Tiểu đường, huyết áp, đau lưng
Bệnh già tổng lực không ngừng hành ta
Nhớ thời trai trẻ xông pha
Đạn bom nào có coi ra cái gì
Bây giờ lọm khọm bước đi
Nằm không dậy nổi khác gì trẻ thơ
Ti vi ra rả hàng giờ
Thuốc hay quảng cáo như mơ được vàng
Vội mua, tiền mất tật mang
Toàn quân lừa đảo, toàn hàng bất nhân
Thuốc tây chữa đã bao lần
Đã không khỏi lại thêm phần nặng hơn
Thử đi y học cổ truyền
Gặp thầy gặp thuốc đỡ phiền vợ con...
TUẦN THỨ NHẤT 22/2/2021 đến 28/2/2021
7 giờ sáng, đi Bệnh viện y học cổ tuyền Nam Định với tâm lý cầu may. Trước đó, ba lần vào viện đa khoa trung tâm tỉnh chữa thuốc tây không chuyển. Chụp phim, thoái hóa toàn bộ cột sống, có gai. Nghe VTV1 quảng cáo Khương Thảo Đan dùng hai tháng không đỡ sẽ hoàn lại tiền, uống liền bảy tháng, không ăn thua. Trên FB nhiều GS TS quảng cáo thuốc chữa cột sống rất công hiệu, mua liền. Tốn tiền bạc và thời gian, bệnh không đỡ. Vậy nên đi y học dân tộc tâm trạng có bệnh thì vái tứ phương, không tin lắm…
***
Phòng khám khá đông bệnh nhân. Khai báo y tế dăm phút nhận được giấy vào khám. Xếp hàng chờ 30 phút khám xong, chuyển vào khoa châm cứu.
- Các cô cho hỏi…
- Ông là Mỹ Giống phải không ạ?
Chắc phòng khám đã truyền dữ liệu về khoa trước.
- Vâng, tôi là Trần Mỹ Giống.
Mấy cô bác sĩ cười, có lẽ cười vì cái tên tôi nghe… buồn cười.
- Ông đến lần đầu ạ?
- Vâng! Lần đầu!
Định thần, nhìn kỹ, toàn là các bác sĩ gái trẻ trung xinh đẹp. Một cô bác sĩ ôm chăn màn, gối, quần áo dẫn về phòng, bảo:
- Chăn màn của ông đây. Để cháu trải ga cho ông.
Vừa nói cô vừa thoăn thoắt trải chiếu, nệm, ga lên giường.
- Ông nằm nghỉ đi, một lát nữa chúng cháu châm cứu cho ông.
Phòng bệnh nhân kê 5 giường, vệ sinh khép kín. Nửa tiếng sau phòng đã tiếp nhận đủ bệnh nhân. Hai ông cựu chiến binh dưới bảy mươi tuổi. Một ông chừng năm mươi đi chân vẽ chân xóa. Một ông già, có lẽ gần tám chục, hay nói về thời sự chính trị. Tôi bỗng nhiên giở tính, cứ nín lặng theo dõi mọi người. Ông cựu chiến binh tai biến lần hai, có bà vợ đi phục vụ. Thỉnh thoảng ông tự nhiên bật ra một tràng cười, rất vô tư tự nhiên thoải mái. Bà vợ ông bảo:
- Trước nhà em còn khóc cơ bác ạ. Nhà em khóc giỏi, cười cũng giỏi…
Hai ông bà bữa ăn chung một suất cơm bệnh viện 20.000 đồng.
Ngày châm cứu một lần, tiêm một phát (không biết là thuốc gì). Bàn tay mềm mại của bác sĩ thao tác khéo léo. Vừa làm vừa hỏi chuyện bệnh nhân về bệnh tình…
Cứ ngỡ thầy lang phải là các ông lão râu dài, ai ngờ lại là các cô gái trẻ đẹp đến vậy.
***
Ngày thứ hai, bác sĩ đến giường bệnh lấy máu thử, rồi hướng dẫn sang khoa khám chụp phim, đo xương gì đó. Được chụp chiếu ngay, không phải đợi. Ông bệnh nhân cùng phòng ngồi chờ, nhìn qua vi tính, bảo:
- Xương cốt ông chỗ đen chỗ trắng kinh quá!
Thì chụp ở viện đa khoa trung tâm tỉnh đã biết từ lâu rồi, chả ngạc nhiên gì cả.
***
Ngày thứ ba, nhận thuốc bắc 6 gói cho cả tuần, thuốc viên (Phong tê thấp) ngày uống ba gói cũng được phát một tuần liền. Thêm điện phân, la ze mạch, xoa bóp. Phòng xoa bóp toàn là trai trẻ.
- Ban đầu sẽ đau lên, nhưng ông cứ kệ nó. Rồi sẽ quen ông ạ. Ông già rồi, đau lâu năm, cứng hết rồi, phải từ từ mới mềm lại được…
Mấy ngày đầu xoa bóp, tối về đau cả đêm mất ngủ.
***
Thứ bảy chủ nhật chỉ có một bác sĩ trực, ai phải tiêm thì tiêm, ai không tiêm thì tự do…
Thuốc bắc sắc xong uống bụng sôi ùng ục, đi ngoài toàn nước. Bác sĩ cho thêm vị mới. Vẫn đi ngoài. Bác sĩ bảo mang các gói thuốc đến để nhặt vị… đi ỉa ra cho. Vẫn đi ngoài, uống béc be rin, đỡ. Nghỉ uống mấy ngày rồi tính.
Cô bác sĩ có khuôn mặt giống mặt con cháu nội tôi vừa thao tác điện châm một cách diệu nghệ, vừa bảo:
- Ông cố theo ba tháng, nếu không chuyển thì đi tuyến trên. Mỗi đợt ba tuần, ông ra viện lại vào viện đợt mới…
Không xong rồi, tôi còn phải khám định kỳ lấy thuốc tiểu đường huyết áp ở viện đa khoa trung tâm tỉnh, phải ra viện lấy bảo hiểm về mới được khám. Nằm liên tục ở đây ba tháng sao được. Thôi cứ nằm hết một đợt ba tuần rồi tính…
***
Bệnh viện này ít bệnh nhân hơn bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh nên đỡ mất thời gian chờ đợi. Nhớ mỗi lần đi khám định kỳ tiểu đường huyết áp ở bệnh viện đa khoa tỉnh mất cả ngày, rất mệt mỏi. Tự nhiên thấy thích bệnh viện y học cổ truyền, thấy các cô các cậu bác sĩ trẻ đẹp thật đáng yêu…
TUẦN THỨ 2, 3 VÀ XUẤT VIỆN 15-3-2021
Hàng ngày cứ diễn ra một số việc như điệp khúc:
- Đo huyết áp
- Tiêm
- Châm cứu
- Xoa bóp bấm huyệt
- Điện xung
- La ze mạch…
Ngày nào bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Thị Nguyệt người xã Nam Toàn (Nam Trực) cũng hỏi:
- Ông thấy đỡ đau chưa?
Tôi lặp lại một câu trả lời chân thực như điệp khúc:
- Vẫn đau cô ạ. Đi lại thì đỡ. Ngồi lâu đứng lên mấy phút mới thẳng lưng lên được. Đêm đau nhiều. Trở mình, ho cũng đau. Dậy phải nhờ bà lão kéo hoặc đẩy.
Nghe mãi một câu trả lời, chắc bác sĩ Nguyệt sốt ruột lắm. Một bận bác sĩ Nguyệt bảo:
- Hay là ông đi tuyến trên họ khám xem có bệnh gì khác ngoài thoái hóa không. Bình thường chúng cháu chữa thời gian như vậy là giảm đau nhiều rồi. Chúng cháu đã tập trung hết khả năng thuốc, thủ thuật, châm cứu cho ông mà không chuyển…
***
Chuyển đề tài bệnh không chuyển, nói về mấy cụ cùng phòng cho đỡ nhàm chán sốt ruột.
Cụ Kiên (ở Lộc Vượng) và cụ (không nhớ tên) quê Mỹ Lộc trên bát tuần vốn là lính nhiều năm đi Căm Pu Chia. Hai cụ cùng cảnh hợp gu chuyện như ngô rang. Hình thức hai cụ như hai anh em: đều đậm người, trán hói, tóc bạc, mặt chữ điền, giọng sang sảng… Nghe các cụ tự hào kể về thời chiến binh oai hùng của mình mà vui đáo để. Có vẻ bệnh hai cụ nhẹ, mới chớm đi chữa ngay.
Ông cựu chiến binh tên Lý quê ở huyện Xuân Trường, mạn giáp Ngô Đồng bị tai biến nhẹ, hiền lành, dễ gần. Đồng hương, cùng lính chống Mỹ nên tôi và ông Lý hay chuyện trò với nhau về những người cùng quê mà cả hai cùng biết. Trước ngày ra viện ba hôm, ông Lý nhận điện vợ báo tin mất trộm toàn bộ đàn gà năm chục con cùng bảy con ngan tất cả gần hai tạ thịt… Ông Lý buồn xịu. Mọi người chỉ biết an ủi ông:
- Thôi của đi thay người ông ạ.
Ông cựu chiến binh tên Hào cùng chiến trường Quảng Trị với tôi bị tai biến lần hai, có vợ đi phục vụ. Nhà ông ở phố Vịt khu Năng Tĩnh. Tính ông hiền mà cục, nhiều lúc vô cớ cười tràng dài không kìm được, có lúc lại văng tục khi không vừa ý… Bà vợ nhẫn nhịn chiều chồng, thí thỏn ông, chăm sóc ông như chăm trẻ con. Bà vợ ông thường chủ động xếp giấy cho cả phòng đi xoa bóp bấm huyệt, đi la ze mạch… đỡ phải chờ đợi.
Ông bệnh nhân tên Xuân Văn Tuyết nhà ở Nam Điền (Nam Trực) gần nhà bà giáo Ngát - dì tôi, thật đặc biệt. Ông mới năm chục xuân, người cao to đẹp trai, vốn là đại gia cây cảnh và bất động sản. Ông từng có bốn bà vợ ở thủ đô, thành phố, và ở quê… với sáu con trai gái. Cách đây hơn chín năm, ông bị tai biến, cấm khẩu, bất động. Chữa chạy ở Hà Nội hơn một năm trời, tốn bạc tỷ mới đi chân vẽ chân xóa được, mới nói ú ớ được. Nghe ông nói phải luận mãi mới hiểu. Hỏi gì ông cũng bảo chiều, hay ngày kia!
- Đến lượt la ze mạch chưa?
- Ngày kia!
- Thế đã châm cứu chưa?
- Chiều!
Mỗi lần tiêm, ông đều phải nhờ người khác đặt bông cầm máu đúng vào vị trí tiêm và dán băng giữ giúp. Tay trái ông dường như không cử động được.
Ông nằm Viện y học cổ truyền Nam Định này đã tám năm rồi. Cứ hết ba tuần, ra viện một tuần, lại vào ba tuần tiếp… Chả biết là bảo hiểm của ông có hay không, chế độ gì mà mỗi đợt phải trả hơn 1,8 triệu đồng. Bác sĩ ở đây và ông quen nhau nhẵn mặt. Ông và tôi hẹn khi nào có dịp sẽ thăm nhau.
***
Thứ bảy, chủ nhật tuần thứ ba, về nhà nghỉ. Sáng thứ hai (15-3-2021) vào viện châm cứu và chiều ra viện. Qua hai ngày nghỉ, không xoa bóp bấm huyệt, không la ze, không điện xung, không châm cứu… không gì cả. Bất ngờ giảm đau rõ rệt. Nằm tự dậy được. Đi bộ nhanh và thoải mái…
Bác sĩ Nguyệt vừa châm cứu vừa hỏi:
- Ông thấy trong người thế nào?
- Ồ, lạ quá. Càng thủ thuật, càng xoa bóp… càng đau. Vậy mà hai ngày chỉ nằm chơi tự nhiên thấy giảm đau được sáu bảy phần. Tự dậy được, không cần vợ đỡ. Không đau cơ, chỉ còn thấy đau cột sống mỗi khi nằm thôi…
- Vậy thì tốt. Ông nên ra hiệu thuốc Đền Giếng mua can xi uống. Thiếu can xi cũng làm đau… Ông vào châm cứu luôn một hai đợt nữa nhé!
- Thôi để sau ngày 6-4-2021 khám tiểu đường huyết áp lấy thuốc đã cô ạ…
- Vâng, vậy cũng được!
Cảm nhận chung: Hầu hết các bác sĩ đều niềm nở, tâm lý, nhiệt tình, gần gũi… để lại ấn tượng tốt cho bệnh nhân. Chỉ hơi gợn một tý ở bộ phận hành chính thu viện phí và bảo hiểm. Tôi đến ký giấy ra viện lúc 2 giờ 45. Mấy cô nhân viên ngồi chơi, lèo tèo hai ba người khách mà họ nhất định bắt tôi phải chờ đúng 3 giờ mới làm thủ tục. Tôi đi loanh quanh ngó nghiêng không thấy bất kỳ cái biển báo lịch làm thủ tục ra viện nào cả. Tôi có cảm giác họ là rô bốt chứ không phải người.
Một ông bệnh nhân đồng hương quen biết đang làm thủ tục nhập viện bắt tay tôi bảo:
- Tay giám đốc viện này là rể họ Trần làng ta đấy ông ạ!
Tôi thờ ơ tạm biệt!
***
Về nhà khoe vợ:
- Lạ quá bà ạ. Càng thuốc men, tiêm, xoa bóp… càng đau. Nghỉ hai ngày chả thủ thuật thuốc men gì lại thấy đỡ đau. Giảm đau tới sáu bảy phần rồi bà ơi. Cứ đà này, có khi chả cần đi viện…
Bà hàng xóm tham gia:
- Không đau tạm thời thôi ông ạ. Ông cứ đi tuyến trên khám đi cho yên tâm.
- Vâng! Cứ đợi mười ngày xem tình hình sao đã rồi tính bà ạ!
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét