Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

CÁI THỜI GIẢ DỐI LÊN NGÔI / Việt Thắng

 


     Thời bằng giả đông như quân Nguyên, không thiếu những ông bà thích ăn mày quá khứ để khoe khoang hợm đời. Thực chất cái học của họ cùng thời với bạn bè cũng bình bình như bao người khác; khi đã có chức vụ và nhiều tiền thế là họ có ngay những bằng đại học, cao học... thực tế bằng cấp của họ đến bằng mọi ngõ ngách: Tử tế lắm thì ghi danh cho có tên để khi được cấp bằng là bằng thật mà học giả. Dẫu sao cũng còn hơn những ông bà chả cần đăng ký ghi tên nơi nào cũng có vài ba bằng này nọ (như vụ bằng giả trường đại học Đông Đô, toàn những người uy tín?). Để leo lên ghế cao hơn khoe mẽ với đời và còn có điều kiện tham lam vơ vét không chừng?  VT xin nêu một vài điển hình đã từng thấy và nghe:

        Đọc báo thời nay thấy nhiều ông bà được đề cử vào chức vụ to nào đấy của chính quyền. Phần tiểu sử ghi đầy mình bằng cấp từ: đại học đến cao học; và cả cao cấp chính trị. Đã kinh qua hàng tá chức vụ từ thấp tới cao, khi đề cử thì 100% đại biểu giơ tay đồng ý. Ngồi chưa nóng ghế lòi ra tội lỗi cũng lại 100% đại biểu giơ tay bãi nhiệm. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam thời ưu việt?

         VT có một người bạn trước kia trong quân đội lúc về hưu cũng leo lên cấp tá. Khi vui nhậu nhẹt với bạn bè, hứng lên là khoe đã từng có bằng này nọ và đã từng học xong bằng B tiếng Anh. Vậy mà khi con trai dẫn con dâu là người Mỹ về thăm, anh chỉ biết nói với con dâu: Ok và No. Mọi giao tiếp dù những câu đơn giản nhất cũng phải con trai làm “thông ngôn”. Nghe anh kể VT buột miệng hỏi:

       - Anh đã học tiếng Anh cả năm trời; vậy bao nhiêu kiến thức theo gió mây rồi hả?

       Anh ta cười giả lả:

- Hồi đó đang làm việc trong cơ quan, họ ra quy định phải có bằng tiếng Anh này nọ, cực chẳng đã phải đăng ký học. Bữa học bữa không, già thì đầu óc lão hóa rồi trăm thứ cơm áo, gạo tiền... Làm sao mà nhớ nổi!?

       Một ông bạn thơ của VT đã từng mài đũng quần trong trường đại học, cả chục năm ngồi ghế trưởng phòng tổ chức, nghỉ hưu cũng tham gia CLB thơ để khuây khỏa. Nhờ có quá khứ cũng thuộc về dạng có bằng đại học, anh được bầu giữ chức chủ nhiệm một CLB thơ ca cấp quận. Có lần anh nhờ VT coi hộ mấy bài thơ, về tứ thơ, vần điệu thì: “Đều đều lắc cắc khô khan”. Có một điều đáng ngạc nhiên ngay cả những từ chính tả đơn giản nhất mà còn viết sai. Ví dụ: Nồng nộng nhà cao sắc ngói hồng (Lồng lộng); hoặc: Chớ chêu lắm kẻ lộng ngôn (Trớ trêu). Cắc cớ VT hỏi: “Anh học 4 năm đại học rồi sau này ra làm trưởng phòng, thế các bản báo cáo anh cũng viết sai chính tả như thế này à”? Anh ta cười: “Do phát ngôn vùng miền mà mình cứ quên hoài; với lại hồi còn làm việc thường thường nhân viên của tớ viết báo cáo không à”?

 

       Ai đã từng tham gia các CLB thơ và bằng cách nào đó mà vào được mấy hội nhà văn quốc doanh; nếu chịu khó đi dự các cuộc sinh hoạt giao lưu thì chắc chắn một tháng cũng ôm về nhà cả chục tập thơ, văn được tặng. Có cả những tập thơ, văn được giải thưởng này nọ. Khi về nhà giở ra đọc phần tiểu sử tác giả thì thôi đủ thứ: Đã từng học tại trường đại học... cao học... liệt kê tháng, năm giữ chức vụ; đã xuất bản những tập thơ, văn... Đã từng được giải thưởng... có ngắn gọn lắm thì cũng cả một trang giấy. Có nhẫn nại lắm cũng chỉ đọc được vài trang rồi quăng vào xó xỉnh nào đấy, cuối năm thấy nhiều quá chật chội nhà cửa phải bảo vợ con gom lại kêu mấy bà ve chai vào cân ký lô.

        Có nhiều ông bà quan bằng cấp đầy mình, nhưng khi lên đọc báo cáo hay thuyết trình cứ cắm đầu xuống mà đọc. Người xem ai cũng cười khểnh: “Toàn những người ta viết sẵn nên phải cắm đầu đọc chứ sao?” Như vậy cũng còn đỡ hơn mấy ông bà quan phát ngôn những câu “trời ơi” tùy hứng;  chả cần luận chứng và suy nghĩ về hậu quả. Bị dân mạng họ lên án là đang: Ngáo đá? Đúng như nhận xét của tổng bí thư Nguyễn phú Trọng: “Năng lực không có gì, bằng cấp lởm khởm mà vẫn bổ nhiệm thần tốc... Những người cán bộ như thế có thể gọi là tấm gương không?” Có phải chăng do cơ chế?

 

       Bài viết chỉ nêu ra một phần nhỏ của xã hội thật giả nhiễu nhương; đôi khi chúng ta cứ tự hỏi: Do đâu mà xã hội sinh ra những thành phần như vậy. Chung quy như kinh Phật ghi bởi: Tham sân si... ở trong mỗi con người còn đeo nặng. Thực tế chính lương tâm họ cũng biết là giả dối mà mồm vẫn xoen xoét: Vì dân, vì nước...? Ai cũng biết một điều chắc chắn rằng đích cuối của mỗi người là nghĩa địa. Để kết thúc bài viết tản mạn này, VT xin trích lời của tổng bí thư đảng CS Việt Nam: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”

 

       VIỆT THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét