Lời Nói Đầu
Vừa kết bạn FB với Hồ Anh Tuấn xong tôi nhận được tin nhắn của bạn ấy như sau:
“Chào Tiên sinh!
Em vào trang đọc mấy bài bình của Tiên sinh thấy hay quá; tính logic học rất cao, phân tích rõ ràng mạch lạc. Em là người yêu thơ và đang tập làm thơ viết theo cảm xúc. Em rất mong được Tiên sinh chiếu cố cho em xin một lời chỉ giáo. Chúc Tiên sinh ngày cuối tuần thật an hạnh”
Để tỏ lòng quý mến một người yêu thơ, tôi đã chọn một bài thơ của mình phân tích, lý giải để giúp anh bạn làm quen với một số điểm căn bản của Kỹ Thuật Thơ.
Lý Do Chọn Bài Thơ
1/ À Ra Thế là bài thơ ngắn nhưng có nhiều điểm liên quan đến kỹ thuật thơ đáng để luận bàn, trao đổi.
2/ Đứng ở vị trí “tác giả” tôi có thể mạnh miệng hơn khi nói đến tứ thơ và kỹ thuật thơ của tác phẩm.
3/ Đây là bài thơ chỉ ở mức “thường thường bậc trung” nên chắc độc giả cũng không nỡ trách tôi “bình thơ của mình” để “mèo khen mèo dài đuôi”.
Trải Nghiệm Cá Nhân
Thằng Cu Tý của tôi có lẽ nặng nghiệp nên đã cùng tôi chịu nhiều đọa đày, cay đắng. Những năm tù cải tạo, cũng vì mê làm thơ nên tôi luôn bị cùm kẹp trong xà lim và bị đánh đến giập xương xống, liệt 2 chân, rối loạn cơ tròn, không kiểm soát được cả đường tiểu tiện và đại tiện. Dĩ nhiên lúc ấy thằng Cu Tý cũng bị ảnh hưởng nặng nề và bị xếp vào loại “bất khiển dụng” mấy năm liền.
Sống ở Mỹ tôi bị đụng xe 4 lần trong đó có đến 3 lần cả hai xe đụng nhau đều hư hại hoàn toàn, được đưa về bãi xe phế thải bán sắt vụn. Đặc biệt, có một lần “head - on” (hai xe trái chiều đụng nhau) ngay giữa Cầu Kemah (Galveston, Texas). Tôi bị thương nặng, kẹt trong chiếc xe bẹp dúm.
Một người lính cứu hỏa phải chui vào hàng ghế sau xe để lấy tay bịt vết đứt trên cổ của tôi đang phun máu lênh láng. Trực thăng đã đáp xuống bãi trống chờ đợi nhưng phải đến hơn 30 phút sau lính cứu hỏa mới cưa đứt xe để lội tôi ra đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Ngoài vết đứt 8 cm trên cổ tôi còn gẫy xương đùi phải và 6 xương sườn. Đó là chưa kể những bầm dập khác trên cơ thể. Trong 3 lần đụng xe nặng thằng Cu Tý cũng “te tua” và trở thành “đồ phế thải” khá lâu.
À RA THẾ
Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện
sợ tốn điện
hao tiền
thật ra không phải vậy
Thuở ấy
bụng tôi rất săn
chỉ hơi lên gân
sáu cục nổi lên cuồn cuộn
Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
hùng dũng hiên ngang
tư thế sẵn sàng chiến đấu
Tắm xong đứng trước gương
càng nhìn càng thấy thương
càng nhìn càng hãnh diện
Bẵng đi mấy chục năm
một hôm đang tắm chợt nhìn lại mình
bụng không còn sáu cục
mà phình ra cao hơn ngực
Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
gầy yếu xanh xao
gục đầu ủ rũ
càng nhìn càng thấy buồn
càng nhìn càng tủi hổ
Từ đó
Tôi có thói quen
tắm đêm không mở đèn.
Tứ Thơ
Ảnh hưởng gánh nặng tuổi tác của nam giới trong đời sống vợ chồng.
Ngôn Ngữ, Hình Tượng, Câu Cú
Ngôn ngữ, hình tượng không cao sang, quý phái mà đơn giản, đời thường; câu cú ngắn gọn, dễ hiểu.
Thể Thơ
Thơ Mới biến thể, nhất khí liền mạch.
Số Chữ Trong Câu
Thay đổi tùy tiện, tùy hứng, không theo một quy luật bó buộc nào.
Vần
Thường là vần liên tiếp nhưng không đều đặn mà lúc có lúc không, không bị bó buộc bởi luật tắc; độ ngọt vừa đủ, không có hội chứng nhàm chán vần.
Dòng Chảy Của Thơ
Tứ thơ, âm điệu, nhịp điệu quyện với nhau thành một dòng chảy rõ rệt tương đối mạnh.
Có dòng chảy của tứ thơ nhờ thể thơ nhất khí liền mạch, không bị phân mảnh, đứt đoạn.
Có dòng chảy âm điệu nhờ vần vừa độ ngọt.
Dòng chảy của nhịp điệu không đều đều tẻ nhạt nhờ số chữ trong câu thay đổi, không tuân theo một quy luật nào.
(Dòng âm điệu và dòng nhịp điệu thường được gọi chung là dòng nhạc trong thơ.)
Biện Pháp Tu Từ
Bài thơ có một biện pháp tu từ (thủ pháp nghệ thuật) có giá trị như một lớp phấn son trang điểm.
Đó là 4 câu đầu:
Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện
sợ tốn điện
hao tiền
thật ra không phải vậy
và 3 câu kết:
Từ đó
tôi có thói quen
tắm đêm không mở đèn
kết hợp với nhau thành một “câu đố” có câu trả lời bất ngờ, lý thú đầy tính hài hước.
Sau đây là lý do tôi đưa thủ pháp nghệ thuật này vào bài thơ.
Chuyện thằng Cu Tý của tôi bất khiển dụng, dĩ nhiên, chỉ có hai vợ chồng biết. Trong thời gian vợ chồng “ăn mặn nhưng lại ngủ chay” có vài lần tối đến ra khỏi phòng tắm bước về phía phòng ngủ vợ tôi cười hỏi:
Hôm nay có gì lạ không? Chắc là hỏng hẳn rồi chứ gì?". Tôi chỉ biết ngượng ngùng im lặng.
Một hôm tôi bước vào phòng tắm lúc trời chập choạng. Vẫn còn thấy đường nên tôi không bật đèn mà cứ thế mở nước tắm táp. Một lúc sau con gái đi học (và đi làm thêm) về, thấy phòng tắm tối thui lại có tiếng nước chảy nên gõ cửa hỏi “Có ai trong phòng tắm không?” Tôi lên tiếng cho con biết rồi tiếp tục công việc của mình.
Chuyện như thế xảy ra thêm một đôi lần nữa. Có điều mấy lần sau con biết rồi nên không hỏi.
Vài tuần sau vợ tôi kể lại chuyện con gái tâm sự với mẹ “Không hiểu sao dạo này ba kỳ lắm; tắm buổi tối mà lại không mở đèn!” Tôi phì cười cho qua chuyện nhưng thắc mắc của con đã gợi ý để tôi viết bài thơ À Ra Thế sau này.
Biện pháp tu từ “tắm đêm không mở đèn” không phải là lối nói bóng gió bởi cái “ngụ ý” thì đã được “nói toạc móng heo” ở phần còn lại của bài thơ. Nếu bảo là “Show, Don’t Tell” (Gợi, Không Kể) cũng không đúng vì 2 đoạn Gợi đã được Kể ngọn ngành chi tiết ở giữa bài.
Tôi cho rằng đây là “phép ẩn dụ 2 cầu”? Xin được có mấy lời giải thích như sau:
“Mấy đứa con
tưởng tôi hà tiện
sợ tốn điện hao tiền”
Cái “tưởng” đó cứ bám theo người đọc cho đến cuối bài mới có câu trả lời:
“Từ đó
tôi có thói quen
tắm đêm không mở đèn.”
À! Thì ra ông bố có thói quen như thế nên con mới tưởng là ông hà tiện, sợ tốn tiền điện. Mà “tưởng” như thế là “tưởng” sai (“thật ra không phải vậy”). Đây là cây cầu thứ nhất.
Vậy thì ông “tắm đêm không mở đèn” với mục đích gì? Điều này đã được trả lời rõ ràng, chi tiết ở phần giữa bài thơ - để khỏi phải nhìn thấy dáng hình tiều tụy của thằng Cu Tý. Đây là cây cầu thứ hai.
Như vậy, cái biện pháp tu từ mà tôi dầy công dàn dựng chỉ có nhiệm vụ làm một lớp “bao bì” cho tứ thơ và tặng độc giả mấy tiếng cười sảng khoái.
Bố Cục:
Hơi lạ. Đoạn giữa - chuyển tải ý chính của tứ thơ - mạch lạc, hợp lý. Đoạn đầu làm người đọc hơi hoang mang, khó hiểu. Nhưng đọc đến cuối bài thì tất cả đâu vào đấy, người đọc “bắt” được tứ thơ dễ dàng.
Tựa Đề
Tựa đề của bài thơ là À Ra Thế - lấy biện pháp tu từ làm chỗ dựa – không hay lắm nhưng cũng gần gũi với tứ thơ.
Đoạn Kết
Vừa hay vừa dở. Gây ngạc nhiên thích thú và tạo một màn hài duyên dáng cho độc giả nhưng làm giảm hẳn nỗi buồn – tâm điểm của tứ thơ.
Cảm Xúc
1/ Cảm xúc tầng 1: Từ ngôn ngữ hình tượng, câu cú – bình thường.
không đáng kể.
2/ Cảm xúc tầng 2: Từ bố cục, thế trận của bài thơ – khá mạnh.
3/ Cảm xúc tầng 3:
Mời độc giả cùng đọc với tôi đoạn thơ:
Thuở ấy
bụng tôi rất săn
chỉ hơi lên gân
sáu cục nổi lên cuồn cuộn
Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
hùng dũng hiên ngang
tư thế sẵn sàng chiến đấu
Tắm xong đứng trước gương
càng nhìn càng thấy thương
càng nhìn càng hãnh diện
Đây là đoạn thơ kể lại cái thời thằng Cu Tý còn “hùng dũng hiên ngang”. Đọc đến mấy câu sau thì cảm giác “sướng” (tự hào) – không phải từ ý nghĩa của con chữ mà từ một khoảng không nào đó, là thứ cảm xúc cao quý nhất trong thơ - đã bắt đầu nhen nhúm trong lòng độc giả, nhưng phải nói còn rất nhẹ.
Rồi đoạn kế tiếp:
Bẵng đi mấy chục năm
một hôm đang tắm chợt nhìn lại mình
bụng không còn sáu cục
mà phình ra cao hơn ngực
Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
gầy yếu xanh xao
gục đầu ủ rũ
càng nhìn càng thấy buồn
càng nhìn càng tủi hổ
nói đến quãng đời thê thảm của thằng Cu Tý – lúc nào cũng “gầy yếu, xanh xao, gục đầu ủ rũ”. Đọc đến mấy câu cuối thì một nỗi buồn - không phải từ những con chữ mà từ đâu đó giữa hai hàng kẻ - đang cố gắng “len lén vào hồn” nhưng bị ngăn lại vì 2 lý do sau đây:
1/ Chất hài của biện pháp tu từ đã gây ra “ép phê ngược”. Phải công nhận đó là cái hài “có duyên”, nhưng đang buồn thúi ruột mà chêm vào tiếng cười tiếu lâm, vui nhộn là “không khéo”và đã làm giảm hẳn nỗi buồn.
2/ Tôi viết bài thơ lúc đã khỏi bệnh, thằng Cu Tý đã lấy lại được phong độ, có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình khi cần đến. Thời điểm ấy chuyện “tắm đêm không mở đèn” đã chấm dứt. Hai chữ “Từ đó” với nghĩa “Từ đó về sau” là không đúng sự thật. Bóng dáng của chữ “xạo” xuất hiện làm cảm xúc tầng 3 tịt ngòi.
Thơ Là Tiếng Lòng Chân Thật
Đọc thơ, thấy được cái đẹp cái hay của ngôn ngữ, hình tượng, câu thơ đã là điều đáng quý, hiểu được mức độ hợp lý của thế trận trong bài thơ là đã cao hơn một bậc. Nhưng cao hơn nữa là cảm được cái hơi nóng (nếu có) của cảm xúc tầng 3 - thứ cảm xúc cao cấp nhất, được gọi là hồn thơ.
Muốn thế, ngoài cái đầu còn cần có trái tim. Cái luồng hơi nóng từ cảm xúc tầng 3 không phải đến từ câu chữ mà từ “đâu đó giữa 2 hàng kẻ” - nghĩa là từ bên ngoài bài thơ - không thể “tóm bắt” bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn, mà phải là tâm hồn nhạy cảm.
Nếu tâm trạng của thi sĩ lúc làm thơ là 1 phần cảm xúc 9 phần lý trí thì lý trí sẽ nắm quyền đạo diễn. Chất thơ của bài thơ sẽ rất ít. Ngược lại, nếu tâm trạng là 9 phần cảm xúc 1 phần lý trí thì lý trí sẽ bị lấn át, bài thơ sẽ nhiều chất thơ hơn. Có điều dù chỉ 1 phần lý trí nó cũng sẽ thỉnh thoảng xía vào đòi chỉnh sửa chỗ này, thêm thắt chỗ kia, lời thơ cũng có bóng dáng của chữ “xạo”, dù rất mờ nhạt.
Chỉ khi nào thi sĩ nổi điên, lý trí hoảng sợ trốn biệt, cảm xúc sẽ một mình một chợ tung hoành. Lúc ấy không sợ “quan trên ngó xuống người ta trông vào”, câu chữ cứ ào ạt tuôn ra, lôi kéo theo cả những điều chôn kín từ lâu trong tâm khảm. Lời thơ hoàn toàn là tiếng lòng chân thật.
Tóm Tắt Giá Trị Nghệ Thuật Của Bài Thơ “À Ra Thế”
1/ Tứ thơ:
Nam giới ở tuổi về chiều khả năng sinh lý yếu dần. Đến một lúc nào đó - kẻ sớm người muộn - sẽ hết hẳn. Đó là lẽ thường, không có gì mới lạ.
2/ Kỹ thuật thơ:
Thơ có dòng chảy
a/ Có dòng chảy của tứ thơ nhờ “nhất khí liền mạch”.
b/ Có dòng âm điệu nhờ vần vừa độ ngọt – không có hội chứng nhàm chán vần.
c/ Nhịp điệu không đều đều tẻ nhạt nhờ số chữ trong câu thay đổi.
3/ Hồn Thơ:
Chỉ mới nhen nhúm lúc thằng Cu Tý còn “hùng dũng hiên ngang” - rất nhẹ, không đáng kể.
À Ra Thế thành công ở chỗ có dòng chảy thông thoáng nhưng hồn thơ - tâm điểm của bài thơ - lại không đáng kể.
Giá trị nghệ thuật, theo tôi, chỉ ở mức trung bình.
Kết Luận
Để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ cảm xúc quan trọng hơn thông điệp gấp nhiều lần (1). Bạn Hồ Anh Tuấn “đang tập làm thơ viết theo cảm xúc” là đã đi đúng hướng.
Hãy để ý cách khơi dòng chảy của tứ thơ, dòng chảy của âm điệu, và để ý đến nhịp điệu và chờ đến lúc “tâm hồn dậy sóng”. Giây phút ấy mà cầm bút làm thơ thì cảm xúc sẽ trào ra nhập vào 2 dòng chảy kia. “Sóng sau dồn sóng trước” sẽ đẩy khối cảm xúc ấy lên thật cao. Và hồn thơ sẽ ngập tràn lênh láng.
Phạm Đức Nhì
CHÚ THÍCH:
1/ Rất đông những nhà bình thơ Việt Nam bây giờ (cả trong nước lẫn hải ngoại) thường chỉ bám vào thông điệp của bài thơ (tứ thơ) mà tán, ít khi bàn đến kỹ thuật thơ. Thỉnh thoảng cũng có nói đến cảm xúc nhưng chỉ là cảm nhận chủ quan, không có chỗ dựa "kỹ thuật". Trước mắt họ bài thơ đã tự động chuyển mình để trở thành một áng văn xuôi. Những điểm đặc thù hàm chứa giá trị giá trị nghệ thuật của thơ thường bị phớt lờ.
PHẦN ĐỌC THÊM
Dưới đây là 3 bài thơ nổi tiếng của 3 thi sĩ tài danh được giới thiệu tóm tắt để minh họa cho những điểm chính của bài viết. Cuối mỗi đoạn đều có link để đọc bài thơ.
1/ Ta Về của Tô Thùy Yên
Ta Về viết theo thể Thơ Mới Trường Thiên, mỗi câu 7 chữ, không nhất khí liền mạch mà phân mảnh đứt đoạn. Bài thơ gồm 31 đoạn, mỗi đoạn 4 câu đứng độc lập, diễn tả một mảnh tâm trạng riêng biệt. Có thể nói đoạn nào cũng hay, nhiều đoạn tuyệt vời, nhưng bài thơ không có dòng chảy nên cảm xúc ở đoạn nào nằm ở đoạn đó, không có “sóng sau dồn sóng trước”, không có cao trào, không có hồn thơ.
https://vnexpress.net/ta-ve-
2/ Nhớ Rừng của Thế Lữ
Nhớ Rừng viết theo thể Thơ Mới nhất khí liền mạch, tâm trạng và cảm xúc chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối. Càng về sau cảm xúc càng mạnh. Bài thơ có 47 câu thì 46 câu 8 chữ, 1 câu phá lệ 10 chữ (Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn thét núi). Vần liên tiếp cứ đến hẹn lại lên nên hội chứng nhàm chán vần và nhịp điệu tẻ nhạt rất rõ nét, làm giảm đáng kể mức độ thành công của bài thơ.
https://poem.tkaraoke.com/
3/ Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương
Say Đi Em là Thơ Mới nhất khí liền mạch. Trong Say Đi Em tâm sự của tác giả được dàn trải liền lạc một mạch, từ đầu đến cuối bài thơ. Nhờ số chữ trong câu thay đổi với biên độ rộng, cách gieo vần tài hoa nên dòng chảy của tứ thơ thông thoáng, đặc biệt 2 đoạn sau dòng chảy rất mạnh.
Hơn nữa, tác giả viết trong cơn say đến mức lạc thần trí nên cảm xúc dâng tràn, hồn thơ lai láng. Lời thơ là tiếng lòng Chân Thật (viết hoa) của “cái tôi đích thực”.
Đoạn thơ:
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
đã chúng minh điều đó. Ông không chống chế, tránh né mà cúi đầu chấp nhận. Nỗi tủi nhục buồn sầu ấy là có thật, to lớn như một bức tường thành lúc nào cũng sừng sững trước mắt ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét