Đối
với tuổi mới lớn, sự quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ đòi hỏi phải sát
sao hơn, cần nghiêm khắc nhưng không cứng nhắc, rập khuôn. Bởi vì ở lứa tuổi
này, do có những chuyển biến về tâm lý mạnh mẽ nên đôi khi hay khác thường, lúc
vui, lúc buồn bất chợt; khi thì sôi nổi nhiệt tình, lúc lại trầm lắng ưu tư; có
lúc hiền lành ngoan ngoãn nhưng bỗng có lúc lại nổi loạn và ngang bướng phản
kháng người lớn kịch liệt. Để có cách giáo dục phù hợp, đúng đắn đối với con
cái ở lứa tuổi này, điều trước tiên đòi hỏi cha mẹ phải tìm hiểu tâm lý của con
mình, thông cảm và chia sẻ với chúng, giúp chúng hiểu và chấp nhận những thay đổi
lớn về cơ thể và cả về tình cảm. Từ đó mới có thể giúp con bước qua giai đoạn
này một cách vững vàng để chuẩn bị cho những bước thành công sau này.
Không
phải đến lứa tuổi này mới cần có sự giáo dục của cha mẹ, mà “dạy con từ thở còn
thơ” là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bậc làm cha, làm mẹ. Đứng từ góc độ gia
đình nói chung, cha mẹ đều có trách nhiệm ngang nhau trong việc giáo dục con
cái. Có nhiều ông bố quan niệm rằng, trách nhiệm dạy dỗ và nuôi nấng con cái
thuộc về người mẹ là chủ yếu. Vì vậy, trong nhiều gia đình, người mẹ đóng vai
trò chủ đạo trong việc nuôi dạy con. Nhưng trên thực tế cho thấy, người cha nên
đóng vai trò chủ đạo trong việc nuôi dạy con, như vậy sự trưởng thành của con
cái sẽ toàn vẹn và cứng cáp hơn.
Hiển
nhiên, khi em bé vừa mới sinh ra, người mẹ là người đầu tiên chăm sóc, bế ẵm và
cho con bú. Ngay từ buổi ban đầu, con cái đã cảm thấy gần gũi, quấn quýt mẹ
hơn. Đó cũng là lẽ thường tình, nhưng không phải vì thế mà người cha quên lãng
trách nhiệm của mình. Khi con còn nhỏ, chúng thường gần gũi mẹ nhiều hơn. Nhưng
khi đã lớn, chúng lại cần có sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Người cha vừa
là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa của gia đình cả về kinh tế và tình cảm.
Cách dạy dỗ nghiêm khắc của người cha sẽ bổ sung cho sự giáo dục mềm dẻo của
người mẹ. Nhờ đó mà sự phát triển của con cái cả về tư duy và tình cảm sẽ có sự
hài hòa. Con trai thường học theo tính cách, tư duy và cách rèn luyện của người
cha. Học tập người cha để sau này chúng cũng muốn trở thành người đàn ông vững
chắc, là trụ cột của gia đình. Còn bé gái thường thừa hưởng ở mẹ tính nết nhu
mì hiền lành, phúc hậu để sau này chúng cũng sẽ là một người mẹ tốt. Đó chính
là những ông bố, bà mẹ lý tưởng trong mắt con cái họ. Con trẻ học được ở người
cha sự dũng cảm, tự tin, mạnh mẽ và học hỏi ở mẹ lòng khoan dung độ lượng, nhân
từ, đó là sự kết hợp giáo dục con cái ở cả cha và mẹ. Song, trong suy nghĩ của
con cái, vai trò của cha và mẹ lại có sự phân biệt. Đối với chúng, người cha
luôn nghiêm khắc, quyết đoán và khó lay chuyển, còn mẹ thì dễ lay chuyển hơn vì
tình thương của mẹ dành cho con cái thường nông nổi hơn cha. Người cha thường
chú trọng nhiều hơn đến việc học hành của con cái, nhưng mẹ là người chúng tin
tưởng hơn để thủ thỉ những tình cảm riêng tư thầm kín. Ở lứa tuổi này, cha mẹ đừng
vội trách mắng chúng vì bất cứ chuyện gì, hãy tìm hiểu nguyên nhân đã. Nếu
không, lần sau chúng sẽ che giấu tất cả. Giáo dục con cái ở lứa tuổi này cần phải
biết kết hợp giữa nghiêm khắc và khoan dung; nguyên tắc mà không cứng nhắc, rập
khuôn; thông cảm, chia sẻ nhưng không nhu nhược, cương, nhu đúng lúc. Trong việc
giáo dục toàn diện, cha mẹ cần chú ý nhiều hơn trong việc giáo dục nhân cách,
giới tính và định hướng nghề nghiệp cho con cái.
VŨ
THỊ HƯƠNG MAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét