Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

BIỆN GIẢI VỀ TRẦN ÍCH TẮC Ở TƯ CÁCH NHÀ TÌNH BÁO CHIẾN LƯỢC VĨ ĐẠI! / Vũ Bình Lục

 



 

1.

BỐI CẢNH TRẦN ÍCH TẮC ĐƯỢC LÃNH ĐẠO TRIỀU TRẦN “BIỆT PHÁI” SANG NGUYÊN MÔNG

 

Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc tự cho rằng mình thông minh tài giỏi hơn các vị Hoàng tử khác, hoàn toàn xứng đáng được làm Hoàng Đế. Nguyện vọng không thành thì đâm ra bất mãn, bèn đem theo cả gia quyến bỏ chạy sang hàng Nguyên Mông. Sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (ĐVSKTT) do Ngô Sĩ Liên đời Hậu Lê chủ biên, chép như vậy.

Nhưng thử nghĩ mà xem. Trần Ích Tắc trước khi sang nhà Nguyên, ông còn giữ chức “Phiêu kỵ Đại Tướng Quân”, trấn giữ tuyến phòng thủ thứ 2, ở mạn Bạch Hạc (Việt Trì), trong khi em trai ông là Trần Nhật Duật trấn giữ tuyến đầu, gồm một dải biên giới phía Bắc. Khi quân Mông Nguyên tiến công như vũ bão, Ích Tắc còn đứng bên cạnh vua, tham mưu tác chiến.

Nhìn lại toàn cảnh cuộc xâm lược lần thứ 2 của Hốt Tất Liệt xuống nước ta, có thể hình dung ra bối cảnh mà lãnh đạo nhà Trần đã phải cử Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc trá hàng quân Nguyên, có mấy điểm chú ý như sau:

- Ngay từ năm 1282, Hốt Tất Liệt đã sai Nguyên Soái Toa Đô đem mấy vạn quân theo đường biển tấn công Chiêm Thành. Quân Nguyên đã vào đến cửa biển Thị Nại trước thành Đồ Bàn. Được tin, Đại Việt cũng cử một đạo quân vào giúp đỡ Chiêm Thành.

Vì lương thảo cạn kiệt, Toa Đô báo cáo Hốt Tất Liệt và xin cấp lương thảo. Sử nhà Nguyên cho hay, cả hai đoàn thuyền vận lương của nhà Nguyên xuất phát từ Phúc Kiến và bán đảo Lôi Châu, một đoàn gặp bão và một đoàn lạc đường, phải quay về.

Tin tức chưa được phản hồi, Toa Đô bèn bỏ Chiêm Thành, đem quân ra Thuận Hóa, rồi tiến ra đánh phá Đại Việt từ hướng Nam.

- Thành Nghệ An bị bao vây, không có ai cứu viện, Trần Kiện (con trai Trần Quốc Khang) trấn thủ thành Nghệ An phải ra hàng. Trần Kiện đã giúp quân Nguyên đánh bại quân Trần ở Diễn Châu. Sau đó, Chương Hiến Hầu Trần Kiện cùng gia quyến chạy sang nhà Nguyên.

Lê Tắc, viên quan thân tín dưới trướng Trần Kiện đi cùng. Trần Kiện bị Nguyễn Địa Lô phục kích, chặn đánh. Nguyễn Địa Lô dùng tên độc bắn trúng đầu gối Trần Kiện. Lê Tắc vội vàng vác xác Trần Kiện chạy sang bên kia biên giới để chôn. Về sau, Lê Tắc đã viết bộ sách AN NAM CHÍ LƯỢC, gồm hơn hai chục quyển. Nhờ bộ sách này, chúng ta mới có tư liệu để bổ sung cho chính sử nước ta vốn còn nhiều sai sót, còn nhiều khoảng tối, khoảng mờ.

- Năm 1285, Thoát Hoan được giao chức Tổng chỉ huy quân Nguyên, tấn công Đại Việt theo hướng chính. Ô Mã Nhi từ biển Đông tiến vào Thăng Long. Một đạo quân Nguyên từ hướng Tây Bắc cùng tiến vào Thăng Long. Như vậy, quân dân Đại Việt phải đối phó với chiến lược bao vây bốn phía của quân Nguyên. Tình thế vô cùng cấp bách.

Có lẽ, lãnh đạo nhà Trần đã phải tính đến cái kế đánh địch từ bên trong lòng địch, xây dựng lực lượng lâu dài để đối phó với kẻ thù lâu dài. Đó chính là thượng sách giữ nước. Thế nên, phải cử Trần Ích Tắc làm việc này. Không phải là người thông minh, tài lược như Trần Ích Tắc, không ai lúc bấy giờ hội tụ được các tiêu chí cần thiết, để có thể đảm đương được trọng cực kỳ khó khăn và nguy hiểm này. Ví thử như một người nào đó kém tài, Hốt Tất Liệt cũng chỉ cho họ một chức quan nhỏ, để họ đủ sống được mà thôi. Phải là người có tài lớn, Hốt Tất Liệt mới ban cho chức quan lớn, đủ tầm, để tiếp cận gần ông ta, tham mưu cho ông ta những quyết sách lớn. Tất nhiên rồi!

       Sử ta chép, rằng Trần Ích Tắc muốn làm vua. Không được thì sinh ra bất mãn, bèn đem theo cả gia quyến chạy sang hàng nhà Nguyên. Chúng tôi đã nói ở trên rằng, tất cả những tài liệu được viết ra, người đọc đời sau phải tư duy để xem xét, mới có thể tiếp cận được sự thật ẩn giấu ở bên trong.

Muốn làm vua ư? Điều này là hoàn toàn phi lý và bất khả thi. Tại sao? Là vì thể chế nhà Trần rất rõ ràng, chắc như đinh đóng cột. Triều đình lúc nào cũng có hai vua (Nhị Thánh). Vua cha nhường ngôi cho vua con, lên ngồi ghế Thượng Hoàng, nhưng vẫn có quyền phế truất vua con.

Xem sử ta (ĐVSKTT) ghi câu chuyện vua Trần Anh Tông mới lên ngôi, uống rượu say sưa, mất cả thể diện. Có người tố cáo, đến tai Thượng Hoàng Nhân Tông. Ngài đang nghỉ ở hành cung Thiên Trường. Khi tỉnh rượu, Anh Tông vô cùng hoảng sợ. May gặp được anh học trò Đoàn Nhữ Hài đi qua, Anh Tông bảo Nhữ Hài viết cho tờ biểu tạ tội. Anh Tông cùng Đoàn Nhữ Hài vội vã về Thiên Trường đội sớ tạ tội. Thượng Hoàng Nhân Tông mắng Anh Tông như tát nước. Ngài bảo rằng, ta còn những Hoàng Tử khác có thể làm vua. Nếu ngươi (Anh Tông) không ra gì, ta sẽ phế truất ngay đấy!

Ngôi chủ ổn định, chặt chẽ. Chỉ có con bà chính thất (Hoàng Hậu) mới được phong Thái Tử, kế vị ngai vàng. Người con trưởng không đủ tài làm vua, thì sẽ có một Hoàng Tử khác con bà Hoàng Hậu được chọn thay thế. Còn như các vị Hoàng Tử con các bà Phi, thì LÀM GÌ CÓ CỬA mà sinh lòng nhòm ngó ngôi báu kia chứ?

Trần Ích Tắc là con bà Phi thứ 5, dám đâu mơ ước hão huyền, cho dù ông thực sự là người rất tài giỏi, hoàn toàn xứng đáng làm vua. Trường hợp bất khả kháng, ví như Hoàng Hậu không sinh được con nối dõi, bấy giờ, triều đình mới tính đến việc chọn một Hoàng Tử, con một bà Phi nào đó kế vị. Vậy nên cái câu cái chữ của sách sử biên chép, chúng ta đủ cơ sở để cho nó sang một bên, để hướng tới một cách nhìn, cách nghĩ chuẩn xác hơn, lấp ló ở phía sau.

 

2.

Trong suốt thời kỳ giao chiến với quân Nguyên Mông, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn bố trí lực lượng canh phòng bảo vệ biên giới. Mấy ai thoát khỏi quân binh nhà Trần phục kích ngăn chặn những kẻ đầu hàng? Ví như Chương Hiến Hầu Trần Kiện chạy đến biên giới, liền bị phục binh quân Trần dùng tên độc bắn chết.

 Trần Di Ái cầm đầu sứ đoàn Đại Việt sang nhà Nguyên. Hốt Tất Liệt phong Trần Di Ái tước AN NAM QUỐC VƯƠNG. Một số thành viên sứ đoàn đều được phong chức tước, như một cái triều đình lưu vong, được đưa về Đại Việt để thay thế cái triều đình “ngang bướng” đang cầm quyền. Nhưng Trần Di Ái vừa về đến biên giới, liền bị quân Trần chặn đánh, chém chết cả bọn.

Vậy tại sao Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đem theo cả gia quyến, tùy tùng, người lớn và trẻ con nheo nhóc, ngựa xe kềnh càng phức tạp, lại không bị chặn đánh ở biên giới, kể cả đường bộ hay đường thủy? Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc còn “nguy hiểm” hơn Chương  Hiến Hầu Trần Kiện và Trần Di Ái rất nhiều, sao lại tẩu thoát dễ dàng như vậy? Câu hỏi này đặt ra để các bạn suy nghĩ cho thấu đáo.

Thêm nữa, nên biết rằng Thượng Hoàng Trần Thánh Tông hành xử nghiêm khắc đến thế nào với những kẻ phản bội, các bạn nghe tôi kể đây.

Khi ông Thiếu Sư Trần Trọng Trưng người nước Tống đem cả gia quyến chạy sang nương nhờ Đại Việt (tương tự ông Hoàng Bính năm 1257), các vua Trần đối xử rất tốt với ông Trần Trọng Trưng (Lê Quý Đôn ghi là Trần Trọng Vi). Vua Trần còn phong chức tước cho ông Trần Trọng Trưng và cả con trai ông ấy là Trần Tôn. Khi Trần Trọng Trưng chết, vua Trần rất thương xót. Thánh Tông đã viết bài thơ khóc thương ông Trần Trọng Trưng rất cảm động. Tôi đã bình giải kỹ bài thơ này, để thấy được tấm lòng chân thành, nhân ái của các vua Trần.

Thế nhưng, khi Thoát Hoan tiến công mãnh liệt xuống Đại Việt từ hướng biên giới phía Bắc, thì Trần Tôn, con ông Trần Trọng Trưng (người Tống) lại đầu hàng. Hắn còn dẫn đường cho Thoát Hoan tấn công mãnh liệt vào Vạn Kiếp, khiến quân Trần bị bất ngờ, thiệt hại khá lớn. Hưng Đạo Vương phải bỏ căn cứ Vạn Kiếp, rút lui bảo toàn lực lượng.

Thượng Hoàng Thánh Tông rất tức giận. Ngài sai đào mả Trần Trọng Trưng (cha Trần Tôn), bổ quan tài ông ấy ra, để cho hả cơn giận. Kẻ phản bội nào cũng phải bị trừng trị nghiêm khắc như vậy. Tôi dẫn chuyện này, để biết vua Trần Thánh Tông nghiêm khắc như thế nào. Nhưng với “kẻ phản bội” Trần Ích Tắc thì khác đấy. Bạn nghĩ sao?

 

3.

Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc là Hoàng tử tài giỏi vào bậc nhất đương thời. Chính ông là người đã mở trường tư thục đầu tiên ở nước ta, bên cạnh QUỐC TỬ GIÁM. Ông vừa bảo trợ, vừa là thầy dạy. Học trò ông nhiều người thành đạt, như Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, đều làm quan rất to trong triều.

Luật pháp thời phong kiến rất nghiêm khắc. Nếu như Thầy phạm tội, trò cũng phải vạ lây. Thậm chí, bị đuổi khỏi chức quan. Đôi khi còn bị giết theo thầy. “Tru di cửu tộc”, trong đó, có các học trò của thầy. Đơn giản là vì trò là sản phẩm tư tưởng của thầy.

Ví như Nguyễn Trãi, Đại công thần khai quốc triều Hậu Lê bị giết cả ba họ (tru di tam tộc), thì học trò của cụ biến đâu mất tiêu. Không thấy ai để lại một câu nào nói về Thầy Nguyễn Trãi, mặc dù cụ có rất nhiều học trò làm quan đại thần trong triều.

Nguyễn Trãi có thơ chữ Hán và cả thơ Nôm dạy bảo học trò của cụ đang làm quan trong triều phải chính trực, phải thương yêu giúp đỡ nhau. Có thấy ai tự nhận là trò của Thầy Nguyễn Trãi đâu?

Nếu Trần Ích Tắc mắc trọng tội phản quốc, thì tại sao học trò ông như Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn, danh sĩ Trương Hán Siêu, vẫn làm quan to ngất ngưởng trong triều? Chẳng phải là một sự bất thường hay sao? Chẳng phải là một chi tiết để đời sau tìm hiểu hay sao?

Thêm nữa, Trần Ích Tắc có cả phủ đệ riêng, vương giả, có thể chu cấp cho trò nghèo theo học. Ông là một nhà giáo dục rất lớn, một nhân cách rất lớn đấy. Chính ông là người đầu tiên mở cơ chế mới cho giáo dục, ngày nay còn tiếp tục làm theo. Bạn nghĩ sao?

 

4.

Luật pháp nhà Trần rất nghiêm khắc, bất kỵ thân sơ. Đầu hàng quân Nguyên thực sự như Trần Di Ái, vừa về đến bên kia biên giới, đã bị quan binh nhà Trần chém chết ngay. Ví như Chương Hiến Hầu Trần Kiện bị giết chết khi vừa chạy tới biên giới.

Kẻ đầu hàng sẽ bị tước bỏ tất cả, đuổi cổ ra khỏi danh tính Hoàng tộc. Chỉ gọi tên. Ví như thằng A, tên B thôi. Thế thì cái tội cực lớn là “Phản quốc” như Trần Ích Tắc, sao không thấy vua Trần tước bỏ họ Trần của ông, mà chỉ gọi là Ả TRẦN, tức kẻ họ Trần mà hèn nhát yếu đuối như đàn bà?

ĐVSKTT chép: “Năm 1289, tháng 5, sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ 3, bắt được cả một hòm biểu xin hàng, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cho đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ những kẻ đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân đang ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu gia sản, sung công, tước bỏ quốc tính”. Có người thắc mắc, rằng tại sao không xử lý Trần Ích Tắc, xóa bỏ quốc tính, kẻ đã phản quốc? Thượng Thượng Hoàng Thánh Tông mỉm cười, bảo rằng: “Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn  hèn nhát như đàn bà vậy”! Vì thế những ghi chép  đương thời đều gọi là Ả Trần!

Bạn thử nghĩ mà xem, lời giải thích qua quýt cho êm chuyện của Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, có đúng như luật pháp mà nhà Trần đã thực thi hay không?  Chẳng lẽ, Chương Hiến Hầu Trần Kiện và Trần Di Ái, không phải là cốt nhục của vua Trần hay sao? Thánh Tông  không nỡ tước bỏ họ Trần của Ích Tắc. Thực ra, vua Trần không thể tước bỏ danh tính vẻ vang của Trần Ích Tắc, là bởi ông ấy chỉ trá hàng đấy thôi. Đời sau sẽ làm sáng tỏ sự thật, trả lại tiếng thơm cho Trần Ích Tắc.

Về việc những lá thư xin hàng được dâng trình lên Thánh Tông, Thượng Hoàng cho đốt cả đi, trong đó có những lá thư của Trần Ích Tắc xin hàng Hốt Tất Liệt. Bạn có nghĩ rằng những lá thư đó, chẳng qua chỉ là cái mẹo phản gián, được gửi đi trước khi Trần Ích Tắc đem cả gia quyến và tùy tùng “chạy” sang hàng Mông Nguyên, để Hốt Tất Liệt hoàn toàn tin tưởng vào Trần Ích Tắc hay không? Nghệ thuật phản gián được thực thi một cách rất khéo léo. Trần Thánh Tông đã biết tỏng chuyện này, nên ngài cho đốt đi để vui lòng thiên hạ đấy thôi!

Chúng ta, những kẻ hậu sinh, phải có trách nhiệm làm việc đó, chứ sao? Đấy là chỗ khác biệt, là cái ý thầm kín tế nhị. Những kẻ “người trần mắt thịt” như chúng ta phải tự suy lý, để tự tìm ra sự thật, để tự lý giải cho chính mình.

       Chắc chắn có bạn sẽ hỏi, rằng tại sao các vua Trần đời sau không minh oan cho Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc? Tại sao ư? Là bởi đây là một vụ tình báo chiến lược khác hẳn với thời nay. Sau dăm ba mươi năm, những bí mật của các nhân viên tình báo hiện đại không còn giá trị nữa. Ví như người Pháp, người Mỹ thua trận, họ cũng khó lòng quay lại để thực hiện thêm một sai lầm chiến lược nữa. Danh tính của những chiến sĩ tình báo từng trà trộn vào đối phương để thực hiện nhiệm leo cao chui sâu, nắm giữ những vị trí cực kỳ quan trọng, như các ông Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Trần Văn Lai v.v… đã được công khai.

Tuy nhiên, ở đời Trần, Đại Việt chống lại Mông Cổ, trong khi Mông Cổ đã đánh bại nhà Tống, lập ra triều Mông Nguyên và đang thống trị Trung Hoa. Hốt Tất Liệt còn trẻ. Ông ta chưa bao giờ nguôi quên việc trả thù Đại Việt. Truyền thống Mông Cổ, đã được Thái Sư Trần Thủ Độ nhắc nhở vua quan, quý tộc, tướng lĩnh nhà Trần rằng, một khi Mông Cổ thua ở một mặt trận nào đó, họ sẽ giốc hết lực lượng, quyết trả thù, tiêu diệt đối phương bằng được mới thôi.

Thêm nữa, việc đưa một bộ phận quý tộc nhà Trần sang phía địch, chủ trương lâu dài, rất lâu dài, mãi mãi. Chẳng phải Lưỡng Quảng và quần đảo Hải Nam bên kia, vốn là đất đai xưa của người Bách Việt, của Đại Việt ta từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), hay sao? Đến Hai Hà Trưng khởi nghĩa giành lại quyền tự chủ, đặt tên nước là Lĩnh Nam (năm 40 SCN) đó sao? Mông Nguyên thống trị Trung Quốc, cũng tức là chúng đang đô hộ dân Bách Việt ta ở ngoài biên giới hiện tại. Do vậy, đưa một nhóm người Việt trở lại vùng đất của ta để ở lâu dài, có gì mà không hiểu nhỉ?

Trên thực tế, dòng họ Trần vốn từ Phúc Kiến (Mân Việt) di cư sang Đại Việt, cũng chỉ là di chuyển từ vùng này sang vùng khác, cũng thuộc quê hương của chính mình. Nay một bộ phận dân cư nước Đại Việt do Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc dẫn đầu, chẳng phải là một cuộc hồi hương hượp lý hay sao? Và từ đây, cha con Trần Ích Tắc sẽ mãi mãi ở lại trên quê hương cũ của họ Trần, của người Bách Việt, để làm chỗ dựa, bí mật đánh phá Nguyên Mông, ngay trên vùng đất chúng thống trị người Bách Việt. Cần gì phải “thuyết minh” cho ai nhỉ?

Vậy nên, việc Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đem cả gia quyến hàng trăm, mấy trăm  người ra đi, là không thể nói một mai sẽ lại quay về. Trong số những người ra đi ấy, chắc chắn còn nhiều người rất giỏi nữa đi cùng. Biết bao giờ Nguyên Mông sẽ thôi việc trả thù Đại Việt? Thực tế, chẳng phải Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị binh lực đầy đủ, để quyết tiêu diệt Đại Việt lần thứ 4 vào năm 1293 đó sao? May mà ông ta ốm chết (1294). Cháu ông ta là Thiết Mộc Nhi (Nguyên Thánh Tông) lên thay và ban chiếu bãi binh. Đại Việt thoát khỏi một cuộc chiến tranh với  Nguyên Mông, chắc chắn là sẽ vô cùng thảm khốc.

Vậy ai lúc bấy giờ đứng ra chiêu tuyết cho Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc? Nhiệm vụ của Trần Ích Tắc và cả con cháu ông đã xong đâu? Cả đời cha, đến đời con đời cháu, mãi mãi. Ra đi mà như thể trở về quê cũ, đó chính là chiến lược, là kế sách vô cùng thâm hậu của tầng lớp lãnh đạo tinh hoa nước Đại Việt lúc bấy giờ.

Mục tiêu phá cường địch trong lòng địch, làm tan rã Nguyên Mông, khiến chúng bị diệt vong vừa được cha con Chiêu Quốc Vương hoàn tất, thì tiếp đó, lại đến cuộc đối đầu với Chu Nguyên Chương (người Hán). Lịch sử như trò đùa vậy đó. Nhưng cho đến ngày nay, hậu duệ Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và cả Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, hiện vẫn đang tồn tại rất đông đảo bên kia biên giới đấy! Họ chính là công dân nước Đại Việt mang hai “quốc tịch” đấy!

 

5.

Kể từ khi Trần Ích Tắc chạy sang “hàng” quân Nguyên, nhà Trần không thua thêm trận nào nữa. Thế là sao? Bạn có biết điều này không?

       Trong cuộc kháng chiến lần thứ 3 (1288), vua Trần hỏi Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương, rằng năm nay đánh giặc thế nào? Hưng Đạo Đại Vương bình thản trả lời, rằng “Năm nay đánh giặc nhàn”! Hoặc “Thế giặc năm nay dễ phá”! Phải chăng, tin tức về giặc Nguyên Mông cũng thường xuyên được cập nhật về đại bản doanh của vị Tổng Tư lệnh tối cao?

Kế hoạch tấn công tổng thể của Hốt Tất Liệt, đã được Trần Ích Tắc truyền báo về tới Hưng Đạo Đại Vương qua đường dây tình báo được thiết kế rất hoàn hảo? Do đó, lãnh đạo nhà Trần đã lập kế hoạch sẵn sàng đối phó. “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Binh pháp đã đúc kết thành nguyên lý trong chiến tranh là vậy! Bạn nghĩ sao?

 

6.

Cuộc tấn công xâm lược Đại Việt lần thứ 3 của nhà Nguyên (1287-1288), Thoát Hoan vẫn được làm Tổng chỉ huy 3 đạo quân tiến sang Đại Việt. Danh nghĩa là đưa AN NAM QUỐC VƯƠNG Trần Ích Tắc về nước. Thoát Hoan chỉ huy mũi chủ lực. Ô Mã Nhi chỉ huy quân thủy tiến vào vùng An Bang. Cánh quân hướng tây do viên Phó Tổng Tư Lệnh người Mông Cổ chỉ huy.

       Trần Ích Tắc chắc chắn đã thông báo kế hoạch tấn công của quân Mông Nguyên cho Trần Quốc Tuấn. Thế nên ông tin tưởng nhà Trần đã có kế sách đối phó.

Thực tế diễn ra, mũi chủ lực của Thoát Hoan, có Trần Ích Tắc theo sau, không gặp trở ngại đáng kể nào, khi đội quân này tiến vào Thăng Long. Nghĩa là, quân Đại Việt không bố trí đánh chặn đội quân này, để cho Thoát Hoan và Trần Ích Tắc tiến vào Thăng Long ở trọ ít ngày. Kế “Thanh dã” (vườn không nhà trống) được thực thi chu đáo. Trong khi đó, Trần Ích Tắc chỉ đem theo người con trai 9 tuổi để làm tin. Điiều này, chúng tôi đã phân tích kỹ qua bài thơ HỒI QUỐC (Về nước) của Trần Ích Tắc.

Đội quân 5 ngàn người do Lê Tắc và Lê An chỉ huy bảo vệ cậu bé Trần Dục 9 tuổi, bị tướng Nguyễn Thế Lộc chặn đánh hai bên sườn, rất mãnh liệt. Nhưng Nguyễn Thế Lộc vẫn để ngỏ hướng Bắc, thế là sao?

       Để ngỏ hướng Bắc cho Lê Tắc, Lê An đưa cậu bé Trần Dục chạy về phủ Tư Minh đúng vào ngày Tết Nguyên đán năm 1288. Thế là sao? Phải chăng, đã có sự bố trí rất chu đáo, kín kẽ, để bảo vệ con trai Trần Ích Tắc an toàn? Đánh thắng địch, nhưng phải bảo vệ được tính mạng cho cha con Chiêu Quốc Vương chứ sao! Người nghiên cứu lịch sử, phải để tâm suy nghĩ chi tiết này, là vô tình hay hữu ý?

Kết quả như thế nào, hiện thực lịch sử đã chứng minh rõ ràng. Hai mũi giáp công chiến lược Chính trị và Quân sự được tiến hành đồng thời. Về quân sự, chiến cuộc mà Trần Hữu Lượng đã thành công như chúng tôi đã nói ở trên và ở nhiều bài viết khác.

Trung Quốc đã dựng thành phim nhiều tập, chiếu trên truyền hình đã rất lâu rồi. Các bạn mở trang mạng sẽ thấy ngay. Tuy nhiên, tôi vẫn xin nhắc lại rằng Trung Quốc với chiến lược chiến tranh văn hóa, họ luôn xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật một cách rất tinh vi, khiến nhiều thế hệ người Việt mù mờ về lịch sử, lâu dần quên hẳn những hình ảnh tốt đẹp, chân thực về cha ông mình. Cuối cùng thì mình chửi chính mình, cha mình, tựa như anh Chí Phèo Đấy!

Chủ trương thâm độc này, hiện nay Trung Quốc vẫn đang tiếp tục. Ví như gần đây nhất, họ vu cáo ta xâm lược Căm pu chia, rồi vu cáo ta xâm lược biên giới. Họ “bốn tốt” đấy, nhưng lại ăn tiền của Mỹ, câu kết với Mỹ chống phá nước ta một cách điên cuồng.

Bản chất của họ trước sau chưa hề thay đổi. Điều này thì chắc ai cũng thấy. Họ muốn cướp công đánh bại Mông Nguyên của cha con Trần Hữu Lượng. Họ cố tình lờ đi không nhắc đến, chỉ nói đến Chu Nguyên Chương của họ mà thôi. Người Việt ta và cả thế giới bị thông tin của họ lừa bịp, làm sai lạc. Lâu dần còn ai biết nữa?

Còn như chiến công của Trần Ích Tắc trên mặt trận chính trị ư? Thì ông đã làm được việc chia rẽ nội bộ quan lại ô hợp, của triều đình Mông Nguyên, gồm người Mông Cổ, người Tống, người Nhật, người Việt, người Tây Hạ, người Nam Chiếu, người Miến Điện, người Triều Tiên và cả người Nga cũng có đấy. Nước Nga chẳng phải đã bị Mông Cổ đánh bại và thống trị hay sao? Hầu như các nước bị Mông Cổ đánh bại, đều bị trưng thu tất cả quân đội, tướng lĩnh, quân lương để phục vụ Đế chế Mông Cổ với tham vọng không biên giới. Các nước thua trận nói trên, đều có người làm quan ở triều đình Hốt Tất Liệt nhà Mông Nguyên, khiến họ có tư tưởng chống đối Mông Cổ thống trị tàn bạo. Thân phận của họ, thực ra cũng chỉ là kẻ nô lệ mà thôi. Thơ Trần Ích Tắc đã thể hiện ất rõ chi tiết này.

Đặc biệt, Trần Ích Tắc đã thành công trong việc tác động tinh thần, khiến vua mới Thiết Mộc Nhi khi đăng quang đã tuyên bố bãi binh, đại xá thiên hạ. Đại Việt ta thoát khỏi cuộc xâm lăng lần thứ 4 của Đế chế Mông Nguyên hùng mạnh, tham tàn. Thơ Trần Ích Tắc đã đem đến cho chúng ta cảm nhận về sự thật đó.

Một chi tiết sau đây cũng nên được ghi nhớ, trong nghệ thuật ngoại giao rất tài giỏi của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc. Đó chính là việc bằng tài năng hội họa thiên bẩm, họa sĩ Trần Ích Tắc đã vẽ một số bức tranh chân dung của Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Thiết Mộc Nhi và một số nhân vật chính trị trọng yếu của triều đình nhà Nguyên. Những bức chân dung do Trần Ích Tắc vẽ, hiện vẫn được xem là bảo vật vô giá, được trưng bầy ở Bắc Kinh, như một niềm tự hào của lịch sử nhân loại vậy!

 Tóm lại, tình báo chiến lược trong chiến tranh, thì bên nào cũng tổ chức. Ngày nay, việc ấy lại càng tinh vi hơn nhiều. Nhưng cách nay đã gần ngàn năm, nhà Trần đã rất thành công trong tổ chức tình báo.

       Vụ Trần Ích Tắc trá hàng, thực ra không có gì lạ. Trước đó gần ba mươi năm, Thái Sư Trần Thủ Độ đã “tát nước theo mưa”, tổ chức đoàn tình báo chiến lược dưới danh nghĩa đưa Thái Tử sang Mông Cổ làm con tin, do Vũ Uy Vương Trần Nhật Duy dẫn đầu. Chúng tôi đã viết ở trên.

Chúng ta phải thoát ra khỏi những suy nghĩ đơn giản, cơ học, một chiều. Phải thoát ra khỏi những sách vở linh tinh này nọ, để vượt lên ở tầm quan sát toàn cảnh, rộng rãi, để có tư duy khoa học, sáng suốt, mới có thể tiếp cận được sự thật. Và cũng phải có cái “phông” văn hóa nhất định nào đó, mới có thể cảm thấu được CÁI KHÔNG NHÌN THẤY, vừa bí ẩn, vừa rất giàu hàm lượng thông tin.

Sự đầu hàng của Trần Di Ái, của Trần Kiện, của Lê Tắc, là đầu hàng thật, cái ấy thì rõ rồi. Việc đầu hàng của Trần Ích Tắc là việc trá hàng theo kịch bản đã được thiết kế một cách vô cùng tinh vi và hoàn hảo. Sao có thể đem ra để so sánh theo kiểu cơ học thông thường được?

 Nhà văn Mỹ gốc Nga, giải thưởng Nobenl văn học năm 1987, JOSEPH BRODSKY nói: “Để hiểu được một con người, một dân tộc của nghìn năm trước, thì chỉ có thơ ca mới làm được điều đó mà thôi”!

 Nhà bác học thiên tài, thi sĩ tài hoa Lê Quý Đôn viết: “Những việc chính sử ghi chép, cho dù hoàn hảo đến mấy, cũng không thể hoàn toàn tin theo được. Kẻ đọc sách có thể chỉ căn cứ vào văn mà không xem xét đến sự thực được chăng?”

 Cụ Hoàng Đức Lương đời Hồng Đức Lê Thánh Tông viết: “Thơ là mùi vị ở ngoài mùi vị, miệng thường không nếm được; là màu sắc ở ngoài màu sắc, mắt thường không thấy được”…

 Thơ Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc để lại cho đời sau, chính là di ngôn thầm kín, sâu thẳm, chính xác nhất về nỗi lòng, ý chí, nghị lực, tâm hồn và trí tuệ phi thường của một thiên tài trác việt. Thơ Trần Ích Tắc đã gửi lại cho hậu thế biết rõ sự thật về con người thật, con người công dân vĩ đại của ông.

 Một điều hiển nhiên nữa, bạn đọc nên chú ý. Đó là việc học giả Lê Quý Đôn đã làm bộ sách tuyển thơ văn nước Đại Việt ta, đến thời điểm ông biên soạn. Đó chính là bộ sách TOÀN VIỆT THI LỤC, một công trình tuyển thơ nước Đại Việt vô giá.

Sách hoàn thành, Lê Quý Đôn đã trình lên vua Lê, chúa Trịnh và được khen tặng “nhuận bút” khá cao. Sau đó vua Lê, chúa Trịnh lập tức cho khắc bản, in ấn lưu trữ trong kho sách của triều đình và truyền bá rộng rãi trong dân gian. Nhờ vậy mà chúng ta mới có được những tư liệu đặc biệt này.

 Xét về pháp lý, nếu nhà thơ Trần Ích Tắc bị tước quyền công dân vì tội bán nước, đầu hàng giặc, thì làm sao Trần Ích Tắc tài hoa bậc nhất thiên hạ, lại còn được vinh dự có thơ trong tuyển thơ lớn, hoành tráng nhất nước này? Chẳng phải Trần tiên sinh vẫn đàng hoàng là công dân nước Đại Việt hay sao? Chẳng phải là ông có thẩm quyền mang “hai quốc tịch” hay sao?

 

 Hà Nội 22-12-2022

       V.B.L

Ảnh: Tác giả VŨ BÌNH LỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét