Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

MỘT BÀI THƠ CẢM NHẬN TINH TẾ VỀ CUỘC ĐỜI VÀ THƠ NGUYỄN BÍNH / Lê Văn Hy


 


        Kể từ giữa thập kỷ 30 thế kỷ 20 đến nay, chưa có tác giả nào làm thơ nhiều làm thơ hay  như Nguyễn Bính, cũng không có ai khổ như Nguyễn Bính: Tình lỡ dở, đời nghèo túng long đong. Một nhận định nữa: Thơ Nguyễn Bính viết cho đời thì nhiều, song thơ viết về Nguyễn Bính thì còn ít . Những bài thơ viết  về Nguyễn Bính  chủ yếu là khen thơ ông hay  và thường nói về nhà thơ một cách  bộc trực  thiếu phần sâu lắng. Có tác giả thì đưa vào thơ mình một vài đầu đề, một vài từ, một vài câu thơ trong các tác phẩm của Nguyễn Bính.

         Thương nàng “lỡ bước sang ngang“

Để con thuyền ấy lỡ làng về đâu.

         Có tác giả làm thơ về người ngâm thơ Nguyễn Bính:
                  Thuộc thơ Nguyễn Bính đã nhiều

Nhưng ngâm chưa dễ ai chiều được ai.

        Chắt lọc trong số các bài thơ viết về Nguyễn Bính, tôi thấy có một bài thơ làm cho người đọc cảm nhận một cách tinh tế  về cuộc đời và thơ Nguyễn Bính. Đó là bài: “Chiều xuân viếng mộ Nguyễn Bính” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam, nguyên thư ký tòa soạn  báo Nam Hà.  Nguyên văn bài thơ như sau:

       Dở dang từ mối tình đầu

Trái tim chuốt đủ ngàn câu làm gì

        Tượng đài bia đá làm chi

Tiếng oan mắc nợ cũng vì tài thơ

       Như ngao sóng táp lên bờ

Như ve đứt giọng bên hồ lặng thu

       Tắt đèn còn có tiếng ru

Tắt lời dạ thẳm âm u tấc thành

       Long đong kiếp sống cũng đành

Gian nan cả lúc đã thành người xưa

       Một lần chết bốn lần đưa

Tóc tang mấy độ cho vừa giai nhân

       Chiều nay trời lại mưa xuân

Ao làng tát cạn cây cần cũng xanh.

       Bài thơ này đầu tiên xuất hiện trên báo Tiền Phong  số Tết năm Nhâm Thân 1990, in trong Tuyển thơ “Nguyễn Bính thơ và đời“, “Thơ tình bốn phương“  của NXB văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

       Rõ ràng là cả 4 câu thơ không có câu nào nhắc đến từ “Nguyễn Bính“, nhưng độc giả vãn hiểu đó là bài thơ viết về Nguyễn Bính (khi không đọc đầu đề bài thơ), mà còn hiểu sâu sắc cả thơ và cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính đến sâu lắng  với suy tư tinh tế và nhậy cảm, vừa kính trọng, vừa phục vừa thương.

       Trong bốn câu thơ mở đầu của bài thơ, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh  đã nói lên được những trắc trở  trong tình yêu, sự cần cù trong lao động nghệ thuật  và tài thơ Nguyễn Bính.  Thời trai trẻ, Nguyễn Bính đã từng có mối tình đầu dang dở, ông yêu một người con gái đến say đắm:

  “Tâm hồn tôi là một bình rượu nhỏ

  Rót lần lần giọt mãi  xuống nàng Oanh“

    Nhưng khi gặp lại thì ôi thôi!

  “tình cờ gặp giừa phố đông

  Em đi ríu rít tay chồng tay con“

       Theo tài liệu của Nhà nghiên cứu Đỗ Đình Thọ  kể về lời tâm sự của người tình cũ  của thi sĩ Nguyễn Bính: “Tài thì khó có ai được như ảnh. Tình thì kể ra rất đáng thương. Nhưng nếu yêu thương mà lấy ảnh  thì lấy chi mà ăn, mà bảo đảm hạnh phúc...“

       “Tài thì khó có ai được như ảnh“. Tài thơ của Nguyễn Bính dễ ai bì kịp, bởi mỗi câu thơ ông làm ra  là chuốt tự trái tim đầy cảm xúc yêu thương, chuốt ra hàng ngàn câu thơ tài hoa để đến bây giờ, mai sau còn lắng đọng  trong lòng người đọc. Tượng đài bia đá còn phai mờ, nhưng vần thơ Nguyễn Bính  thì vẫn xanh rờn trên quê hương, đất nước. Mặc dù đã có lúc “Nỗi oan mắc nợ cũng vì tài thơ“  do ở một thời điểm nào đó  còn hiểu sai thơ ông. Nhưng nay mọi việc đã sáng tỏ, nỗi oan được tẩy trần. Còn cuộc sống gian nan của Nguyễn Bính: Ngay từ đầu những năm 1930, ông đã phải sống cuộc sống tha phương. khi thì dậy học thuê, khi thì làm thơ khoán, song ở cái thời khinh bạc “Thiên hạ đem thơ đọ với tiền“ đó, Nguyễn Bính vãn không thoát khỏi cảnh nghèo, vẫn không tránh khỏi cuộc sống long đong lận đận.

      Chỉ đến những năm sau 1945, Nguyễn Bính mới có sự cống hiến  nhiều cho cách mạng.

      Song cuộc sống của ông lại ngắn ngủi, ông “ra đi“ khi tuổi đời chưa đến 50. Trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ở miền bắc ác liệt, việc chôn cất ông cũng phải vội vã. Để xứng đáng với tầm vóc nhà thơ lớn, cán bộ và nhân dân quê hương đã di chuyển hài cốt nhà thơ đến 4 lần  để về nơi trang trọng ở làng Thiện Vịnh, mảnh đất chôn rau cắt rốn của ông.

      Diễn  đạt quá trình đó, Nguyễn Thế Vinh chỉ dùng 4 câu thơ làm cho người đọc vừa hiểu Nguyễn Bính, vừa thương mến ông đến đau đáu nỗi niềm:

  Long đong kiếp sống cũng đành

Gian nan cả lúc đã thành người xưa

  Một lần chết bốn lần đưa

Tóc tang mấy độ cho vừa giai nhân

  Hai câu kết của bài thơ này đã mở ra trang sử mới:

  Chiều nay trời lại mưa xuân

Ao làng tát cạn rau cần cũng xanh

      Mọi giá trị tinh thần của thơ Nguyễn Bính, lòng trong sáng của Nguyễn Bính đã được nhà nước ta, nhân dan ta coi trọng  và tôn vinh. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật.

       Hình tượng “ngao bị sóng táp lên bờ“, “Ve kêu đứt giọng” làm người đọc “âm u tấc thành“ đó cũng được giải tỏa, được bù đắp, hồi sinh  như ao rau cần bị tát cạn nay đã có mưa xuân làm cho tươi tốt lại./.

Lê Văn Hy- Nam Định.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét