Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

TRẦN NGHỆ TÔNG / Vũ Bình Lục

 

       

Tác giả Vũ Bình Lục

 

       VUA HIỀN QUÁ HÓA NGU!

       Như đã trình bầy ở phần mở đầu cho “chuyên mục” VỪA ĐI VỪA NGHĨ, một lần nữa, tôi thành thật cầu mong được quý vị là hậu duệ xa xôi của một nhân vật lịch sử nào đó, thông cảm và thứ lỗi cho. Một nhân vật lịch sử, dù bất cứ ở cương vị nào, đều có phần tốt và phần chưa tốt. Tất nhiên! Chúng ta nhìn lại lịch sử, xem xét và suy ngẫm về lịch sử, rút ra những bài học sâu sắc từ lịch sử, tước bỏ những ghi chép không khách quan, hoặc thiếu chính xác, hoặc sai lầm, để có cái nhìn công bằng hơn, khoa học hơn, đầy đủ và minh bạch hơn. Đấy mới là điều cần thiết!

       Chữ “HIỀN” mà tôi muốn nói ở đây chính là “Hiền lành”, chứ tuyệt nhiên không phải với nghĩa “Hiền đức”, như một phẩm chất vô cùng quý giá khi đánh giá tổng quát về nhân vật lịch sử nào đó ở thời phong kiến, quân chủ chuyên chế,  theo quan niệm của Nho giáo. Ví như câu “Vua thánh tôi hiền” chẳng hạn. “Vua thánh”, nghĩa là ông vua sáng, hay là một đấng “minh quân”, nói theo âm Hán-Việt. “Tôi hiền”, tức bề tôi trung thành và tài giỏi vậy! Vua hiền, tức vua sáng vậy!

       Nho giáo có nhiều hạn chế, nhưng nó cũng có những quan điểm biện chứng sơ khai, đáng phải suy ngẫm. Ví như câu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. (Dân là quý nhất, sau đến xã tắc, vua thì thường thôi)…

       Ông vua hiền lành quá mà hóa ngu, đó chính là vua TRẦN NGHỆ TÔNG (1321-1394), vua thứ 9 của triều đại nhà Trần (1225-1400). Nghệ Tông là miếu hiệu. Trần Phủ là tên húy. Nghệ Tông còn có một tên húy khác nữa là Trần Thúc Minh. Vua Trần Nghệ Tông là con trai thứ 3 của vua Trần Minh Tông. Trần Nghệ Tông là anh của Trần Dụ Tông (Trần Hạo). Vua Trần Dụ Tông ăn chơi trác táng, đến nỗi vô sinh. Chính Dụ Tông (1336-1369) và Nghệ Tông mới là hai ông vua làm suy yếu và làm sụp đổ triều Trần.

       Thực ra, vua Trần Nghệ Tông được người đương thời khen là hiền lành. Sau khi cùng người em trai là Cung Tuyên Vương Trần Kính và Trần Nguyên Đán lật đổ được Dương Nhật Lễ, giành lại ngôi báu cho nhà Trần, Nghệ Tông lên ngôi vua. Ông cũng đã có lời đánh giá về sai lầm của Dụ Tông và thực tâm muốn khôi phục lại vương triều sáng sủa như các bậc tiền bối đã làm. Ông nói: “Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, là vì Nam Bắc (Đại Việt và Trung Hoa - VBL) nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc…thật không thể kể xiết”.

       Tuy nhiên, nói thì vậy, nhưng việc làm của Nghệ Tông thì không được như thế. Vậy sai lầm của Nghệ Tông bắt đầu từ đâu?

       TRƯỚC HẾT LÀ VIỆC DÙNG NGƯỜI.

       1.

       Trần Nghệ Tông lên ngôi vua, liền trả ơn một người không biết chữ đã có công khuyên ông mấy câu hợp lý trong khi làm chính biến. Người ấy chính là Nguyễn Nhiên. Cuộc chiến giành lại ngôi báu từ Dương Nhật Lễ đã thành công, Nghệ Tông không cần biết đến tài năng người đã giúp mình, liền ưu ái phong cho Nguyễn Nhiên làm chức HÀNH KHIỂN, một chức vụ rất to, cực kỳ quan trọng. Chưa hết, ông lại còn thăng cho Nguyễn Nhiên làm chức Tả tham ty chính sự.

       Không biết chữ, cho nên mỗi khi có việc phê chuẩn các văn bản hành chính, thì Nghệ Tông phải sai người khác vẽ lại các nét chữ để quan Hành Khiển Nguyễn Nhiên xem. Một viên quan điều hành Chính phủ tệ hại như vậy, thử hỏi rằng hậu quả sẽ như thế nào? Điều đáng buồn tương tự như thế này, lại được tái diễn ở triều Hậu Lê. Các vị quyền thần tước vị cao nhất ở triều Hậu Lê, phần lớn là các tướng lĩnh võ biền thân tín cùng họ nhà vua (Lê Lợi), không biết chữ. Những công thần khai quốc có học, trí tuệ lớn, đều lần lượt bị giết sạch. Triều chính đổ nát, xã tắc ngả nghiêng, trăm họ lầm than, chẳng phải là câu chuyện đau lòng lắm hay sao?

       2.

       Trường hợp dùng người sai lầm thứ hai, đồng thời là cách hành xử đến mức không hiểu nổi của Trần Nghệ Tông, đó chính là việc dùng gian thần Đỗ Tử Bình làm chức HÀNH KHIỂN.

       Số là, sau khi Dương Nhật Lễ bị giết, mẹ của Nhật Lễ đem gia quyến chạy vào đầu hàng Chế Bồng Nga. Tất nhiên, bà Thái hậu xinh đẹp xuất thân đào hát này liền được Chế Bồng Nga sủng ái, như một vật báu trời cho. Bà ta kể hết nội tình nhũng loạn ở triều đình nước Đại Việt, rồi xui Chế Bồng Nga đem quân ra đánh Đại Việt.

       Khi vua Trần Duệ Tông (1337-1377) còn tại vị, Chế Bồng Nga vẫn còn sợ uy danh của triều Trần, nên đã dâng hàng chục mâm vàng để Đỗ Tử Bình mang về biếu vua Trần, tỏ lòng quy thuận. Tuy nhiên, Đỗ Tử Bình tham lam, đã giấu nhẹm đi làm của riêng. Ông ta còn về triều nói sai sự thật, rằng Chế Bồng Nga ngạo mạn, coi Đại Việt chả ra gì. Điều này khiến vua Trần Duệ Tông tức giận, liền đem 12 vạn quân thủy bộ quyết chinh phạt Chiêm Thành. Do nóng vội, khinh thường quân địch, Trần Duệ Tông đã mắc mưu Chế Bồng Nga, bị vây hãm trước thành Đồ Bàn và bị hy sinh cùng mấy vạn tướng sĩ. Trong khi đó, Đỗ Tử Bình được giao chỉ huy đội hậu quân, tức “thê đội 2” theo thuật ngữ quân sự hiện đại, không chịu đem quân đến tiếp ứng. Đỗ Tử Bình cùng với Hồ Quý Ly tháo chạy về nước, bỏ mặc vua Duệ Tông chiến đấu trong vòng vây dưới thành Đồ Bàn.

       Thế mà, hai vị tướng hèn nhát là Đỗ Tử Bình và Hồ Quý Ly vẫn không phải tội chết. Sau thảm bại có một không hai này, Nghệ Tông không hề nhắc đến cái tội tày trời của Hồ Quý Ly. Riêng Đỗ Tử Bình thì bị Nghệ Tông sai nhốt vào xe tù giải về Thăng Long, bị cách tuột xuống làm lính. Nhưng cũng chỉ một năm sau, ông ta lại được Nghệ Tông cho khôi phục chức HÀNH KHIỂN. Về sau, Đỗ Tử Bình cùng với Hồ Quý Ly lại được sai cầm quân đi ngăn chặn quân Chiêm khá nhiều lần, nhưng phần nhiều đều thất bại thảm hại…

       Lạ thay, viên tướng bất tài, gian thần Đỗ Tử Bình lại còn được cất nhắc lên chức NHẬP NỘI HÀNH KHIỂN, TẢ THAM TY CHÍNH SỰ. Ngài Đỗ Hành Khiển còn  khuyên Thái Thượng hoàng Nghệ Tông đánh thuế THÂN vào tất cả các đối tượng công dân, trừ binh sĩ, để bổ sung vào ngân sách quốc gia đang cạn kiệt. Năm 1382, Đỗ Tử Bình chết ở chức KINH LƯỢC LẠNG GIANG, được truy tặng tước THÁI BẢO. Chưa đủ, ông ta còn được Nghệ Tông cho tòng tự ở Văn Miếu nữa cơ! Thử hỏi, có sự hàm hồ vô lối nào hơn thế nữa hay chăng?

       3.

       Một nhân vật “kiệt xuất” nữa, góp phần quyết định vào sự sụp đổ của triều Trần, không ai khác, chính là Lê Quý Ly, tức Hồ Quý Ly (1336-1407).

Lại nói về vua TRẦN MINH TÔNG (1300-1357). Minh Tông thời trẻ đã mắc một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Đó chính là việc Minh Tông đã giết lầm bố vợ mình, đồng thời là chú ruột mình là Thái tể Thượng Phụ Trần Quốc Chẩn (em trai vua Trần Anh Tông). Điều này khiến ông hối hận suốt quãng đời ba chục năm còn lại. Thêm nữa, vua Trần Minh Tông còn có 2 bà Phi họ Lê. Đó là Minh Từ Quý Phi (Sinh ra Nghệ Tông) và Đôn Từ Quý Phi (Sinh ra Duệ Tông). Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly) chính là cháu gọi hai chị em Minh Từ Quý Phi và Đôn Từ Quý Phi là cô ruột. Chính vì vậy, Hồ Quý Ly đã khôn khéo dựa vào mối quan hệ ngoại tộc này, để tìm cách ngoi lên vị trí cao nhất, tiến tới âm mưu lật đổ triều Trần.

       Năm 1370, Cung Định Đại Vương, Thái sư đời vua Dương Nhật Lễ là Trần Phủ (Nghệ Tông) lên ngôi vua, liền phong cho Hồ Quý Ly chức KHU MẬT VIỆN ĐẠI SỨ. Một chức vụ rất cao và rất quan trọng.

       Năm 1371, vua Chiêm là Chế Bồng Nga, theo lời khuyên của mẹ Dương Nhật Lễ (đã chạy vào Chiêm hầu hạ Chế Bồng Nga), liền đem quân tấn công Đại Việt. Vua Nghệ Tông khiếp sợ, liền bỏ kinh thành Thăng Long, qua sông Hồng (Đời Trần gọi là sông Lô - Lô Giang), chạy lên Đông Ngàn (Bắc Ninh ngày nay). Thấy vua hèn nhát bỏ chạy, viên quan Nguyễn Mộng Hoa liền để nguyên áo mũ, lội xuống giữ lấy thuyền vua, kêu gọi nhà vua nên ở lại cùng quan quân chiến đấu giữ Thăng Long. Nhưng Nghệ Tông không nghe. Chế Bồng Nga kéo quân vào Thăng Long “như vào chỗ không người”. Ông ta cho lính cướp phá, phóng hỏa thiêu cháy cung điện, hãm hiếp phụ nữ, rồi rút quân về.

       Năm 1372, thấy công việc làm vua rất khó nhọc, mà mình lại bất tài, Nghệ Tông quyết định nhường ngôi cho em trai mình là Cung Tuyên Vương Trần Kính (miếu hiệu DUỆ TÔNG), rồi lên ngồi ghế Thượng Hoàng cho khỏe.

       Sau mấy năm ra sức củng cố vương triều về mọi mặt, vua Trần Duệ Tông đã làm cho đất nước mạnh mẽ dần lên. Vua Duệ Tông đặc biệt củng cố binh lực, cải cách hành chính và văn hóa xã hội. Chính ông đã cải tiến và mở rộng quy chế khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Năm 1374, niên hiệu Long Khánh thứ 2, Duệ Tông cho mở khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ). Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên. Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn. Trần Đình Thám đỗ Thám hoa.

       Cả hai chàng rể của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán là Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) và Nguyễn Hán Anh đều đỗ Tiến sĩ. Lẽ ra hai vị tân khoa Tiến sĩ này phải được bổ làm một chức quan to nào đó ở triều đình mới xứng với tài năng của họ, nhưng chỉ được Nghệ Tông nể mặt quan Tư Đồ (Tể Tướng) Trần Nguyên Đán, mà cả Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh (đều quê Hải Dương) chỉ được giao một chức vụ bé tẻo teo. Đấy là chức KIỂM CHÍNH, thuộc ngành Tư pháp. Các tài liệu trước đây nói rằng Nguyễn Phi Khanh không được làm quan dưới triều Trần là không chính xác. Các tài liệu trước đây cũng đều nói Nguyễn Phi Khanh đỗ Bảng nhãn cũng là không đúng. Và cũng không mấy ai biết đến người con rể thứ hai của Trần Nguyên Đán là Tiến sĩ Nguyễn Hán Anh…

       Đầu năm 1377, vua Duệ Tông chết ở chiến trường, thì Đại Việt không còn ai đáng sợ nữa. Chế Bồng Nga, ông vua anh hùng tài lược của Chiêm Thành liên tiếp mở những cuộc Bắc tiến, đánh phá Đại Việt.

       Ngày mùng 5 tháng 5 năm 1378, Ngự Câu Vương Trần Húc đã đầu hàng Chiêm Thành trước đó, được Chế Bồng Nga cử làm tướng tiên phong tiến đánh Đại Việt ở Nghệ An. Đến tháng 6 (Âm lịch), Chế Bồng Nga đem thủy quân tiến vào sông Đại Hoàng (Nam Định ngày nay). Nghệ Tông sai Hành Khiển Đỗ Tử Bình đem quân chống giữ. Tử Bình bất tài, thua trận. Quân Chiêm thừa thắng tiến vào Thăng Long cướp phá. Kinh thành bỗng chốc trở thành tan hoang thê thảm. Giặc Chiêm bắt theo nhiều gái đẹp, cướp sạch kho tàng, đốt phá, rồi lại rút quân về.

       Năm 1380, Chế Bồng Nga lấy quân ở Thuận Hóa (bấy giờ đã về tay Chiêm Thành) tiến ra đánh Nghệ An, Diễn Châu. Sau đó, quân Chiêm lại tiến ra đánh Thanh Hóa.

       Tháng 6 năm 1383, Chế Bồng Nga lại đem quân tiến đánh Đại Việt. Nghệ Tông sai tướng Lê Mật Ôn ra cự địch. Mật Ôn bị quân Chiêm bắt sống tại trận tiền.

       Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại tiến quân ra Thanh Hóa. Nghệ Tông sai Hồ Quý Ly đem đại binh ra chặn giặc. Mắc mưu Chế Bồng Nga, quân Đại Việt thua to. Tướng chỉ huy quân Hữu Thánh Dực là Nguyễn Chí bị quân Chiêm bắt sống. Hơn bảy chục viên tướng và hàng vạn quân sĩ Đại Việt đều hi sinh. Chủ tướng Hồ Quý Ly bất tài hèn nhát, sợ Chế Bồng Nga như sợ cọp. Ông ta liền giao trách nhiệm chống giặc Chiêm cho các tướng Nguyễn Đa Phương và Phạm Khả Vĩnh ở lại chống giặc, còn bản thân ông ta thì trốn chạy về kinh thành. Nhận thấy tình hình quá nguy cấp, Nghệ Tông cử Thượng tướng Trần Khát Chân đem quân ra chiến trường ứng cứu. Nguyễn Đa Phương là tướng thủy quân rất giỏi, đã đánh lui được quân Chiêm.

       Cuộc chiến kết thúc, Nguyễn Đa Phương trở về kinh thành, công khai chế diễu Hồ Quý Ly hèn nhát bất tài. Quý ly tức giận lắm. Ông ta bèn gặp Nghệ Tông ton hót, đổ tội cho Nguyễn Đa Phương, rằng ông ta vì nghe theo lời của Nguyễn Đa Phương nên đến nỗi thua trận. Chưa hết, Quý Ly còn dèm pha, khuyên Nghệ Tông nên trị tội Nguyễn Đa Phương. Nghệ Tông chẳng cần biết phải trái, liền cách hết chức tước của Đa Phương. Chưa là đủ. Quý Ly còn khuyên vua Nghệ Tông phải giết Nguyễn Đa Phương. Nghệ Tông cũng nghe theo, bắt danh tướng Nguyễn Đa Phương phải tự vẫn. Thật là kẻ bất tài thường ghen ghét người tài. Chẳng phải vua Nghệ Tông ngu muội lắm hay sao? Chẳng phải Hồ Quý Ly nham hiểm và độc ác lắm hay sao?...

       Năm 1390, Chế Bồng Nga lại đem đại quân tiến vào Thăng Long. Nghệ Tông sai Thượng tướng Trần Khát Chân đem quân đánh giặc. Thủy quân của Chế Bồng Nga tiến đến đoạn sông Luộc (Hải Triều) huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, một bên là huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Do tên hàng tướng Chiêm là Ba Lậu Kê chỉ cho chiếc thuyền mà Chế Bồng Nga đang ở đó, Trần Khát Chân cho tập trung hỏa pháo bắn vào chiếc thuyền ngự của vua Chiêm. Chế Bồng Nga chết tại đó. Quân Chiêm bị đánh tan.

       Như thế vẫn chưa là hết. Nhận thấy thế lực của Hồ Quý Ly mỗi ngày một lớn, âm mưu cướp ngôi vua đã hiện rõ, hoàng thất Trần Nhật Chương đã tiến hành kế hoạch tiêu diệt gian thần Hồ Quý Ly. Tiếc rằng kế hoạch bị lộ. Quý Ly sàm tấu với Nghệ Tông, kết tội Trần Nhật Chương phản nghịch. Nghệ Tông liền giết chết Trần Nhật Chương.

       Năm 1392, Nghệ Tông đã hơn bảy chục tuổi. Tháng 4 năm ấy, một viện quan tên là Bùi Mộng Hoa dâng thư lên Thái Thượng hoàng Nghệ Tông, nói rằng: “Thần nghe trẻ con có câu hát rằng “Thâm hiểm thay Thái sư họ Lê. Xem thế đủ biết, Lê Quý Ly nhất định có ý nhòm ngó ngôi báu”! Nhưng lạ thay, Nghệ Tông lại đưa lá thư ấy cho Quý Ly xem. Quý Ly biết âm mưu của mình đã bị lộ. Ông ta có ý định tự sát. Nhưng thật may mắn, có viên quan thân cận với Quý Ly là Phạm Cự Luận đã khuyên Quý Ly không phải vội vàng tự vẫn. Cự Luận là một tay mưu lược, đã khuyên Quý Ly tiếp cận Nghệ Tông, khôn khéo lựa lời ngọt nhạt, khiến Nghệ Tông cho qua chuyện lá thư tố giác của Bùi Mộng Hoa. Viên quan trung thần cương trực Bùi Mộng Hoa sau đó phải bỏ trốn, mai danh ẩn tích để tránh đòn trả thù tiếp theo của tên gian thần, lộng thần Hồ Quý Ly.

 

       NGHỆ TÔNG BỊ HỒ QUÝ LY DẮT MŨI, GIẾT HẠI CON TRAI VÀ CHÁU MÌNH

       1.

       MƯỢN TAY NGHỆ TÔNG GIẾT TRANG ĐỊNH VƯƠNG TRẦN NGẠC.

       Trang Định Vương Trần Ngạc là con trưởng của Trần Nghệ Tông, giữ chức Thái Úy. Trang Định Vương Trần Ngạc chính là cha của TRÙNG QUANG ĐẾ (tức Trần Quý Khoáng đời Hậu Trần). Còn GIẢN ĐỊNH ĐẾ (tức Trần Ngỗi đời Hậu Trần) thì là con của Trần Nghệ Tông.

       Nhận thấy thế lực nguy hiểm và âm mưu cướp ngôi của Hồ Quý Ly, Thái Úy Trần Ngạc muốn cùng tôn thất nhà Trần loại bỏ tên gian thần nham hiểm. Chưa có cơ hội, Trần Ngạc tạm thời xin về quê sống cảnh điền viên ở Thiên Trường. Hồ Quý Ly nhân việc này, liền sàm tấu với Nghệ Tông, vu cho Trần Ngạc tội phản nghịch. Nghệ Tông theo lời, liền cho người bắt Trần Ngạc về kinh hỏi tội. Nhưng Quý Ly đã ngầm sai Nguyễn Nhân Liệt đánh chết Trần Ngạc ngay trên đường giải về kinh sư. Khi Nghệ Tông tỉnh ngộ, liền truy hỏi ai đã giết con trai mình. Nguyễn Nhân Liệt sợ quá, phải uống thuốc độc tự sát. Hồ Quý Ly thì vô can.

       2.

       HỒ QUÝ LY MƯỢN TAY NGHỆ TÔNG GIẾT VUA PHẾ ĐẾ (TRẦN HIỆN), CON VUA DUỆ TÔNG, CHÁU NGHỆ TÔNG. HỒ QUÝ LY GIẾT CON RỂ MÌNH LÀ VUA TRẦN THUẬN TÔNG

       Phế Đế (1361-1388), húy là Trần Hiện, được làm vua thay cha là vua Trần Duệ Tông đã hy sinh ở chiến trường Đồ Bàn năm 1377. Mẹ Trần Hiện (Phế Đế) lại là em gái của Hồ Quý Ly. Anh vua trẻ này biết rõ bộ mặt thâm hiểm và âm mưu cướp ngôi của Hồ Quý Ly. Chính vì vậy, Trần Hiện đã âm thầm bàn bạc cùng một số tôn thất nhà Trần và tướng lĩnh, lập kế hoạch thanh trừ ngài Thái sư gian thần Hồ Quý Ly. Tuy nhiên, lưới tình báo dày đặc của Hồ Quý Ly đã phát hiện ra. Quý Ly liền sàm tấu với Nghệ Tông, rằng nên lấy con làm vua, loại bỏ cháu. Nghệ Tông nghe theo, liền giết vua Phế Đế (Trần Hiện), đưa Trần Ngung (Thuận Tông), con trai mình lên ngôi vua.

       Trần Ngung (1361—1388), miếu hiệu là Trần Thuận Tông. Thuận Tông lấy con gái Hồ Quý Ly làm Hoàng hậu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, Quý Ly mượn tay Nghệ Tông, bắt Trần Ngung phải nhường ngôi cho Thái tử Trần An mới 2 tuổi. Tiếp đấy, Quý Ly lại bắt Trần Ngung ra tu Đạo giáo ở quán Ngọc Thanh, thuộc An Sinh, thị xã  Đông Triều ngày nay, rồi ngầm sai tướng Phạm Khả Vĩnh thắt cổ đến chết.

       Thái tử Trần An, sinh năm 1396, (miếu hiệu là Trần Thiếu Đế) là cháu ngoại của Quý Ly, được đưa lên ngai vàng khi mới 2 tuổi (1398). Vị vua trẻ con có tính “biểu trưng” cuối cùng của triều Trần rồi sau cũng chẳng rõ tông tích gì nữa. Năm 1400, Hồ Quý Ly chính thức phế truất nhà Trần, lập ra triều đại nhà Hồ (1400-1407)…

 

       LỜI THỀ ỨNG NGHIỆM

       Năm 1394, Thái Thượng hoàng Nghệ Tông ốm nặng. Đã biết Quý Ly có ý cướp ngôi, Nghệ Tông sai người vẽ bức tranh TỨ PHỤ, rồi ban cho Quý Ly. Bốn người ấy là Chu Công (Đán), giúp vua Thành Vương nhà Chu. Hắc Quang giúp Hán Chiêu Đế. Gia Cát Lượng (Khổng Minh) giúp Thục Hậu Chủ Lưu Thiện. Rồi thì Tô Hiến Thành đời Lý giúp Lý Cao Tông nước Đại Việt. Nghệ Tông có ý mượn chuyện “Tứ Phụ” để khuyên Quý Ly nên hết lòng giúp bảo vệ ngôi báu cho Trần Thuận Tông. 

       Nghệ Tông nói với Quý Ly: “Bình Chương (chức vụ của Hồ Quý Ly-VBL) là người thân thích của vua. Mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, Quan Gia (tức vua trẻ Thuận Tông-VBL) nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua”. Đấy là Nghệ Tông muốn mượn chuyện Lưu Bị nói với Khổng Minh nhà Thục Hán đời Tam Quốc, để thử lòng Quý Ly đấy thôi. Quý Ly cũng bắt chước Khổng Minh, cũng giả vờ dập đầu cúi xuống lạy tạ khóc thương thảm thiết, rồi cũng chỉ trời vạch đất mà thề rằng: “Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp Quan Gia để truyền đến con cháu về sau, thì trời sẽ ghét bỏ thần”!

       Nghệ Tông chết rồi thì quyền lực vào tay Hồ Quý Ly cả. Ông ta liền phế bỏ con rể mình là vua Trần Thuận Tông (Trần Ngung), rồi đem giam lỏng ở quán Ngọc Thanh ngoài An Sinh, Đông Triều. Sau đó, Quý Ly sai Phạm Khả Vĩnh thắt cổ giết chết vua trẻ Thuận Tông. Tiếp đó là việc diệt trừ các thế lực hoàng tộc chắn đường như Thượng tướng Trần Khát Chân, Thái bảo Trần Nguyên Hãng v.v…Năm 1400, Hồ Quý Ly chính thức cướp ngôi nhà Trần, lập ra triều Hồ. Nhưng cũng chỉ được 7 năm. Năm 1407, giặc Minh phương Bắc do tên tướng Trương Phụ chỉ huy, đem đại quân sang, nhanh chóng đánh bại nhà Hồ.

       Nguyễn Trãi, trong BÌNH NGÔ ĐÁI CÁO đã viết: “Vừa rồi, nhân họ Hồ chính sự phiền hà /Để trong nước lòng dân oán hận”…

       Cha con Hồ Quý Ly thua chạy, đến núi THIÊN CẦM ở Hà Tĩnh thì bị quân Minh bắt. Nước mất, nhà tan. Cha con Hồ Quý Ly và gia quyến bị giặc Minh bắt giải về Trung Quốc, rồi bị giết hết. Riêng có Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, con trai cả của Hồ Quý Ly, vì có tài, nên được tha chết. Hồ Nguyên Trừng làm quan cho giặc Minh, giúp nhà Minh chế tạo súng Thần công. Hồ Nguyên Trừng, khi làm quan cho nhà Minh, đã viết được tác phẩm NAM ÔNG MỘNG LỤC. Tác phẩm này đã giúp các sử gia nước ta có thêm tư liệu để bổ sung cho chính sử còn nhiều chỗ mơ hồ khiếm khuyết.

       Như vậy, theo quan niệm NHÂN –QUẢ của Phật giáo, núi THIÊN CẦM, có nghĩa là TRỜI BẮT. Lời thề của Hồ Quý Ly với Nghệ Tông, chẳng phải cũng đã ứng nghiệm rồi sao?

 

       VUA TRẦN NGHỆ TÔNG, VỚI TƯ CÁCH MỘT THI NHÂN

       Làm vua thì thật kém cỏi, nhưng với tư cách một thi nhân, vua Trần Nghệ Tông hiện còn một số bài thơ thuộc vào loại hay. Thơ ông chẳng những hay ở nghệ thuật điêu luyện, mà trước hết, nó hay ở cái tình chân thật.

 

       Vũ Bình Lục

……………………..

(Tên bài do trang chủ tạm đặt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét