính là năm 1313, hoặc 1314. Ông sinh năm 1253, cộng thêm 60 năm, đúng là năm 1313, hoặc 1314.

Ở Đại Việt, đầu năm 1314, niên hiệu Đại Khánh năm đầu, triều vua Trần Minh Tông, Nguyễn Trung Ngạn được cử làm Chánh sứ cùng quan Lang Trung Phạm Tông Mại sang nhà Nguyên. Tuy nhiên, mùa xuân năm 1315, sứ đoàn mới lên đường. Nguyễn Trung Ngạn 27 tuổi.

“Niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 11, đời vua Trần Dụ Tông (1351), vua ngự điện Thiên An, duyệt cấm quân ở sân rồng, cho Nguyễn Trung Ngạn mặc áo chiến bào, đội mũ võ, đeo thẻ bài gỗ vuông bịt vàng, duyệt các cấm quân, định hạng hơn kém” (ĐVSKTT).

Năm thứ 15 (1355), gia phong (cho Nguyễn Trung Ngạn chức Nhập nội Hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm Thị Kinh diên Tri khu Mật viện sự, Đại học sĩ, tước Trụ quốc Khai huyện Bá, kiêm chức Kinh lược sứ trấn Lạng Giang” (ĐVSKTT). Bấy giờ, Nguyễn Trung Ngạn đã 67 tuổi.

Đối chiếu tiến trình lịch sử, ở thời điểm này, con trai thứ hai của Trần Ích Tắc là Trần Hữu Lượng đang nổi dậy, tự xưng Hán Đế, treo cờ Hán, quốc hiệu là ĐẠI HÁN, đang giao chiến với quân Nguyên. Lực lượng quân sự của Trần Hữu Lượng rất hùng hậu. Khoảng hơn sáu chục vạn tinh binh. Thủy binh gồm hạm đội lớn, thuyền to thuyền nhỏ rất nhiều.

Trần Hữu Lượng không dưới 3 lần sai sứ về Đại Việt yêu cầu vua Trần Dụ Tông giúp sức. Nhưng dưới thời Dụ Tông, Đại Việt đã suy yếu. Dụ Tông ăn chơi sa đọa, dân tình khốn khổ, không thể giúp gì cho Trần Hữu Lượng.

Lần thứ 3, Dụ Tông chỉ cử Nguyễn Trung Ngạn, bấy giờ đang kiêm chức Kinh lược sứ trấn Lạng Giang (khu vực mấy tỉnh biên giới phía Bắc) đem theo một số tùy tùng sang xem xét tình hình bên kia biên giới, đồng thời đề phòng một số thế lực chống Nguyên và chống nhau, có thể bất ngờ tràn sang Đại Việt. Nguyễn Trung Ngạn chỉ quẩn quanh ở bên kia biên giới, rất buồn chán. Khoảng 4 tháng, vua Dụ Tông mới có chiếu lệnh triệu hồi Nguyễn Trung Ngạn về kinh.

Thơ Nguyễn Trung Ngạn, đặc biệt là bài thơ VĨNH BÌNH TRẠI SƠ PHÁT (Mới ra khỏi trại Vĩnh Bình), đã “khai rõ” điều này. Tất nhiên, vua Trần Dụ Tông và cả Nguyễn Trung Ngạn cũng không thể biết được nhiệm vụ tình báo chiến lược của cha con Trần Ích Tắc.

Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc tự mừng thọ 60 tuổi. Nghĩa là tự ông, một mình ông uống rượu mừng thọ chính ông.

Tác giả viết:

Đất trời bao la bát ngát,(ta như) một cánh cỏ bồng chuyển xoay theo gió,

Thời gian vô hạn, niềm vui (của ta) vô cùng.

Tác giả vừa nâng chén rượu, vừa đăm chiêu suy tư nghĩ ngợi nhiều bề, như để “kiểm toán” lại các sự kiện, các việc lớn nhỏ ông đã từng phải làm.

Ông cho rằng, giữa đất trời bao la, mênh mông vô tận này, ông như “một lá cỏ bồng chuyển xoay theo gió”. Thế nghĩa là ông tự xem mình như viên tướng ở ngoài biên ải, tự mình suy tư, tự lên kế hoạch hành động, tự quyết định lấy cuộc đời của mình. Độc lập tất cả. Tùy cơ mà ứng biến. Hoặc “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Mục tiêu chiến lược bất biến là phải làm tan rã triều đại Nguyên Mông. Từ việc ngoại giao khôn khéo thế nào, sắp đặt kế hoạch thế nào, xây dựng lực lượng quân sự thế nào, để đạt được mục đích chiến lược như thế nào, để bảo vệ chính mình và gia quyến đông đúc hàng ngàn con cháu và tùy tùng…

Tác giả cho rằng, “thời gian thì vô hạn”. Nó cứ bình thản vô tình trôi đi. Còn như “niềm vui của ông thì vô cùng”. Việc lớn nhất mà ông đã hoàn thành, đó chính là việc ông đã tác động để vua mới Thiết Mộc Nhi ban chiếu bãi binh. Nghĩa là cuộc tấn công xâm lược Đại Việt lần thứ 4 đã bị bãi bỏ. Điều ấy khiến ông vô cùng sung sướng.

Cho nên, mới khẳng định rằng, đó chính là “niềm vui vô cùng” của ông. Chưa hết. Ông đã chiếm lĩnh được niềm tin tuyệt đối của vua Nguyên, được vua Nguyên trao cho chức vụ rất quan trọng. Từ chức vụ này, ông được gần vua, lại có nhiều thuận lợi trong kết giao bạn bè, để thực hiện kế hoạch đánh phá địch từ bên trong, bằng trí tuệ sắc sảo, bằng học vấn sâu rộng nhiều mặt và cả ý chí ngoan cường.

Đọc một số bài thơ khác, thì biết thêm Trần Ích Tắc đã kết thân với khá nhiều bạn bè, cả người Nguyên, người Tống làm tay sai cho triều đình nhà Nguyên, người Triều Tiên, Nhật bản, Nga, Tây Hạ, Miến Điện, Đại Lý và một số nước khác cũng đang làm quan cho triều đình nhà Nguyên. Ví như ngài Nguyên Phục Sơ (Nguyên Minh Thiện), dòng họ Thác Bạt, đang giữ chức Thừa Tướng của triều đình nhà Nguyên, cũng là người bạn tri âm tri kỷ của Trần Ích Tắc. Kể cả ngài Hà Nam Vương dòng dõi quý tộc Mông Cổ.

Trong các mối quan hệ bạn bè thân thiết ấy, ông đã kiên trì khôn khéo tác động đến tâm lý, đến tình cảm và nhận thức của họ, khiến họ nhận ra chính mình, căm ghét nhà Nguyên, rồi âm thầm chống lại nhà Nguyên. Đặc biệt là những người nước Tống bị mất nước, bây giờ đang phải chịu cái cảnh luồn cúi dưới ách đô hộ của Mông Cổ. Nhục nhã lắm.

Không thể biết Trần Ích Tắc đã âm thầm hành động như thế nào, cụ thể ra sao, nhưng ta biết người Tống đã nổi dậy chống Nguyên. Một viên Thái giám người Triều Tiên cũng góp phần tha hóa triều đình nhà Nguyên. Cuối cùng thì triều đại Nguyên Mông đã sụp đổ. Sự sụp đổ của triều đại Nguyên Mông, có vai trò rất lớn của cha con Trần Ích Tắc.

Thế thì chẳng vui sao được? Một niềm vui vô tận vô cùng!

Nhưng giờ đây, nâng chén rượu tự chúc thọ mình, tác giả lại ngậm ngùi nhớ về quê nhà. Một thuở xa xưa huy hoàng rực rỡ:

Ba ngàn tân khách như hồng bay lạc nhạn, giờ ở nơi đâu?

(Thế mà) ông lão sáu mươi như ta được sống lâu như loài rùa và hạc.

Thời còn ở trong nước, Chiêu Quốc Vương tiếng thơm lừng lẫy. Phủ đệ của ông rất đông đảo tân khách đến từ khắp nơi trong nước. Ông mở trường tư thục, bên cạnh QUỐC TỬ GIÁM, để dạy bảo học trò. Người nào khó khăn thì ông tài trợ. Phủ đệ của ông được ông ví như phủ đệ của Bình Nguyên Quân, Xuân Thân Quân, Tín Lăng Quân ở thời Chiến Quốc bên Tàu. Người đời vinh danh Bình Nguyên Quân là “Mạnh Thường Quân”. Ta có thua kém gì Bình Nguyên Quân đâu!

Trần Ích Tắc tài hoa nhiều vẻ. Chính ông, khi làm quan ở triều đình nhà Nguyên, ông đã ký họa chân dung của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Thiết Mộc Nhi… để làm món quà ngoại giao khôn khéo. Không biết bây giờ những tân khách và môn khách và học trò của ông như bọn Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, “chúng nó” đang ở phương nào? Mấy cậu học trò xuất sắc này thi đỗ cao, làm quan to trong triều Trần. Không biết bây giờ “chúng nó” đang ở phương trời nào? Mà “Ông lão sáu mươi như ta lại được sống dai như rùa như hạc”!

Lại còn:

“Khóm trúc xanh trong cung cấm (của ta) liệu có còn giống như ngày xưa hay không”?

Lại thêm gió thu (heo hắt) thổi qua đám rau tần trắng bên dòng sông (Lô) lả lướt?

Quang cảnh cuộc sống thanh bình những ngày xưa yêu dấu ở kinh thành Thăng Long cứ lũ lượt hiện về trong tâm tưởng Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc. “Khóm trúc xanh” là khóm trúc trong phủ đệ của ta. Đám rau tần trắng (bạch tần) là đám rau vật vờ lả lướt bên sông Lô, (tức sông Hồng ngày nay) theo làn gió thu lành lạnh, ta thường ra đó ngắm chơi. Không biết bây giờ quang cảnh ấy như thế nào. Ôi chao là nhớ. Lòng nhớ quê cứ dào dạt dâng lên, khiến ta day dứt khôn nguôi.

Nhưng trước mắt, hôm nay là ngày ta chúc thọ chính ta. Cụ Nam Tào cho ta sống đến hôm nay là quý hóa lắm rồi. Một mình ta uống với ta. Ta say với ta, với cái bóng của ta, chếnh choáng, mơ màng. Tác giả viết:

“Sáng sớm ở lầu quỳnh, tự chuốc chén rượu ngon say chếnh choáng”.

Thế đấy! Thêm chén nữa nào. Ta ngất ngưởng say ta, say gió say mây. Lầu Quỳnh (Quỳnh Lâu) nó là cái lầu chi nhỉ? Phải rồi, nó là cái lầu ở cung điện trên cung trăng. Truyền thuyết của cái “thằng Tàu” nó chép như thế. Ta đang uống rượu ngon ở cung tiên trên trời đây. Cho nên, ta bỗng nhiên cảm thấy “thân ta như gần kề với tầng mây phía đông, ở chỗ sao Bắc Đẩu mọc”.

Lòng ta sáng trong như ngọc, điều ấy “chỉ có trời mới biết”. Ta đâu phải như Tấn Văn Công, chỉ muốn mượn sức của ngoại bang về làm vua nước Tấn? Ta như ngài Vi Tử (Cơ Tử) muốn làm vua ở nước khác, xây dựng, mở rộng cơ đồ Đại Việt ở nước khác. Đúng hơn là ta muốn đòi lại giang sơn nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế huy hoàng. Ta muốn giành lại nước Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng anh hùng liệt nữ. Ai biết cái chí lớn xoay trời chuyển đất của ta nào! Cuộc đời vẻ vang của ta sẽ được sử sách lưu truyền mãi mãi.

Ấy thế mà mấy trăm năm sau đã mấy người hiểu được tiếng lòng của ta, biết được công lao vĩ đại của ta đâu? Những kẻ có dăm ba chữ, cứ thấy chúng nó ngoác mồm gào lên chửi ta là đồ phản quốc.

Chúng nó ngu si vô học thì cũng chả chấp làm gì. Nhưng có mấy tay hàm vị cao ngất ngưởng, mà cũng ngu như lợn. Chúng cũng ông ổng tru lên chửi ta là đồ phản quốc. Chỉ có mấy bài thơ của ta để lại, mà chúng cũng không làm sao hiểu nổi, thì thử hỏi rằng chúng làm được việc gì cho đất nước, hay chỉ góp công làm cho con cháu ta ngu muội dần đi?

Lại còn con cháu họ Trần của ta nữa, nhiều đứa giỏi giang lắm đấy. Nhiều đứa được làm quan to, vàng bạc chất cao như núi. Ấy thể mà chúng chỉ ham kéo bè kết cánh vun vén tư lợi, làm mất lòng dân. Một khi có giặc phương Bắc lại kéo sang, thì dăm ba cái trò chọi gà, khoe mông khoe vú, liệu có thể dùng làm kế đánh giặc được hay không? Nhà lầu dát vàng, vợ đẹp như tiên, liệu có bảo toàn được trước sức mạnh của lũ giặc tham tàn hay không? A ha! Hừm! Rượu ngon đây, làm thêm chén nữa đây…

Thôi mặc! Tấc lòng son với đất nước Đại Việt của ta, trước sau rồi cũng được sáng tỏ mà thôi. Ta say lắm rồi đây! Chếnh choáng rồi đây! Tạm biệt cái Lầu Quỳnh tràn ngập hương thơm này nhé! Ta cắp be xuống chơi dưới trần gian, vừa đi, vừa gõ be, vừa hát bài ca “Tương Tiến Tửu” của Trích tiên Lý Bạch. Lão ấy thơ quá hay. Hừm! Tiên sư anh Tào Tháo!....

 

VŨ BÌNH LỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét