Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

RẠNG ĐÔNG CHÁY LẮM KẺ BA HOA / Nguyễn Mộng Nhưng




        Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (tên cũ – nay là Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng đông) bị hỏa hoạn. Doanh nghiệp thiệt hại tài sản, công nhân mất việc làm, không biết đến bao giờ mới khôi phục sản xuất; các hộ dân ở gần nhà máy bị ảnh hưởng sức khỏe vì nhiễm độc; trách nhiệm của những người quản lý… Dân chúng khắp nơi bày tỏ lòng thương cảm và cả sự lo lắng, bất an. Nhưng cách thông tin và phán xét của một số người viết báo, thật xứng với câu dân gian đã gọi là “nói láo”. 

        Lờ đi những gì Rạng Đông đã cống hiến cho xã hội về sản phẩm phục vụ dân sinh, về đóng góp cho ngân sách (có thể nói rằng tất cả các gia đình Việt Nam ở khắp miền đều đang có trong nhà nhiều đồ dùng do Rạng Đông sản xuất, có chất lượng hơn hẳn hàng Trung Quốc cùng loại), họ chỉ chăm chăm quy tội, đổ lỗi cho doanh nghiệp… Từ đó nhân cơ hội, bổng giọng luận tội, dạy bảo “cả lò” người ta luôn. Xin dẫn chứng một đoạn trong bài Rạng Đông: Soi sáng cả địa ngục của FB Do Cao Cuong, ngày 16/9/2019:
        “Tôi có nói với họ rằng nếu là người biết nghĩ (chứ không phải con ông cháu cha chạy bằng chạy chức tước đoạt cơ hội của người khác) thì trước khi khởi công xây dựng một nhà máy, hay một cụm công nghiệp nào đó, họ phải tính toán được khoảng cách an toàn giữa khu dân cư và nhà máy rồi mới nghĩ tới việc xây dựng…”
        Tên bài viết quá u ám, gây một tâm lý tuyệt vọng, gợi một liên tưởng tang tóc. Không rõ “thân thế, sự nghiệp” của tác giả. Nhưng qua cách dẫn dụ, phân tích và lập luận có thể suy đoán ông này cũng có vai có vế trong chính giới và truyền thông. Tuy nhiên, riêng đoạn phán bảo này thì không thể nghe được. Thậm chí còn có thể chê vì ngoài lời lẽ moi móc, tác giả đã quên hoặc không biết một sự thât lịch sử.
        Khu công nghiệp Thanh Xuân được xây dựng đầu những năm 60 thế kỷ trước. Gồm nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy cao su Sao vàng, nhà máy xà phòng, nhà máy thuốc lá Thăng Long (dân gian gọi là khu Cao – Xà - Lá) và nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông. Khi quy hoach xây dựng, khu công nghiệp này cách xa trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 6-8 km. Khoảng cách như thế là an toàn. Những năm đó, đi tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông, qua khu công nghiệp một đoạn vẫn nhìn thấy những mảnh ruộng trồng hoa mầu hai bên đường. Cùng với xây dựng nhà xưởng, khu nhà ở của công nhân viên chức cũng được xây dựng. Rồi người mỗi năm một đông thêm, nhiều cơ quan, trường học và nhà dân chen vào xây dựng bên cạnh khu công nghiệp. Như vậy lỗi là của những người đến sau, chứ không phải của những người quy hoạch xây dựng cách nay gần 60 năm. Tại sao lại chê trách, quy tội cho Rạng Đông, thưa ông Do Cao Cuong?
        Có lẽ là do duyên nghiệp, vì quan hệ họ hàng và công tác, nên từ lúc còn trai trẻ đến nay, không biết bao nhiêu lần mình đã đi về, trong đó nhiều lần đi bằng xe đạp đoạn đường Hà Nội - Hà Đông. Mình có cảm giác thích thú lạ thường mỗi khi đi dưới bóng mát của hai hàng cây xà cừ cổ thụ, trên con đường đồng thời là phố mang tên danh nhân Nguyễn Trãi, được hít thở mùi ni-cô-tin ngạt ngạt, thơm thơm khi qua khu Cao - Xà - Lá. Một quãng nữa, bên kia đường là trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (đã tách ra làm 2 trường: Đại học khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây là ngôi trường con gái thứ hai của mình theo học và đã trưởng thành. Cũng chính đoạn đường này đã hình thành tứ để mình viết bài thơ “Đưa con vào đại học”, được truyền thông nhiều lần và được nhiều người yêu thích.
        Bây giờ, hàng xà cừ mát rượi hồn người đã bị Con Rết khủng (đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông) chiếm chỗ. Mỗi lần đi qua, nhìn thấy là mỗi lần ngứa mắt, tức thở và muốn chửi rủa…Hơn một tháng nay lại thêm cảnh khu đất hoang tàn của nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông…
         Tất cả chỉ cón là nỗi u hoài.
        Trở lại với Rạng Đông: Soi sáng cả địa ngục.
        Tục ngữ Việt Nam có câu: “Giậu đổ bìm leo”. Nghĩa bóng, ám chỉ những kẻ nhỏ nhen, cơ hội, khi người khác gục ngã, thất bại thì dẫm lên, hoặc dè bỉu, chê bai.
        Cổ nhân nói: “Nhân tất tự vũ, nhiên hậu nhân vũ chi” (Người ta ắt đã tự khinh mình trước, rồi người mới khinh được”
        Viết văn, viết báo mà bất chấp sự thật cũng là “đã tự khinh mình” vậy!

        9/10/2019
           NMN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét