Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

PHẢ HỌ LÊ Ở XÃ HOÀNH SƠN, GIAO THUỶ – MỘT TƯ LIỆU CÓ GIÁ TRỊ VỀ LỊCH SỬ, XÃ HỘI HỌC / Nguyễn Mộng Nhưng

 


       Vừa qua, nhóm dịch thuật CLB Hán Nôm Quần Anh – Hải Hậu, Nam Định đã hoàn thành việc sao chép và dịch thuật từ chữ Hán, chữ Nôm ra quốc ngữ cuốn phả họ Lê ở xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, được viết vào năm Duy Tân thứ 8 (1014). Nhận thấy cuốn phả này rất đặc sắc, có giá trị không chỉ đối với một dòng họ. Theo thiển ý chúng tôi, cuốn phả ký họ Lê ở xã Hoành Tam còn có giá trị lịch sử, xã hội học và văn học nghệ thuật vượt ra ngoài phạm vi một xã, một huyện.

       Xin trình bày một số ghi chép và thu hoạch từ cuốn phả ký này.

       1- Giá trị lịch sử

       Đây là dòng họ có nguồn gốc ở tỉnh Thanh Hoá, ra lập nghiệp tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định từ cuối thế kỷ 18.

       Nội dung phả họ Lê ở Hoành Sơn cũng giống như phả ký nhiều dòng họ khác ở phía Nam tỉnh Nam Định. Nhưng điều đặc biệt là không chỉ ghi chép rành mạch thế thứ các đời, quá trình kiến thiết, tu sửa từ đường, xây dựng lăng mộ gia tiên…cuốn phả ký này còn ghi lại một số chi tiết về đời sống, phong tục và cảnh quan địa lý của một địa phương ở mạn của sông Hồng.

當巴辣破潰之餘稅多田圮公役分繁村人敗食辰范族登選公往建昌府富穀社居住营生公獨担當保全境土貽我子孫誠爲一鄉之柱石也

       (Đương Ba Lạt phá hội chi dư, thuế đa điền di công dịch phân phồn thôn nhân bại thực, thời Phạm tộc đăng tiến công vãng Kiến Xương phủ, Phú Cốc xã cư trú doanh sinh. Công độc đảm đương bảo toàn cảnh thổ di ngã tử tôn thành vi nhất hương chi trụ thạch dã.)

       Dịch nghĩa:

       “Đương lúc bấy giờ cửa Ba Lạt bị sạt lở rất nhiều. Dân trong thôn làng phải tha phương cầu thực. Lúc bấy giờ ông họ Phạm chạy sang xã Phú Cốc huyện Kiến Xương để sinh sống.

       Còn lại một mình ông Đình Bảng ở lại bảo vệ giữ gìn đất đai làng xóm, lưu lại cho các thế hệ con cháu một làng trù phú, bền vững lâu dài.”

       Hành trạng cá nhân của các vị cao tổ đầu dòng tộc cũng nhắc đến đội bảo vệ bờ biển

公前爲人朴寔投募海防權充隊長及四家志樂田園

       (Công tiền vi nhân, phác thực đầu mộ hải phòng, quyền xung đội trưởng, cập tứ gia, chí lạc điền viên…)

       Dịch nghĩa:

       “Ông xưa là người hiền lành, chất phác, ông gia nhập vào đội quân bảo vệ biển, được xung làm đội trưởng, cùng 4 nhà, vui thú ruộng vườn”

       Điều đặc biệt nữa, trong khi đa số phả ký của các dòng họ khác chỉ chép đinh nam, riêng phả họ Lê ở Hoành Tam ghi chép đầy đủ tên tuổi, gia đình, năm mất, nơi mộ táng của tất cả đinh nữ trong dòng họ.

       Đồng thời, lịch sử hơn 200 năm xây dựng quê hương mới, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương đã được phả ký ghi lại những nét khái quát. Đây là một đoạn cuốn phả ký

為大宗之祖也初貫清華: 古號愛洲今改清化地稱名勝辰因風雨徙住梁江黎景興間歷遊南下古號渭潢坉今改南定省擇得海洲屬天長府金改春長膠水縣遷

       (Vi đại tông chi tổ dã. Sơ quán Thanh Hoa, cổ hiệu Ái Châu, kim cải Thanh Hoá. Địa xưng danh thắng, thần nhân phong vũ, tỷ trú Lương Giang. Lê Cảnh Hưng gian, lịch du Nam Hạ cổ hiệu Vị Hoàng thôn, kim cải Nam Định tỉnh. Trạch đắc Hải Châu, thuộc Thiên Trường phủ. Kim cải Xuân Trường, Giao Thuỷ huyện.)

       Dịch nghĩa:

       Cụ tổ cao đời nhất của dòng họ, xưa quê ở Thanh Hoa, xưa gọi Ái Châu, nay đổi là Thanh Hoá. Địa danh tuy phong cảnh đẹp nhưng thời tiết không thuận lợi, nên dời về Lương Giang.

       Đến triều đại Lê Cảnh Hưng (1740-1786) dời xuống phía Nam, xưa gọi là thôn Vị Hoàng, nay đổi là tỉnh Nam Định, ở tại Hải Châu thuộc phủ Thiên Trường. Nay đổi là Xuân Trường, huyện Giao Thuỷ để ở.

       2 - Giá trị giáo dục

       Phả ký họ Lê ở Hoành Sơn không chỉ ghi lại xuất xứ dòng họ, tiểu sử các cá nhân đời…mà còn giáo huấn lễ nghĩa, kỷ cương, đạo lý cho con cháu.

       Giáo dục lòng hiếu kính đối với tiên tổ:

       Ngay sau phần ghi chép tiểu sử vị tổ cao đời nhất, phả ký họ Lê Hoành Nha là phần lễ nghi tế tổ. Sau những hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ việc sắm sửa lễ vật, cách bày nhang án, trải chiếu, cho đến tư thế thế của quan viên tham gia tế, phả ký họ Lê còn cung cấp một bản tế kèm theo một mẫu văn tế với nội dung (Chính tế, tế Đông chí, tế Xuân…) khá phong phú, hoàn chỉnh, thiết nghĩ các dòng họ đều có thể tham cứu.

       Trong việc phụng thờ, tế lễ thể hiện lòng hiếu kính đối với tiên tổ, phả ký có 10 điều giáo huấn cụ thể. Xin giới thiệu đoạn mở đầu điều thứ 1:

第一條

窈念牲本乎天人生乎祖根深葉茂幹固枝解要宜慎終追遠先立祠堂爲神主具祭器置祭田歲時奉事以明報本之義

       Phiên âm:

       Đệ nhất điều

       Yểu niệm sinh bản hồ, thiên nhân sinh, hồ tổ căn thâm diệp mậu cán cố chi giải yếu nghi thận chung truy viễn, tiên lập từ đường vi thần chủ cụ tế khí trí tế điền tuế thời, phụng sự dĩ minh báo bản chi nghĩa…

       Dịch nghĩa:

       “Điều thứ nhất

       Từ thủa hoang sơ, trời đất sinh ra muôn loài và con người.

       Tổ tông rễ sâu gốc vững, cành lá xum xuê, tìm về nguồn gốc xa xưa tiên tổ. Cốt yếu nên lập từ đường, làm thần chủ, thiết lập sắm sửa đầy đủ đồ tế khí. Hàng năm sắp bày tế điền, phụng sự tiên tổ đó là gốc hiếu nghĩa…”

       Giáo dục lễ nghĩa trong việc thờ phụng tiên tổ tại từ đường.

       Chọn người xứng đáng là thủ từ, phân công, giao trách nhiệm cho các chi phái luân phiên quét dọn, trông nom từ đường thờ tổ tiên

       Sau phần thờ phụng tiên tổ tại từ đường, phả ký nêu ý nghĩa của việc mừng thọ, cùng những quy định cụ thể nội dung buổi lễ mừng thọ và nhiệm vụ của người thân trong gia đình có người được mừng thọ và trách nhiệm của tất cả quan viên trong họ.

再考賀壽禮解論

人生而壽有子若孫,祖父之幸稱觥祝壽,人子之大幸也,葢仁人孝子,旣壹其親之壽,又惧其親之衰,故於愛日之誠自不能已此所以爲詩章宴賀慶溢庭園良有以也,今我家十年計節逅到春凡各家長,帥諸卑幼齊就祠堂,洒掃庭除拂拭案卓,浄潔布列床帳几席,設南面壽位於堂中,務令整粛兄弟之嚴,長者一人前導,卑幼各後隨請迎

       Phiên âm:

       Tái khảo hạ thọ lễ giải luận

       Nhân sinh nhi thọ hữu tử nhược tôn, tổ phụ chi hạnh xưng quang chúc thọ, nhân tử chi đại hạnh dã. Cái nhân nhân hiếu tử, ký hỷ kỳ thân chi thọ, hựu cụ kỳ thân chi ai, cố ư ái nhật chi thành tự bất năng dĩ thử sở dĩ vi thi chương, yến hạ khánh dật đình vi lương hữu dĩ dã, kim ngã gia thập niên kế tiết nghênh đáo xuân nguyên, các gia trưởng xuất chư ti ấu, tề tựu từ đường, tẩy tảo đình trừ, phất thi án trác, tịnh khiết, bố liệt sàng trướng, kỷ tịch, thiết nam diện thọ vị ư đường trung, vụ lệnh chỉnh túc, huynh đệ chi tối trưởng giả nhất nhân tiền đạo, ti ấu các hậu tùy, thỉnh nghênh…

       Dịch nghĩa:

       “Luận bàn thêm về lễ mừng thọ

       Con người ta sống trên đời được hưởng thọ, có con có cháu. Cha mừng vui khi được xưng danh chúc thọ, còn các con thì đó là điều hạnh phúc lớn vậy.

       Cái bao trùm lên con người có nhân có đức đó là đức hiếu thuận. Khi cha mẹ sống thọ thì mừng, lo sợ khi cha mẹ mất. Cho nên cha mẹ sống thêm được một ngày thì lòng thành không thể không có thơ phú, mở yến tiệc mừng thọ cho gia đình vui vẻ. Nay nhà ta có người thân thêm 10 tuổi thọ, năm mới, đón mùa xuân đến. Các chủ gia đình cùng tất cả lớn bé tề tựu về từ đường quét dọn lau chùi án trác, tất cả đều phải sạch sẽ thanh tịnh, sắp đặt bàn ghế, trải chiếu, sắp bày ở giữa từ đường theo hướng nam, tất cả nhất thiết đều phải chỉnh tề, nghiêm túc, một người tôn trưởng dẫn đầu, các anh em đi cùng mọi người lớn bé theo sau, tiến vào yết kiến…”

       Giáo dục đạo đức, lối sống

       Một điều đáng ngạc nhiên là, phả ký họ Lê ở Hoành Sơn còn có những quy định mang ý nghĩa như một điều luật bắt buộc con cháu phải chấp hành nghiêm chỉnh, nếu không sẽ phải chịu hình phạt, tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ. Đơn cử là quy định về việc uống rượu khi đình đám.

鄉飲酒之禮

六十者坐,五十者立侍以聽政役,所以明尊長也

六十者三豆,七十者四豆,八十者五豆,九十者六豆,所以明養老也,民知尊長養老,然後乃能入孝茅民入孝茅出尊長養老而后成教,成教而后國可安也

       Phiên âm:

       Hương ẩm tửu chi lễ

       Lục thập giả tọa, ngũ thập giả lập thị dĩ thính chính dịch, sở dĩ minh tôn trưởng dã.

       Lục thập giả tam đậu, thất thập giả tứ đậu, bát thập giả ngũ đậu, cửu thập giả lục đậu, sở dĩ minh dưỡng lão dã, thị tri tôn trưởng dưỡng lão, nhiên hậu nãi năng nhập hiếu đễ, dân nhập hiếu đễ xuất tôn trưởng dưỡng lão nhi hậu thành giáo, thành giáo nhi hậu quốc khả an dã.

       Dịch nghĩa:

       “Nghi thức, phép tắc uống rượu ở làng quê

       Người 60 tuổi trở lên được ngồi, 50 tuổi trở xuống đứng để nghe sai bảo làm việc, đó là điều tốt, tôn trọng người cao tuổi.

       60 tuổi 3 bát, 70 tuổi 4 bát, 80 tuổi 5 bát, 90 tuổi 6 bát. Đó là những điều tốt cho việc dưỡng lão vậy. Dân mà biết tôn trọng người cao tuổi thì phải biết dưỡng lão rồi sau mới biết hiếu và thuận theo. Dân biết và thấm sâu việc hiếu thuận thì xuất phát từ sự tôn trọng người cao tuổi mà dưỡng lão, nên dạy bảo hậu thế, dạy bảo hậu thế được thì làng xóm, đất nước mới bình yên thịnh vượng…”

       3 – Giá trị học thuật

       Hiếm có một cuốn phả ký của dòng họ nào như phả ký họ Lê xã Hoành Sơn, Giao Thuỷ. Cuốn phả ký có độ dài gần 200 trang (giấy bản khổ 16cm x 24cm), ghi chép đầy đủ thế thứ các đời, quá trình xây dựng, tu sửa từ đường,  địa chỉ mộ táng gia tiên, cùng là những quy định chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể về việc thờ phụng tiên tổ, tế lễ bốn mùa…Điều này cho thấy dòng họ Lê và ban tộc phả đã rất nhiều tâm huyết và công phu mới làm được. Một điều đặc biệt nữa, trong cuốn phả ký này trích dẫn rất nhiều câu trong các kinh sánh như Kinh Dịch, Luận Ngữ, Gia phạm, Minh tâm bảo giám…Văn phong của phả ký được viết bằng lời văn đĩnh đạc, khúc chiết, giản dị…Không khó giải thích vì người chấp bút là Trà Bắc Cử nhân Lê Văn Nhưng (thi đậu cuối đời nhà Nguyễn. Trong phả ký có một số bài thơ do ông sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, thay lời con cháu trong dòng họ ca tụng công đức của tiên tổ, thơ mừng thọ các vị niên cao đức trọng. Xin giới thiệu một số bài

       來格精神堂苹聚

       如存享祀歲春秋

       逢春雨潤天梅柳

       开歲香升地藻蘋

       Phiên âm :

       Lai cách tinh thần đường tụy tụ

       Như tồn hưởng tự tuế Xuân Thu

       Phùng Xuân vũ nhuận thiên mai liễu

       Khai tuế hương thăng địa tảo tần

賀文

恩先荫德茄産固,

長壽��,

��,

祿丞先蔭���,

���從且,

趣春薹閒雅��,

双双泊腋瑁,

���,

南山��,

採西瑤芃����,

桂蘭森合沒茄,

尊長底和爫,

��隊恩,

影堂添春杯添濃

       Dịch thơ:

MỪNG THỌ

       …Ơn tiên ấm đức nhà sẵn có

       Bảy tám mươi trường thọ đời đời…

Dang tay trải chiếu rượu bày

Lộc thừa tiên ấm chén vào vui say

Vui say vẫn tháng ngày thong thả

Thú xuân đài nhàn nhã vui chơi

Song song tóc bạc da mồi

Bảy mươi tám chín mười mươi chưa già

Xin Nam sơn chén hà sa xuống

Hái Tây dao bông ngọt đi ra

Quế lan xum họp một nhà

Chúc mừng tôn trưởng để hoà làm vui

Từ nay muôn đội ơn trời

Cảnh đường thêm vẻ xuân bôi thêm nồng

Thật may mắn khi được tham gia sao chép và dịch thuật cuốn phả quý của dòng họ Lê ở xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Qua cuốn phả này, chúng tôi có dịp mở mang hiểu biết về lịch sử của một miền quê ven biển, về truyền thống của một dòng họ trọng hiếu, nghĩa. Đồng thời chúng tôi cũng có dịp hiểu thêm ý nghĩa của câu thành ngữ “Phép vua thua lệ làng”. Lệ làng ở đây là “luật họ” quy định trách nhiệm và quy tắc ứng xử của từng cá nhân với làng xã, tổ tiên, với cha bác anh em trong dòng họ.

Vì vậy, qua những điều đã trình bày, có thể nói rằng: phả ký dòng họ Lê ở xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định là một tư liệu có gía trị về lịch sử và xã hội học.

Trọng Đông Canh Tý 2020

               N.M.N

……………………

       Chú thích: Do chương trình chữ Hán Nôm ở máy trang chủ không thích hợp nên một số chữ trong bài MỪNG THỌ bỏ trống. Nếu tác giả chụp nguyên bản gửi ảnh cho trang chủ sẽ đầy đủ. (Trang chủ)

 

 

 

 

 

1 nhận xét:

  1. Đính chính: Dòng thứ tư trên xuống do sơ xuất đã ghi sai “duy Tân thư 8 (1014) “. Xin đọc lại la “Duy Tân thứ 8 (1914). Thành thật xin lỗi các bạn.

    Trả lờiXóa