Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

CHÙA VIÊN QUANG... THIÊN DI KÝ / Đỗ Trác

 

                        Nhà nghiên cứu Hán Nôm Đỗ Hữu Trác - Tác giả bài viết này- Người cao bên phải


          Chùa Viên Quang (Viên Quang Tự - 圓光寺) hiện toạ lạc tại Làng Nghĩa Xá – Xã Xuân Ninh – Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định. Chùa nguyên được khởi dựng từ thời Lý, những năm 10XX, do triều đình cấp tiền xây dựng. Chùa một thời do Thiền sư Thánh Tổ Giác Hải (覺海) trụ trì, và sau gần trăm năm được người chắt của Thiền sư là Lý Tường Đĩnh (李祥挺) đứng ra tu bổ, trùng tu nâng cấp. Thời gian, lũ lụt, lở bồi đã làm cho chùa Viên Quang phải hai lần “thiên di”, khiến cho vị trí toạ lạc hiện nay (2020) của chùa chính là điểm “dừng chân” lần 3 sau 2 lần “dịch chuyển”. Này bạn, bạn hãy cùng tôi trở về quá khứ hoang vắng xa xưa để dõi theo lai lịch của ngôi chùa cổ, quý, sắp tròn ngàn năm tuổi này nhé!

          1. Hương Giao Thuỷ - Vạn Giao Thuỷ:

 

          Thời Lý nước ta chưa có đê, vùng đồng bằng Bắc Bộ là ven biển, cửa sông của hai hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Vùng ấy chủ yếu là những bãi bồi, cồn, doi đất cao ráo, nổi về mùa khô và ngập nước về mùa lũ. Chằng chịt trên bề mặt các doi, bãi, gò ấy là hệ thống sông, lạch, khe nước. Giao thông đi lại, xê dịch của dân ta chủ yếu là dựa vào dòng nước, dùng thuyền, bè mảng. Thời ấy đã có doi đất nổi lớn ở phía Đông Nam Thành phố Nam Định hiện nay, bao bọc ở phía đông nam là sông Hồng và ….biển. Xa xa nhìn ra phía đông là một doi đất khác ven theo tả ngạn sông Hồng, phía Nam và Đông Nam của nó thì là các doi cồn lập lờ khi nổi khi ngập qua quãng cách bởi dòng chính sông Hồng và các lạch nhỏ xuôi nam và xa xa nữa thì là… biển. Doi đất ấy chính là Hương Giao Thuỷ. (Chữ “Hương” ở đây vừa có nghĩa là một vùng đất, vừa có nghĩa là một “đơn vị hành chính” của Nhà nước tương đương cấp huyện về sau này, mặc dù thời đó chưa hề có cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương.). Hương Giao Thuỷ bao gồm phần phía Đông Nam của huyện Nam Trực, từ địa đầu phía Bắc của xã Tân Thịnh, kéo dài qua Thị trấn Cổ Lễ hiện nay. Khi ấy, dòng sông Hồng chưa “xung khích” mạnh vào sườn phía Đông của Hương Giao Thuỷ nên phần nổi của Hương Giao Thuỷ còn bao gồm cả một phần đất đã bị lở chuyển bồi qua bên tả ngạn sông Hồng nay thuộc huyện Vũ Thư. Hương Giao Thuỷ nói chung, Vạn Giao Thuỷ nói riêng là vùng bãi đất cao ráo, rộng rãi đến cả mấy ngàn mẫu, sau lưng (phía Đông) là dòng sông Hồng và bãi biển, cửa sông với những “con bơn”, cồn bãi lập lờ khi nổi khi chìm và rừng cây ngập mặn ven biển (sú vẹt) mà sau này, đến thời nhà Lê chính là địa phận các xã phía Nam, Đông Nam của tỉnh Thái Bình cũng như các xã thuộc huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu. (1). Phần bồi nổi lên về sau này vẫn được tính là thuộc Hương (Huyện) Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường.
Thời Lý, Chùa Viên Quang thoạt kỳ thuỷ được xây dựng ở Hương Giao Thuỷ, mà cụ thể hơn nữa là ở bãi ven sông – Vạn Giao Thuỷ thuộc Hương Giao Thuỷ - nơi tụ tập sinh sống cư ngụ, “cắm sào lập vạn” của dân thuyền chài, đánh cá. Toạ độ cụ thể của chùa chưa thể nói chính xác, và bây giờ có khảo cổ đào bới khắp cả vùng ấy lên thì cũng chắc chả còn tìm thấy dấu tích gì do việc lở bồi lũ lụt, nhưng chắc chắn toạ độ ấy nằm đâu đó phía Đông gần chỗ Xã Tân Thịnh, Quán Nhi (sau đổi là Quán Các), Thứ Nhất, Bách Tính, Cống Khâm hiện nay. Thậm chí nó có thể là ở mãi bên tả ngạn sông Hồng nay thuộc địa phận xã Hồng Phong, ven xã Duy Nhất cũng chưa biết chừng.
          Địa danh “Giao Thuỷ” còn được lưu truyền mãi về sau này, để gọi vùng đất được mở mang bồi đắp thêm ở vùng đông nam Hương Giao Thuỷ, thuộc hạ lưu, cửa biển của sông Hồng bao gồm các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu hiện nay. Ở đây có hai điểm cần lưu ý (1. Trong chữ Giao Thuỷ -
膠水 thì chữ GIAO = ở đây không phải là gắn với, giao tiếp, tiếp xúc mà nó có nghĩa là “dính”, là “keo”, là “nhơm nhớp” - đặc trưng của nước biển, nước lợ, không nhẹ, không thanh thoát như nước ngọt, và 2. Hương Giao Thuỷ - Huyện Giao Thuỷ xưa rất rộng, phân biệt với Huyện Giao Thuỷ nay rất nhỏ hẹp (mới được tách riêng với huyện Xuân Trường, phân định địa giới sau năm 1945, bao bọc bởi biển, sông Hồng và sông Sò.).
          Ở các bản đồ thời cuối thế kỷ 19 trở về trước vẫn hiện diện địa danh Giao Thuỷ trỏ vùng đất chính, cổ của nó là ở chỗ Tân Thịnh – Từ Quán – Bát Dương – Đô Quan – Cổ Lễ - Phủ Xuân Trường – Tương Nam.
          Thời Lý, Đạo Phật là “quốc giáo”, các bậc cao tăng, Thiền Tổ, Thánh Tăng được tôn phong là “Quốc Sư”. Bên cạnh việc xây dựng “Hành cung” là nơi “dã ngoại”, “tuần du” của Vua và các đại thần, nhà vua xuất tiền công khố ra để xây dựng những ngôi chùa lớn để các “quốc sư” tu hành, trụ trì. Đó là chùa Nghiêm Quang (tiền thân của chùa Thần Quang – chùa Keo Hành Thiện và chùa Keo Thái Bình sau này) và chùa Viên Quang (với tên gọi ban đầu là Diên Phúc).
          Theo nội dung mô tả trong tấm bia “Thiên Phù Duệ Vũ tam niên” (1122) hiện còn lưu giữ ở chùa Viên Quang thì chùa quay hướng Tây, sau lưng là bể biếc sông dài, trước mặt là cánh đồng rộng lớn, phía tây nam có tháp cao vời vợi, trước cửa có con đường “thiên lý”, bên phải có chùa cổ “Long Kiều”, bên trái có “Hành cung” Vua Lý. Như vậy, tính từ thượng nguồn sông Hồng, ta có chùa Cổ Long Kiều, tiếp đến là chùa Viên Quang, sau nữa là Hành Cung (như một dạng “kinh đô” thứ 2) với chùa Nghiêm Quang.
          (“Phía trước mẫu nam, muôn khoảnh mây vàng giãi đất; phía sau sông lớn, nghìn trùng sóng biếc liền trời.
Bên tả hành cung đất Hải, thuế cày đều giảm nhẹ xuân thu; bên hữu chùa cổ Long Kiều, chuông kệ thảy lắng nghe sớm tối.” - Đỗ Văn Hỷ dịch, trang 454, Sách Thơ văn Lý Trần, Nxb Văn học, 1977.).
          Cuối thời Trần, nhà nước chủ trương đắp đê dọc các triền sông lớn để ngăn lũ thượng nguồn, Vạn Giao Thuỷ nằm ngoài đê, mép nước. Khi có đê, lòng sông mỗi ngày một nâng cao lên do phù sa lắng đọng, mực nước dâng cũng cao thêm lên rất nhiều. Cộng thêm với việc do dòng chảy biến thiên, lở bồi mạnh khi bị hạn chế bằng đê hai bên tả hữu, nên đến thời Lê trung hưng, những năm 1550 – 1650 vùng Vạn Giao Thuỷ bên hữu ngạn bị lở sạt, bồi sang bên tả ngạn và hạ du.
          Chùa cổ Long Kiều, có lẽ là được xây dựng từ thời Đinh, nay không còn dấu tích, chắc cũng bị lụt trôi mất từ lâu. Hành Cung vua Lý về sau, qua thời Trần cũng hoang phế và lụt lở tan hoang vào thời Lê trung hưng (1611 – Tân Hợi). Ở Hành Cung nhà Lý có chùa Nghiêm Quang (Thần Quang) sau cũng tan tành, dân Hành Cung “dạt” về Hành Thiện và Dũng Nhuệ, dựng lên hai chùa “hậu thân của chùa Thần Quang” là Keo Hành Thiện và Keo Thái Bình.
          Khi xây dựng chùa Viên Quang, nhà vua Lý cấp cho chùa ba trăm mẫu ruộng để thu hoa lợi làm hương oản cúng Phật, nuôi sư. Số ruộng ấy, có một khoảnh ở xứ Liêu Thượng (nay thuộc địa phận bãi ven sông Hồng của xã Xuân Tân huyện Xuân Trường, hiện vẫn còn thôn Liêu Đông với ngôi đền Cửa Cát nổi tiếng linh thiêng, địa danh Liêu Thượng vẫn hiện diện trong bản đồ người Pháp vẽ cuối thế kỷ 19). Thời Lý, rồi tiếp theo đến thời Trần các Vua, quan, hoàng thân quốc thích cũng như thiện tín thập phương cúng rất nhiều ruộng vào chùa. Những khoảnh ruộng ấy nằm rải rác ở các xã lân cận chùa như Nam Hà, Cổ Chử, Cổ Nông, Đô Quan, Từ Quán, Quán Nhi (Quán Các), Mỹ Lộc, Vụ Bản, …Thậm chí có cả khoảnh ruộng ở xã Hạc Châu huyện Vũ Tiên nằm bên đối ngạn sông Hồng (hiện nay) cũng được công chúa Tiểu Quân mua cúng vào chùa. Trước đó, ngay khi mới xây dựng, Vua Lý Thái tông - Văn Hoàng đế và Trang Từ Hoàng Thái hậu Đoàn thị Ngọc Quất đã cúng vào chùa một khoảnh ruộng 100 mẫu ở xứ đồng Triền Đồng, xã An La, huyện Diên Hà nằm trên thượng nguồn sông Hồng của chùa Viên Quang.
 

          Đặc biệt, có một khoảnh ruộng ở xứ đồng Bát Dương (八陽), xã Từ Quán (詞舘), huyện Giao Thuỷ cộng là 17 mẫu 1 sào 10 thước được cúng vào chùa từ triều đại trước (Lý, Trần). Tôi nhấn mạnh điều này là để chúng ta dễ hình dung việc sau đó (vào thời Lê trung hưng), khoảnh đất này là nơi ngôi chùa “thiên di” tới ! Xứ đồng này, nay (2020) thuộc địa phận thôn Từ Quán, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực và có một phần đã nằm dưới lòng sông Hồng và bồi trúc sang bên tả ngạn thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình.
          Những năm trước 1990, chưa có nhiều công trình thuỷ điện thượng nguồn sông Hồng, sông Đà, sông Gâm, vào mùa hè thu, lũ lụt ở hạ lưu sông Hồng rất mạnh. Thời kỳ đó đi trên bờ đê (ven sông) đoạn dưới Cống Khâm - Bách Tính, mọi người đều có thể thấy 2 “con bơn”, 2 bãi đất nổi giữa sông Hồng là kết quả của việc xói lở trước đó bên hữu ngạn, “vật” qua giữa sông để… ”bồi” cho bên tả ngạn (Những “con bơn”, “bãi giữa” ấy, người xưa gọi là “Phù Sa” mà trên đó cũng có nhiều khoảnh ruộng được mua tiến cúng vào chùa (khắc ghi ở mặt sau bia 1122)). Ven sông hữu ngạn, từ chỗ Cống Khâm xuống Cổ Lễ, vòng ra Trực Chính ở phía đông là một “vòng cung xói lở” với kè đá thường xuyên phải bổ sung gia cố và các điếm canh đê vào mùa lũ có treo… 2 - 3 sọt (bồ) (2)! Vòng cung xói lở ấy chính là dấu tích của quá trình trôi, lụt của các chùa Nghiêm Quang, Viên Quang mà chúng ta sẽ nói ở sau. Vào đầu nửa sau thế kỷ 19, trước tình hình “xung khích” quá mạnh của sông Hồng đoạn Cống Khâm – Bách Tính – Đô Quan, triều đình đã cho đắp một con đê “quai ngược”, vòng từ Cống Khâm sâu vào bên hữu ngạn sông, ven ra đến gần chỗ đóng lỵ sở Phủ Xuân Trường (Nhương Nam – Tương Nam) thì bắt vào đê cũ tại điểm trên Cổ Lễ hơn 1 km. Đê “quai ngược” ấy là để phòng lở, vỡ đê ven sông chỗ Km 11, Km 12, Km 13, Km 14. Ngày trước chỗ giao nhau giữa đê vòng và đê cũ luôn có dự phòng mấy ngàn mét khối đá, sẵn sàng cho việc kè cừ chống lở hoặc “hàn khẩu” khi đê vỡ.

          2. Hành Cung:

          Tuần du đất nước, tham quan du lịch, “đổi gió”, tại Hương Giao Thuỷ, trấn Hải Thanh, Vua Lý có xây dựng “Ly Cung = 離宮”, “Hành Cung = 行宮” … nghĩa là cung điện, triều đình ở bên ngoài thủ đô Thăng Long (Lý – Trần). Vùng đất có xây dựng Hành Cung đó được gọi là “Hành Cung Trang = 行宮庄”, giống như kiểu “căn nhà ngoại ô”, “trang trại” của các đại gia thành phố ngày nay về nghỉ dưỡng vào những ngày cuối tuần hay lễ, tết. Ở đất “Hành Cung” này cũng có xây dựng ngôi chùa Nghiêm Quang là nơi Vua chúa lễ Phật và Thánh Tổ Không Lộ trụ trì. Hành Cung trang (“Ly Cung Hải Thanh”) nằm ở bên tả chùa Viên Quang, ở về phía hạ lưu sông Hồng, cũng đâu đó vùng Tân Thịnh, Thứ Nhất, Từ Quán, Hồng Phong, Duy Nhất… hiện nay. Đến thời Trần vùng đất miền thượng Xuân Trường hiện nay đã nổi cao hơn, các vương công, quý tộc nhà Trần khi về Hành Cung đã trồng cấy hoa quả, rau đậu ở các vùng ruộng bãi lân cận để sử dụng mà hai đặc sản là “kim quất” và rau bắp cải “chum”. Những sản vật này trước tiên được trồng ở Hành Cung - Hộ Xá, sau nữa được mở rộng ở các gò bãi thượng Xuân Trường như Ngọc Cục mà sau này hình thành lên một cái tên rất sang trọng, rất “cung đình” là “Nam Thiên NGỌC Ấp”. (Danh hiệu của vùng đất đó hiện còn khắc ghi vào bia đá từ cuối thế kỷ 19 lưu ở chùa Ngọc Tiên – Xuân Hồng – Xuân Trường – Nam Định (“Nam Thiên Ngọc Ấp – Tự hiệu Anh Quang – Tiền nhân sáng lập – Hậu duệ tân trang – Căn thâm diệp mậu – Nguyên viễn lưu trường – Vĩnh thuỳ bất hủ - Tuyên thạch chiêu chương”)). Hành Cung Trang chính là tên gọi “tiền thân”, “tiền danh” của làng Hành Thiện sau này.

          3. Bát Dương – Từ Quán:

          Địa danh Từ Quán (詞舘), nay vẫn còn, là thôn Từ Quán xã Tân Thịnh, gần Cống Khâm, Km 11 đường Nam Định – Lạc Quần. Cuối thời Trần, đầu thời Lê nó là 1 xã của Hương – Huyện Giao Thuỷ, nằm sát về phía bờ, phía tây của Vạn Giao Thuỷ. Xã – Thôn này có cánh đồng (xứ) Bát Dương mà trong đó có 17 mẫu 1 sào 10 thước ruộng được cúng vào làm ruộng chùa Viên Quang từ thời Lý – Trần. Trong thực địa hiện nay và các bản đồ cuối thế kỷ 19 người Pháp vẽ không còn địa danh Bát Dương (với nghĩa đen: Bát Dương = 八陽 = 8 mặt trời, và nghĩa bóng trỏ vùng đất rộng rãi, cao ráo sáng sủa). Địa danh “Bát Dương – 八陽“ hiện thấy còn lưu ở hai tấm bia chùa Viên Quang (ở mặt sau tấm bia Thiên Phù Duệ Vũ tam niên - 1122 có lẽ được khắc vào đầu thời Lê trung hưng kê chi tiết ruộng chùa và ở tấm bia 1886 -1889 ghi chép về việc dời chùa). Tấm bia thời TK 19 chỉ ghi “xứ Bát Dương” khiến người ta không hiểu được rằng xứ Bát Dương ấy ở đâu. Nhưng mặt sau tấm bia 1122 thì ghi rõ “Xứ Bát Dương – Xã Từ Quán – Huyện Giao Thuỷ” nên người ta đã có thể định vị được địa danh này trong lịch sử ngôi chùa. (Bản thân kẻ viết những dòng này cũng đã băn khoăn hoang mang mãi về địa danh “Bát Dương” sau khi “soi” đọc tấm bia thời Đồng Khánh, và chỉ vỡ oà lên sung sướng khi được đọc những dòng chữ khắc ở mặt sau úp cận vào tường của tấm bia 1122).
          Các ngôi chùa Nghiêm Quang, Viên Quang với kiến trúc gỗ là chủ yếu, trải qua mấy trăm năm Lý - Trần cũng đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí hoang phế. Thời nhà Hồ, rồi thời giặc Minh xâm chiếm đô hộ chùa lại càng không được chú trọng tu bổ. Đầu thời Lê trung hưng, những năm TK 16, đầu thế kỷ 17, đất nước thịnh Nho, trọng Thánh, Thần. Việc xây chùa tô tượng đúc chuông chủ yếu trông cậy vào lòng mộ Phật của các ông hoàng bà chúa, các vương công quý tộc hoặc điền chủ lớn. Hầu hết các ngôi chùa lớn được xây dựng mới hoặc trùng tu nâng cấp vào thời kỳ này (như chùa Keo Thái Bình, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Thiên Linh – Xuân Thượng – Xuân Trường – Nam Định) đều gắn với tên tuổi của những tín thí như thế. (3).

          Những năm cuối Thế kỷ 16 lũ lụt triền miên, đê đã đắp từ thời Trần lại được củng cố vững chắc hơn ở thời Lê Thánh Tông nên sức xói lở của dòng chảy sông Hồng mùa lũ càng mãnh liệt. Nằm ở ven sông, thượng nguồn của Vạn Giao Thuỷ, chùa Long Kiều cổ tự đã bị lở trôi mất đầu tiên. Tiếp theo là đến chùa Viên Quang bị đe doạ lở nền long móng mà… sạt xuống sông Hồng Hà. Đúng vào dịp ấy (năm 1598 và năm 1605, có ông Quận công Nguyễn Nghĩa Thể cùng vợ là Quận phu nhân Lê thị Ngọc Lâm và hai người con trai là những quan võ cấp cao, quê ở xã “Thuỵ Thố = 瑞兔” (gọi Nôm na là “Thuỵ Thỏ”) huyện Giao Thuỷ (nay là xã Tân Thịnh huyện Nam Trực) đã tiến cúng nhiều tiền của, ruộng nương vào chùa, tu bổ và chế mới các cung thờ của chùa Viên Quang. (Riêng cá nhân Đỗ Hữu Trác tôi thì cảm nhận và đoán định rằng dưới sự tài trợ chính của gia đình ông Quận công người làng này, lúc ấy dân làng đã di dời chùa Viên Quang từ “vạn” – “bãi sông” vào trong đê, vào xứ đồng Bát Dương mà chùa vốn có sở hữu một khoảnh ruộng rất lớn). Việc di dời chùa từ mép nước sông Hồng, ngoài đê vào trong đê chỉ thấy được nói đến trong tấm bia 1886 – 1889 hiện lưu ở chùa Viên Quang (không nói rõ di vào thời điểm nào, do ai chủ trì, chỉ đạo…). Các kết cấu, các bức trang trí chạm trổ đặc trưng thời Lê trung hưng hiện còn ở chùa Viên Quang chính là được chế vào dịp tiến cúng, di dời đó. (Khoảng những năm 1598 – 1605).
          Đến năm Tân Hợi - 1611, lụt lớn, Hành Cung Trang sạt lở tan hoang, chùa Nghiêm Quang – Thần Quang khi ấy đã khá cũ nát cũng bị lở nền, trôi kèo cột. Dân Hành Cung dạt về Dũng Nhuệ bên tả và Hộ Xá bên hữu ngạn sông Hồng. Ít năm sau phần dân dạt xuống Hộ Xá (Xuân Ninh hiện nay) chuyển về cư ngụ ở đầu mom Hành Thiện và (chưa rõ là có sự tài trợ chính của một tín thí nào không?! (1)) dựng lại chùa Thần Quang – Giao Thuỷ ở làng Hành Thiện với tên Nôm là Keo. Hơn chục năm sau đó, dân Hành Cung dạt sang Dũng Nhuệ bên tả ngạn, với sự quyên góp tài trợ rất lớn của bà Lại thị Ngọc Lễ, đã xây dựng lại ngôi chùa Thần Quang – Giao Thuỷ trên đất Dũng Nhuệ (nay thuộc xã Duy Nhất – Vũ Thư – Thái Bình) cũng với tên Nôm là Keo. Từ đó trong dân gian phải có sự phân biệt hai chùa này bằng vị trí “trên – dưới” (Chùa Keo Thái Bình gọi là “Keo trên”, chùa Keo Hành Thiện gọi là “Keo dưới” – do chùa Keo Thái Bình ở phía bắc của chùa Keo Hành Thiện và câu “lên bắc xuống nam” mà nên chuyện “trên - dưới”).

          4. Hộ Xá – Thái Nghĩa – Nghĩa Xá:

          Hộ Xá là một làng thuộc Hương Giao Thuỷ. Địa phận làng – xã này cũng lân cận chỗ Tân Thịnh – Cống Khâm – Từ Quán – Bách Tính hiện nay. Làng này cũng nằm ven hữu ngạn sông Hồng. Đến thời Lê trung hưng, do lụt lội, lở sạt mất phần lớn đất làng nên một phần dân làng Hộ Xá dạt sang bên tả ngạn, gom sống với nhau lập nên làng Thái Nghĩa. Nhà nước thấy nguy cơ mất làng Hộ Xá xuống sông, bèn cấp khu vực đất ở phía nam Lạc Quần (thuộc địa phận xã Xuân Ninh hiện nay, với tên chữ Hán là xứ đồng “Lộc Cơ = 祿奇” và được gọi Nôm na biến âm đi thành “Rộc Cả”, chữ “RỘC” này còn được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay và đi vào tiểu thuyết “Bão Biển” của nhà văn Chu Văn với công trình “Cống RỘC”. Thậm chí chữ “RỘC” này còn được dùng để gọi tên vị Thành Hoàng làng Nghĩa Xá là “Thánh RỘC CẢ”) để dân Hộ Xá có chỗ di cư. Một số ít dân Hộ Xá – Nghĩa Xá vẫn ở lại phần làng cũ chưa bị sạt lở. Các địa danh Hộ Xá – Nghĩa Xá – Thái Nghĩa ở “Hương Giao Thuỷ” xưa, ở phần đất huyện Vũ Thư Thái Bình bên tả ngạn sông Hồng và ở xã Xuân Ninh huyện Xuân Trường vẫn hiện diện trên các bản đồ người Pháp vẽ cuối thế kỷ 19. Vùng đất Hộ Xá (Xuân Ninh – Xuân Trường) một ít năm cũng là nơi “di tản, dừng chân” của dân làng Hành Cung – Hành Thiện trước khi họ về mảnh đất hình con cá chép ở mom sông để lập nên làng Hành Thiện sau này. (4). Những điều này tôi viết dựa theo ý chép trong Gia phả họ Phạm làng Nghĩa Xá. Riêng “tên chữ” của vùng đất mà dân Hộ Xá di cư đến và chuyển cả chùa theo hiện nay thì tôi căn cứ vào chữ viết khắc trên bia 1886 – 1889 (Lộc Cơ = 祿奇).
          Sau vài trăm năm, kể từ đầu thế kỷ 17, dân làng Hộ Xá – Nghĩa Xá đã bị di dịch thành 3 nhóm: Nhóm 1, di cư qua sông tránh lụt (ở thôn Thái Nghĩa, Nghĩa Xá bên tả ngạn, thuộc địa phận xã Hồng Phong và Duy Nhất của huyện Vũ Thư – Thái Bình ngày nay, Nhóm 2, di cư về vùng đất được “quy hoạch” cư trú ở chỗ xứ đồng Lộc Cơ – Rộc Cả - thôn Nghĩa Xá - xã XuânNinh hiện nay và Nhóm 3, vẫn cố thủ lại ở cố hương vùng Tân Thịnh, Đô Quan, Bách Tính ngày nay (Mộ Tổ mấy đời của họ Phạm Nghĩa Xá – Xuân Ninh cho đến nay, vẫn nằm ở đó). Xem bản đồ người Pháp vẽ những năm cuối thế kỷ 19, chúng ta dễ dàng tìm thấy những địa danh này.
          Những năm 1590 – 1610, Chùa Viên Quang được di dời vào trong đê vùng Vạn Giao Thuỷ, đến xứ đồng Bát Dương xã Từ Quán và toạ lạc ở đó (gần lỵ sở Phủ Xuân Trường) hơn 200 năm. Đến những năm đầu nửa sau thế kỷ 19, dưới thời Vua Tự Đức, lụt lội rất nhiều. (Ví dụ: năm Bính Thìn – Tực Đức 9 – 1856 lụt to, đê Bùi Chu thuộc Tổng Thuỷ Nhai Phủ Xuân Trường bị vỡ, các làng xã vùng Nam Phủ Xuân Trường ngập trong biển nước (Việc này ghi rõ trong sách Trà Lũ Xã Chí ở mục “Kiếp Tai”) (5). Năm 1846, lụt to, e rằng bị trôi mất ngôi miếu lớn, dân làng Thứ Nhất (gần chùa Viên Quang – Bát Dương) đã tháo dỡ hạ giải đem bán cho dân làng Lãng Lăng đem về dựng nên ngôi tiền đường thờ Phật ở chùa Kim Sa – Lãng Lăng – Xuân Đài – Xuân Trường (Việc này được ghi rõ ở bia chùa Kim Sa dựng năm 1857) (6). Năm 1866 – Tự Đức 19 – Bính Dần, lụt lớn, đê bao vùng có chùa bị vỡ, nền chùa bị xói lở, chùa có nguy cơ bị trôi sạt như chùa Thần Quang vài trăm năm trước, dân làng Nghĩa Xá, với ưu thế là ở vùng đất rộng rãi và mạnh về kinh tế, lại có quan hệ tốt với nhà chức trách quản hạt nên đã làm đơn đề nghị quan địa phương và Trung ương ủng hộ và cho phép di chuyển chùa về nơi mình cư trú là ở cánh đồng Lộc Cơ – Rộc Cả. Bản thân chùa cũng “sở hữu’ nhiều ruộng đất có thể thu được nhiều hoa lợi để gom vào việc xây dựng, tu bổ, di dời. May mắn nữa là lại gặp được Quan Tri Phủ Xuân Trường lúc đó là Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn vốn cũng rất mộ Phật đã hết lòng ủng hộ cả về chủ trương, tinh thần lẫn tài lực để di chuyển chùa… tránh lụt. Lại nữa, gần đất Nghĩa Xá đó, làng bên – Lạc Quần, có Tiến sĩ Phạm Chỉ Trai – Phạm Thế Lịch – hưu quan đạo cao đức trọng rất ủng hộ việc di chuyển chùa. Thế nên việc di chuyển chùa đã được Nhà nước phê duyệt và quan, dân ủng hộ nhiệt liệt.(7) Việc tháo dỡ, hạ giải chùa, đắp nền xây móng chùa là nhờ vào dân các xã trong tổng Kiên Lao (Hà Lạn, Lạc Quần, Kiên Trung, Trà Hải, Hà Quang, Bắc Câu, Ngọc Tỉnh, Hội Khê, Xuân Dục). Việc vận chuyển các cấu kiện chùa (kể cả 3 ngôi tháp mộ Tổ Sư) từ Bát Dương về Lộc Cơ (quãng đường chừng 20 km đường sông Hồng và sông Ninh Cơ) dựa vào Phường Thuỷ Cơ (Phường vận tải thuỷ bằng thuyền bè) của huyện Xuân Trường và các chủ thuyền xã Trà Lũ(8). Việc vận chuyển và dựng lại chùa ở đất Lộc Cơ này cũng rất gian truân, 2 lần gặp bão vào tháng 6 và tháng 8 năm 1867 khiến tường đổ ngói xô dân làng phải làm lại, cho đến tận tháng Chạp năm 1867 mới hoàn thành(9).

          5. Chùa Viên Quang thờ ai:

          Vấn đề này sẽ còn nhiều tranh biện và ý kiến khó có thể thống nhất. Thân thế, hành trạng của các vị Thánh Tổ vốn đã rất phong phú, lại xen kẽ với rất nhiều truyền kỳ, giai thoại lưu truyền trong dân gian và giới nghiên cứu lịch sử xưa nay nữa nên khó có thể nhất trí. Mặc những ý kiến khác nhau đó, tôi viết theo suy nghĩ và cảm nhận của mình về các Thánh Tổ, các đại pháp sư được thờ ở Chùa Viên Quang từ trước đến nay.

          5.1 - Giác Hải đại pháp Thiền sư:

          Chùa Viên Quang và chùa Nghiêm Quang ban đầu là do Vua Lý cho xây dựng để các Thánh Tổ Không Lộ, Giác Hải tu hành, cũng là để nhà vua và hoàng thân quốc thích thường xuyên hành hương lễ Phật. Một thời gian sau khi đắc đạo, trụ trì ở chùa Viên Quang ít năm thì Thiền sư vân du bốn biển, hành hoá thập phương. Chỉ đến khi già yếu Thiền sư mới trở về chùa Viên Quang chốn cũ và viên tịch ở đó. Điều này nói rõ trong tấm bia 1122 hiện lưu ở chùa. (“Chúng sinh đã hoá độ, Thiền sư đã già nua. Người bèn: chống gậy lại làng xưa, xuôi thuyền về quê cũ.”. Đỗ Văn Hỷ dịch). Sau này Giác Hải viên tịch nhập tháp đá ở chùa. Tháp này cũng được di dời hai lần cùng với chùa và nay toạ lạc tại khuôn viên Tháp cổ trong chùa.

          5.2 - Không Lộ đại pháp Thiền sư:

          Thánh Tổ Dương Không Lộ - Không Lộ Đại Pháp Thiền Sư là một trong ba người (cùng với Từ Đạo Hạnh, Giác Hải) sang Tây thiên cầu và đắc đạo. Sau khi đắc đạo, Thánh Không Lộ về tu hành và trụ trì chính ở chùa Nghiêm Quang và cũng thường xuyên giao du với Thánh Tổ Giác Hải ở ngôi chùa “bên cạnh” gần đó là chùa Viên Quang. Thời gian Giác Hải vân du bốn biển, hoá độ thập phương thì chùa Viên Quang hầu như do Thánh Tổ Không Lộ quán xuyến trông coi. Sau khi Thánh Tổ Dương Không Lộ viên tịch thì Thánh Tổ Giác Hải mới trở về (lúc này đã rất già yếu) nghỉ ngơi và trông coi chốn chùa cũ. Khi Thánh Tổ Dương Không Lộ viên tịch nhập tháp đá ở chùa. Tháp này cũng được di dời hai lần cùng với chùa và nay toạ lạc tại khuôn viên Tháp cổ trong chùa.
          Hiện nay (2020) ở chùa Viên Quang Nghĩa Xá vẫn còn lưu giữ 2 ngôi tháp đá lớn, các tầng, đế, trụ, mái, nóc… đều dùng đá nguyên khối chế tạc. Hai Tháp này ghi cùng một niên đại tạc dựng là đầu mùa thu năm Mậu Ngọ (Tôi dự đoán rằng đó là năm Mậu Ngọ 1198, dưới triều Vua Lý Cao Tông và hai ngôi tháp đá này chứa xá lợi của Thánh Tổ Giác Hải và Thánh Tổ Dương Không Lộ).

          5.3 - Lý Thần Tông Hoàng Đế:

          Hiện ở chùa có bài vị thờ, có kiệu thờ Lý Thần Tông Hoàng Đế. Về vị Hoàng đế này vì sao lại được thờ ở chùa Viên Quang thì có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng Vua Lý Thần Tông là “hậu thân” của Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh – người có lời nguyền ứng nghiệm hoá hổ khi hành hương cầu đạo cùng Không Lộ, Giác Hải. Cũng có ý kiến cho rằng, sau khi được Thánh Không Lộ chữa khỏi bệnh mang lốt hổ, mình đầy lông lá vằn vện, Vua Lý Thần Tông đã quy y cửa Phật và sau đó viên tịch ở chùa nên được thờ ở đó. Cá nhân tôi thì có cảm nhận nghiêng về giả thuyết thứ nhất hơn, nghĩa là thờ “hậu thân” của Thánh Từ Đạo Hạnh (bạn sơ tu cùng với Giác Hải, Không Lộ).

          5.4 - Lục Thượng Thái Sư:

          Đây là người chắt họ của Thiền sư Giác Hải – Lý Tường Đĩnh. Ông thông minh nhanh nhẹn, tự cung (hoạn)tiến cung làm quan thị, khéo léo tinh minh, được Vua Lý hai ba triều tin yêu, phong thưởng chức quan cao, lương bổng hậu (Lục Thượng Thái Sư). Lý Tường Đĩnh có công trùng tu nâng cấp ngôi chùa Diên Phúc – Viên Quang thuở ban đầu, làm nơi chốn sang trọng trang nghiêm để nhà Vua, các quan cận thần, phi hậu về tham quan bái Phật, dừng chân khi tuần thú bốn phương. Ông cũng có bài vị, kiệu thờ ở chùa Viên Quang từ trước (cuối thời nhà Lê) đến nay.
          Cũng cần nói thêm rằng, đã từ rất lâu nay, trong dân gian, trong các sự tích truyền kỳ, thậm chí trong các “Thánh lục”, các sách sử đạo và đời…đã có sự đan xen, xáo trộn lẫn lộn thông tin, lai lịch, hành trạng của hai vị Thánh Tổ: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Lại cũng có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: Có 1 hay 2 vị Thánh Tổ Không Lộ - Khổng Lồ ? Cá nhân tôi nghiêng về nhận thức là có 2 vị Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không khác nhau như khảo cứu công phu của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng và tác giả Phạm Đức Duật.
          Trong dân gian và cả chính trường đã có sự đan xen, lầm lẫn, cho là chỉ có một vị Thánh Tổ Không Lộ - Minh Không bên cạnh Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh và Giác Hải. Vì vậy, ngay ở ngôi chùa Viên Quang này, thời Lê có sắc phong cho vị đại pháp sư “Phù Vân Quảng Đạt” (là pháp hiệu của Thánh Nguyễn Minh Không), trong khi đầu thời Nguyễn lại có sắc phong cho vị “Đại Giác Không Lộ đại pháp sư” vốn là pháp hiệu của Dương Không Lộ.
          Cần lưu ý thêm rằng, ở chùa Viên Quang từ cuối Lê, qua Nguyễn, đến ngày nay có 4 cỗ kiệu, 4 Thần vị thờ: Giác Hải – “Phù Vân Quảng Đạt” – Vua Lý Thần Tông – Lục Thượng Thái Sư, trong khi vẫn có 2 đạo sắc phong thời Nguyễn cho vị “Đại Giác Không Lộ Thiền sư” ! Vào đầu thời Nguyễn, rộ lên phong trào lập miếu, dựng đền thờ Thánh Không Lộ (ví dụ ở chùa Linh Quang làng Trà Lũ) và đều thống nhất theo danh hiệu “Đại Giác Không Lộ Thiền Sư” như ở chùa Keo Hành Thiện hay chùa Keo Thái Bình. Danh hiệu này được sử dụng khá thống nhất trong các sắc phong của triều đình nhà Nguyễn.
          Tôi đồ rằng, danh hiệu “Phù Vân Quảng Đạt” đã được triều đình nhà Lê quan niệm là danh hiệu của một vị Thiền Tổ Đại Pháp Sư Không Lộ - Minh Không (với tư cách là 1 người). Sang thời Nguyễn, cũng vẫn với quan niệm “1 Thánh” đó, triều đình đã sắc phong cho Thánh với danh hiệu “Đại Giác Không Lộ Thiền sư đại pháp sư”.
          Thêm nữa, thời sơ khởi dưới triều Lý thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, các Thánh Tổ Không Lộ, Giác Hải, Minh Không đều đã từng cư ngụ, trụ trì, nghỉ ngơi….ở chùa Nghiêm Quang và chùa Viên Quang. Đồng đạo, liên tài và được triều đình tôn phong, chẳng có gì làm lạ là các Thánh Tổ qua lại giao du với nhau thường xuyên, hành trạng và công đức, tài năng, “pháp lực”, “thành tích” bị trộn lẫn, 2 thành 1, 1 hoá 2 là chuyện rất bình thường.
          Vì vậy, tôi nghĩ rằng ở chùa Viên Quang có 4 cỗ kiệu, 4 bài vị thờ… nhưng thực ra là thờ… 5 vị: Thánh Tổ Giác Hải - Thánh Tổ Dương Không Lộ - Thánh Tổ Nguyễn Minh Không - Lý Thần Tông Hoàng Đế - Lục Thượng Thái Sư Lý Tường Đĩnh(10).
          Một điểm đáng lưu ý là trong bia 1122, Dĩnh Đạt có viết về hành trạng của Thiền sư Giác Hải “Riêng sang thượng quốc, thân tới thềm son”, mà việc “sang thượng quốc” (tức sang Tàu) thì trong truyền thuyết có lẽ chỉ có sư Minh Không là làm việc ấy!?
          Ngoài ra, ở chùa Viên Quang một thời gian dài trước đây còn có không gian thờ Tuệ Tĩnh – (một Thiền sư – Đại Y sư). (Không gian thờ này, hiện nay (2020), bỏ trống ở mé tả hậu cung nhà chùa. Vì chưa tiếp cận, chứng kiến văn bản hay khoa cúng, bài vị, sắc phong, thần tượng nào của vị Thiền sư - Danh y này ở chùa nên chúng tôi dành nói chuyện đó vào một dịp khác.

          6. Tháp Tổ chùa Viên Quang:

          Hiện nay (2020) ở chùa Viên Quang hiện diện 6 ngôi Tháp. Ngoại trừ 1 ngôi mang tính chất “Kỳ đài”, “Tháp bóng”, thì còn 5 ngôi Tháp có “tháp danh” cụ thể. Chúng ta lần lượt điểm danh và sơ kể lai lịch của từng ngôi Tháp theo niên đại:

          6.1,2 Tháp số 1 và Tháp số 2:

          Cả hai tháp này đều cao, to, vách, trụ, bệ, chóp tháp hình hoa sen, mái… hoàn toàn bằng đá khối được đẽo tạc tinh xảo. Vùng đất Nam Định không có núi đá, thời xa xưa mà khai thác, vận chuyển và chế tạc được một khối lượng đá lớn như ở hai tháp này chứng tỏ một sự trọng thị của xã hội, thập phương thiện tín và triều đình (thời Lý) với tháp mộ của các Thiền sư. Tôi nghĩ rằng hai tháp này được xây dựng từ thời nhà Lý, thời mà Đạo Phật được coi là quốc giáo, các bậc cao tăng được tôn phong là “quốc sư”. Tháp được xây dựng chứa xá lợi, tro cốt của Thánh Tổ Dương Không Lộ và Thánh Tổ Giác Hải.
          Chữ Hán khắc trên tháp:
          Tháp số 01:
寳光塔
百年占大有
九級屹中孚
戊午年孟秋造
BẢO QUANG THÁP
Bách niên chiêm ĐẠI HỮU.
Cửu cấp ngật TRUNG PHU.
Mậu Ngọ niên mạnh thu tạo.
Tạm dịch:
Trăm năm nhìn có đó.
Chín bậc dựng cao đây !
(Hai từ: “đại hữu =
大有” và “trung phu = 中孚” là tên hai quẻ Dịch (“hoả thiên ĐẠI HỮU”, “phong trạch TRUNG PHU”), ý nghĩa cao thâm mà tôi không rành nên không diễn giải được !. Chữ “đại hữu” này cũng được Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn (người chủ trì và tài trợ chính cho việc di chuyển chùa năm 1866 từ Bát Dương về Lục Cơ – Nghĩa Xá) nhắc lại trong vế câu đối ông soạn, chế tạc thờ ở chùa năm 1868, hiện nay (năm 2020) vẫn còn được lưu giữ ở chùa)
Tháp số 02:
祥光塔
道骨依然在
靈神儼若臨
戊午年孟秋造
TƯỜNG QUANG THÁP.
Đạo cốt y nhiên tại,
Linh thần nghiễm nhược lâm
Mậu Ngọ niên mạnh thu tạo.
Tạm dịch:
Xương khô nằm yên đó
Hồn thiêng vẫn quanh đây !
Hai ngôi tháp đá này đều được tạc dựng năm Mậu Ngọ. Tôi nghĩ rằng đó là năm Mậu Ngọ - 1198 dưới thời vua Lý Cao Tông – vị vua được nhắc đến trong bia đá cổ ở chùa: “ Hoàng thượng đương triều là bậc nhân sánh Đường Nghiêu, hiếu ngang Ngu Thuấn. Cảm nơi hai Thánh quan du, mến dạ một người thắng thưởng.” (Bản dịch trong sách Thơ văn Lý Trần của Đỗ Văn Hỷ). Kiểu cách hai tháp này khác hẳn các tháp thời Trần ở Yên Tử và các tháp thời Lê với kết cấu xây gạch.
          Hai ngôi tháp này chứa xá lợi, tro cốt của các vị Thánh Sư. Xưa (trước năm 1866) trong dân gian chắc vẫn truyền tụng sự duyên đó cho nên đến khi chuyển chùa từ Bát Dương về Lục Cơ, từ LÀNG về TRẠI năm 1866, có điều kiện phải tháo tách các cấu kiện đá ra, biết được bên trong hai ngôi tháp này có cốt Phật, cốt Thánh thực nên Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn, Thái thú Phủ Xuân Trường mới viết vế câu đối với ý nghĩa là: Lời truyền rằng tháp chùa có chứa “Phật cốt”, nay được “mở ra”, chứng kiến (CHIÊM) thì quả là THỰC (đại hữu). (Phật cốt tự tương truyền thiên bách niên, đương khai, kỳ chiêm đại hữu -
佛骨寺相傳千百年當開其占大有) (!?).

          6.3, Tháp số 03:
          Tháp này được xây dựng khi chùa ở xứ Bát Dương – “LÀNG Nghĩa Xá”. Cuối thời Lê, chùa được dựng xây ở nhiều làng xã Bắc Bộ. Nhưng ở vùng Nam Định, chùa Viên Quang vẫn là ngôi chùa lớn, nổi tiếng, cổ kính, đứng vào hàng “thủ lĩnh”! Những năm sau khi được di chuyển đến xứ Bát Dương, chùa Viên Quang có lẽ không có sư trụ trì. Khi phái Thiền Tào Động du nhập vào Bắc Việt Nam và lan truyền rộng rãi ở vùng xứ Đông, kinh kỳ Thăng Long và vùng đất Nam Định – Thái Bình vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, chùa Viên Quang do Thiền sư HẢI CẦN (海勤) trụ trì. Thiền sư Hải Cần quê quán xã Nhương Đông gần chùa, chưa rõ năm sinh, năm viên tịch, nhưng chắc chắn là Thiền sư viên tịch ở chùa và có bia tháp được lập năm 1851 – Tân Hợi tại chùa Viên Quang – Bát Dương – Nghĩa Xá làng. Tháp này năm 1866 cũng được “thiên di” về chùa Viên Quang – Lục Cơ – Nghĩa Xá trại.
          Toàn văn chữ Hán và dịch nghĩa của văn bia tháp này như sau:
          圓照塔銘
    夫塔者内藏祖師之舍利外記祖師之來歷也。原祖師著跡瀼東托懷武。年十七請同閭寺樂髮進修。二十餘再依于弄溪名德盛奕傳文献。隨緣應化造像陶鐘無量陰功聖力誕為賢力。真傳衣鉢佛心印證人心。念昔年李殿軒昴一再請復囬修理。致曩日武神顯現二三依益振禪天。歷春秋傳祀有年圓照紹涅槃顯祖。恭惟。祖師圓照塔摩訶睿敏雅淡初終法諱海勤精進禪師宗門眾等道引真原追思祖德懸石為銘于以萬年如見耳。
皇朝嗣德肆年歲在辛亥仲夏吉日謹題。
          VIÊN CHIẾU THÁP MINH.
          Phù, Tháp giả nội tàng Tổ Sư chi xá lợi, ngoại ký Tổ Sư chi lai lịch dã. Nguyên Tổ Sư, trứ tích Nhương Đông, thác hoài Vũ thị, Niên thập thất thỉnh Đồng Lư tự, lạc phát thiền tu, Nhị thập dư tái y vu Lộng Khê, danh đức thịnh dịch truyền Văn Hiến, tuỳ duyên ứng hoá, tạo tượng đào chung, vô lượng âm công, Thánh lực đản vi hiền lực, chân truyền y bát, Phật tâm ấn chứng nhân tâm, Niệm tích niên Lý điện hiên ngang, nhất tái thỉnh phục hồi tu lý, trí nẵng nhật vũ thần hiển hiện, nhị tam y ích chấn thiền thiên, lịch xuân thu truyền tự hữu niên, Viên chiếu thiệu Niết Bàn hiển tổ, Cung duy, Tổ Sư Viên Chiếu tháp ma ha Duệ Mẫn Nhã Đạm Sơ Chung pháp huý Hải Cần Tinh Tiến Thiền sư, tông môn chúng đẳng, đạo dẫn chân nguyên, truy tư tổ đức, huyền thạch vi minh, vu dĩ vạn niên như kiến nhĩ.
          Hoàng triều Tự Đức tứ niên, tuế tại Tân Hợi (1851), trọng hạ cát nhật, cẩn đề. (11)
          Tạm dịch:
          BÀI MINH THÁP VIÊN CHIẾU. (Tổ HẢI CẦN.)
          Rằng, Tháp là để bên trong cất giữ xá lợi, bên ngoài thì ghi chép lai lịch của Tổ Sư. Nguyên Tổ Sư, sinh ra ở Nhương Đông, con nhà họ Vũ. Năm 17 tuổi xin vào tu ở chùa Đồng Lư(12). Ngoài 20 tuổi lại trở về trụ trì chùa Văn Hiến(13) làng Lộng Khê(14), tô tượng đúc chuông, hoá duyên rộng rãi trong vùng, công đức lớn lao. Lĩnh hội được y bát chân truyền, có tấm lòng bồ tát. Nhớ công trình chùa to lớn uy nghi từ thời nhà Lý, Tổ Sư ra công tu bổ, sửa sang, trùng tu chùa chiền to đẹp. Trải nhiều năm, Tổ Sư về cõi Niết Bàn.
          Kính lạy Tổ Sư Viên Chiếu tháp ma ha Duệ Mẫn Nhã Đạm Sơ Chung pháp huý Hải Cần Tinh Tiến Thiền sư. Đệ tử trong tông môn, nhớ công lao đức độ của Tổ Sư, dựng đá khắc bia để vạn năm sau vẫn thấy rõ.
          Ngày lành, tháng giữa hạ, năm Tự Đức thứ 4 (1851) cung kính đề bia.

 

          6.4, Tháp số 04:
          Tháp này được xây dựng khi chùa ở xứ Bát Dương – “LÀNG Nghĩa Xá”. Tháp chứa xá lợi của Tổ Giác Trân (覺珍) (quê xã Nhương Đông, sơ tâm tu ở chùa Văn Hiến, sau về chùa Viên Quang, thuộc hàng “tiểu” của các sư hàng chữ “HẢI” - ở đây trực tiếp là Tổ Sư Hải Cần). Tổ Giác Trân sinh năm 1781, viên tịch năm 1849, thọ 69 tuổi, lập bia tháp cùng năm 1851 với Tổ Hải Cần. Tháp này năm 1866 cũng được “thiên di” về chùa Viên Quang – Lục Cơ – Rộc Cả - Nghĩa Xá trại.
          Toàn văn chữ Hán và dịch nghĩa của văn bia tháp này như sau:
          光照塔銘記
夫塔者内藏本師舍利外叙本師顛末。原本師法諱寂韶覺珍號明敏禪師貫瀼東社武家令族也。誕生於辛丑年秋天菊月十九日良辰。第幼孤恃乳迺西向空門叩依文献寺飲酤酥乳迨長成年篤志參禪而落髮出家恩霑祖德衣鉢宗傳恭住持於圓光寺。年登十柒授戒於月光寺三壇具足六度莊嚴達為師而隨緣度世廣行造鑄一一精成舉皆壯麗。既而春秋陸拾有玖於己酉年春月亗貳廿貳日良辰而圓寂也。弟子眾等觸景思人慕恩感德建設火壇迎囬入塔以於億萬年之瞻仰也。玆記銘。
皇朝嗣德肆年歲在辛亥仲夏吉日謹題。
          QUANG CHIẾU THÁP MINH KÝ. (1781 - 1849)
          Phù, Tháp giả nội tàng bản sư xá lợi, ngoại tự bản sư điên mạt. Nguyên bản sư, pháp huý Tịch Thiều Giác Trân, hiệu Minh Mẫn Thiền sư, quán Nhương Đông xã, Vũ gia lệnh tộc dã, Đản sinh ư Tân Sửu niên (1781), thu thiên cúc nguyệt, thập cửu nhật lương thần, đệ ấu cô thị nhũ, nãi tây hướng Không môn, khấu y Văn Hiến tự, ẩm cô tô nhũ, đãi trưởng thành niên, đốc chí tham thiền nhi lạc phát xuất gia, ân triêm Tổ đức, y bát tông truyền, cung trú trì ư Viên Quang tự, Niên đăng thập thất, thụ giới ư Nguyệt Quang tự, tam đàn cụ túc, lục độ trang nghiêm, đạt vi sư nhi tuỳ duyên độ thế, quảng hành tạo chú, nhất nhất tinh thành, cử giai tráng lệ, Ký nhi xuân thu lục thập hữu cửu, ư Kỷ Dậu niên (1849) xuân nguyệt chi nhị, trấp nhị nhật, lương thần nhi viên tịch dã. Đệ tử chúng đẳng, xúc cảnh tư nhân, mộ ân cảm đức, kiến thiết hoả đàn, nghênh hồi nhập tháp, dĩ ư ức vạn niên chi chiêm ngưỡng dã, Tư ký minh.
          Hoàng triều Tự Đức tứ niên, tuế tại Tân Hợi (1851), trọng hạ cát nhật cẩn đề.
          Tạm dịch:
          BÀI MINH THÁP QUANG CHIẾU. Tổ GIÁC TRÂN (1781 - 1849)
          Rằng, Tháp để bên trong thì cất giữ xá lợi, bên ngoài thì ghi chép lai lịch trước sau của Tổ Sư.
Nguyên Tổ Sư, Pháp huý là Tịch Thiều Giác Trân, hiệu là Minh Mẫn Thiền sư, quê quán xã Nhương Đông(15), con nhà họ Vũ. Tổ Sư sinh giờ lành, ngày 19 tháng 9 mùa thu năm Tân Sửu (1781), Tuổi ấu thơ đã có lòng hướng Phật, cứ xin vào ở chùa Văn Hiến, đến khi trưởng thành, quyết tâm xuống tóc quy y cửa Phật, theo thầy là trụ trì chùa Viên Quang. Năm 17 tuổi, thụ tam đàn cụ túc ở giới đàn chùa Nguyệt Quang(16). Tổ Sư tuỳ duyên độ thế, tạc tượng đúc chuông, mọi việc trong chùa đều chu đáo, các công trình đều sáng đẹp. Ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Dậu (1849) Tổ sư viên tịch, thọ 69 tuổi. Chúng đệ tử, trước cảnh nhớ người, thiết lập giàn lửa, rước về nhập tháp để ức vạn năm sau vẫn được ngẩng nhìn. Ghi chép lại như vậy.
          Ngày lành, tháng giữa hạ, năm Tự Đức thứ 4 (1851) cung kính đề bia.

          Xắp xếp tên các ngôi bảo tháp này theo thứ tự: “Bảo QUANG – Tường QUANG – VIÊN chiếu – QUANG chiếu” (và sau này thêm tháp “VIÊN kính” ở dưới đây nữa, ta thấy tên tháp đều có một mối liên hệ chặt chẽ lớp lang thứ tự với tên chùa VIÊN - QUANG.
          Vào khoảng thời gian này (1851) cùng phái Tào Động, ở chùa Cảnh Linh – Trà Lũ Bắc có Tổ sư Giác Đạo Ngạn là bậc cao tăng thạc đức. Tổ chân tu, hay chữ, uyên thâm, am tường đạo pháp, được Nhà vua phong “Tăng Thống Đạo Nguyên Hoà Thượng”. Đệ tử của Tổ sau cũng rất thành đạt, trụ trì các chùa Hoành Nha, Cổ Chất, Thánh Ân (Chùa Cả Nam Định….). Đích thân Tổ soạn rất nhiều Khoa cúng cũng như văn bia Tháp (của mình) và của các Tổ Sư trong vùng (như ở chùa Cảnh Linh Trà Lũ Bắc, chùa Linh Quang Trà Lũ Trung, Chùa Thiên Thọ làng Thọ Vực, Chùa Phổ Quang làng Cổ Chất, minh chuông chùa Linh Quang làng Vạn Lộc…). Ngắm nét chữ, ngẫm văn phong trân bia tháp, bản thân Đỗ Hữu Trác tôi ngờ rằng hai tấm bia tháp Tổ Hải Cần và Tổ Giác Trân - 1851 ở chùa Viên Quang này cũng do Tổ Sư Giác Đạo Ngạn soạn khắc.(?!).

 

          6.5, Tháp số 05:
          Sau khi chùa được di chuyển về Nghĩa Xá trại vào năm 1866, ít năm sau đó chùa do Thiền sư Thích Quang Diệp (1862 - 1929) trụ trì. (Những năm di chuyển 1866 – 1868, chùa không có sư trụ trì, mà có lẽ là do một vị Thiền sư hàng chữ SINH nào đó trong vùng tổng Kiên Lao hoặc Phủ Xuân Trường kiêm quản).
          Tổ Quang Diệp (
), họ Lại, sinh năm 1862 – Nhâm Tuất ở đất Phương Trung (tức là Quần Phương Trung thuộc Quần Phương Hải Hậu), sơ tâm tu ở chùa Quảng Phúc – Ngọc Giang (chưa rõ hiện là chùa, xã nào?!), sau thụ giới Thanh Văn ở chùa Cảnh Linh Trà Lũ Bắc (xã Xuân Bắc – Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định), có công chủ trì cùng quan viên hương mục làng Nghĩa Xá hoàn thiện chùa Viên Quang những năm 1886 – 1889. Tổ Quang Diệp này cùng hàng với Tổ Quang Minh (Chùa Hoành Nha – Chùa Trà Lũ Bắc 1860 - 1944), Tổ Quang Tuyên (Chùa Cổ Lễ - Chùa Thiên Linh Thượng Phúc (Xuân Thượng – Xuân Trường)),…
          Toàn văn chữ Hán và dịch nghĩa của văn bia tháp này như sau:
圓鏡塔
蓋聞寳塔乃阿育王設。外敘顛末而内藏舍利者。所以廣將來之省覺也。原本師法諱光烨號闡朗禪師嚴身菩薩。壬戌挺生誕質芳中頼氏。了無安之火宅知可托之禪扃遂投義舍名藍依師削髮。体異常人。庚辰年就玉江廣福。禀勤策勵而收攝威儀。甲申年依茶北景靈。進聲聞而堅持戒行。金石無違。六通可比。幾度登程貨水。順流寳筏榮還。累蕃量力施功。前殿後堂壯麗。金身色相。仙宮石塔總裝成。大覺香爐。鼎噐鼓鳴皆銅鑄。其如安祿遼海遵陸諸寺之功緣。普多何記。及消長隨時。死生有命。於己巳年十二月二十四日酉牌直往西遊夀七十八歲。嗚呼。悲心慟。其樹欲静而風不停。堂春愛而師扎府。是為銘。
皇保大丁丑年二月吉日謹題。

          VIÊN KÍNH THÁP. (1862 - 1929)
          Cái văn, Bảo tháp nãi A Dục Vương thiết, ngoại tự điên mạt nhi nội tàng xá lợi giả, sở dĩ quảng tương lai chi tỉnh giác dã, Nguyên bản sư pháp huý Quang Diệp hiệu Xiển Lãng thiền sư nghiêm thân bồ tát, Nhâm Tuất (1862) đĩnh sinh, đản chất Phương Trung Lại thị, liễu vô an chi hoả trạch, tri khả thác chi thiền quynh, toại đầu Nghĩa Xá danh lam, y sư tước phát, thể dị thường nhân, Canh Thìn niên (1880) tựu Ngọc Giang Quảng Phúc, bẩm cần sách động nhi thu nhiếp uy nghi, Giáp Thân niên (1884) y Trà Bắc Cảnh Linh, tiến Thanh Văn nhi kiên trì giới hạnh, Kim thạch vô vi, lục thông khả tỉ, Kỷ độ đăng trình hoá thuỷ, thuận lưu bảo phiệt vinh hoàn, luỹ phiên lượng lực thi công, tiền điện hậu đường tráng lệ, Kim thân sắc tướng, Tiên cung thạch tháp tổng trang thành, Đại giác hương lư, Đỉnh khí cổ minh giai đồng chú, Kỳ như An Lộc, Liêu Hải, Tuân Lục chư tự chi công duyên, phổ đa hà ký, Cập tiêu trưởng tuỳ thời, tử sinh hữu mệnh, Ư Kỷ Tỵ (1929) niên, thập nhị nguyệt, nhị thập tứ nhật, Dậu bài, trực vãng Tây du, thọ thất thập bát tuế, Ô hô, bi tâm đỗng, kỳ thụ dục tĩnh nhi phong bất đình, đương xuân ái nhi sư trát phủ, thị vi minh.
Hoàng Bảo Đại Đinh Sửu niên (1937), nhị nguyệt, cát nhật, cẩn đề.
          Tạm dịch:
          THÁP VIÊN KÍNH. Tổ Quang Diệp (1862 - 1929)
          Thường nghe, Tháp báu do Vua A Dục(17) xây, bên ngoài thì ghi chép lai lịch đầu cuối gốc ngọn, bên trong thì cất giữ xá lợi, để cho người đời sau biết.
          Nguyên Tổ Sư, Pháp huý là Quang Diệp, hiệu là Xiển Lãng thiền sư nghiêm thân bồ tát. Tổ sinh năm Nhâm Tuất (1862) trong gia đình họ Vũ đất Phương Trung, Sớm biết cuộc đời là bể khổ, chả bằng sớm tới cửa Thiền, bèn xin vào chùa thiêng Nghĩa Xá, cắt tóc theo thầy. Năm Canh Thìn (1880) tới ở chùa Quảng Phúc Ngọc Giang học hành tu luyện chăm chỉ. Năm Giáp Thân (1884) tới ở chùa Cảnh Linh xã Trà Lũ Bắc(18), thụ giới Thanh Văn, kinh kệ làu thông, kiên trì giới hạnh. Tu bổ chùa chiền tráng lệ, hậu cung tiền điện sáng tươi, tô tượng trang nghiêm, ngời ngời sắc tướng. Lư hương chiêng trống đều dùng đồng quý đúc thành. Ở các chùa An Lộc, Liêu Hải, Tuân Lục đều có các công trình mang dấu ấn công đức hoá duyên của Người. Nhưng tươi héo tuỳ thời, sống chết có mệnh. Giờ Dậu, ngày 24 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1929), Tổ quy Tây, thọ 78 tuổi(19).
Ôi ! Thương thay ! Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng, Đương tiết Xuân mà sao Thầy bỗng hoá ! Ghi chép lại như vậy.
          Ngày lành, tháng 2 năm Đinh Sửu (1937) thời Bảo Đại, cung kính đề bia.
          P/S: Các chùa An Lộc, Liêu Hải, Tuân Lục chưa rõ là ở địa phương cụ thể nào, có người nói là ở huyện Nghĩa Hưng.
          Ngoài ra, ở chùa Viên Quang hiện có một tháp không tên, không bia, trên trán có 3 chữ “Chiêm Khởi Kính =
占起敬 = Ngắm nhìn mà sinh lòng kính trọng”, trong lòng tháp có đài hương và tiểu bảo tháp gốm tượng trưng, ngoài cửa có câu đối:

(英氣鍾光岳//苑樓立古今
     Anh khí chung quang nhạc/Uyển lầu lập cổ kim
     Tạm dịch:
     Khí thiêng từ sông núi

          Lầu báu đứng xưa nay)
          Tháp này chúng tôi nghĩ rằng nó như “kỳ đài” ở nghĩa trang, là tháp tượng trưng (không có cốt) cho khu vườn tháp của nhà chùa. Tháp này chắc chắn là được xây dựng vào dịp chuyển chùa từ LÀNG về TRẠI những năm 1866….

 

          7. Khoa cúng Tổ chùa Viên Quang:

          Thời cận hiện đại (từ cuối thế kỷ 18), chùa Viên Quang có các Tổ Sư trụ trì, hoằng hoá sớm hơn so với các chùa lân cận. Có thể đã từng có ở chùa Viên Quang nhiều biệt khoa cúng Tổ Hải Cần, Tổ Giác Trân…nhưng nay đã thất lạc đâu đó. Hiện chỉ thấy còn lưu hành ở chùa Biệt khoa cúng Tổ Quang Diệp (1862 – 1929). (Nam mô bản sư Viên Kính tháp ma ha tì kheo pháp tự Quang Diệp hiệu Xiển Lãng thiền sư nghiêm thân bồ tát). Khoa này chưa rõ là do ai soạn, soạn vào năm nào(!?).
          Bổ thỉnh các vị Thiền sư:
          1 - Nam mô Tôn sư Trường Minh tháp ma ha tì kheo pháp tự Quang Đức Anh Hoa thiền sư nhục thân bồ tát (Hệ xuất Lã gia, Nhân tòng Cù thị, Tỉnh cư Nam Định, Phủ thuộc Xuân Trường, Hải Hậu huyện danh, Quần Phương tổng hiệu),
          2 - Nam mô Đồng Danh tháp ma ha tì kheo pháp danh tự Thanh Trạc Thích Minh Huy thiền sư nhục thân bồ tát thiền toạ hạ, (Kỵ ngày 17 tháng 6),
          3 - Nam mô Hoằng Nghĩa tháp ma ha sa môn tì kheo giới Nguyễn tộc tính pháp huý Thích Thanh Tịnh tự Chân Tính giác linh,
          Trong Khoa này không hề có thỉnh đến các Tổ Hải Cần, Giác Trân. Chỉ gần đây, có thầy pháp người làng Nghĩa Xá đã bổ thỉnh hai Tổ này (bằng nét chữ bút bi) mà cũng không đúng thứ tự trước sau.
          Ngoài các Tổ sư có Tháp tại chùa hoặc có tên hiệu trong đường thỉnh Khoa cúng, ở chùa Viên Quang thời giữa thế kỷ 19 (Những năm 1845 – 1866) có một vị sư pháp tự “ĐẠO Minh” (Hàng chữ ĐẠO trong truyền thừa Tào Động, ngang hàng với các Tổ Đạo Cẩn, Đạo Thịnh, Đạo Lưu (Chùa Thiên Thọ - Thọ Vực), Đạo Ngạn (Chùa Cảnh Linh – Trà Lũ Bắc)). Tên Tổ Đạo Minh này được nói đến trong tấm bia công đức ghi việc ông bà Hoàng Nghĩa Nhu – Đỗ Thị Yển tiến cúng tiền tu bổ, chế tác đồ thờ cúng ở chùa năm 1854.

 

          8. Kiệu Thánh chùa Viên Quang:

          Cũng như nhiều ngôi chùa, miếu cổ khác, chùa Viên Quang chắc chắn cũng có các cỗ kiệu thờ cúng ngày thường, rước diễu trong lễ hội. Nhất là chùa Viên Quang lại đã từng là một trong số ít “Quốc Tự” - “chùa cấp quốc gia”. Thời Lê Trung hưng, khi tu bổ khám thờ, cung thờ và các cấu kiện gỗ những năm 1590 – 1610 ở xứ Bát Dương, chắc người xưa cũng đã có chế tạc các cỗ kiệu thờ, tương ứng với các Thánh Tổ, quốc sư, đại pháp sư được sắc phong, có bài vị thờ ở chùa. Đến giữ thế kỷ 19, trải qua hơn 200 năm mưa gió, thời gian, các cỗ kiệu này (và nhiều đồ thờ tự khác nữa) đã hư hoại mất nhiều. Truyền rằng, ở chùa Viên Quang xưa có 4 cỗ kiệu.
          Trải thời gian hơn 200 năm, khung, viền, ngai, lan can…kiệu bị hư mục, gẫy hỏng. Năm 1854 (Tự Đức 7), có viên thư lại (nhân viên văn phòng) Phủ Xuân Trường tên Hoàng Nghĩa Nhu, quê quán thôn Hoàng Nghĩa, tổng Hưng Long, Phủ Anh Sơn, Tỉnh Nghệ An cùng vợ là Đỗ thị Yển, quê quán xã La Ngạn, tổng Vỉ Nhuế, huyện Đại An, Phủ Nghĩa Hưng, đã công đức tiến cúng tiền của chế tác 3 cỗ kiệu rồng, trùng tu sửa sang một toà thập điện, 8 toà Kim Cương, 2 toà Hộ Pháp, đồng thời chế mới 4 bức y môn, mộc bản, tổng chi phí ước chừng hơn một ngàn quan tiền.
          Hơn trăm năm sau, vào nửa sau thế kỷ 20, các cỗ kiệu chế cúng thời 1854 cũng đã hư hỏng, gẫy nát. Đòn kiệu được tháo gác bảo quản trên áp mái hành lang chùa (ảnh kèm theo), nhà chùa và dân làng đã chế mới 3 cỗ kiệu khác. (Hiện vẫn đang để thờ ở chùa và diễu rước mỗi khi có lễ hội).
          Ngoài ba cỗ kiệu này, xưa ở chùa còn có 1 cỗ kiệu “bát cống” nữa mà nay nó đã bị lưu lạc đi đâu chưa rõ, có thể là là do quá trình giao lưu, mượn dùng rước diễu kiệu thờ giữa các địa phương lân cận thời giữa, cuối TK 20 mà nên nỗi. Việc này cần có sự tìm hiểu và khảo cứu tiếp.
          Trong dân gian địa phương có lưu truyền một câu chuyện rằng “Mỗi khi lễ hội, chùa chỉ rước 3 kiệu, năm nào mà vô tình rước 4 kiệu thì năm đó làng sẽ có….hoả hoạn. Thực hư chuyện này thế nào thì chưa có kiểm chứng.
          Lại có dư luận nữa là: Khi xưa có một vị đồng đạo của tam Thánh (Không Lộ - Giác Hải – Từ Đạo Hạnh) cùng đi Tây Thiên cầu đạo, giữa đường vị đồng đạo đó ốm, mất ở chỗ “Phố Cháy” (!?). Nên về sau này chùa Nghĩa Xá còn thờ cả vị “Thánh Cháy” ấy nữa là 4 kiệu. Năm nào mà rước cả kiệu “Thánh Cháy” thì sẽ có hoả hoạn. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng “dư luận” này là không có cơ sở (Vì vị ấy chưa học đắc đạo thì sao tôn xưng là Thánh được).
          Rất có thể là, do mấy chục năm gần đây “cỗ kiệu thứ 4” bị “lưu lạc” chưa rõ tung tích, nên phát sinh “dư luận” như vậy !?.

9. Chuông khánh chùa Viên Quang: m
10. Câu đối hoành phi chùa Viên Quang: m
11. Ván khắc ở chùa Viên Quang: m
12. Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn: m
13. Truyền đăng chùa Viên Quang: m (Sư Đạo Minh thời 1854 ?)
14. Chùa Viên Quang xuống cấp: m

-------------

CHÚ THÍCH:
            (1). - Vùng đất miền thượng Xuân Trường – Trà Lũ – Ngọc Cục – Thượng Miêu – Hoành Vực - Hoành Quán – Nhật Hy…mới được đắp đê bao cuối thời Trần, đầu thời Lê. Trước đó vùng này cũng là những gò bãi lập lờ cửa sông, ven biển. Năm 1970 bản thân tôi đã chứng kiến rất nhiều “xác” sú vẹt khi “lộn vườn” để trồng chè, chuối ở xóm Khẩu Tam – Trà Lũ Bắc. Điều đó chứng tỏ rằng, trước TK 15, vùng đó là bãi biển, có rừng ngập mặn và thuỷ triều lên xuống. Nay nếu đào khảo lại vùng đất đó, chắc cũng sẽ gặp rất nhiều xác sú vẹt và vỏ sò bãi biển xưa !
            (2). - Xưa ở các điếm canh đê, mùa lũ thường có cắm một cây tre trên đó treo 1,2,3 cái sọt (bồ nhỏ) tương ứng với các mức báo động cấp lũ 1,2,3. Có lẽ những sọt này tượng trung cho đồ dùng chứa, vận chuyển và đắp, hàn khẩu đê bị sạt lở và….vỡ.
            (3). - Ví dụ chùa Keo Thái Bình dó Bà Lại thị Ngọc Lễ quyên cúng và tài trợ chính, chùa Thiên Linh do một số quan võ người làng tiến cúng di dời, tu bổ,
            (4). - Theo sách Hành Thiện xã chí của Đặng Xuân Viện.
            (5). - Sách Trà Lũ Xã Chí của Cử nhân Lê Văn Nhưng, khắc in năm 1916. Tôi đã dịch và xuất bản song ngữ năm 2019 qua Nhà xuất bản Tôn Giáo.
            (6). - Bia hiện lưu giữ ở chùa Kim Sa. Bia do Tú tài người làng Liêu Đông – Phạm Thức soạn, Thiền sư Đào Kế - Thích Phổ Liên khắc.
            (7). - Những điều này là tôi dẫn từ nội dung tấm bia 1886 – 1889 hiện lưu ở chùa và bài “Hộ Xá Viên Quang tự phổ khuyến văn” – di cảo của Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn (Hiện lưu ở Thư viện Quốc Gia).
            (8). - Những điều này là tôi dẫn từ nội dung tấm bia 1886 – 1889 hiện lưu ở chùa và bài “Hộ Xá Viên Quang tự phổ khuyến văn” – di cảo của Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn (Hiện lưu ở Thư viện Quốc Gia).
            (9). - Theo nội dung tấm bia 1886 – 1889 ở chùa.
            (10). - Thực tế, hiện nay ở chùa chỉ còn có 3 cỗ kiệu, còn một cỗ (kiệu bát cống, khác hẳn với 3 cỗ còn lại) theo các già làng địa phương, đã bị….lưu lạc đâu đó cách nay mấy chục năm.
            (11). - Cũng khoảng thời gian ấy, ở thôn Thứ Nhất xã Tân Thịnh cũng có một ngôi miếu lớn, nguy cơ bị lụt sạt xuống sông, bèn bán “nguyên căn” bao gồm đầy đủ gỗ lạt gạch ngói….cho dân xã Lãng Lăng – Xuân Trường – Nam Định tháo dỡ về để tu bổ, xây dựng tiền đường chùa Kim Sa – Lãng Lăng (Việc này ghi chép rất rõ ở bia dựng ngày 24 tháng 10 năm 1857 do đích thân Tổ sư Phổ Liên – Hư Tâm Khất Sĩ – Trần Đào Kế - Sư chùa Liêu Đông khắc).
            (12). - Nay thuộc xã Tân Thịnh huyện nam Trực, tỉnh Nam Định.
            (13). - Nay thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
            (14). - Nay thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
            (15). - Nay phần chính là thôn Tương Đông, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thời trước, thôn Nhương Đông (
瀼東) này nằm bên hữu ngạn sông Hồng, gần chùa Viên Quang, sau đoạn sông này (chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam) lụt lở hữu ngạn, bồi bên tả ngạn, dân làng Nhương Đông di một phần chính qua bên tả, lập ra làng “NHƯƠNG Đông” (sau cải thành “TƯƠNG Đông” (湘東)), một phần nhỏ còn lại di dịch vào xa mép nước, lùi xuống hạ du, lập thành thôn “NHƯƠNG Nam” (Sau cải thành “TƯƠNG Nam” (湘南). Tương Nam là phần đất nằm ven đê hữu ngạn sông Hồng, ven đường cái quan, phía thượng du của Thị trấn Cổ Lễ. TƯƠNG NAM một thời đã là nơi đóng lỵ sở của Phủ Xuân Trường, Nay chỗ này thuộc địa phận xã Nam Thanh huyện Nam Trực.
            (16). - Chùa Nguyệt Quang tại thôn Thạch Cầu xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, Tỉnh Nam Định.
            (17). Vua A Dục: Một vị Vua dữ trong lịch sử Ấn Độ, sau ông quy y Tam Bảo và đã lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Phật Thích-ca Mâu-ni (qua các tháp) và theo truyền thống Phật giáo, tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo.
            (18). – Chùa Cảnh Linh ở thôn Bắc Xã Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ, Phủ Xuân Trường (Nay là Xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định)
            (19). - Chỗ này tác giả soạn văn bia có sự nhầm lẫn khi xác định Thiền sư Quang Diệp thọ 78 tuổi – thay vì đúng phải là 68 : (1862 – 1929).

 

          ĐỖ TRÁC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét