Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

VIẾT THƯ CHO NGƯỜI CÕI ÂM / Việt Thắng

 



Tôi tính không kể chuyện này vì sợ rằng kể ra bạn đọc sẽ không tin; còn cho tôi là con người đầu óc “Liêu trai chí dị”. Suy đi nghĩ lại hôm nay tôi quyết định kể câu chuyện có thật mà như đùa. Chuyện như thế này:

       Nghe tiếng chuông điện thọai reo, tôi bấm máy:

       - A lô tôi nghe! Xin lỗi ai đầu dây đó ạ?

       Nghe giọng nữ mềm mại õng ẹo:

       - Em xin chào nhà văn, em có thể gặp anh nhờ chút việc được không?

       Tôi phân vân:

       - Xin lỗi gặp tôi có chuyện gì, mà gặp ở đâu?

       Vẫn giọng nữ cười õng ẹo:

       - Nhà em cách nhà anh có mấy cây số thôi mà, anh không biết em chứ em rành anh lắm. Ngưng lại giây lát cô ta tiếp- Bốn giờ chiều nay hẹn gặp anh ở quán cà phê... nha. Em chỉ nhờ anh một việc nhỏ so với khả năng của anh thôi mà.

       Đúng hẹn lững thững đi bộ ra quán cà phê mà cô ta hẹn rất gần nhà tôi đang ở. Chưa ngồi ấm chỗ, thấy một chiếc xe du lịch loại đắt tiền đỗ trước cửa quán. Một phụ nữ ăn mặc lòe loẹt õng ẹo đi vào, nhìn thấy tôi cô ta lại ngồi xuống ghế đối diện. Lúc này tôi mới nhìn kỹ: Trên lớp da mặt cô ta trét đầy kem, điểm đôi môi mỏng đỏ chót, đôi lông mày xăm cong dài như mảnh trăng lưỡi liềm, hai hàng lông mi giả dài cong vút không che nổi cặp mắt mờ mờ nửa trắng nửa đen. Ngắm nhìn hình dáng cô ta, tôi lại liên tưởng tới mấy cô đồng bóng. Khi đã ngồi yên vị, cô ta vào đề:

       - Anh là nhà văn Việt Thắng như em thấy trong mạng chả khác với ngoài là mấy. Anh uống gì cứ kêu, ta vào đề luôn nha anh...

       Tay đưa muỗng khuấy ly cà phê sữa đá, mắt cô ta nhìn tôi:

       - Thế này anh ạ... Thằng chồng em làm giám đốc, ăn nhậu vô độ, gái gú lung tung; bị sơ gan cổ chướng chết cách nay hơn hai năm; trong khi em mới ngấp nghé tuổi bốn mươi.

       Ngưng lại uống một hơi hết nửa cốc cà phê sữa, ngước mắt lên nhìn tôi nét mặt cô ta sa sầm:

- Mà nó khốn nạn lắm anh ạ, chết đã rữa xác rồi mà hồn cứ theo phá em hoài. Hễ ban ngày có anh nào tán tỉnh em là y rằng đêm đến trong giấc mơ lão lại về hành hạ chửi bới em. Đã bao lần em đi thầy gọi hồn trục vong lão ra, mà chả thấy tác dụng gì; vẫn y nguyên bổn cũ soạn lại.

Ngưng lại lấy hơi, hớp thêm hớp cà phê nữa, mặt cô ta hầm hầm vì tức giận:

       - Nghe người ta mách, hôm vừa rồi em lần tới nhà một ông thày tít trên núi nghe nói cao tay ấn lắm. Sau khi nghe em kể quá trình hồn ma theo phá em, ông thày bắt quyết rồi phán:

       - Hồn ma này còn nặng duyên nợ với cô lắm, chỉ còn cách cô về viết lá thư kể lể lòng thương nhớ của cô với chồng cũ và xin phép chồng hãy thương xót cô và cho cô được lấy chồng. Ông thày còn dặn kỹ phải viết sao cho bi lụy để hồn ma cảm động thương xót mà không về phá cô nữa. Em có hỏi sao thày không khấn vái nói giùm em luôn. Thày bảo cái hồn ma này khó lắm phải chính tay cô viết; xong rồi hẹn ngày, tôi sẽ tới nhà cô cúng kiếng gọi hồn chồng cô về và đốt lá thư gửi xuống âm phủ thì họa may...

       Nghe tới đây tôi phì cười văng cả nước cà phê trong miệng, may mà tôi kịp ngoảnh qua chỗ khác chứ không thì mặt cô ta sẽ lãnh đủ.

       Nhìn tôi cô ta trợn mắt lên:

- Em nói vậy nhà văn không tin hả?

Tôi cười ruồi:

- Tôi tin là cô có nằm mơ và đi thày bà; nhưng cái này là cô quá duy tâm chứ làm gì có hồn ma nào mà ám cô ghê gớm vậy.

       Cô ta nhướng mắt lên nhìn tôi:

- Khổ quá, anh có rơi vào hoàn cảnh của em đâu; mà anh thấu hiểu nỗi sợ hãi và khổ tâm của em. Thì anh cứ viết lá thư giúp em như lời ông thày pháp phán, tiền công bao nhiêu thì em trả anh sòng phẳng mà.

Ngưng lại uống thêm hớp cà phê cô ta mở bóp ( ví) đựng tiền, rút ra tờ bạc màu xanh 500 ngàn dúi vào tay tôi giọng dứt khoát:

- Để làm tin em xin đặt cọc trước 500 ngàn, miễn sao nhà văn cứ viết theo ý thày pháp là được.

       Tôi nói vì còn nhiều việc phải làm nên hẹn đúng ba ngày sẽ viết xong lá thư. Tiền công viết cô trả bao nhiêu là tùy tâm. Thấy chuyện lạ đời phần vì tính tò mò, tôi ra điều kiện cô cứ hẹn thày pháp ba ngày xuống nhà; tôi sẽ đem lá thư qua cho cô tiện thể coi thày pháp trục ma.

Cô cười giả lả:

- Nếu được nhà văn qua nhà em thì vinh hạnh biết mấy.

       Đúng ngày hẹn, sáng tôi dậy sớm khăn gói chỉnh tề, cầm lá thư tới nhà cô ta. Ngôi nhà cô đang ở là căn biệt thự xây theo kiểu Thái; vườn rộng ước chừng ngàn mét vuông. Khu vườn có cả hồ bơi mi ni, tiểu cảnh hòn non bộ thác nước cùng nhiều loại cây cảnh và cây ăn trái. Tôi thầm nghĩ: “Giàu có thế này thảo nào lắm anh tán tỉnh là phải; chả biết họ yêu người hay yêu của”? Trong thời gian đợi ông thày tới, tôi đưa lá thư cho cô ta đọc trước. Tôi được mời ngồi trên tràng kỷ bằng gỗ cẩm lai chạm khắc theo kiểu xưa tại phòng khách, được kê xích qua một bên bàn thờ. Ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa đá mà cô ta đã pha sẵn. Lá thư tôi viết cỡ ba trang A 4, dĩ nhiên là tôi phải tưởng tượng ra nhiều thứ nhớ thương mây gió trong tình yêu, thực tế tôi cũng chả biết cô ta có thương nhớ chồng thật như những lời trong thư tôi viết hay không. Vừa nhâm nhi cà phê tôi đảo mắt ngắm trên bàn thờ kê ngay giữa phòng khách; đã được bày biện: Bức ảnh chân dung người chồng, bát hương, gà luộc, xôi oản, hoa quả...

       Đúng 9 giờ, ông thày và một đệ tử là cậu con trai khoảng mười mấy tuổi, xách mấy túi đồ nghề bước ra khỏi xe hơi. Vào đến nhà thằng đệ tử nhanh nhảu lôi từ trong các túi đồ nghề ra: Hình nhân Tề Thiên Đại Thánh, cờ phướn, trống cái, trống con, chuông, mõ, thanh la, não bạt...  chất lên chiếc chiếu hoa đã được trải sẵn trước bàn thờ để thày hành sự. Sau vài lời thăm hỏi và uống vài ly trà, thày mặc bộ đồ pháp sư màu vàng cùng đội lên chiếc mũ cũng màu vàng có in hình bát quái. Tay bắt ấn một tay thày cầm cái chuông lắc keng keng, lời khấn vái cầu hồn vang lên: Úm ba la, úm ba la... và tiếp theo là hàng tràng tiếng Miên chả ra Miên, Tàu chả ra Tàu; có lẽ chỉ lão thày pháp hiểu? Miệng đọc tay thày múa may trên đầu và xung quanh người thằng nhỏ đang ngồi giữa chiếu; được trùm trên đầu vuông vải đỏ có thêu hình rồng phượng. Lúc thì thày đánh phèn la, cầm phướng múa may, lúc thì cầm hình Tề Thiên... Trong tiếng trống, phèn la...tiếng la hét của ông thày, bỗng thằng nhỏ ngồi đồng rùng mình ngáp dài...Thày càng nhảy múa nhanh hơn, tay vơ vội chiếc khăn phất qua đầu đứa nhỏ như chụp hồn. Đứa nhỏ bỗng khóc hu hu xưng tên kể lể đã sống khổ sở thiếu thốn tiền bạc dưới âm phủ, ngày đêm thương nhớ người vợ trẻ. Cô vợ đang ngồi xếp bằng bên cạnh thằng nhỏ, giật mình ôm lấy thằng nhỏ khóc lóc kể lể nỗi nhớ thương hồn ma.

       Nhìn khuôn mặt và nghe giọng nói của thày pháp, tôi chợt nhíu mày nhơ nhớ cái khuôn mặt này đã từng gặp ở đâu đó. Nhất là giọng nói... cố moi trí nhớ tôi vui mừng vỗ vào trán... À... à...  Thằng Hộ người cùng làng. Hồi tôi học cấp hai cậu ta đang học cấp một. Lúc tôi đi bộ đội Hộ còn đang học. Hòa bình trở về quê, nghe nói Hộ cũng bị đi lính và còn sống trở về. Không chịu nổi cảnh cực khổ và đói khát nơi quê nhà, tôi quay trở lại miền Nam lập nghiệp. Gần chục năm sau về quê nghe nói Hộ cũng dẫn cả gia đình vào một tỉnh phía nam giáp biên giới Căm Pu Chia sinh sống. Sau này nghe nói cậu ta đã có cơ ngơi và cuộc sống đàng hoàng lắm.

       Thày pháp nhảy múa, đọc thần chú, tra khảo hồn ma... gần cả tiếng đồng hồ. Khi hồn ma đã bay ra khỏi xác thằng nhỏ ngồi đồng, cô vợ đầu tóc bù xù, nước mắt còn để lại những vết loang nổ trên khuôn mặt son phấn. Cô chủ và người nhà tất tả gom vàng bạc, nhà lầu, xe hơi... hàng mã cùng lá thư đưa cho thày pháp. Thày lại nổi phèn la:  Úm ba la, úm ba la...ba hồn bảy vía... hãy về đây nhận phần quà và tấm lòng thương nhớ chồng của vợ đã thể hiện qua lá thư... Thày ngồi đốt những thứ đó trong một cái thau lớn mà chủ nhà đã cho người để sẵn. Những lá bùa thày đưa cho chủ nhà căn dặn kỹ càng phải dán những chỗ nào. Khi những đồ hàng mã cùng lá thư đã đốt xong, thày cởi áo ngoài, mồ hôi cứ chảy ròng ròng trên khuôn mặt, cả cái áo mặc trong cũng ướt đẫm. Người nhà dẫn thày lại bàn nước chỗ tôi đang ngồi, kính cẩn dâng cho thày một ly nước sâm đã pha sẵn. Thày cầm cốc đưa lên miệng uống một hơi hết nửa cốc nước, thày nhìn tôi như soi mói. Tôi nhìn thẳng vào mắt thày hỏi nhỏ:

       - Phải thày là Hộ ở xóm... Hưng Yên không? Tôi là Thắng nè!

Thày trố mắt nhìn tôi một hồi rồi thốt lên:

- Ôi! Hữu duyên, hữu duyên thật!

Thày đứng dậy bắt tay tôi:

       - Mấy chục năm rồi anh nhỉ, chiến tranh anh đi biền biền rồi ở trong này; em về quê sống không nổi cũng dạt vào vùng quê miền Đông Nam Bộ giáp biên giới Căm Pu Chia.

Tôi nhìn Hộ cười cười khen:

       - Chú mày giỏi thế, biết cả nghề cúng kiếng trục ma nữa!?

Hộ mỉm cười, liếc mắt nhìn chủ nhà đang còn ngồi than vãn trước bàn thờ chồng, nói nhỏ:

       - Hôm nay em cúng xong đám này còn phải đi đám khác vì có hẹn rồi. Khi nào rảnh rỗi em ghé nhà anh chơi; sẽ kể ngọn ngành những năm tháng phiêu bạt vào Nam. Vì cuộc sống em phải học làm nghề này, chứ thày bà gì hả anh.

       Việt Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét