Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

CẢM NHẬN VỀ CUỐN “TRẤN SƠN NAM HẠ…”

 



       Kính gửi cụ Ngô Tiến Vạnh (cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nam Định, Uỷ viên BCH Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định).

 

       Thưa cụ,

Theo yêu cầu của cụ, tôi nhận xét công khai về cuốn sách:

       Trấn Sơn Nam Hạ - Phủ Thiên Trường – Thành phố Nam Định / Lê Đức Ký. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2021. – 175 tr. : nhiều ảnh ; 21 cm.

       Như sau:

       - Mặc dù tôi là tác giả các cuốn “Các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến”, “Các tác giả Hán – Nôm Nam Định”, “Thư mục nhân vật Nam Định”… trong đó có cuốn là công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, có cuốn được tặng Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh, nhưng khi đọc cuốn “Trấn Sơn Nam Hạ - Phủ Thiên Trường – Thành phố Nam Định” (sau đây gọi tắt là  “Trấn Sơn Nam Hạ…”), tôi đành phải ngả mũ chào thua vì nhan nhản những tư liệu thiếu chính xác về nhân vật Nam Định mà kiến văn của tôi không đủ để tiếp thu thẩm định. Đồng thời tôi bắt gặp nhan nhản những câu văn, tư liệu trong nhiều sách mà ở đây không hề có một chú thích nguồn trích nào. Phải công nhận, tác giả cuốn sách này là người nhiệt tình đến liều lĩnh, điếc không sợ súng…

       - Nội dung sách gồm hai phần chính: Địa danh Nam Định trong lịch sử và các vị tiến sĩ, cử nhân Nam Định thời phong kiến. Mục lục cụ thể: Lược sử Nam Định và thành phố Nam Định, Trấn Sơn Nam, Tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định cổ, Thành cổ Nam Định, Danh nhân Nam Định.

       - Hầu hết phần địa danh được sao chép, lắp ghép từ những sách các đời trước, không có phân tích, đối chiếu, so sánh, thẩm định, không nêu xuất xứ, nguồn trích. Việc làm này tỏ ra người viết rất thiếu tính chuyên nghiệp. Đó là một trong những biểu hiện của đạo văn. Trường hợp này chỉ nên ghi tên mình ở sau tên sách kèm mấy chữ “sưu tầm”.

       - Nội dung phần nhân vật lộn xộn, không chính xác. Dường như người sưu tầm rất lơ mơ về các danh hiệu học vị thời phong kiến; vớ được tài liệu gì có nói đến nhân vật là chép lại, hoặc nghe ai nói là ghi lại; cũng không nêu nguồn trích, không biết phân tích đối chiếu, không phân biệt mức độ giá trị tài liệu, không có bảng tra nào chỉ dẫn người đọc…  

- Tên sách rất mù mờ, không hiểu tác giả nói gì qua mấy cái gạch ngang... Một số hình ảnh chẳng ăn nhập gì tới chủ đề sách, trở thành vô duyên.

       - Nhiều lỗi về ngữ pháp, chính tả. Tên sách Hán - Nôm lúc ghi phiên âm, lúc ghi theo ý hiểu của cá nhân không chính xác. Viết hoa viết thường tùy hứng, làm người đọc hiểu sai sự việc. Văn phong địa chí không ra địa chí, ký không ra ký…

       - Nếu dẫn chứng thì dài và mất thời gian. Tôi chỉ xin nêu một dẫn chứng. Nhiều trẻ con đi học còn biết Nam Định chỉ có 5 Trạng nguyên. Vậy mà người viết “Trấn Sơn Nam Hạ…” lại sáng tác thêm ông Trạng thứ 6 gọi là “Trạng nguyên giao điệt Vũ Duy Phong…”

       Có thể người viết căn cứ vào dân gian chẳng? Nếu thế thì nào Trạng vật, Trạng cờ, Trạng ăn, Trạng Quỳnh… cũng là Trạng cả. Nhưng ở đây không phải là sách văn nghệ dân gian. Do đó phải chính xác, có căn cứ xác đáng đáng tin cậy mới có giá trị. Danh hiệu Trạng nguyên xuất hiện từ thời Trần, như Nguyễn Quan Quang khoa 1246, Nguyễn Hiền khoa 1247… Riêng hai khoa 1256 và 1266 mỗi khoa lấy hai trạng nguyên: Kinh Trạng nguyên cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trại Trạng nguyên cho vùng Thanh Hóa. Sau đó lại trở về quy chế mỗi khoa chỉ lấy một trạng nguyên (nhiều khoa không có Trạng nguyên)… Tôi từng tra cứu nhiều sách đăng khoa lục, lịch sử, địa chí mà không thấy có sách nào viết về “Trạng nguyên giao điệt Vũ Duy Phong”. Không rõ người viết cuốn “Trấn Sơn Nam Hạ…” căn cứ vào tài liệu tin cậy nào mà gán thêm cho tỉnh Nam Định ông trạng này.

       - Tóm lại, tôi không đủ kiến văn để hiểu hết người viết “Trấn Sơn Nam Hạ…” viết gì trong cái mớ lộn xộn, mù mờ ấy. Tôi nghĩ, nếu tuyên truyền cho nhiều người đọc cuốn sách này là tiếp tay cho việc làm nhiễu loạn sai lệch nhận thức của bạn đọc.

Nể trọng cụ Ngô Tiến Vạnh, tôi có đôi lời nhận xét thực tình, có gì không phải, mong cụ đại xá!

 

Tối 23 – 11 – 2022

   TMG kính thư

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn nhà NCPB Trần Mỹ Giống phân tich sâu sắc, lý luận mình triết

    Trả lờiXóa