Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường tập tọe làm thơ, chúng tôi thành khẩn thú nhận từng là đệ tử của trường thơ “tân con cóc” do thi sĩ Xuân Diệu làm chủ soái. Vì sao một thi hào từng có hai tập thơ lớn: “Thơ, thơ” và “Gửi hương cho gió” trước 1945 nay lại lập ra trường phái thi ca không giống ai thế?
Từ
bỏ dòng thơ lãng mạn, Xuân Diệu đi theo cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc kháng
chiến, được đảng cộng sản cải tạo thành con người mới, nên ông đã phải từ bỏ
hai tập thơ lớn trên để được công nông hóa, giai cấp hóa, để được vào đảng. Hồi
đầu kháng chiến, nhà văn Nguyễn Tuân, sám hối đến mức treo các tập tùy bút tuyệt
vời của mình viết trước năm 1945 lên cây như treo một con dê cỏn (chữ của Hồ
Xuân Hương) lên cành cây rồi dùng roi quất nát bét tác phẩm của mình để đẹp
lòng đảng mà hóa thành người vô học, là con người lý tưởng của thời bần cố nông
cai trị treo khẩu hiệu diệt trí thức.
Năm
1961 là năm “đỉnh cao muôn trượng” (Tố Hữu), trên ghế nhà trường, chúng tôi được
học lý luận văn học rằng: nền văn học của chúng ta là nền văn học hiện thực xã
hội chủ nghĩa, một nền văn học TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ BI KỊCH. Học trò không hiểu hỏi
thầy: thưa, không bi kịch là sao ạ? Là không có nỗi buồn, không có nỗi đau,
không có nhớ nhung sướt mướt như bọn tư bản hèn hạ… Thế văn học cổ của ta như
thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du toàn nỗi buồn thì có phải là văn học không? Không, cần
phải xóa bỏ thứ văn học buồn thảm của giai cấp phong kiến tư sản. Rồi thầy kể,
rằng thầy được nghe chính ông Hà Huy Giáp thứ trưởng bộ văn hóa, người đưa ra
lý thuyết văn học xã hội chủ nghĩa không có bi kịch giảng tại Ty Giáo dục rằng
bên Liên Xô, đàn bà vừa đẻ vừa cười tươi như hoa, có bà vừa đẻ vừa cầm ảnh Lê
Nin, vừa đẻ vừa hát bài “Chiều Matxcova” sướng muốn chết. Rằng các nhà khai
sáng chủ nghĩa cộng sản muốn xóa bỏ bi kịch trên trái đất, con người chỉ còn biết
cười hềnh hệch từ sáng đến tối…
Sau vụ đánh bọn phản động nhân văn giai phẩm, rồi
đến vụ dẹp bỏ tàn dư của bọn nhân văn như “Mùa hoa dẻ” (Văn Linh), “Cái gốc” (Nguyễn
Thành Long), “Sắp cưới” (Vũ Bão”, “Vào đời” (Hà Minh Tuân)… không khí văn học
miền Bắc lúc đó tiêu điều, xơ xác. Các nhà văn dúm dó lại, cúi mặt xuống (trừ
cánh văn vẻ lề phải vác mặt lên hãnh tiến như vừa được chén mỗi người nguyên xi
một bộ lòng lợn vậy), không khí văn đàn và văn nhân xao xác như gà gặp cáo.
Giữa
lúc ấy Xuân Diệu xuất hiện với lý thuyết thơ: “Chân, chân, chân, thật, thật, thật”.
Ông giải thích, đây là cách ông rút ngắn lý thuyết văn học hiện thực xã hội chủ
nghĩa; rằng cứ làm thơ như sao chụp con người mới đã là hay rồi, không cần tưởng
tượng hư cấu bép xép… Nghĩa là thấy sao viết vậy, viết bằng ngôn ngữ thường
ngày của nhân dân, không được bôi đen, có tô hồng chút đỉnh càng tốt. Tính lãng
mạn cách mạng trong xu hướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là ở chỗ ta cần
phản ánh hiện thực theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, tức là có nói quá lên một tí
về sự hạnh phúc ngất ngây của chủ nghĩa cộng sản hệt thiên đường ngay trong hiện
thực còn mồ hôi nước mắt vẫn cứ là tốt nhất. Sẽ đến lúc đảng đưa ta đến thiên
đường tuyệt đối không còn mồ hôi, không còn nước mắt. Đả đảo bọn mồ hôi, đả đảo
bọn nước mắt. Nụ cười và tiếng hát muôn năm…
Đoạn,
Xuân Diệu mang câu thơ ông mới viết: “Con đỉa bò qua mô đất chết” mà ông cho là
câu thơ hay nhất của đời mình ra làm tiêu chí lập nên trường phái thơ “tân con
cóc” của mình. Ông giải thích, một lần ông đi chống hạn với nông dân, đi qua đường,
ông thấy một con đỉa trâu nằm vắt ngang một mô đất vừa chết. Ông bèn nghĩ, ta
phải làm bài thơ về bọn Mỹ Diệm trong miền Nam, nhất định chúng bay sẽ có số phận
như con đỉa này: chúng bay sẽ phải nằm vắt qua mô đất lịch sử mà chết héo cho
xem. Nhưng ông lại thôi, ông làm bài thơ chống hạn, chống trời, rằng trời già
kia, mi không mưa thì bảo, ta sẽ kéo giai cấp nông dân đang theo đảng lên tìm
thằng giời đấu tố. Nhưng vì phải làm thơ gấp, ông chỉ cho thơ ông nói lên cái nắng
hạn này rất ác, con đỉa sống dai như ma thế mà mới bò qua mô đất đã chết mất
ngáp rồi. Đấy chính là linh hồn của trường phái văn học tiên tiến nhất mọi thời
đại.
Theo
lý thuyết thơ phải “chân chân chân thật thật thật”, phải theo thi pháp con đỉa
của Xuân Diệu, bao nhiêu bài thơ tân con cóc đã ra đời, đã in trên các báo, đã
ngâm trên đài tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi ngày đó cũng góp phần làm phong phú
nền thơ “tân con cóc” bằng bài thơ được cho là khá hay của một mầm non văn nghệ
còn đi học. Bài thơ đó như sau:
Bài thơ GIÓ THƯƠNG YÊU TRÊN ĐỒNG HỢP TÁC XÃ
Trên đồng hợp tác nắng như thiêu
Mồ hôi nông dân đổ thật nhiều
Đảng ta chợt gửi vài cơn gió
Lau mồ hôi gió quá thương yêu
Ôi gió của tình thương giai cấp
Đường cày xốc tới các vì sao
Nắng hạn đỉa chết dân không chết
Nhờ gió cần lao mang đến mưa rào
Vì sao có gió em biết không
Vì hướng ta đi theo ngọn cờ hồng
Giai cấp nông dân nuôi toàn xã hội
Nhờ gió đảng ta lúa hát đâm bông
Nam
Định mùa hạn 1963
TMH
Khi
bài thơ tân con cóc này được in trên báo Nam Định và được Đài truyền thanh Nam
Định ngâm ra rả trên làn sóng Galen, chúng tôi khi đó còn oắt con, đã sướng đến
nỗi suốt một tuần không thể ngủ. Mẹ tôi cầm roi, gọi tôi lên giường, quất cho
ba roi, quắn đít, đoạn quát: mẹ cấm con làm thơ, mày mà được in một bài thơ nữa
trên báo tỉnh chắc sướng quá mà chết mất.
Bố tôi phải lên tận tòa báo tỉnh, khép nép xin xỏ: lạy các bác, các bác thương
tình tha cho đừng in thơ thằng Hảo nhà chúng em nữa, mới được in một bài mà nó
đã suýt chết vì mất ngủ cả tuần. Nhà em chỉ có nó là con trai… thôi xin các bác
tha cho.
Ít
năm sau, thấy thơ tôi được cô Trần Thị Tuyết ngâm trên Đài tiếng nói Việt Nam,
bố mẹ tôi đến nhà thờ xin cha làm cho một cái lễ cầu cho thằng Thomas Trần Mạnh
Hảo thoát khỏi đường thơ văn là đường ma qủy cám dỗ. Đoạn, bố bảo: anh thương
tôi và mẹ anh thì quay về sống lương thiện, đừng thơ văn nữa, nếu anh không
nghe, sau này có thể chết vì thơ đấy…
Xem
ra bả hư danh thi phú nó ám người ta đến mê muội là thế, khiến cả đời tôi thành
đứa con bất hiếu không biết nghe lời cha mẹ.
Nhớ
lại chuyện này, tôi càng thông cảm với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa được tôi
phê bình thơ anh hơi bị nhiều trên Internet. Anh Thiều đang trên đà trở thành
nhà thơ lớn nhất nước, thậm chí như anh nói
sẽ có ngày Việt Nam giật giải Nô Ben thơ (còn ai vào đấy nữa). Anh Thiều trong một bài viết về thơ in trên
website Tiền Vệ từng tuyên bố: trước những năm tám mươi của thế kỷ XX (những
năm anh Thiều xuất hiện) thế giới hầu như không biết rằng Việt Nam có một nền
thơ. Sau khi thơ anh và các chiến hữu trong trường thơ tân con cóc của anh được
dịch ồ ạt ra tiếng Anh, thế giới mơi trắng mắt ra mà thán phục thơ các ông kinh
thật đấy nhỉ. Anh Thiều được đà, còn vênh vang tuyên bố: Việt Nam là một cường quốc thơ…
Vả,
cũng trong giai đoạn người thầy, người anh, người thủ trưởng cơ quan anh là ông
Hữu Thỉnh đang dọn đường cho anh Thiều thay ông làm chủ tịch Hội Nhà Văn VN
khóa tới bằng cách giúp anh vào đảng lại, bằng cách tìm mọi phương tiện truyền
thông khuyếch trương anh và thơ anh lên trên cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…
Một
người đang ở trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực, lại đang trên hành trình trở
thành thiên tài thơ thế giới như anh Thiều, lại bị một người ít nổi tiếng, tài
hèn trí mọn như Trần Mạnh Hảo phê bình thơ anh dở, thơ anh dễ dãi, ào ào như nước
máy bị hư trên phố, thì bất kỳ ai, chưa nói đến anh Thiều từng nhiễm chất Cu
Ba, từng nhiễm máu văn hóa Tây Ban Nha nóng như bò tót thấy cờ đỏ, cũng phải chửi
cha tên Trần Mạnh Hảo mất dạy, mày dám phê bình thơ một người sắp thành Neruda,
thành thiên tài thơ thế giới vậy à?
May
mà anh Thiều là người học trò thân thương của chủ tịch Fidel Caxtro vĩ đại,
mang dòng máu cách mạng chân chính, biết kìm hãm sự nổi giận của trí tuệ, mới
chỉ dùng một phần trăm tài rủa sả của giai cấp vô sản, nên anh chỉ ban cho TMH
chúng tôi mấy lời chửi rủa dễ thương vì dám phê bình thơ anh Thiều: mày là một
thằng vô phúc, một thằng đê tiện và bỉ ổi…
Nay,
nhân bàn đến chuyện trường phái thơ tân con cóc do Xuân Diệu sáng lập, chúng
tôi từng viết chưa chính xác trong bài: “Về trường phái thơ tân con cóc của
Nguyễn Quang Thiều” rằng anh Thiều đã thó thi pháp này của Xuân Diệu. Nay sợ
anh Thiều giận, chúng tôi xin anh thứ lỗi, rằng anh không thó thi pháp con cóc
mới của Xuân Diệu, mà anh chỉ tiếp thu và nâng cao thành trường phái thơ riêng
là TRƯỜNG PHÁI HẬU TÂN CON CÓC…
Từ
nay, để anh Thiều khỏi giận, chúng tôi trong các bài viết sắp tới, danh xưng của
trường phái thơ do anh làm chủ soái sẽ là TRƯỜNG PHÁI THƠ HẬU TÂN CON CÓC anh
Thiều nhé.
Chúng
tôi cũng cần phải giải thích cho quý độc giả vì sao Xuân Diệu và Nguyễn Quang
Thiều không cùng một môn phái thơ Tân con cóc?
Anh Thiều mới hơn phái tân con cóc của Xuân Diệu ở
chỗ đã có công dung tục hóa, chửi thề hóa, dâm ô hóa, chó cái hóa thơ Việt Nam
bằng cách đưa thơ Việt từ thi pháp Apollo xuống thi pháp Dionysus theo quan điểm
mỹ học Nietzsche. Anh Thiều lại copy những phần thô tục nhất, dơ dáy nhất, tục
tĩu nhất của thi pháp Ác hoa Baudelaire, thi pháp siêu thực (surrealisme) của
Andre Breton… đưa vào thơ mình để phá bỏ hoàn toàn thi pháp thơ truyền thống Việt
Nam.
Anh
Thiều học Tây (ban nha) về, nên anh thường theo các thuyết cực đoan chính trị,
cực đoan văn nghệ, dứt khoát không cho phép sự hài hòa giữa HƯ và THỰC, TỤC và THANH , THỦY và HỎA, ÂM và DƯƠNG, giữa mỹ học Apollo và mỹ học Dionysus…
Anh
Thiều nhất định phải đập tan thi pháp thơ truyền thống để đưa những: âm hộ,
dương vật, tử cung, giao hợp, làm tình trên giường, chó cái đái, bạo dâm, thủ
dâm, vú đàn bà, mông đàn bà, cưỡng dâm, hiếp dâm, làm thế nào để làm tình được
với những người đàn bà hôi mùi cá… Những món hậu hiện đại, hậu tân con cóc này
tràn ngập trong thơ anh Thiều, khiến anh tí tửng rằng thơ anh đã ngang bằng thơ
thế giới?
Anh
Thiều ạ, anh cứ việc làm những câu thơ tả cận cảnh sự giao hợp nhưng tôi xin
cam đoan với anh tính sex trong thơ anh so với tính sex trong thơ của đại thi
hào Hồ Xuân Hương cũng chỉ như con muỗi so với con voi mà thôi. Bà chúa thơ Nôm
này là thi pháp truyền thống đấy; sao thơ sex của bà lại hiện đại gấp tỉ lần
thơ sex Nguyễn Quang Thiều?
Bởi
sự khác nhau giữa cái gọi là thơ Nguyễn Quang Thiều với thơ của những đỉnh cao
truyền thống là ở chỗ thơ của các tiền bối kia là thơ đích thực, là thơ hay,
thơ truyền cảm. Còn cái món tạp pí lù của thi pháp chó cái đái nơi anh toàn là
những lời tầm phào, bậy bạ, dễ dãi và dơ bẩn như nước cống rãnh Hà Nội đang đổ
vào đại trường giang của vi khuẩn và hôi hám có tên là Tô Lịch, thưa anh…
Xin
hẹn anh Thiều một bài khác, tôi sẽ chỉ cho anh thấy thi ca của tiền nhân ta hiện
đại gấp tỉ lần so với những món thi pháp chó cái bậy bạ của anh đang mê hoặc một
số bạn trẻ chưa được giáo dục thẩm mỹ thi ca chân chính.,.
Viết
tại ĐẠI NGU QUỐC (tức miền đông Hoa Kỳ)
Ngày 27-6-2012
TRẦN MẠNH HẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét