Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

ĐƯỜNG SANG NƯỚC BẠN (Kì 1) / Lê Văn Hy

(Trích chương 4 - Tác phẩm THỜI TRAI TRẺ. – Nxb. Thông tấn, 2006 / Lê Văn Hy - nguyên Phóng viên TTXVN)

 


Ngày 21/9/1974

        Ba chiếc xe Com măng ca của VNTTX đưa 4 anh em chúng tôi và những người đưa tiễn  ra tới sân bay Gia Lâm  lúc 0 giờ rưỡi. Gia đình tôi ở xa, nhưng chuyến đi thăm nước bạn lần này tôi vẫn không cảm thấy trống trải, vì chung quanh tôi có anh Đỗ Phượng, Phó Tổng biên tập VNTTX, chị Sáu, Phó phòng Tổ chức cơ quan, là những người tôi hằng quý trọng. Ra tiễn tôi còn có anh Nguyễn Khắc Kỳ, anh họ Trần Thị Quang, vợ chưa cưới của tôi. Người ta thì vợ con ra tiễn, tôi cũng có anh họ người yêu ra tiễn, kể cũng không đến nỗi tủi thân.

        Sân bay Gia Lâm, lúc máy bay sắp cất cánh thật là nhộn nhịp. Người mình có, người nước ngoài có, tất cả đều bận rộn làm các thủ tục, chuyện trò, căn dặn trước lúc tạm xa nhau. Anh Kỳ cũng dặn tôi giữ gìn sức khỏe, và nói sẽ gửi thư cho Quang nói chuyện buổi này.

        Chiếc máy bay IL 18 chuẩn bị cất cánh. Lần đầu tiên bước chân lên máy bay tôi vừa hồi hộp vừa ngỡ ngàng, nhưng chỉ ít phút thôi đã ghi nhận mọi hình ảnh trên máy bay. Làm quen và biết cách sử dụng các phương tiện chung quanh. 12 giờ trưa, máy bay khởi đông chạy trên đường băng và cất cánh. Thị trấn Gia Lâm, cầu Long Biên, sông Hồng, phố xá, làng mạc ruộng đồng nom rõ như một bức tranh thu nhỏ lạ. Máy bay tăng độ cao, Hà Nội cũng xa dần, nhìn xuống chỉ thấy vùng đồi núi nhấp nhô. Một anh bạn ngồi cạnh tôi nói đó là vùng Thanh Hóa, rồi đất Lào. Rừng núi Lào, tôi đã từng đi qua trong thời chống Mỹ, giờ lại nhìn rõ trên tầng cao nhìn xuống.

        Sau hơn một giờ bay, máy bay hạ xuống trên sân bay Viên Chăn, thủ đô của Lào. Một phụ nữ Lào đứng dưới cầu thang  đưa cho hành khách chúng tôi mỗi người một tấm thẻ. Chúng tôi cầm thẻ rồi vào nghỉ ở nhà ga sân bay. Mỗi người uống một chai nước cam.

        Đến giờ máy bay cất cánh, chúng tôi lại lên ngồi trong máy bay.  Máy bay bay qua đất nước Miến Điện, cũng có nhiều con sông, làng mạc, nhà cửa san sát nhau. Có một vùng chỉ thấy nước trắng xóa. Người ta nói ở đó đang bị lụt. Trải qua hơn một giờ bay nữa, máy bay hạ cánh xuống sân bay Răng – Gun. Chúng tôi cũng đước phát tấm thẻ, vào sân bay ngồi  uống nước chanh. Máy bay nghỉ khoảng 30 phút  lại cất cánh đưa chúng tôi đến sân bay Ca-Ra-Chia, thủ đô của Ba-Kít-Tăng. Đợt bay này tương đối dài, tới hơn 3 giờ đồng hồ, qua eo biển Ấn Độ, nhìn ban đêm chỉ thấy loáng thoáng ánh đèn của những con tầu và thuyền đánh cá. Ngồi nghỉ ở sân bay, tôi thấy nhiều là máy bay Mỹ, Anh kiểu như C130. Ở đây tôi thấy một người chạc trên 50  tuổi, cầm chiếc máy ảnh. Anh bạn tôi nói đó là ông chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, người Ấn Độ. Máy bay lại cất cánh đưa chúng tôi đến sân bay Tá ken thủ đô của nước Cộng hòa U-dơ-bêch của Liên Xô. Đến sân bay này là đã đên đất nước của Liên bang Xô Viết. Nhìn những người Liên Xô, tôi thấy cảm tình. Ở đây, chúng tôi phải khai giấy tờ nhập cảnh. Công an Liên Xô nhìn người việt Nam rất trìu mến. Nửa đêm, máy bay lại cất cánh. Lần này là bay thẳng đến Matxcova.  Mặc dù là ban đêm, tôi vẫn chú ý nhìn xuống mặt đất. Thủ đô Tá-ken đến Mát cơ va, mặc dù là ban đêm tôi vẫn chú ý nhìn xuống mặt đất. Ánh điện như sao sa sáng rực, điện xanh điện đỏ nhìn hút tầm mắt. Những vùng điện tập trung đó là thành phố. Những vệt điện kéo dài đó là những đại lộ. Bên đông hửng sáng dần. Đến Mat-cơ- va  mới 6 giờ 30 phút giờ địa phương. Xe từ sân bay đưa chúng tôi vào nhà ga. Chúng tôi gặp anh Thụy ở Đại sứ quán, anh Lê Mạnh Bỉnh thường trú Liên Xô. Chúng tôi đên chiêu đãi sở Đại sứ quán. Đó là ngôi nhà 11 tầng, chúng tôi ở tầng thứ 7. Lần đầu tiên, tôi làm quen với thang máy và nhanh chóng thành thạo cách đi thang máy ở đây.

(kỳ sau còn tiếp)

LÊ VĂN HY

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét