Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Một số ý kiến về cuốn “Lịch sử Lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Nam Định”

Vương Văn Kiểm 

Tác giả Vương Văn Kiểm
 
         Năm 2017 bác Phạm Quang Thăng tình cờ được đọc cuốn “Lịch sử Lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Nam Định”, nội dung có câu viết: Lực lượng Vũ trang Nhân dân tỉnh Nam Định thành lập ngày 20/4/1947 và một đồng chí Đại đội trưởng lúc ấy là cán bộ Công đoàn Nhà Máy Dệt Nam Định ra chỉ huy. Với chất giọng trầm ấm dáng dấp một nhà nho, bác chậm raĩ nói chuyện với chúng tôi.

           Năm nay bác Phạm Quang Thăng 91 tuổi, bác đã từng sống thời kỳ trứng nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thời kỳ vận mệnh quốc gia nghìn cân treo trên sợi tóc. Bác đã từng là liên lạc của Tự vệ khu Tống Văn Trân (nơi chợ Cửa Trường bây giờ), tham gia công tác chưng thu nguyên vật liệu trong các Cơ sở sản xuất chủ yếu là đồ đồng, nhôm, gang, sắt và các loại dụng cụ kim khí để sản xuất vũ khí phục vụ quốc phòng chống thực dân xâm lược Pháp. Khi về hưu, Phạm Quang Thăng là Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Quân giới tỉnh Nam Định.
           - Xin bác kể cho chúng em nghe một số tình tiết thời kỳ đó
           - Sự việc thế này các chú ạ: 
           Sau khi ta giành được chính quyền, quân Tầu Tưởng kéo vào thành phố Nam Định với cái cớ là giải giáp quân đội Nhật. Chúng sang Việt Nam đói khát, bệnh tật. Vì thế ta có câu hát (theo nhạc điệu hai câu đầu của bài Tiến quân ca): Kìa quân Tầu ô đi... sao mà ốm thế. Bước chân phù lê thê trên đất Việt Nam. Ta gọi: quân Tầu Ô, vì bọn chỉ huy đi đến đâu có vệ binh che ô đến đấy. Có thằng ăn bánh cuốn, ăn bún xong, chưa kịp trả tiền đã lăn quay ra chết, vì đang đói, ăn no quá, nên bị bội thực. Nó bán súng cho ta để lấy tiền mua lương thực, thực phẩm. Một số lính Nhật Lùn được phóng thích về nước cũng lén lút bán vũ khí với giá rẻ để có tiền ăn, chuẩn bị chuồn. Gọi là Nhật Lùn, vì họ thấp hơn những quân xâm lược phương Tây. Theo hiệp định Sơ bộ ký giữa ta và Pháp thì quân Pháp được phép đóng quân một số thành phố, trong đó có thành phố Nam Định. Ở tỉnh ta, chúng đóng quân tại Trại lính (khu vực Căng Ca rô - Campt careau - khu vực Quân khu, thuộc phường Trần Đăng Ninh bây giờ), khu Bờ Sông chỗ gần Cầu Treo cũ (có lô cốt bảo vệ, phố Tô Hiệu), Nhà máy Tơ, Nhà máy Dệt, Nhà Băng (Ngân hàng Nhà nước tại phố Trần Hưng Đạo). Thời kỳ đầu nhân dân ta đi lại bình thường nơi Pháp đóng quân. Ta không động chạm đến họ, họ không động chạm đến ta. Nhưng bản chất xâm lược thể hiện dần dần. Thỉnh thoảng chúng tổ chức những cuộc diễu võ dương oai, nghếch nòng súng trọng liên trên xe, quân đội Lê dương (légion) lăm lăm lưỡi lê diễu qua các phố. Trước tình hình đó, quân dân Nam Định chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn 34, trung đoàn 46 được thành lập. Cán bộ trung đoàn lúc đó có đồng chí Cao Xuân Hổ…
         Đêm 19/12/1946 quân ta chủ động đánh tất cả nơi trú quân của Pháp. Chúng hốt hoảng, co cụm lại trong Nhà Băng, như con ốc Sên nằm còng queo trong vỏ rồi vãi đạn bừa bãi ngày đêm không ngớt. Theo bài học đánh giặc của ông cha, chúng ta thực hiện vườn không nhà trống, khiến chúng lao đao trong cảnh không có lương thực, thiếu súng đạn. Nhưng hôm sau máy bay của địch thả dù vũ khí và nhu yếu phẩm tiếp tế cho bọn dưới đất, tiếp tục gây hấn.
           Bác Thăng kết luận: Như vậy ta đã có quân đội chống Pháp từ trước 19/12/1945 chứ không phải tới 20/4/1947 mới thành lập như trong cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định đã ghi. Và một tình tiết nữa: Đồng chí Chỉ huy quân đội khi thành lập là Cán bộ Công đoàn Nhà Máy Dệt cũng chưa chính xác, vì mãi đến 20/7/1947 Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam mới thành lập.
          Bác đã viết thư gửi ông Bí thư tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong, và ông Chủ tịch tỉnh Phạm Đình Nghị phản ánh về việc này. Các vị Lãnh đạo tỉnh đã phái hai đồng chí lãnh đạo ở tỉnh đội gặp bác Thăng. Nhưng sách đã phát hành lâu rồi. Những sai sốt đó, bây giờ đã sửa chưa? 
           Ngày 20/7/2019 tôi và bác Thăng gọi điện cho đồng chí Cường - cán bộ Tỉnh đội (đã gặp bác Thăng năm 2017, hiện nay đồng chí đã chuyển về Giao Thủy) đồng chí nói: "Năm 2017, sau khi gặp bác Thăng, cháu báo cáo về việc này. Nhưng tỉnh và hội đồng xét duyệt mới có quyền sửa. Cháu sẽ xem trang phây của bác để nghiên cứu và tiếp tục góp ý kiến với trên. 
           Tôi xin ghi thêm mấy dòng để các đồng chí lãnh đạo và bạn đọc nghiên cứu: Ngày 21/7/2019 bác Thăng cho tôi xem trang 84 tập Nam Định lịch sử kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ 1945 - 1975 (Tỉnh đội tặng bác Thăng) do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành (Trưởng ban Chỉ đạo biên soạn: Trần Minh Ngọc - Bí thư tỉnh ủy, biên soạn: Lê Như Huấn và Trần Văn Bình). Trong trang 84 tập ấy có ghi: ngày 25/2/1947, tiểu đoàn 75 tổ chức biên chế xong đại đội Quyết tử quân, với số lượng 100 người, gồm 1/3 là Vệ quốc đoàn, 2/3 là Tự vệ thành... Đồng chí Thiết làm đại đội trưởng, đồng chí Lâm làm đại đội phó, đồng chí Túc làm Chính trị viên kiêm bí thứ chi bộ. Đồng chí Thứ là cán bộ Vệ quốc đoàn chỉ huy trung đội một. Đồng chí Khâm là cán bộ Công đoàn chỉ huy trung đội thứ 2, đồng chí Sơn cán bộ Thanh niên của Công đoàn Nhà Máy Dệt chỉ huy trung đội thứ 3. Mỗi trung đội có từ 27 đến 30 người..../.

 VƯƠNG VĂN KIỂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét