Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

THI PHÁP THỰC DỤNG / Phạm Đức Nhì

 



       Lời Nói Đầu

       Bài “Phỏng Vấn Nhà Thơ Phạm Đức Nhì Về Bình Thơ” của Nguyễn Hoàng Nam phổ biến được ít lâu tôi nhận đựợc thắc mắc của một số bạn đọc, đại ý:

       1/ Bình thơ có bàn thi pháp sẽ bàn đến những “điểm” nào của bài thơ?

       Và:

       2/ Những điểm đó ảnh hưởng ra sao đến sự HAY, DỞ của bài thơ?

       Hai Cách Làm Thơ Và Hai Hướng Đi Của Thơ

       1/ Phe Kiếm Tông: Chú trọng “chiêu thức”.

       Thi sĩ thường làm thơ ngắn (4 câu), thơ đường luật hoặc chọn thể thơ Trường Thiên phân mảnh đứt đoạn - nhiều đọan, mỗi đoạn 4 câu – (Thơ Haiku cũng thuộc loại này).

Vì không có dòng chảy, cảm xúc hố nào nằm im ở hố đó không lưu chuyển nên không có “sóng sau dồn sóng trước”, không có cao trào, không có hồn thơ.

       Để chinh phục độc giả thi sĩ chỉ trông nhờ vào ý tứ, câu chữ, ngôn ngữ hình tượng, các thủ pháp kỹ thuật, các biện pháp tu từ, nói chung là cái đẹp văn chương.

       2/ Phe Khí Tông: Chú trọng nội công, cảm xúc.

       Thi sĩ cũng sử dụng chiêu thức nhưng chú trọng nội công.

Nói theo ngôn ngữ văn chương thì đây là loại thơ chú trọng Cảm Xúc – chinh phục độc giả không phải bằng thứ cảm xúc bình thường nằm trong ý nghĩa của câu chữ, thế trận của bài tthơ mà là “luồng hơi nóng nằm giữa hai hàng kẻ” – nghĩa là nằm ngoài câu chữ.

       Đó là thứ cảm xúc cao cấp, cho độc giả cái cảm giác đã nhất, sướng nhất - người ta gọi là hồn thơ. Hồn thơ chỉ có thể xuất hiện khi lý trí vắng mặt, chữ Xạo trong lời thơ, ý thơ trốn mất. Thi sĩ và độc giả - qua bài thơ – trò chuyện với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật.

       Như vậy, nếu có tầm nhìn xa hơn, thi sĩ sẽ chọn hướng đi của phe Khí Tông. Nếu thi pháp thích hợp, tâm thế lại đang trong cơn cao hứng đến mức nổi điên, ngài sẽ có cơ hội cùng bài thơ của mình bước vào Bến Bờ Thi Ca.

       Mà dù chưa thể đến đích, bài thơ viết theo hướng này rất dễ tạo được cảm xúc tầng 3, được đánh giá cao hơn những bài thơ làng nhàng của phe Kiếm Tông.

       TÓM TẮT NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA THI PHÁP

       1/ Nhất Khí Liền Mạch hay Phân Mảnh Đứt Đoạn?

       Điều này cho biết tứ thơ (các mảnh tâm trạng của thi sĩ) có chảy thành dòng hay không.

       2/ Vần:

       Vần tạo nên Âm Điệu của bài thơ

       a/ Vừa đủ vần: Sẽ giúp bài thơ có chất keo kết dính các câu thơ, tạo âm điệu mềm mại, ngọt ngào, dễ chịu.

       Nhưng vần là con dao 2 lưỡi:

       b/ Quá nhiều vần: Sẽ có hội chứng nhàm chán vần, đọc một đoạn hơi dài nghe rất ngán.

       c/ Không vần hoặc quá ít vần: Âm điệu sẽ rời rạc, khô cứng như văn xuôi.

       3/ Dòng Âm Điệu:

       Âm điệu của bài thơ có thành dòng chảy hay không? Dòng chảy mạnh hay yếu?

       Đây thường là khởi điểm của Cảm Xúc Tầng 3

       4/ Nhịp Điệu:

       Số chữ trong câu cố định hay thay đổi? Biên độ thay đổi rộng hay hẹp?

       Số chữ trong câu sẽ cho biết nhịp điệu của bài thơ đều đều tẻ nhạt hay mềm mại, uyển chuyển, lúc khoan lúc nhặt?

       Nhìn cách gieo vần và số chữ trong câu (tạo nhịp điệu) có thể biết phần nào Phong Thái Của Thi Sĩ - bó tay, cúi đầu tuân thủ luật tắc hay ung dung, thoải mái phóng khoáng?

       5/ Ngôn Ngữ Hình Tượng:

       Có tạo thành mô gò cản đường?

       Những mảnh tâm sự, những câu thơ có dễ cảm, dễ tiêu không? Ở đây tôi không dùng nhóm chữ “dễ hiểu” vì “hiểu” phải cần đến lý trí.

       6/ Có Vờn Bóng Giữa Sân?

       Nếu tứ thơ cứ lòng vòng, không đi thẳng tới “điểm đến”, gây cảm giác buồn chán.

       7/ Ba Loại Tâm Thế:

       Thi sĩ làm thơ trong tâm thế nào?

       a/ Nói lý lẽ (reason with them)

       b/ Chia sẻ cảm xúc (share feelings with them)

       c/ Mở lòng cho tâm sự tuôn ra (take it off your chest).

       Biết tâm thế của thi sĩ sẽ dễ “bắt” được cảm xúc tầng 3.

       8/ Dòng Cảm Xúc:

       Bài thơ có đủ dài để “sóng sau dồn sóng trước”? Mạnh yếu? Dòng Cảm Xúc có nhập chung với Dòng Tứ Thơ, Dòng Âm Điệu không? Có cảm xúc tầng 3? Có cao trào? Có hồn thơ?

       NHẬN XÉT VỀ THI PHÁP CỦA MỘT SỐ BÀI THƠ

       BẢN TÌNH CA HAI CON SUỐI NHỎ

       Gởi đến các bạn một bài thơ tình. Chữ Love (tình yêu, tình thương) ở đây xin được hiểu với nghĩa rộng nhất của nó.

       Xin tặng bài thơ cho những người phụ nữ đã cùng tôi hát chung một bản tình ca lúc còn son trẻ.

       Bài thơ cũng xin được tặng cho những người bạn mà trái tim đã hóa thân thành con suối nhỏ để cùng với con suối của lòng tôi hợp lại thành Dòng Sông Yêu Thương.

       Lắm lúc muốn làm thơ

       về mối tình hai đứa

       (mối tình nào chẳng nên thơ em nhỉ?)

nhưng sao anh vẫn cứ ngại ngùng

 

Có một khúc sông

nơi gặp nhau của hai con suối nhỏ

có người nghe được trong làn nước tưởng như im lìm đó

       tiếng đôi ta to nhỏ tự tình

 

Em ơi! Làn nước trong xanh

từ hai con suối chúng mình đổ lại

sẽ trăm năm chảy mãi

góp cho đời muôn khúc nhạc du dương

Ôi tuyệt vời những tiếng nhạc yêu thương

       NHẬN XÉT THI PHÁP

       1/ Khí Công:

       Nhất khí liền mạch - tứ thơ chảy thành dòng

       2/ Vần:

       Vừa ngọt, âm điệu du dương.

       3/ Dòng Âm Điệu:

       Chảy lững lờ, không mạnh

       4/ Nhịp Điệu:

       Số chữ trong câu thay đổi. Nhịp điệu lúc khoan lúc nhặt, mềm mại uyển chuyển.

       5/ Ngôn Ngữ, Hình Tượng:

       Tương đối dễ cảm, dễ tiêu. Không có mô gò cản đường.

       6/ Vờn Bóng Giữa Sân

       Không vờn bóng giữa sân. Đi thẳng tới điểm đến của tứ thơ.

       7/ Tâm Thế

       Mở lòng tâm sự (Share feelings with them)

       8/ Dòng Cảm Xúc:

       Có dòng cảm xúc nhưng chưa có sóng sau dồn sóng trước. Cảm xúc tầng 3 không đáng kể. Chưa có hồn thơ.

       MẮNG CON

       Mày láo, dám khuyên bố

       Mai không đi biểu tình.

       Chuyện ấy có nhà nước,

Không liên quan đến mình.

 

Mày nói y như đảng.

Không liên quan thế nào?

Nước là của tất cả,

Của mày và của tao.

 

Mày bảo có nhà nước.

Nhà nước hèn thì sao?

Mà ai cho nhà nước

Quyết việc này thay tao?

 

Chính vì khôn, “biết sống”

Tức ngậm miệng, giả ngây,

Mà thế hệ của bố

Để đất nước thế này.

 

Ừ, bố già, lẩn thẩn,

Nhưng vẫn còn là người.

Mà người thì biết nhục,

Biết xấu hổ với đời.

 

Mai biểu tình, thế đấy.

Bố không bắt con đi,

Nhưng cũng đừng cản bố.

Cản cũng chẳng ích gì.

(Thái Bá Tân)

       NHẬN XÉT THI PHÁP

       1/ Nhất Khí Liền Mạch:

       Tứ thơ có dòng chảy. Đó là dòng chảy của mạch lý luận.

2/ Vần:

Bài thơ có 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Cứ hết đoạn lại chuyển vận. Vần gián cách (2/4) ngoại trừ đoạn 3 (1/3, 2/4). Vừa ngọt, không có hội chứng nhàm chán vần.

3/ Âm Điệu:

Âm điệu đứt đoạn cứ sau mỗi 4 câu. Không có dòng âm điệu.

4/ Nhịp Điệu:

Mỗi câu 5 chữ cố định. Nhịp điệu đều đều, tẻ nhạt.

       5/ Ngôn Ngữ Hình Tượng:

       Ngôn ngữ “kiểu” thầy giáo. Không có mô gò cản đường. Dễ hiểu nhưng chưa dễ cảm, dễ tiêu.

       6/ Vờn Bóng Giữa Sân:

       Không vờn bóng giữa sân, nhắm thẳng điểm đến của tứ thơ mà tiến tới.

       7/ Tâm Thế:

       Nói lý lẽ (Reason with them)

       8/ Dòng Cảm Xúc:

       Chữ Lý choán hết chỗ. Thiếu chữ Tình của cảm xúc tầng 3.

       KẾT LUẬN

       Đọc một bài thơ là tìm lời giải đáp của 2 câu hỏi:

       1/ Viết cái gì? (What?)

2/ Viết thế nào? (How?)

       Bài viết này sẽ giúp người thưởng thức thơ hoặc người bình thơ thấy được một số điểm chính để trả lời câu hỏi 2 (viết thế nào?) nghĩa là đánh giá kỹ thuật thơ – và cũng có thể nói đó là thi pháp, là tài thơ - của thi sĩ.

       Nếu chỉ bình tán tứ thơ (what?) mà quên phần thi pháp thì người thưởng thức thơ hoặc người bình thơ đã giết chết “tính thơ”, “chất thơ” của bài thơ.

       Trước mắt họ chỉ là một “bản văn xuôi” không hơn không kém.

 

       Phạm Đức Nhì

 

       PHẦN ĐỌC THÊM

       Mời độc giả đọc bài viết dưới đây để tự cảm nhận sự khác biệt của hai cách làm thơ.

       http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2021/11/ban-thich-tho-ep-hay-tho-co-hon_23.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét