Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Tiếu lâm Truyền kì (Kì 42-2020): THƯA NGÀI GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT, QUÊ TÔI CÒN CÓ CÁC TỪ ‘’ĐÉT, BIỆN, ĐÁ VÀ ĐỒ ĐĨ HỖNG’’ NỮA CƠ… / Vũ Duy Chu



 

        ĐÉT

 

        Tôi đi khỏi làng từ năm 17 tuổi, năm nay tôi đã ngoài tuổi 70 nên quên khá nhiều những từ ngữ dân dã mộc mạc của làng.

        Một bận ngồi chờ mâm cỗ cho đủ người lâu quá, một cháu thanh niên uể oải vươn vai kêu rõ to:

        - Sao các bố lề mề thế nhỉ, thiu cả cỗ, ĐÉT mẹ nó đi!

        Một cậu khác hưởng ứng:

        - BIỆN thôi các cụ ơi!

        ĐÉT và BIỆN là ĂN, tương đương với các từ CHÉN, TỢP cũng là ĂN mà ông đã dạy các cháu trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 mà Ngài và các đồng chí nhóm Ngài vừa mới biên soạn. Dù sao ĐÉT và BIỆN còn đỡ thô hơn TỢP Ngài ạ …

 

        ĐÁ

 

        Tôi mời một ông bạn thân về làng tôi chơi.

        Ông bạn bảo:

        - Tao đi vòng quanh làng mày buổi sáng nay, bị khoảng 20 cú đá các loại…

        Tôi hiểu ngay và bật cười:

        - Ở làng tao cứ ra đường gặp nhau là phải đá, trẻ con gặp cụ già mà không đá cụ một đá là vô lễ…

        ví dụ:

        - Cụ đá! Ông đá! Anh chị chú bác đá!

        Ở quê mày gặp cụ thì chào Cụ ạ, còn quê tao thì chào Cụ đá, mãi thành quen, không ai nỡ bắt bẻ gì sất,thế thôi.

        Thằng bạn nghe xong cười khặc khặc rồi bảo:

        - Hay quá! Thế thì lát tao ra ngõ cũng ĐÁ vài cái

        Trong hàng ngàn cuộc gọi tới máy điện thoại của tôi, bất chợt có ai kêu CHU ĐÁ, là ngay lập tức tôi nhận ra người gọi là đồng hương cấp làng, vui đáo để…

        Tôi kể thế để Ngài có dịp qua quê tôi khỏi giật mình, tưởng ĐÁ như gạch đá trăm họ đang giận dữ ném vào Ngài cả tháng nay, vì con em họ phải học thứ sách giáo khoa bét nhè của Ngài biên soạn…

 

        ĐỒ ĐĨ HỖNG

 

        Những năm 1964-1965 thế kỉ 20. máy cày lần đầu tiên xuất hiện ở làng tôi, cả làng nô nức hăm hở chào đón. Trẻ con chúng tôi rùng rùng kéo nhau ra tận đồng xa xem nó cày lật lên từng luống đất như vỏ ốc, đều tăm tắp…

        Các cô thôn nữ được phân công vào nửa buổi cày sáng chiều mang khoai lang luộc, bình nước chè xanh, bao thuốc lá Trường Sơn cho anh lái máy cày đẹp trai phong độ dùng.

Cô nào cũng muốn đi nhưng lại e ngại này kia nọ. Các cô giả vờ đùn đẩy, đấm lưng nhau thùm thụp rồi mắng yêu nhau: ĐỒ ĐĨ HỖNG…ĐỒ ĐĨ HỖNG…

        Ở làng tôi các bà các mẹ các chị thường mắng yêu con gái, em gái mình như thế mà không hề mất lòng nhau bao giờ

        Thế nào Ngài chả hỏi tôi dùng cụm từ ĐỒ ĐĨ HỖNG trong trường hợp nào ư?

        Thưa Ngài, dùng trong truyện ngụ ngôn.

        Ví dụ

        Một anh gà trống ức nở, cổ cao, cánh quạt bão, gáy vang dẫn một bầy gà mái lên cầu tre qua bên kia dòng kênh.

        Mái nào cũng muốn đi trước anh gà trống nhưng e ngại nên cứ đùn đẩy nhau mãi. Cuối cùng có một mái đánh liều chạy lên phía trước trống rồi lên cầu. Mái mải nhún nhẩy quá trượt chân rơi tõm xuống kênh

        Cả đàn gà mái cùng vỗ cánh kêu lên:

        - Đáng đời ĐỒ ĐĨ HỖNG!

        Chuyện này tôi tự sáng tác, có thể chưa hay nhưng còn dễ chấp nhận hơn nhiều lần những câu truyện ngụ ngôn của Ngài đã viết cho các cháu lớp 1.

        Đó là những chuyện Ngài mượn mõ của các tác giả nước ngoài rồi cắt xén thêm bớt rất ngô nghê, tuỳ tiện…

Tôi thành thật khuyên ngài nên kiếm sống bằng công việc khác đi, đừng biên soạn sách giáo khoa nữa.

        Tội nghiệp con em chúng tôi!

 

Sài Gòn, 15.10.2020

            VDC

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét