Cụ Nguyễn Thế Hưng ở cùng ngõ tôi. Cụ đã ở tuổi bát tuần, nhưng còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Cụ có thú chơi đồ cổ. Trong nhà cụ có cả chục cái xe đạp, trống đồng, đồ sứ cổ… Tôi thường sang chiêm ngưỡng bộ cuốn thư, đại tự, câu đối chế tác cách đây một thế kỷ của cụ treo ở phòng khách. Tôi không biết chữ Hán, nhưng vẫn cảm nhận được cái đẹp qua đường nét, màu sắc, hoa văn, dáng chữ. Bộ cuốn thư câu đối này là đồ cổ quý mà cụ rất tự hào và giữ gìn cẩn trọng.
Tôi muốn viết cái gì đó về bộ cuốn thư, đại tự, câu đối của cụ mà không sao thực hiện được. Đơn giản là tôi không biết chữ Hán. Tôi nhờ cụ Đỗ Hữu Trác (Dịch giả cuốn “Trà Lũ xã chí” của cụ Cử nhân Lê Văn Nhưng”) phiên âm, dịch nghĩa, giúp tôi hoàn thành bài viết này, bù vào chỗ hổng lớn trong kiến thức của tôi.
1- Bức cuốn thư
Lưu Đức Quang.
Về bức cuốn thư này thường thấy phổ biến trong nhân gian đọc là:
德流光
Đức Lưu Quang
(Đức độ toả sáng mãi)
(Trên cuốn thư đọc từ phải qua trái: 光流德)
Nhưng ở bức cuốn thư của cụ Nguyễn Thế Hưng có từ năm 1924 lại xếp “Lưu đức quang”. Chữ đức ở giữa cao nhất có ý coi trọng chữ Đức, chữ Đức là trung tâm… Xin trích dẫn lời ông Nguyễn Khiêm bình tán về bức cuốn thư này:
“Bức cuốn thư gỗ vàng tâm dày trên 10 cm được đục chạm công phu, thếp vàng 24k rất đẹp. Đỉnh cuốn thư nổi bật chim Phượng Hoàng biểu tượng cho Mẫu – người mẹ trong tư thế đứng uyển chuyển. Long phụng là biểu tượng cung đình, sức mạnh và quyền uy. Hai bên đuôi và đầu của chim Phượng tản ra hai bên đóa phù dung. Tiếp nối hai cạnh được chạm khắc một bên thanh kiếm thể hiện võ - sức mạnh quân sự, một bên cây bút thể hiện văn - trí tuệ. Thân kiếm và bao bút chạm khẩn hoa văn cẩm quy (vảy rùa). Nối với hai bên là hoa lá ôm ba trái cây: phật thủ, đào và lựu. Ba quả quý biểu tượng cho sự thanh cao. Phần dưới cuốn thư khắc hoa văn nối với thanh kiếm nằm cuốn giải lụa”… “Đức lưu quang” ca ngợi công đức tổ tông có đức, ánh sáng ấy rạng rỡ gia cảnh cho tới hiện tại.”… “Nép cạnh bao bút bên phải có chữ Đỉnh cạnh chữ Thọ theo thư pháp chữ Triện, nghĩa là trường thọ. Bên trái cạnh bao kiếm có chữ Đỉnh cạnh chữ Phúc, ca ngợi phúc trường.
Lạc khoản bên trái ghi: Trọng xuân cát nhật (Ngày đẹp giữa mùa xuân).
Lạc khoản bên phải ghi: Khải Định cửu niên (Năm thứ 9 đời vua Khải Định).”
Ngày 20-10-2012. Tác giả: Nguyễn Khiêm.
2- Bức đại tự Phật
Tâm
佛 心
Phật Tâm
(Phật tại Tâm)
Bức đại tự 佛 心 được viết thành hàng dọc. Ấn tượng nhất là chữ Phật được viết cách điệu nhà sư chiêm bái đức Phật, đức Phật tay cầm cành dương liễu trông rất tự nhiên, đẹp và gợi nhiều cảm xúc.
Phật tại tâm là một vấn đề quan trọng cơ bản trong triết lý Phật giáo nước ta. Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung mà Đệ nhất tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông coi như thầy mình, từng chỉ rõ về vấn đề Phật tại tâm. Tư tưởng Thiền tông của Tuệ Trung Thượng Sĩ thể hiện ở mệnh đề "Tức tâm, tức Phật". Tâm, không thể nói được; Phật, không thể thấy được. Tâm và Phật quan hệ mật thiết với nhau, hễ có cái này thì cũng có cái kia, hễ cái này mất thì cái kia cũng mất. Bản thể của Tâm không tướng, không hình, không nhìn thấy được. Nếu muốn biết bộ mặt thật của Tâm thì thật là chuyện nực cười. Ông khuyên mọi người không nên tìm Tâm ở ngoài ta, bởi vì Phật trong ta. Đó chính là Tâm ta vậy:
Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm
Phật tâm khước dữ ngã tâm hợp.
(Phật tâm ca / Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung)
Tâm của muôn loài tức Phật tâm
Tâm Phật cũng phù hợp với tâm ta.
Một khi tâm
con người bao dung, mở rộng, chứa được tâm của vạn pháp, đạt được tâm Phật là
giác ngộ, là giải thoát.
Nhân gian cũng có câu:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Phật tại tâm khuyên nhủ chỉ lối cho mỗi người muốn tìm Phật, đạt được tâm Phật, thành Phật hãy tìm ở chính lòng mình, tự mình phấn đấu để giải thoát, đạt tới cảnh giới Phật. Hãy sống thật tốt với gia đình mình, hiếu nghĩa với cha mẹ ông bà, thương yêu anh em con cháu. Hãy trân trọng giữ gìn và bối đắp những gì là văn hóa tốt đẹp, vốn cổ của các thế hệ đi trước để lại…
3- Đôi câu đối:
Cụ Đỗ Hữu Trác phiên âm dịch nghĩa câu đối như sau:
歐海名馳山斗争高新學界
萱堂蔭茂袞葩增媚彩斑庭
Âu hải danh trì, sơn đẩu tranh cao tân học giới
Huyên đường ấm mậu, cổn ba tăng mị thái ban đình
Khải Định bát niên thu (1923)
Bắc Kỳ Bảo hộ tràng giáo học đồng trang hạ.
(Nổi danh học vấn trời Âu, người như núi Thái Sơn, sao Bắc đẩu trong học giới,
Mẹ Ngài khoẻ mạnh, thọ cao được tặng phong danh hiệu tốt đẹp.
Các giáo học Trường Bảo hộ Bắc Kỳ cùng nhau chế tặng vào mùa thu năm 1923)
Chú thêm: “Huyên đường” trỏ bà mẹ, “Cổn ba” nguyên là “cổn hoa” vì kiêng húy mẹ vua Thiệu Trị mà đổi thành, trỏ áo mũ y phục được vua tặng, ban khen.
***
Bộ cuốn thư, đại tự và câu đối trên thuộc loại đẹp, ý nghĩa và hay. Sở hữu nó được chiêm ngưỡng, thưởng thức văn hóa tốt đẹp hàng ngày giúp cho tâm hồn thanh thản, ý nghĩ tích cực, tinh thần sảng khoái, do đó mà thân thể khỏe mạnh… Thật hạnh phúc, may mắn cho ai được sở hữu bộ cuốn thư câu đối đại tự quý như vậy.
Nguồn gốc câu đối và cuốn thư nêu trên:
Năm 1923 tập thể các giáo chức Trường Bắc Kì bảo hộ Nam Định làm đôi câu đối kính tặng cụ Nguyễn Phấn Thân. Cụ Nguyễn Phấn Thân khi ấy là một giáo chức của Trường Bắc Kì bảo hộ Nam Định. Cứ theo nội dung câu đối mà cụ Nguyễn Phấn Thân (còn gọi là cụ Giáo Phấn) được tặng, thì hẳn cụ phải là người có quyền uy, tài giỏi, đức sáng, nổi tiếng nhiều người biết đến. Thân mẫu cụ là người đảm đang, khéo tề gia, từng được nhà nước khen tặng…
Năm 1924 tập thể giáo chức Trường Bắc Kì bảo hộ Nam Định lại tặng gia đình cụ Nguyễn Phấn Thân bức cuốn thư Đức Lưu Quang kể trên. Còn bức đại tự Phật Tâm đến thời cụ Nguyễn Thế Hưng mới sưu tầm bổ sung. Hồi Pháp đánh Nam Định, cụ Nguyễn Thế Hưng phải sơ tán, chỉ mang theo được đôi câu đối, bỏ lại bức cuốn thư. Bức cuốn thư bị thất lạc tới năm 2007 mới được trở về chủ cũ. Do cụ Nguyễn Thế Hưng phát hiện mua lại với giá rất đắt từ ông Nguyễn Khiêm – một người chuyên sưu tầm cổ vật.
Nói thêm: Theo cụ Nguyễn Thế Hưng thì Trường Bắc Kì bảo hộ Nam Định là trường đào tạo thông ngôn, chứ không phải là trường tiểu học như có người viết trên một vài trang mạng.
Cụ Giáo Phấn Nguyễn Phấn Thân là ông ngoại nhà giáo Nguyễn Thế Hưng – người được kế thừa bộ cuốn thư câu đối quý nói trên. Phu nhân nhà giáo Nguyễn Thế Hưng cũng là nhà giáo. Con gái hai cụ hiện công tác trong ngành giáo dục. Gia đình cụ Nguyễn Thế Hưng có nhiều người, nhiều thế hệ công tác trong ngành giáo dục. Nội dung bộ cuốn thư, câu đối, đại tự rất hợp cảnh gia đình cụ Nguyễn Thế Hưng.
Xin chúc mừng gia đình cụ Nguyễn Thế Hưng. Mong con cháu các cụ biết trân trọng gìn giữ đời đời cổ vật quý của cha ông, tự hào phát huy bồi đắp truyền thống văn hóa gia đình, bảo vệ văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thành Nam, 1-4-2024
TMG
Khải định bát niên thu dịch là.mùa thu khải đinh nam thú 8 1924 đó là nam cụ giáo sinh.đuoc
Trả lờiXóa1ông. Con trai duy nhât nên đat tên.là.nguyên van.thu
Đúng cụ giáo Phấn có 4 người con gái và 1nguoi con trai út là ông Thu , Thường gọi là Thi
Trả lờiXóaDo câu đối mừng
năm 19224
Đúng ông Thu là con trai út duy nhất của cụ giáo
Trả lờiXóa,ở nhà thường gọi ô Thi
Trên ô còn có 4 bà chị gái
Câu đối tặng năm 1924
Năm Khải Định thứ8
Gia đình mơi làm thêm bức cuốn thư cho đủ bộ1925 năm Khải Định
thứ9