Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

LÒNG TIN – NỖI ÁM ẢNH ĐẬM CHẤT NHÂN VĂN TRONG “ĐỢI ĐẾN MÙA XUÂN” CỦA XUÂN TRÌNH / Nguyễn Công Thành

 


         (Một tác phẩm viết về nhà giáo & nhà trường đã góp phần làm nên chân dung tác giả Xuân Trình - nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới VHNT).

        “Đợi đến mùa xuân”(1) của tác giả Xuân Trình được sáng tác vào năm 1986, thời điểm ghi dấu mốc quan trọng của thời kỳ đổi mới (2). Vào thời điểm ấy, Văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung, trong đó có Sân khấu đã vận hành khá rõ nét theo hướng tự do hơn, dân chủ hơn, với những phát ngôn ấn tượng “được cởi trói” và “tự cởi trói”... Thật ra, với Xuân Trình cũng như một số tác giả văn học nghệ thuật khác thì dấu mốc đổi mới này chỉ có ý nghĩa tiếp sức, giúp ông củng cố vững vàng hơn quan niệm đổi mới nghệ thuật khi viết về cuộc sống xã hội đương đại. Bởi vì trước đó nhà viết kịch Xuân Trình đã thể hiện khá rõ quan điểm đổi mới trong một số kịch: “Bạch đàn liễu”(1973), “Ngôi nhà trong thành phố”(1973), “Mùa hè ở biển”(1985)…

        Tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt kịch“Đợi đến mùa xuân” là nỗi ám ảnh về “lòng tin”. Vở kịch được mở ra bắt đầu bằng lời thoại (thời điểm đó được coi là hết sức nhạy cảm) của nhân vật “Khiết ghi ta” một giáo viên nói với Nhiên giáo viên giỏi toán: “Anh Nhiên này… Sự thật thì anh có tin rằng những điều gọi là tốt đẹp làm thay đổi con người không? … liệu có con người tốt thật sự không?”(cảnh 1). Trong xử lý tình huống và mâu thuẫn kịch, tác giả Xuân Trình có dụng ý đặt “phát ngôn” vấn đề lòng tin vào các nhân vật khác nhau (giáo viên, học sinh. Nhân viên bảo vệ, dân thường…) nhưng tập trung nhất là những suy tư trăn trở của cô giáo Nhung, nhân vật trung tâm của vở kịch: “Chính các thầy cũng phải soi lại mình. Hành động của Duy là phản ứng của đứa trẻ mất lòng tin”(cảnh 4). “Nhưng tôi tin là không. Hay ít ra những việc nhơ nhớp ấy chỉ xảy ra với những kẻ nhơ nhớp thôi” (cảnh 4). “Dẫu sao, khi con bệnh không tin vào thầy thuốc, thì vẫn có thể chữa lành con bệnh, nếu đó là thầy thuốc có lương tâm. Nhưng ai có thể dạy nổi cho những người học trò khi mất lòng tin vào người thầy” (cảnh 5). “Nếu thầy không ra thầy, thì trò nhất định không ra trò. Nếu học sinh không tin vào những điều mình đang dạy dỗ họ, thì chúng ta chỉ đào tạo ra một lớp người nói dối tinh khôn hơn mà thôi” (cảnh 6). “Việc chứng thực không thể tin vào người gian dối được”(cảnh 6). “Em hiểu thành quả chính là nỗ lực của em đấy. Em hãy tin như thế và trước lúc lên đường em càng phải tin như thế (cảnh 6)… Câu nói cuối cùng kết thúc vở kịch cũng lại là câu trải lòng mình về lòng tin của cô giáo Nhung: (Cô cười đôn hậu nhìn mọi người): “Đừng có mất lòng tin, đánh mất nó chúng ta không còn gì để sống cả.”

        Một trong những đặc trưng nghệ thuật kịch là ngôn ngữ và hành động kịch, thông qua các xung đột tính cách xảy ra trong quá trình xung đột xã hội, được khái quát và trình bày trong một cốt truyện chặt chẽ để phản ánh chân thực cuộc sống. Kịch “Đợi đến mùa xuân” chọn đề tài không mới đối với sân khấu, nhưng nhà viết kịch Xuân Trình đã đẩy lên như một phát kiến mới về giáo dục học đường, nhằm kiểm chứng những điều anh chiêm nghiệm về lòng tin của con người ở môi trường học đường, một nơi tưởng như nền nếp máy móc đến nhàm chán và “đạo cao đức trọng” đến ước lệ thì không còn gì để khơi thêm. Tác giả lựa chọn hai trường học Trung học phổ thông cuối cấp ở hai địa điểm thành thị và nông thôn hẻo lánh, với tất cả quan hệ hiện hữu trong không gian học đường phổ quát nhất: Thầy và trò, ban giám hiệu và giáo viên, giáo viên với giáo viên, học sinh với học sinh, giáo viên với phụ huynh học sinh, giáo viên với nhân viên phục vụ, nhà trường và xã hội, nhà trường với cấp trên của mình (Thanh tra Bộ)...  Kịch bản có số lượng nhân vật vừa phải mỗi nhân vật mang vai cụ thể, xoay quanh tình huống kịch - xử lý một học sinh giỏi toán lại có hành động vô lễ với cô giáo trong giờ dạy môn đạo đức, và xung đột chính kịch là sự đối diện giữa sự dối trá - thâm hiểm - hèn hạ với sự trung thực - cao thượng – dũng cảm. Từ đó giúp độc giả tường tận hơn với những gì đang diễn ra trong trường học của con em chúng ta: Giáo viên không tin những điều mình đang dạy, học sinh không hào hứng nghe giảng đạo đức, học sinh quậy phá xúc phạm cô giáo, phụ huynh dùng tiền để chạy cho con mình khỏi bị đuổi học, Ban giám hiệu hời hợt vô cảm khi đuổi học sinh và kỷ luật giáo viên, thầy giáo lươn lẹo dối trá tìm cách hãm hại đồng nghiệp, tìm cách moi tiền phụ huynh học sinh, nhân viên quản trị trường thì “coi trời bằng vung” mặc sức dọa nạt xúc phạm giáo viên và học sinh. Người trung thực thẳng thắn bị dồn đến chân tường, cô độc trước sự vô cảm của đồng nghiệp… Những nhân tố tiêu cực ấy đan xen một cách tinh vi nhìn bên ngoài tưởng như “bình an vô sự”, chỉ “người trong chăn” mới biết những kẻ thực dụng hùa sức ngụy tạo nên kiểu trường học kỷ cương – tình thương - trách nhiệm sáo rỗng... Vở kịch được khép lại, sau những tình huống bi hài mà cô giáo Nhung phải trải qua. Sự ngay thẳng trung thực bị “trả giá”, cô giáo Nhung buộc phải chuyển từ thành phố đến một trường hẻo lánh và trớ trêu thay, ở đây “Khiết ghi ta” đồng nghiệp cũ, giáo viên kiêm làm “bia dởm”, lươn lẹo dối trá lại vừa được cấp trên bổ nhiệm làm quyền hiệu trưởng, để thay ông hiệu trưởng sắp về hưu, đang say sưa với những tung hô sặc mùi bịp bợm. Vì ghê tởm, “bất hợp tác” với Khiết, cô giáo Nhung tiếp tục bị Khiết ngụy tạo đơn kiện cáo, bị Thanh tra Bộ về thanh tra, chuẩn bị công bố “kết luận thanh tra” để kỷ luật chỉ vì cô không nhớ thật tỉ mỉ lý lịch về người cha của mình đã mất sớm, từng có hai đời vợ, vì những lời giảng bài dám nói những điều ngoài sách hướng dẫn, vì lời phê trong bài kiểm tra học sinh có dấu hiệu khen không đúng chỗ, vì thái độ kiên quyết bảo vệ quyền của học trò, vì thẳng thắn phê phán cách làm tùy tiện vô văn hóa của cán bộ quản trị của trường, mà không hề truy xét nguyên cớ cụ thể của sự việc…

        Những vấn đề được tác giả đặt ra từ 1986, chúng tôi đã làm giáo viên giai đoạn này, nhận thấy ngày ấy đã xuất hiện những câu chuyện bi hài về sự túng thiếu của giáo viên, còn vấn đề xuống cấp về văn hóa, nhân cách và đạo đức của một bộ phận giáo viên, đặc biệt là sự xói mòn lòng tin trong trường học hầu như chưa được đề cập trực diện như “Đợi đến mùa xuân”. Bằng sự nhạy bén của một nhà báo trong nhận diện qui luật vận động xã hội, từ những “hiện tượng biến thái” trong học đường hơn ba mươi năm trước, nhà viết kịch Xuân Trình đã sớm dóng hồi chuông cảnh báo: Sự tha hóa đạo đức và nhân phẩm đang ẩm ỉ nhen nhóm trong trường học, nếu không được quan tâm đúng mức để có giải pháp kịp thời ngăn chặn, hậu quả thật khôn lường.

        Một số nhà nghiên cứu phê bình khẳng định kịch Xuân Trình không chỉ phản ánh sắc nét “hiện thực cuộc sống trong xu thế phát triển tất yếu của nó”, mà còn thể hiện tầm hiện đại của tính dự báo. Những năm gần đây, khi những tiêu cực trong ngành giáo dục phơi bày toàn diện: Sự lạc hậu về chương trình sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy giáo dục học sinh, vai trò nêu gương của nhà giáo bị buông bỏ, bệnh thành tích tràn lan, hiện tượng chạy chức chạy quyền, tham nhũng, việc dùng tiền mua bán điểm bài thi và chạy án kỷ luật, bạo lực học đường và nhưng hành vi vi phạm pháp luật, sự vô cảm của một bộ phận giáo viên và học sinh… Nhiều vấn đề ngành giáo dục đào tạo hiện vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết nhưng hiệu quả chưa cao. Đọc lại “Đợi đến mùa xuân” của Xuân Trình, bất cứ ai thật lòng quan tâm đến giáo dục đều “giật thót tim”, vì nhiều vấn đề còn nguyên sự bức xúc và nóng hổi tính thời sự. Xuân Trình đã để nhân vật chính - cô giáo Nhung thẳng thắng bộc lộ: “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta không thể nói dối học sinh. Không thể coi thế hệ thanh niên chúng ta như một bọn trẻ nhãi, muốn bảo gì cũng được. Phải cung cấp đầy đủ dữ kiện, phải trao vận mệnh đất nước vào trong tay họ và đòi hỏi họ phải suy nghĩ một cách có trách nhiệm.” (cảnh 6). Những ám ảnh về lòng tin đang bị xói mòn trong trường học đã tạo nên chiều sâu những hàm ngôn trong ngôn ngữ nhân vật kịch. 


         Sức hấp dẫn làm nên phong cách kịch Xuân Trình trong “Đợi đến mùa xuân” không chỉ dừng lại ở giá trị triết luận của kịch chính luận hiện đại, mà còn ở chất trữ tình đằm thắm tha thiết đầy tinh thần nhân văn. Tác phẩm không chỉ phát triển xung đột kịch qua các tình huống xoay quanh việc xử lý kỷ luật một học sinh có hành vi vô lễ với cô giáo, mà còn tạo tình huống thể hiện một môi trường trong lành thiên lương lắng lọc những tình cảm trong sáng hồn nhiên, những khát khao vươn lên mạnh mẽ của học sinh, lớp trẻ mới khôn lớn. Đó là nhân vật Duy học sinh giỏi toán, con trai ông chủ hiệu Phở Thắm. Xuân Trình đưa Duy vào tình huống ngẫu nhiên, do nông nổi học trò đã tham gia cuộc nghịch ngợm xúc phạm cô giáo, nguyên nhân sâu xa chỉ vì không thích học môn đạo đức khô khan sáo rỗng. Khi bị nhà trường kỷ luật đuổi học, Duy bị nhóm thanh niên hư hỏng lôi kéo bỏ nhà đi lêu lổng. Nhưng cậu ta vẫn đến trường, vẫn leo lên đống gạch cạnh tường lớp để nghe thầy giảng bài. Duy không ngờ cô giáo Nhung đã vào tận nơi “hang cọp” của bọn lưu manh để cứu Duy thoát khỏi bọn chúng. Khi nhận ra mình đã bị hiểu lầm động cơ cứu mình của cô giáo Nhung, Duy và Hoan đã thành thật xin lỗi cô và quyết tâm học hành tử tế. Rồi cậu lao vào học tập, đã đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, được lựa chọn dự thi học sinh giỏi toán Quốc tế. Biết cô giáo Nhung vì mình mà bị kỷ luật oan và phải chuyển đến trường hẻo lánh, Duy và Hoan đã tìm đến tận nơi để cảm ơn và tặng hoa cô trước khi đi nước ngoài dự thi Quốc tế. Đó còn là nhân vật Vân Anh, một học sinh năng khiếu âm nhạc. Sống trong gia đình nhà giáo tử tế: Bố (nhân vật Thành) là giáo viên giỏi được chọn cử đi nghiên cứu sinh nước ngoài, mẹ là cô giáo Nhung một giáo viên giỏi, trung thực, giàu lòng thương yêu học trò, bất bình trước sự lươn lẹo giả dối của đồng nghiệp và lãnh đạo trường, nhưng lại bị kỷ luật. Thừa hường gien thông minh và niềm say mê chuyên môn của bố mẹ, Vân Anh đã chọn âm nhạc để thỏa niềm say mê. Cô luôn ao ước có một cây đàn tốt để trình bày một bản nhạc cho thật hay dự thi năng khiếu vào trường Âm nhạc. Khi được cầm trên tay cây đàn violon tốt mẹ mới mượn về, Vân Anh sững sờ xúc động chơi thử bản nhạc yêu thích. Biết gia cảnh nghèo, bố mẹ có bán được vật dụng đáng giá nhất (chiếu áo bành-tô cũ) cũng không thể nào đủ tiền mua cây đàn mới, Vân Anh rất tiếc nhưng vẫn chân tình động viên bố mẹ:“Chiếc đàn violon của con tuy hơi bị vỡ, nhưng tiếng vẫn còn tốt lắm. Đây này (đưa ácsê lên kéo thử)”(cảnh 3). Còn thầy giáo Thành bố của Vân Anh chỉ biết động viên: “Chẳng mấy khi nhận được chiếc đàn tốt, con cứ chơi cho thỏa thích… Nếu không đủ tiền mua thì ít nhất mình cũng được chơi cây đàn tốt một lần”(cảnh 3). Sau sự cố bị lừa về món tiền bất minh mà thầy “Khiết ghi ta” ngụy tạo mượn giúp để mua đàn, thật ra là tiền của chủ hiệu Phở Thắm muốn nhờ cô giáo Nhung tha cho Duy con ông, khỏi bị kỷ luật đuổi học, Vân Anh ngậm ngùi chia sẻ nỗi đau xót, khổ nhục của bố mẹ (bố thì không được đi nghiên cứu sinh nữa, mẹ lại bị kỷ luật phải chuyển trường). Tuy vậy, Vân Anh không từ bỏ đam mê của mình, thậm chí cô gái quyết tâm luyện tập hơn và đã thi đỗ vào trường Âm nhạc, khi trình bày bài dự thi một cách xuất sắc bằng chính cây vỹ cầm của mình. Năng khiếu âm nhạc của Vân Anh còn được một một nhạc sĩ nổi tiếng của Liên xô phát hiện, nhận đỡ đầu để cô sang học nhạc ở Nga. Tác giả Xuân Trình giành thời lượng đáng kể để cô con gái đến trường ở nơi hẻo lánh thăm mẹ, rồi vô tư chơi bản nhạc cô vừa thi đỗ một cách say sưa. Có thể nói “những thanh âm trong trẻo” của tiếng vỹ cầm cô con gái vô tư hồn nhiên khoe tặng mẹ ở nơi không gian sống rất chật hẹp khó khăn của mẹ, đối lập hoàn toàn với những toan tính nhỏ nhen tầm thường trong cuộc sống xô bồ mà mẹ cô gái đang phải trải qua. Nó khác xa về bản chất với thầy “Khiết ghi ta”.  Đây là một dụng ý nghệ thuật của Xuân Trình khi xây dựng hai hình ảnh đối lập. Trước đây thầy Khiết, khi còn là sinh viên, bạn của bố vân Anh, cũng có chút năng khiếu và mê chơi ghi ta, đến mức được bạn bè mệnh danh rất đáng yêu “Khiết ghi ta”. Nhưng khi ra trường làm thầy giáo, sự cám dỗ của cuộc sống thực dụng xui khiến thầy Khiết từ bỏ ghi ta để nấu bia dởm bán, rồi tìm mọi mánh khóe môi giới phụ huynh học sinh để kiếm tiền. Không những thế, “Khiết ghi ta” còn không hề giấu giếm những suy nghĩ thực dụng của mình với bạn:“Tôi nói thật, tôi đã thề không chơi đàn nữa. Cầm lấy cây đàn nó như người nghiện đã cai, nó dễ bị nghiện lại” ! (cảnh 3). Và để có tiền, anh ta tự nhận đã li dị với “ghi ta” để sống với “ghi đông” hàng ngày.

        Tác giả kịch đã cho thấy, ngay trong môi trường học đường, khi đang có biểu hiện xuống cấp về văn hóa và đạo đức, mọi khát vọng vẫn không thể bị thiêu rụi. Nỗi ám ảnh về lòng tin trong vở kịch không dừng lại ở cảnh báo sự mất lòng tin, mà tác giả kịch đã cho thấy lòng tin được thắp sáng lên mạnh mẽ chính bởi những con người tốt đẹp sống trong chính môi trường đang dần mất làm lòng tin ấy. “Đợi đến mùa xuân” trở thành tác phẩm kịch chính luận – trữ tình giàu chất nhân văn. Tính chiến đấu phê phán trực diện và sâu sắc sự xuống cấp của môi trường học đường luôn hài hòa với tính trữ tình đằm thắm mang khát vọng lãng mạn bay bổng. Nỗi ám ảnh về lòng tin trong môi trường học đường và cuộc sống con người đã trở thành triết lý nhân sinh thấm đậm tinh thần nhân văn, đồng thời tạo dấu ấn riêng trong phong cách nghệ thuật kịch hiện đại của tác giả Xuân Trình. Hình tượng nhân vật cô giáo Nhung tự nguyện gánh trên đôi vai mỏng manh và đơn độc của mình sứ mệnh bảo vệ sự trung thực, tình thương, kỷ cương, trách nhiệm của một nhà giáo chân chính trong sự nghiệp vẻ vang “trồng người”, trở thành điển hình cho những nhà giáo đích thực của nhà trường đích thực giáo dục học sinh biết làm “người tử tế” và làm chủ cuộc sống.

        Một dụng ý nghệ thuật đáng lưu ý nữa là tên của tác phẩm kịch. Hai tuyến nhân vật kịch khá rõ: “Khiết ghi ta” đại diện cho những kẻ thực dụng, cơ hội, dối trá trong trường học không những không bị lên án mà còn ngang nhiên hãnh tiến, được cấp trên đề bạt làm lãnh đạo. Cô giáo Nhung đại diện cho sự trung thực, nhân ái, hết lòng vì học sinh thì bị oan ức, chịu kỷ luật phải chuyển trường và lại tiếp tục bị vu khống, đứng trước án kỷ luật mới của thanh tra Bộ, trong sự im lặng đáng sợ của đồng nghiệp … Tên vở kịch “Đợi đến mùa xuân” ẩn dấu nụ cười hóm hỉnh chua chát của tác giả. Hiện trạng trường học và giáo dục trắng đen chưa phân định như vậy, ai sẽ là người khôi phục lòng tin cho sự nghiệp giáo dục đào tạo con người ? Dõi theo vở kịch, thấy duy nhất một lần tác giả Xuân Trình lý giả vấn đề mùa xuân trong ngôn ngữ của nhân vật cô giáo Nhung: “Nhiều người đã cho rằng những nỗ lực của tôi là vô vọng… Quả có như thế. Tôi cũng không ngây thơ nghĩ rằng ném một hạt mầm xuống đất, rồi chờ nó nảy lên ngay những mầm xanh đâu. Nhưng cũng không ai có thể làm cho tôi mất lòng tin là một hạt mầm lại không mọc lên một mầm xanh. Có điều phải gắng đợi. Mùa đông giá rét nó không thành mầm được thì mùa xuân ấm áp nó sẽ mọc”(cảnh 6). Mùa xuân gắn với niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn, kịch “Đợi đến mùa xuân” trở thành một thông điệp nghệ thuật hàm ngôn thú vị và sâu xa.

          Kịch “Đợi đến mùa xuân” ngay sau khi sáng tác đã được dàn dựng và công diễn, được công chúng hào hứng đón nhận, Bộ Văn hóa lựa chọn là một trong 10 vở đặc sắc của toàn quốc về Thủ đô biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Sau “Đợi đến mùa xuân” (1986), nhà viết kịch Xuân Trình còn sáng tác thêm “Nghĩ về mình” (1987), “Nửa ngày về chiều”(1990) và “Tai họa rủi ro” (1991). Ngày 9/12/1991 nhà báo – nhà văn – nhà biên kịch Xuân Trình vội ra đi theo các bậc tiền bối, ở tuổi 55, đúng vào lúc sự nghiệp sáng tác đang ở độ sung mãn. Đến nay, sự nghiệp sáng tác của ông đã an bài, nhưng những trăn trở về cuộc sống đương đại, đặc biệt là vấn đề đạo đức, nhân cách văn hóa và lòng tin của con người thấm đậm chất nhân văn, dường như vẫn thổn thức khôn nguôi. Tâm nguyện tha thiết của ông (thông qua lời nhân vật cô giáo Nhung), mỗi tác phẩm có văn hóa đều“có khả năng hoàn thiện con người, làm cho con người tin ở chính mình…” (cảnh 6).

        Cùng với những tác phẩm báo chí và văn xuôi, các tác phẩm kịch của Xuân Trình (3) giúp ta nhận thức rõ hơn sức sáng tạo và sự hài hòa giữa chức năng phản ánh, chức năng nhận thức, chức năng dự báo, chức năng giải trí và chức năng nhân đạo hóa con người của văn học nghệ thuật.

 

        NCT

----------------

 

          (1). Kịch “Đợi đến mùa xuân”- Xuân Trình, trong sách “Sân khấu Nam Định thế kỷ XX”. Viện Sân khấu – Hội VHNT Nam Định. NXB Sân Khấu. Hà Nội. 2002.

          (2). “Vấn đề đánh giá văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới” (Báo cáo Đề dẫn Hội thảo Văn học – 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển (1986 - 2016). PGS TS Phan Trọng Thưởng - Phê bình văn học – Literature criticism onlie. 25-6-2016.

          (3). Tác giả Xuân Trình tên thật là Nguyễn Xuân Trình sinh ngày 06/01/1936. Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Quê quán: Làng Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đã từng công tác: Thanh niên xung phong, biên tập Đài TNVN, biên tập TC Văn Nghệ, làm việc ở Tuần báo Văn Nghệ, Trưởng Ban sang tác Hội NSSK VN, Tổng biên tập TC Sân khấu VN, Giám đốc NXB SK, Phó tổng Thư ký Hội NS SKVN. Ông mất ngày 09/12/1991 tại Hà Nội.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét