Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

HAI BÀI THƠ LẤY TỪ CA DAO / Lê Văn Hy

 

 


        Đó là hai câu thơ mở đầu hai bài thơ “Vô đề“ và  “Lụy“  của Lương Ngọc An, đăng trên Tạp chí Giáo dục @ Thời đại của Lương Ngọc An, số tháng 3 năm 1998, theo tôi là được lẩy từ ca dao.

        Từ cổ chí kim ở Việt Nam cũng như là ở Trung Quốc, các nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa, thậm chí rất nổi tiếng, họ đều coi trọng  và học tập ca dao  dân ca.

        Trong một bài thơ  chữ Hán, Nguyễn Du viết:

        Thôn trang sơ học tang ma ngữ

        (học tiếng nói dân dã nơi thôn xóm)

        Khổng tử nói: Bất học thi vô dĩ ngôn.

        (Không học kinh thi thì không có gì để nói)

        Lương Ngọc An, sinh năm 1965 tại Hà Nội.   Anh đã có 2 tập thơ  Phác họa -  NXB Phụ nữ 1993 và  Trở về – NXB Lao Động 1995.

        Tôi chưa được đọc hết những tập thơ của Lương Ngọc An. Không biết thơ anh có bao nhiêu bài được ảnh hưởng ca dao dân ca Việt Nam, song chỉ hai bài thơ nêu trên  đã phỏng theo ca dao đân ca  để thêm vào ý mới của mình  rất độc đáo.

        Đọc câu đầu bài thơ Vô Đề:

        Chồng người áo rách người thương .

        Tác giả lẩy từ hai câu ca dao:

        Chồng ta áo rách ta thương

        Chồng người áo gấm xông hương mặc người

        Câu ca dao ca ngợi lòng chung thủy của người vợ  đối với người chồng. Áo rách cho dù là “đói cho sạch, rách cho thơm“ cũng không thể so sánh với áo gấm xông hương đã đẹp lại thơm. Vậy mà người vợ vẫn chọn áo rách, không mơ màng áo gấm.

        Nhưng chỉ sang câu thứ:

        Áo chồng người vắt đầu giường khổ ta

        Thì ý thơ đã đổi mới hẳn. Nó mang tính phản đối lòng chung thủy một chiều của người vợ, nó lên án người chồng không chung thủy, nó đòi hỏi quyền bình đẳng của phụ nữ trong quan hệ vợ chồng. Tôi chung thủy với anh thì anh cũng phải chung thủy với tôi. Không thể  sự ngoại tình đối với người phụ nữ là một tội lỗi và đưa lại hậu quả nghiêm trọng về pháp luật và xá hội, thì đối với đàn ông lại được coi là cái gì vinh dự, hoặc tệ lắm cũng chỉ là vết nhơ cỏn con  về đạo đức  mà người ta vui thochs nhận lấy.

        Ăng Ghen: “Nguồn gốc gia đình và chế độ tư hữu tài sản nhà nước“, nó không chỉ đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ  mà nó còn phản kháng quan niệm phong kiến: “Trai năm thê, bẩy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng“,  hoặc:

        Em như sao Bắc Đẩu

        Ngàn năm không đổi thay

        Anh như mặt trời mọc

        Sớm đông chiều lại tây

                (Dân ca Nhạc cổ)

        Áo của người đàn ông lạ, đã có vợ (“chồng người“) đem vắt ngang trên đầu giường người đàn bà  (“ta“) đã đủ bằng chứng về sự ngoại tình, mà người này có phải sang trọng áo gấm gì cho cam, cũng nghèo túng (“áo vá“)

        Ta nào áo gấm vào ra

        Cũng phường áo vá ấy mà người ơi

        Chỉ trách một điều là cái anh “Chồng người“  kia sao không  tế nhị một chút mà lại, bất chấp đến mức liều lĩnh:

        Thôi thì xót áo thương người

        Cũng xin đừng để lả lơi đầu giường.

        Đến đây, hai câu cuối bài thơ  ta lại thấy cái nhân bản rộng lượng của phụ nữ, cái khao khát quyền được yêu thương của ngượi phụ nữ dù chỉ một chút cỏn con:

        Chồng người thì người cứ thương

        Bớt cho ta một góc đường...

        Lại qua...

        Bài thơ thứ hai có đầu đề là LỤY, một từ đơn âm tiết, một từ cổ hoàn toàn Việt Nam, được dùng nhiều trong ngôn ngữ hàng ngày, còn có nghĩa nhờ cậy hai chiều thân mật “Lụy nhau“.

        Đã từng xuật hiện đôi lần trong ca dao:

        Qua sông thì phải lụy đò.

        Ở đây, tác giả chỉ dùng chệch đi là lụy cầu.

        Bài thơ 12 câu thơ lục bát, từ lụy chỉ xuất hiện có 3 lần.

        Qua sông thì phải lụy cầu

        Yêu nhau cũng phải lụy nhau em à

        Trăm năm phải lụy một ngày đó em .

        Thế nhưng từ lụy vẫn là linh hồn của bài thơ. Cả bài thơ là lời tâm tình thủ thỉ của người con trai với người con gái tình yêu của họ vẫn còn đang trắc trở. Nào là, em bây giờ là của người ta rồi. Ta dù có yêu thương em đến mấy cũng chỉ là thương xa nhớ gần mà thôi. Rằng con đường yêu đương còn nhiều nỗi đa đoan lắm như một lối cũ đã xưa lắm rồi. Lòng ta bây giờ cũng không còn là những cơn gió nồm nam mát rượi mà chỉ còn là những ngọn gió heo may tê tái vv và vv…

        Em giờ em của người ta

        Ta giờ ta của... thương xa nhớ gần...

        Đưa nhau qua lối tình nhân

        Đa đoan lại gặp đồng lần đa đoan

        Em còn lánh mặt thế gian

        Ta còn bịu díu hồng nhan một thời

        Này em lối cũ xa rồi

        Này ta, gió đã cất lời heo may

        Hai câu kết bài thơ như là một lời an ủi, chập nhận, tự cho thế cũng là được rồi, cho chỉ là sự vớt vát một chút tình của đôi trai gái.

        Bây giờ đâu cũng là đây

        Trăm năm phải lụy một ngày đó em...

 

Lê Văn Hy

Thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét