Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

TIẾN SĨ ĐẶNG HỮU DƯƠNG / Trần Mỹ Giống





  1 - Một vị quan công minh

        Đặng Hữu Dương sinh năm Canh Thân 1860(1) tại làng Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình có truyền thống nho học. Ông là con trưởng ông Đặng Hữu Thới và là cháu đích tôn Cử nhân Giáo thụ phủ Kinh Môn (Hải Dương) Đặng Văn Bính. Em ruột ông là Đặng Hữu Nữu (tức Do) cũng đỗ Cử nhân, làm Tri huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang).
 
         Hồi nhỏ, Đặng Hữu Dương học cụ đồ Đặng Vũ Diễn ở làng. Ông tỏ ra rất thông minh, học giỏi. Ông mặt mũi sáng sủa, trán cao, mắt sáng, khôi ngô. Sau này khi thấy ông đỗ Tiến sĩ vinh quy, cưỡi trên lưng ngựa bạch, thong thả đi trong đám rước, một nhà nho đã thốt lên: "Một vùng như thể cây quỳnh cành giao"(2).
         Khoa thi Hương năm Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức 32(1879), Đặng Hữu  Dương đỗ Cử nhân. Theo lời khuyên của vợ, ông vào Huế theo học ở Quốc Tử giám là trường lớn nhất nước thời đó, có nhiều sách vở rất thuận lợi cho học tập.
         Khoa Ất Dậu 1885 Đặng Hữu Dương thi Hội trúng cách, đã truyền lô. Đến khi thi Đình, ông đã được chấm đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, nhưng vì kinh thành có biến nên chưa kịp truyền lô(3). Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường rước vua rời kinh thành để tổ chức việc kháng Pháp. Đến khoa Kỷ Sửu niên hiệu Thành Thái 1(1889) ông chỉ phải vào thi Đình và đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khoa này làng Hành Thiện còn có Nguyễn Ngọc Liên cũng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Đám rước của hai ông nghè Hành Thiện được tổ chức rất long trọng và là sự kiện hiếm có đáng tự hào của nhân dân Giao Thuỷ. Nhiều nhà khoa mục đã tặng câu đối mừng hai tân Tiến sĩ. Câu đối mừng của Cử nhân Nguyễn Bạt Tuỵ người làng Hạ Miêu cùng huyện như sau:
  Kỷ sửu, vi ngô huyện thịnh khoa, Hạ ấp tằng chiêm vân ngũ sắc;
  Hành Thiện, nãi Nam bang văn hiến, hoa cù khoáng kiến mã đề song.
   (Khoa Kỷ Sửu huyện ta thịnh đạt, ấp Hạ từng được xem mây ngũ sắc;
  Đất Hành Thiện nước Nam văn hiến, đường hoa rộng rãi hai ngựa song song).
         Sau khi đỗ Tiến sĩ, Đặng Hữu Dương vinh quy một tháng thì được bổ thực thụ Tri phủ Nam Sách (Hải Dương). Nguyên ông đã giữ chức quyền Tri phủ Nam Sách từ cuối năm 1888 theo Nghị định ngày 24 tháng 12 năm 1888 của quan Kinh lược Bắc Kỳ được Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn. Trước đó ông đã làm Giáo thụ phủ Kiến Thuỵ.
         Nhận chức Tri phủ Nam Sách, ông giải quyết công việc hành chính, tư pháp rất mau lẹ, công bằng và có tiếng là liêm khiết. Tháng 4 năm 1890 ông được thăng án sát Hà Nội. Tỉnh Hà Nội thời kỳ này bao gồm thành Hà Nội (theo chỉ dụ ngày 3 tháng 10 năm 1888 vua Đồng Khánh ký nhượng cho quân Pháp) và các phủ, huyện của Hà Đông, Hà Nam. Các vụ án liên quan đến dân thành Hà Nội do Toà án Pháp xử. Các vụ án liên quan đến dân các phủ, huyện còn lại do quan án sát Đặng Hữu Dương chịu trách nhiệm.
           Đặng Hữu Dương luôn tỏ ra là người có trách nhiệm và cần mẫn với công việc được triều đình giao phó. Trước khi xử kiện, ông thường ăn chay, tắm gội bằng nước ngũ vị, đốt hương trầm cầu nguyện trời phật phù hộ cho ông đủ sáng suốt để không lầm lẫn. Ông không bao giờ tắc trách để người ngay bị oan. Ông khoan hồng, phạt nhẹ và khuyên nhủ cải tà quy chính đối với những bị can vì lầm lẫn mà phạm tội. Ông kiên quyết trừng phạt bọn côn đồ, bọn nhà giàu, bọn cậy quyền thế hà hiếp người khác. Trước khi tuyên án, bao giờ ông cũng nghiên cứu kỹ hồ sơ, đến tận nơi xảy ra vụ án mà quan sát, tìm hiểu kỹ lưỡng những uẩn khúc của sự việc và nguyện vọng của nhân dân, nhờ vậy mà những kết luận của ông thật công minh. Thường sau mỗi vụ án ông xử, cả bên bị và bên nguyên, bên thua kiện cũng như bên thắng kiện, đều thoả mãn, khâm phục và ca ngợi quan án sát thật công minh, liêm khiết.
           Có lần, Tổng lý một xã ở huyện Từ Liêm được ông xử cho thắng kiện một xã lân cận trong vụ tranh chấp ruộng đất, đã đem vàng bạc tạ ơn. Ông dứt khoát từ chối và nói rõ ông chỉ làm theo bổn phận. Nhân dân xã này khẩn khoản xin ông nhận một cậu bé người làng đi theo hầu hạ ông. Cậu bé đó chính là ông Đặng Nguyên Roanh (tức Đồ Sơn), con nuôi của Tiến sĩ Đặng Hữu Dương, sau này được ông nuôi dạy nên người.
  Ông nổi tiếng là vị quan công minh, thanh liêm, được nhân dân trong tỉnh sở tại vô cùng kính nể, yêu mến, tin tưởng. Con đường làm quan có điều kiện giúp dân, giúp nước được nhiều đang rộng mở thì bất hạnh xảy đến với ông. Giữ chức án sát Hà Nội được ba năm, ông bị bệnh đau mắt. Ông xin về quê chữa trị. Được hai tháng thì mắt ông mù hẳn. Từ năm 1893 đến khi mất, ông sống trong cảnh mù loà, kết thúc con đường khoa hoạn.

  2 - Một tấm lòng nhân ái, yêu nước, thương dân

        Trong cuộc đời và trong thơ văn của mình, Tiến sĩ Đặng Hữu Dương đã thể hiện rõ tấm lòng yêu nước, thương dân. Đối với ông, yêu nước là yêu dân và những người ruột thịt của mình. Ông luôn mong muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người dân, và thực tế ông đã làm được điều đó qua các vụ xử án công minh khi còn làm quan.
          Lòng nhân ái của Tiến sĩ Đặng Hữu Dương thể hiện sâu đậm, cảm động nhất trong tình yêu của ông đối với người vợ quá cố. Vợ ông là người cùng làng, đẹp người, đẹp nết, lại giỏi thơ văn. Bà chia sẻ với ông mọi nỗi buồn đau, hoà điệu tâm hồn với ông trong sinh hoạt thơ văn. Khi ông bị mù, bà nâng giấc, chăm sóc, động viên ông, không nề hà khổ cực. Được hy sinh cho chồng con là niềm hạnh phúc của bà. Sau hai năm chăm sóc chồng mù loà, năm 1895 bà ốm rồi mất, để lại cho Đặng Hữu Dương suốt những ngày tháng còn lại thương nhớ khôn nguôi. Từ khi vợ mất cho đến khi ông qua đời, suốt hai mươi tám năm ròng, ông vẫn giữ lòng chung thuỷ với bà. Nhiều người khuyên ông nên lấy vợ khác vì khi vợ mất, ông mới 36 tuổi, nhưng ông không chịu. Hằng đêm, ông ôm bọc quần áo của vợ và chìm vào nỗi đau thương nhớ. Những bài thơ khóc vợ của ông thật thống thiết, lâm ly, chung thuỷ:
            Tang em nay đã đoạn rồi
  Nhưng lòng ta vẫn suốt đời tang em.
           Sống thiếu bà, người bạn tri âm, ông cảm thấy cuộc đời thật giá lạnh :
           Dưới đèn ẩn hiện mặt hoa
  Dịu dàng giọng nói đậm đà thu ba
           Lứa đôi hạnh phúc chan hoà
  Cùng nhau sống giấc mơ hoa tuyệt vời
  Thế mà nay âm dương cách trở đôi nơi
  Tri âm vắng bóng cuộc đời giá băng.
                                                              (Bài Khóc vợ)
           Thơ văn Đặng Hữu Dương, nhất là thơ viết về người vợ của ông đã trở nên nổi tiếng. Nhiều nhà khoa mục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã tìm về Hành Thiện để được thưởng thức những áng thơ văn của nhà khoa bảng nổi tiếng.
          Những người con của Tiến sĩ Đặng Hữu Dương được cha giáo dục chu đáo và khuyến khích tham gia các hoạt động yêu nước. Con cả ông là Đặng Hữu Bằng tham gia phong trào Đông Du, đã đỗ thủ khoa trường Đại học quân sự Chấn Vũ (Nhật) được Minh Trị Thiên hoàng tặng một đồng hồ bỏ túi có chữ ký của Thiên hoàng. Sau ông tham gia quân đội Trung Quốc và mất vì bom Nhật. Tiến sĩ Đặng Hữu Dương có lần đã sai con rể là ông Khải mang tiền tiếp tế cho Đặng Hữu Bằng hoạt động cách mạng. Con thứ Đặng Hữu Dương là Đặng Hữu Đài làm Trợ tá phủ Ninh Giang, có tiếng liêm khiết, cũng bị Pháp bắt tù vì nghi ông tham gia phong trào Đông Du. Con nuôi Đặng Hữu Dương là Đặng Nguyên Roanh được cha hết lòng thương yêu, giáo dục đã trở thành ông Đồ Sơn làm nghề dạy học và rất giỏi nghề thuốc. Đặng Nguyên Roanh cũng tham gia phong trào Đông Du và từng bị Pháp bắt giam.
           Không chỉ khuyến khích, giúp đỡ con cái tham gia hoạt động yêu nước, Đặng Hữu Dương còn liên hệ với Nguyễn Thượng Hiền trong việc thực hiện đưa thanh niên Việt Nam ra nước ngoài và quyên góp tiền ủng hộ phong trào Đông Du.
           Đối với bà con trong làng, ông không bao giờ có lời nói, hành động làm mất lòng ai. Hàng xóm rất kính trọng và quý mến ông. Mỗi lần đi chợ sớm qua ngõ nhà cụ Nghè Dương, ai nấy nhắc nhau giữ im lặng để không làm mất giấc ngủ của cụ Nghè.
          Có lần ông đồ Sơn kể chuyện cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến cho chữ "Đại hạ" ("Đại hạ" là "hè to", đọc lái là "tò he") chế diễu anh đội khố đỏ xuất thân là lính thổi kèn suốt ngày tò he, tò hét mà cũng lên mặt làm sang khi anh đến xin chữ cụ Tam nguyên nhân dịp khánh thành nhà mới, làm anh xấu hổ phải bỏ làng ra đi. Đặng Hữu Dương cho rằng cụ Tam nguyên vô cớ gây khổ não cho người biết tằn tiện tiết kiệm và biết tôn trọng các vị đại khoa là không nên.
         Bùi Hướng Thành (người Hà Nam) đỗ Cử nhân thứ 78 cũng được Nguyễn Khuyến mừng câu đối chế diễu như sau:
  Thánh thượng diệc lân tài, cống viện trì lai tam ngũ nhật;
  Khuê trung ưng phá liễu, lang quân áp đắc kỷ hà nhân.
  (Nhà vua có ý thương tài, nên cho hoãn kỳ thi hương lại năm ba bữa;
  Cô cử cười vỡ bụng, chồng mình đè được bao nhiêu người.)
          Nghe chuyện này, Đặng Hữu Dương bảo rằng Bùi Hướng Thành không làm điều gì lố lăng đáng bị chế diễu, hơn nữa đã đỗ Cử nhân dù là thứ 78 cũng là giỏi rồi, vì cứ 150 người thi mới có một người đỗ Cử nhân. Cụ Tam nguyên vì khoe tài chơi chữ mà chế diễu cử Bùi học dốt đỗ gần cuối bảng, làm đau lòng cử Bùi thì thật không phải.
         Cách nhìn nhận đánh giá sự việc của Tiến sĩ Đặng Hữu Dương chứng tỏ ông có tấm lòng nhân ái biết bao.
          Trước cảnh quan lại Nam triều không có ý chí chống Pháp, lại chỉ lo cho cá nhân mình mà quên nỗi nhục mất nước, ông phê phán, cảnh tỉnh :
  Chống giặc chưa đi toan lo rút,
  Mặt vênh mà đến luỵ ông Tây.
  Tổ tiên đã bỏ không thờ nữa,
  Cơ nghiệp ngàn xưa cũng dễ bay.
                                    (Bài Thành phủ Xuân Trường)
           Đặng Hữu Dương là một tác giả Hán Nôm nổi tiếng có tài làm thơ văn hết sức mau lẹ mà vẫn đặc sắc. Khi làm Tri huyện Nam Sách, có lần ông đến thăm một vị quan cấp trên, gặp lúc vị này đang làm câu đối mừng bạn đồng liêu mà nghĩ mãi chưa ra. Vị này nhờ ông làm giúp. Ông hỏi về thân thế người bạn đồng liêu của quan trên và quan mừng nhân dịp gì, rồi phóng tay múa bút viết câu đối vào tấm vóc. Vị quan cấp trên thấy câu đối thật chỉnh, diễn tả tình bạn đậm đà, chữ viết lại đẹp như hoa thì vô cùng khâm phục ông.
         Những sáng tác thơ văn của ông thường không ghi lại thành tập nên ngày nay chỉ còn một số bài do con cháu ghi lại và lưu truyền trong dân gian. Về y học, ông có tập Nông gia tự liệu gồm trên sáu nghìn câu thơ lục bát ghi lại các vị thuốc và bài thuốc nam dân gian rất có giá trị.
        Tháng 5 năm 1923 Tiến sĩ Đặng Hữu Dương qua đời, thọ 64 tuổi. Trước khi nhắm mắt, ông vẫn còn áy náy vì mình chưa giúp được nhiều cho dân, cho nước như mong muốn. Trong bài biểu tạ ơn vua của ông sau khi đỗ Tiến sĩ có đoạn viết:
          ..."Hạ thần chỉ biết lấy đạo thờ cha mẹ ra thờ vua, đem tấm lòng yêu thương con cái mà yêu thương dân chúng trong quản hạt cai trị của hạ thần để không hổ với các điều thánh hiền đã dạy, không hổ với bảng vàng bia đá" (4).
           Cả cuộc đời ông luôn luôn hành động theo tâm nguyện vì dân vì nước. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được ghi lại không chỉ ở bảng vàng bia đá, mà còn sống mãi trong lòng nhân dân Nam Định.

TMG
………………………..
Chú thích :
  (1) Khi đi thi ông khai tăng ba tuổi nên có tài liệu chép ông sinh năm 1857.
  (2) Làng Hành Thiện và các nhà nho Hành Thiện / Đặng Hữu Thu. - Paris : 1992. - Tr. 141.
  (3) Sau khi Kiến Phúc chết, năm 1884 Ưng Lịch lên ngôi lấy hiệu là Hàm Nghi. Lễ đăng quang của Hàm Nghi không được Nam triều thông báo cho Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ biết nên Rê-na không thừa nhận vua mới. Tướng Đờ Cuốc - xy doạ sẽ đem quân bắt vua. Trước tình thế căng thẳng không thể trì hoãn được, Tôn Thất Thuyết tổ chức lực lượng tấn công đồn Mang Cá và đồn quân Pháp đóng ở gần toà Khâm sứ. Cuộc tấn công bị thất bại, Tôn Thất Thuyết phải hộ giá vua chạy ra Quảng Trị phát hịch Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp.
  (4) Làng Hành Thiện và các nhà nho Hành Thiện. - Sđd. - Tr. 161 - 162

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét