Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

TỰA ĐỀ CỦA BÀI THƠ / Phạm Đức Nhì

 



 

 

Tựa Đề Là Gì?

 

Xin gởi đến độc giả một định nghĩa, mà theo tôi, đơn giản nhất:

 

Tựa đề là một chữ hay một nhóm chữ chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài. (1)

 

Tựa đề có ảnh hưởng đến giá trị của bài thơ hay không? Tôi cho là có.

Nhiều bài thơ có tựa đề rất bình thường, đủ để hoàn thành nhiệm vụ “chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài thơ”. Nhưng cũng có một số tựa đề dở và một số tựa đề hay.

 

Tựa đề hay chỉ làm bài thơ hơi đẹp hơn một tý (nên khi bình ít ai nói đến), còn tựa đề dở sẽ khiến bài thơ xộc xệch hẳn đi, và dĩ nhiên, giảm giá trị nghệ thuật khá nhiều. Cho nên trong bài viết ngắn này tôi sẽ chú ý đến một số trường hợp tựa đề dở.

  

Tựa Đề Đi Lạc – Không Chỉ Ra Cái Cốt Tủy Của Toàn Bài

 

NIỀM TIN

 

Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời

 

Chắc Ðà lạt vui lắm
Mimosa nở vàng                             
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian

  

Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc
Hồi hộp đợi tin ai

 

Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều

 

Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanh
Xin CHÚA ban ơn xuống
Cho em và cho anh

 

Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh

 

Nhấttuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc

http://huongduongtxd.com/nhattuan6.html

https://www.youtube.com/watch?v=fXgdPlUdKJQ

 

Dựa vào nỗi niềm thương nhớ sâu đậm của tác giả, một người lính xa nhà, đối với người yêu ở hậu phương Đà Lạt, có thể nói Niềm Tin là một bài thơ, một bản nhạc tình. Tuy đoạn cuối có nhắc đến việc cầu nguyện:

 

Cùng cầu cho thế giới

Cho nhân loại hòa bình

 

nhưng mục đích chính vẫn là:

 

Cho đôi ta gặp lại

Trong một mùa Giáng Sinh.

 

Tạm giã từ giai điệu êm đềm, dễ thương của Anh Linh để trở về nguyên bản bài thơ của Nhất Tuấn, tôi thấy khi phổ nhạc Anh Linh đã bỏ đi một đoạn:

 

Radio (Ra đi ô) mở sẵn

Đón Thánh Lễ truyền thanh

Xin Chúa ban ơn xuống

Cho em và cho anh

 

Việc bỏ đi đoạn thơ ấy làm bản nhạc hay hơn hoặc dở đi tôi sẽ bàn trong một dịp khác. Nhưng dù trở lại bài thơ nguyên gốc – có cả 2 đoạn cầu nguyện - Niềm Tin vẫn là bài thơ tình, nặng về nỗi nhớ thương của người lính với người yêu. Lời cầu nguyện không nhằm mục đích nhấn mạnh vào niềm tin tôn giáo mà chỉ tô đậm thêm cho chữ Tình của con người. 

 

Vì thế theo tôi, cái tựa Niềm Tin của bài thơ có vẻ xa cách, lạc với nội dung của tứ thơ.

 

Hơn nữa, phải cầu nguyện và chờ đợi cho đến khi cả thế giới và nhân loại hòa bình để được gặp lại người yêu thì “biết đến bao giờ?” Và tin vào lời cầu nguyện đó thì có vẻ “ngây ngô” quá.

 

Vậy mà – xin được tự thú – tôi đã có một thời gian rất dài “ngây ngô” như thế.

 

Tựa Đề Làm Lộ Sự Cường Điệu

 

BÀI HỌC ĐẦU CHO CON

 

Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...

(Đỗ Trung Quân)

 

Ngay ở đoạn đầu tác giả cho đứa bé hỏi mẹ 2 câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: Quê Hương.

 

Quê hương là gì hở mẹ?

Mà cô giáo dạy phải yêu.

 

và:

 

Quê hương là gì hở mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

 

Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích rất hay, rất tuyệt.

 

Dựa vào ngôn ngữ từ hai câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé.

 

Nhưng để ý đến cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con có nghĩa là đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một bậc.

 

Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi “nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác.

 

Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý trí  bước vào đạo diễn một kịch bản “ba xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào.

 

Chắc người đọc có thể thấy ngay là cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero. (*

 

Chú thích:

 

(*) Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có hai câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài thơ gốc nhiều.

  

 “Nhà Tôi” Và “Chuyện Giàn Thiên Lý”

 

Nhạc sĩ Anh Bằng khi phổ nhạc bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao đã đổi tựa đề thành Chuyện Giàn Thiên Lý.

 

Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú.

 

Như vậy tâm điểm của tình thương yêu, nỗi lo âu của người lính là căn nhà (và những người trong đó). Giàn thiên lý chỉ là một bộ phận “ngoại vi”, nằm ở góc vườn, không quan trọng lắm đối với căn nhà. Giả sử sau trận đánh, giàn thiên lý bị sập mà ngôi nhà còn nguyên thì tác giả cũng mừng rỡ, coi đó là đại phúc cho gia đình. Nhưng nếu căn nhà cháy đổ thì dù giàn thiên lý vẫn không hề hấn gì, sự mất mát, nỗi đau buồn cũng dâng cao đến tột cùng.

 

“Giàn thiên lý” chỉ được nối với khung cảnh bài thơ bằng một sợi tơ mong manh; tác giả có thể thay nó bằng nhóm 3 chữ khác mà bài thơ không tăng giảm giá trị bao nhiêu. Trong bài này nó chỉ được “nhân tiện” đưa vào ở “giờ thứ 25” để câu cuối bài thơ được trọn vẹn:

 

Nhà tôi ở cuối Thôn Đồi

Có giàn thiên lý, có người tôi thương.

 

Cho nên cái tựa Chuyện Giàn Thiên Lý không nói lên được “cái cốt tủy” của cả bản nhạc lẫn bài thơ như cái tựa Nhà Tôi của Yên Thao.

  

“Màu Tím Hoa Sim” Và “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà”.

 

Phạm Duy khi phổ nhạc bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan đã đổi tựa đề thành Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà.

 

Lý giải sự lựa chọn Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan:

 

1/ Sở thích của người vợ:

 

“Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

Áo nàng màu tím hoa sim”

 

2/ Cảnh vật, hình ảnh gợi nhớ:

 

Chiều hành quân

qua những đồi sim

những đồi sim dài trong chiều không hết

màu tím hoa sim

tím chiều hoang biền biệt.

 

Sở thích của người vợ yêu dấu là kỷ niệm được gợi lại bằng những cảnh vật, hình ảnh thực trên đường hành quân. Màu tím hoa sim trải dài trên những cánh rừng tưởng như vô tận gợi lên một nỗi tiếc thương vô bờ, nỗi buồn da diết, sâu lắng trong tâm hồn tác giả, và sau này, là người đọc.

 

Lý giải việc Phạm Duy chọn Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà:

 

1/ Kỷ niệm với vợ hiền:

 

Ngày xưa

một mình

đêm khuya

bóng nhỏ

nàng vá cho chồng tấm áo

ngày xưa.

 

2/ Hình ảnh gợi nhớ:

 

Nhìn áo rách vai

tôi hát trong màu hoa

“Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu”

 

Nếu Phạm Duy lấy cả 2 câu

 

Áo anh sứt chỉ đường tà  

Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu

 

để làm tựa đề thì về phương diện ý nghĩa có vẻ hợp lý. Bởi đây cũng là một ý quan trọng trong bài nhạc, vừa là kỷ niệm với người vợ, vừa có hình ảnh đời thực để gợi nhớ, lại xuất hiện ở cuối bài, lưu lại ấn tượng sâu đậm cho người nghe.

 

Nhưng như thế thì tựa đề dài quá nên nhạc sĩ đã bỏ bớt câu thứ hai để chỉ còn vừa gọn Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà. Và chọn lựa của ông đã gặp rắc rối đầu tiên.

Hai câu “Áo anh sứt chỉ … mẹ già chưa khâu” không phải của Hữu Loan. Nhà thơ mượn từ bài ca dao Tát Nước Đầu Đình:

…………………………

Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.

và đã sửa câu thứ hai (vợ anh chưa có thành vợ anh mất sớm) cho phù hợp với hoàn cảnh bài thơ. Bây giờ bỏ mất câu “chế biến” chỉ còn Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà thì do đã quá quen thuộc với bài ca dao, người nghe, nghe cái tựa là nghĩ tiếp ngay “vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu”, không hợp với nội dung của bản nhạc, và đã bị dòng nhạc dẫn đi lạc ngay từ giây phút đầu.

 

Nhưng chỉ lạc một đoạn ngắn. Khi nghe đoạn:

 

Ngày hợp hôn

nàng không đòi may áo mới

tôi mặc đồ quân nhân

 

thì đã “bắt” được ý và nhập vào dòng cảm xúc của bản nhạc. Đến khi nghe câu cuối “vợ anh chết (2) sớm mẹ già chưa khâu” thì đã hoàn toàn đồng cảm với tác giả. Cái tựa Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (3) dù “yếu” hơn Màu Tím Hoa Sim nhưng nghe chừng cũng có vẻ hợp lý.

 

Nhưng lại một bất ngờ khác xuất hiện. Phạm Duy đã viết thêm một CODA cho bản nhạc. Cảnh hoa sim tím trải dài cả một cánh rừng quyện với tiếng gào thét ở những nốt nhạc cao vút “Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim, đồi tím … hoa … sim” (của CODA) vào phút cuối cùng đã tạo nên cảm giác đau thương, buồn sầu chất ngất.

 

Âm vang của Đồi Tím Hoa Sim phải mấy phút sau mới dịu lại trong lòng người thưởng thức. Nghe đọan kết ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc như thế mà chọn tựa đề là Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, theo tôi, Phạm Duy đã phí công sức viết CODA và đã làm buồn lòng bản nhạc.

 

Người Bình Thơ Và Tựa Đề

 

Có thể nói tựa đề cũng là một tiêu chí để bình thơ. Và nó là tiêu chí dễ áp dụng nhất. Người bình chỉ cần đọc kỹ bài thơ và xem Tựa Đề có vướng vào những lỗi chính không. Nếu có thì viết mấy hàng chỉ ra rồi giải thích và chứng minh cho độc giả thấy. Nhưng chỉ trường hợp thật đặc biệt mới viết ra trong bài bình, còn không thì bỏ qua.

 

Kết Luận

 

Tựa Đề là cây thước chuẩn rất ít có cơ hội được sử dụng, và nếu có cũng hay bị bỏ qua. Vì thế, nếu người bình thấy được và “dám” dùng nó, bài bình thơ sẽ đầy đủ và sáng giá hơn.

 

Cũng cần nói thêm là bài viết này chỉ bàn đến cái lý làm nền tảng cho việc chọn Tựa Đề của bài thơ. Dĩ nhiên tác giả vẫn có quyền quyết định tối hậu. Tuy nhiên, nếu chọn lựa của tác giả quá xa lệch với tứ thơ thì mấy tay bình thơ lại có cơ hội xía vào. Và câu chuyện văn chương lại tiếp tục râm ran như pháo nổ.

 

CHÚ THÍCH:

 

1/ Tôi đọc được ở đâu đó, giờ cũng không còn nhớ.

 

2/ Bài thơ dùng chữ “mất”, trong bản nhạc Phạm Duy đổi thành “chết”.

 

3/ Độc giả có thể nghe bản nhạc theo links sau đây:

 

https://www.youtube.com/watch?v=1K76gki4CiU  (Thái Thanh)

 

https://www.youtube.com/watch?v=S9RW78pxWNE (Elvis Phương)

 

Thái Thanh hát: “Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi”

 

Elvis Phương hát: “Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi”

 

Theo tôi, “đi bộ đội” đúng và hay hơn.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét