Nhà văn Trần Thị Nhật Tân bệnh trọng từ năm 2000 đến nay vẫn kiên trì níu vào những vần thơ, trang văn để thắng bệnh tật.
Viết xong tiểu thuyết “Chân trời” đề tài chiến tranh nhân dân (Kỷ niệm sau lần Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mời gặp và thực hiện lời khuyên của Đại tướng), nhà văn Nhật Tân bị tai biến não. Nằm liệt đến năm 2010, nhờ thầy thuốc giỏi nhiệt tình cứu chữa, nhà văn đã chống gậy đi được, rồi dần dần hồi phục.
Năm 2015 nhà văn lại bị u máu, phải đi viện chữa trị thường xuyên, kéo dài đến 2017 vẫn không khỏi. Khối u ngày càng lớn. Cuối cùng bệnh viện quyết định phẫu thuật. Hiện tại nhà văn lại bị một u mới. Nhà văn kiên trì tích cực sắc thuốc uống theo hướng dẫn của thầy lang…
Dù bệnh tật, đau đớn, ngay cả khi phải nằm liệt, nhà văn vẫn duy trì việc dạy học miễn phí bồi dưỡng các cháu nhà nghèo thi đại học. Các cháu qua lớp bồi dưỡng của nhà văn Nhật Tân, từ mấy chục năm nay, đều đỗ đại học.
Trên bàn viết văn của Nhật Tân có ghi bốn câu thơ tự động viên viết từ năm 2000:
Ốm đau là việc của mày
Bút tao vẫn thẳng đường cày giấy thơm
Gieo vần chọn chữ sớm hôm
Trồng cây tác phẩm hoa đơm bốn mùa.
Sau khi tiểu thuyết “Dòng xoáy” (Nxb, Thanh niên, 1989) tập một ra đời và “Dòng xoáy” tập hai (Nxb. Thanh niên, 1991) đến nay đã tái bản tới bảy lần), được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mời gặp, nhà văn hăng hái cho ra đời tiểu thuyết “Chân trời” (Nxb. Quân đội nhân dân, 2005), rồi viết tiếp tiểu thuyết “Mây trắng” (Nxb. Hội nhà văn, 2015)…
Năm 2019, nhà văn viết bài thơ “Lao động”:
Tuổi cao bệnh trọng kệ mày
Luôn tay xới đất bút cày giấy thơm
Bốn mùa quả ngọt hoa đơm
Trang văn bướm lượn rập rờn tiếng chim
Đất lành già trẻ đi tìm
Chia vui câu chuyện nhấn chìm khổ đau
Nhật Tân nghèo trở nên giàu
Giàu tình nhân ái phép màu bệnh xa.
Nằm bệnh viện, nghe đài, Nhật Tân viết hàng chục bài thơ chủ đề biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và nhiều bài viết về biên giới phía Bắc… Nhà văn in thành tập “Sóng xanh” (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2019). Bạn đọc mua ủng hộ hết cả ngàn cuốn.
Nhân ngày khai trường 2020, Nhật Tân mới in tập thơ thiếu nhi “Nhà em” (Nxb. Hội nhà văn, 2020). Tình cảm chủ đạo của tập thơ là tình yêu kính cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm, yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương Việt Nam, giáo dục trẻ em ý thức công dân bằng thơ hồn nhiên, trong trẻo. Tập thơ cung cấp cho bạn đọc nhỏ tuổi và các thầy cô giáo những ví dụ phong phú sinh động về từ ngữ tiếng Việt, ẩn dụ, ví von, so sánh, nhân hóa, tưởng tượng, từ láy… Ở tuổi 76, khi viết thơ cho trẻ nhỏ, nhà văn Nhật Tân vẫn giữ được tâm hồn trong sáng của tuổi mầm non, tiểu học thì thật quý hiếm. Nhà văn nói mình sắp theo tổ tiên rồi, in “Nhà em” bán có lỗ vốn hết cả năm lương hưu còm hàng tháng trả nợ nhà in cũng vui.
Trần Thị Nhật Tân sống độc thân, bạn với một con chó và một con mèo. Ngày ngày nhà văn lao động làm vườn phụ với đồng lương ít ỏi sinh sống, chăm chỉ viết văn in sách rồi tự mình mang sách đi bán… Cảnh nhà văn gò gẵng đạp xe đi khắp các trường tiểu học trong thành phố, chầu chực gặp các hiệu trưởng chào bán tập thơ thiếu nhi vừa in… mà lòng tôi trào dâng cảm xúc vừa kính trọng vừa thương cảm. Có lần tôi định bảo chị còn bao nhiêu sách thì bán cho em, nhưng nhà văn vui như hội bảo: “Vui quá chú ơi! Hôm nay gặp được một số phụ huynh và hiệu trưởng trường Tiểu học Lộc Hạ, bán được gần hai chục cuốn. Sách đến tay bạn đọc nhỏ tuổi thật mừng chú ạ!”. Ôi, mừng cho chị. Giá mà các hiệu trưởng các trường khác cũng đón nhận tác phẩm của Nhật Tân như vậy…
Trong mắt tôi, nhà văn Trần Thị Nhật Tân là một nhà văn chân chính của công chúng, một nhân cách đẹp, một nhà văn… khác thường.
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét