Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

BÀI PHÁT BIỂU NGẪU HỨNG TRONG HỘI THẢO KHOA HỌC “BIÊN SOẠN CUỐN ĐỊA DANH NAM ĐỊNH” CỦA BỘ MÔN NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH NAM ĐỊNH NGÀY 21 – 4 – 2023…

 


 

       Lý do đăng bài:

 

       Nhà văn “Ngày Mới” bảo: “Chị ở ngoài thấy chú khua chân múa tay mà không nghe rõ chú nói gì? Chú phát biểu gì mà gân cả cổ vậy?” Cụ Chu văn sĩ cũng hỏi: “Nghe nói chú mới phát biểu trong hội thảo biên soạn sách Địa danh Nam Định gay gắt lắm. Chú nói gì vậy?”

       Bà nhà văn điếc đặc, có trả lời bà cũng chả nghe tỏ. Cụ nhà văn thì nói mấy lời không hết ý, hiểu bập bõm, rồi tam sao thất bản lại sinh chuyện. Thôi thì viết thành bài đăng lên mạng cho tỏ ý mình, tránh hiểu lầm.

 

       RÀO ĐÓN MÀO ĐẦU

 

       Kính thưa các cụ có mặt trong hội thảo hôm nay. Bài phát biểu của tôi không có ý chê, cũng không khen Ban thực hiện đề tài. (Đã có sản phẩm “Địa danh Nam Định” đâu mà khen chê!). Tôi chỉ muốn nói một số suy nghĩ về đề tài này.

 

       SUY NGHĨ VỀ ĐỀ TÀI

 

       * Thứ nhất, tôi bổ sung một điểm nhỏ trong bản tham luận của Ban thực hiện đề tài, về đặc điểm làng xã Nam Định. Báo cáo dẫn chứng làng Trà Lũ (quê tôi) có đặc điểm: Nhất xã tam thôn, nay chia thành ba xã…

       Nói như vậy chưa đủ. Có thời Trà Lũ nhất xã tứ thôn, nhất trại. Hiện nay địa bàn Trà Lũ thuộc bốn xã (chứ không phải ba). Ngoài ba xã thành lập trên cơ sở ba thôn là Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương, còn có xã Nam Điền nay thuộc xã Xuân Nam. Nam Điền vốn là trại thuộc thôn Trà Lũ Trung dành cho gia đình vợ con lính sinh sống. Sau dân đông, trù phú thì tách ra lập xã riêng (1890).

       Một thời gian Trà Lũ có bốn thôn (từ năm Thành Thái thứ nhất), trong đó thôn Đoài có đặc điểm riêng, tôi coi là đặc điểm độc đáo. Nó độc đáo ở chỗ, thôn do chính quyền nhà nước thành lập, tức nó là địa danh hành chính. Nó là địa danh nhưng lại không có địa bàn quản lý. Cư dân thôn Đoài là dân theo đạo Thiên chúa sống xen kẽ trên địa bàn của các thôn còn lại (Đông, Bắc, Trung). Nó độc đáo còn ở chỗ: Nó vừa là tổ chức hành chính nhà nước, vừa là tổ chức tự quản của dân theo đạo Thiên Chúa. Mô hình nhất xã nhị thôn, tam thôn thì miền Bắc tỉnh nào chả có. Nhưng mấy nơi có thôn giống như thôn Đoài của Trà Lũ?(1)

       Trà lũ từng là Đại đồn của cuộc khởi nghĩa Phan Ba Vành (1821 – 1827). Trà Lũ cũng là một trong rất ít địa điểm đầu tiên mà giáo sĩ Thiên Chúa giáo phương Tây đặt chân đến truyền đạo ở nước ta.(2) Hiện ở xã Xuân Phương có nhà thờ Phú Nhai to nhất Đông Dương… Như vậy Trà lũ không chỉ là địa danh hành chính, mà còn là địa danh lịch sử, địa danh văn hóa.

 

       * Thứ hai, về giới hạn đề tài: Tên cuốn sách sẽ biên soạn là “Địa danh Nam Định” đã hàm ý về giới hạn nội dung của đề tài. Tất cả các địa danh thuộc Nam Định hoặc liên quan đến Nam Định đều nằm trong phạm trù của nội dung đề tài này. Có rất nhiều loại địa danh: Địa danh hành chính, địa danh văn hóa, địa danh lịch sử, địa danh thương nghiệp, địa danh quân sự, địa danh giao thông, địa danh tự nhiên, địa danh dân gian v.v… Nhiều địa danh vừa là địa danh hành chính, lại vừa là địa danh lịch sử, vừa là địa danh văn hóa… Tức là nội dung đề tài rất rộng. Nghiên cứu hết các địa danh, phân loại địa danh, bố cục và lập các bảng tra địa danh… là việc tốn nhiều thời gian, sức lực và chất xám. Cứ thực hiện nghiên cứu sưu tầm địa danh trong giới hạn đề tài cũng đã là việc không đơn giản. Vấn đề địa linh nhân kiệt, nhân vật tiêu biểu đất học đất văn… nằm ngoài giới hạn nội dung đề tài. Hiện đã có nhiều tác phẩm chuyên sâu về nhân vật Nam Định như Danh nhân văn hóa Nam Định, Danh nhân Nam Định được giải thưởng Hồ Chí Minh, Các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến… hoặc tác phẩm bao gồm nhiều nhân vật như Tác giả Hán Nôm Nam Định, Đông A nhân kiệt, Thư mục nhân vật Nam Định, Danh tướng thời Trần,…?(3) Trong đề tài Địa danh Nam Định chỉ cần đề cập đến nhân vật nào mà có địa danh mang tên nhân vật đó, trình bày vào từng mục địa danh cụ thể, không cần đưa thành một chương riêng.

       Cần phải xác định giới hạn về không gian và thời gian đề tài nữa. Địa danh luôn biến động thay đổi theo thời gian. Ranh giới địa danh cũng biến động theo lịch sử qua việc chia tách sát nhập. Nếu không xác định giới hạn đề tài về không gian và thời gian sẽ không xác định rõ mức độ nghiên cứu đối với địa danh hiện còn trong địa bàn Nam Định và địa danh đã cắt chuyển về tỉnh khác…

       Thực tiễn một số cuốn sách có cùng chủ đề như các sách Từ điển địa danh chuyên đề, Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19 thuộc các tỉnh từ Thanh Nghệ Tĩnh trở ra, Từ điển Địa danh văn hóa lịch sử Việt Nam(4)… cũng chỉ giới hạn nội dung đề tài là địa danh văn hóa, địa danh hành chính, địa danh Lịch sử hoặc bao gồm hai đến ba loại địa danh mà thôi.

       Tên sách thường bao hàm giới hạn nội dung. Tên sách vẫn giữ là Địa danh Nam Định thì nên nêu rõ giới hạn nội dung, không gian và thời gian đề tài trong lời nói đầu. Đặc biệt giới hạn nội dung đề tài chỉ trong một vài loại địa danh như địa danh hành chính, địa danh văn hóa, địa danh lịch sử… để giảm bớt phức tạp, tạo thuận lợi cho các tác giả.

 

       * Thứ ba, thực chất Công trình Nghiên cứu Biên soạn cuốn sách Địa danh Nam Định chỉ là sưu tầm biên soạn. Bởi địa danh là thực tế khách quan không phụ thuộc chủ quan của ban thực hiện đề tài. Các tài liệu tham khảo là yếu tố tiên quyết sự thành công của đề tài. Chúng ta buộc phải sưu tầm tư liệu trong các văn bản của nhà nước, của chính quyền địa phương, các sách, tài liệu của những người đi trước, trong các chuyến đi điền giã… Tài liệu tham khảo càng nhiều, càng đầy đủ thì công trình càng có uy tín. Trong phần chủ thuyết cần có một mục khảo sát đánh giá, tiếp thu kế thừa các tài liệu tham khảo.

 

       * Thứ tư, về văn phong: Đây là cuốn sách thuộc lĩnh vực địa chí. Văn phong địa chí phải rõ ràng dễ hiểu, ngắn gọn, coi trọng lượng thông tin. Lượng thông tin phải có cơ sở. Càng trần thuật đúng thực tế khách quan càng tốt. Không đưa vào sách suy nghĩ chủ quan của tác giả như ca ngợi đảng chính quyền. Không mô tả dài dòng nhiều lời ít thông tin. Không chấp nhận hư cấu bịa đặt…   

 

       * Thứ năm, trong thực tế mấy chục năm làm công tác phục vụ bạn đọc về vấn đề địa danh, tôi gặp rất nhiều câu hỏi phải trả lời, nhưng không có câu hỏi nào có tính chất nghiên cứu, mà đều là những câu hỏi phổ thông như: Xã A thuộc huyện B xưa, nay ở đâu? Nam Định có thôn B không, nay thuộc nơi nào? Xã N có bao nhiêu tên gọi qua các thời kỳ lịch sử? Tổng M xưa, nay gồm địa bàn các xã nào?...

       Bạn đọc phổ thông cần những câu trả lời ngắn gọn, chính xác, đi thẳng vào yêu cầu câu hỏi. Tôi nghĩ cuốn sách Địa danh Nam Định cần chú trọng phục vụ thiết thực bạn đọc phổ thông, bằng các bảng tra chỉ thẳng tới kết quả tìm kiếm. Ví dụ: Cuốn Tên làng xã Việt Nam thế kỷ 19 từ Thanh Nghệ Tĩnh trở ra, phần dẫn giải chủ thuyết, nghiên cứu chỉ chiếm một phần, phần bảng tra cứu chiếm bốn phần  số trang của sách…

       Để đạt mục đích kinh phí, có thể nêu nhiều vấn đề trong công trình nghiên cứu để tăng độ dày. Nhưng khi in thành sách thì cần phải chọn lọc kỹ.

 

       * Cuối cùng, tôi bày tỏ niềm tin anh Hoàng Dương Chương và Ban thực hiện đề tài nhất định sẽ thành công trong công trình nghiên cứu này, nhất định sách Địa danh Nam Định sẽ ra mắt bạn đọc trong tương lai gần.

       Cơ sở niềm tin của tôi: Nhiều chục năm tôi và anh Hoàng Dương Chương cùng công tác ở Thư viện tỉnh Nam Định. Tôi là Trưởng phòng Thư mục, Địa chí và Phong trào Thư viện cơ sở. Anh Hoàng Dương Chương là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định.

Riêng công tác địa chí có ba vấn đề cơ bản: Nhân vật, Sự kiện, Địa danh. Tôi chuyên trách về mảng Nhân vật. Phạm Văn Huyên (cán bộ cùng phòng tôi) chuyên sâu về mảng Sự kiện. Anh Hoàng Dương Chương đặc trách mảng Địa danh. Dưới sự dẫn dắt của anh Hoàng Dương Chương, tôi và Phạm Văn Huyên đều đã có sản phẩm được in thành sách. Anh Hoàng Dương Chương từng là đồng tác giả với Ngô Tiến Vạnh (chủ biên) cuốn Thành Nam địa danh và giai thoại (Nxb. Văn hóa Dân tộc, 2012). Anh còn làm chủ đề tài nghiên cứu cấp tỉnh chủ đề về địa danh đã được nghiệm thu xuất sắc. Đó là đề tài “Quá trình thay đổi địa danh hành chính làng xã tỉnh Nam Định thế kỷ 19 – thế kỷ 20”. Tôi có tham gia nghiên cứu hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy góp với đề tài này. Tôi được biết anh Hoàng Dương Chương đã biên soạn kết quả đề tài thành bản thảo khá hoàn chỉnh, nhưng có lẽ không có kinh phí nên sách chưa ra đời được. Đến nay, anh Hoàng Dương Chương lại làm chủ đề tài Biên soạn cuốn Địa danh Nam Định… Với bộ não hiếm có chứa đựng nhiều thông tin về mảng Địa danh Nam Định của anh Hoàng Dương Chương, tôi tin tưởng anh nhất định sẽ thành công là vì lẽ đó.

 

       Tệ xá 13/398 đường Trường Chinh, tp. Nam Định

                     Ngày 23-4-2023.

                           TMG

-------------------

 

Chú thích:

(1) Xem “Trà Lũ xã chí” / Lê Văn Nhưng. – Sách chữ Hán. – 1916. – Bản dịch Thư viện tỉnh Nam Định. -  Mục Phân thôn, Phân trại. Xem thêm bản dịch Trà Lũ xã chí của Đỗ Hữu Trác, nxb Tôn giáo, 2019. - tr. 25 – 27.

(2) Năm 1533 một số giáo sĩ Công giáo vào truyền đạo ở miền Bắc Việt Nam. Điểm đến đầu tiên của họ là Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường (đều thuộc Nam Định ngày nay). Xem Trà Lũ xã chí (Sách đã dẫn), mục Thiên Chúa giáo.

(3)     - Danh nhân văn hóa Nam Định / Nhiều tác giả. – Nam Định: Sở Văn hóa Thông tin Nam Định, 2000. – T. 1.

          - Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được giải thưởng Hồ Chí Minh / Nhiều tác giả. – Nam Định : Sở Văn hóa Thông tin Nam Định, 2001.

- Các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến / Trần Mỹ Giống. – H.: Quân đội Nhân dân, 2017.

- Tác giả Hán Nôm Nam Định / Trần Mỹ Giống. – Nam Định : Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định, 2009.

- Đông A nhân kiệt / Hoàng Dương Chương, Trịnh Thị Nga. – H.: Quân đội nhân dân, 2010, - In lần thứ 2.

- Thư mục nhân vật Nam Định / Trần Mỹ Giống. – Nam Định : Thư viện tỉnh Nam Định, 2010.

- Danh tướng thời Trần / Nhiều tác giả. – H.: Thanh niên, 2020.

(4)     - Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19 thuộc các tỉnh từ Thanh Nghệ Tĩnh trở ra / Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn (Viện nghiên cứu Hán Nôm). – H.: Khoa học xã hội, 1981.

          - Từ Điển Địa Danh Văn Hóa Lịch Sử Việt Nam / Nguyễn Như Ý chủ biên. – H.: Giáo Dục, 2013.

          v.v…

 

      

        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét