Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

VÀI NÉT VỀ THƯ PHÁP / Trần Mỹ Giống

 

    


        

            Chữ viết là công cụ quan trọng của nhân loại để đạt đến sự tiến bộ văn minh toàn diện. Nghệ thuật thư pháp từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới coi trọng, được xem như một loại hình nghệ thuật đặc thù trình độ cao. Đối với các nước phương Đông, thư pháp còn là biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hoá dân tộc. Trung Quốc là nước có nền nghệ thuật thư pháp phát triển tới trình độ cao từ các thư thể cơ bản “triện, lệ, chân, hành, thảo” với nhiều trường phái, phong cách phong phú và đa dạng.

            Triện thư là cổ văn tự Hán từ đời Tần về trước, gồm đại triệntiểu triện, từng một thời được toàn dân Trung Quốc sửc dụng đến độ huy hoàng, rự rỡ. Đại triện còn gọi là Trụ văn là loại chữ được dùng thông dụng thời Xuân thu, Chiến quốc. Trên cơ sở Đại triện, Tần Thuỷ Hoàng đã chỉnh lý và giản hoá chữ viết, quy định một dạng chữ viết chuẩn gọi là Tiểu triện. Hiện nay triện thư đã bị thay thế bởi các thư thể khác nhưng nó vẫn được coi là một loại tác phẩm nghệ thuật thư pháp truyền thống, độc đáo, tao nhã cổ xưa của Trung Quốc, được nhiều thư pháp gia nghiên cứu, sáng tạo mới làm cho nghệ thuật triện thư thêm tươi đẹp và trường thịnh. Về bút pháp, triện thư có nhiều phong cách như trong tiểu triện có ngọc trợ triện dùng bút đầy đặn, mượt mà, uyển chuyển, thiết tuyến triện nét viết mảnh, đầy đặn, có sức. Nét chữ của tiểu triện cơ bản đường nét to nhỏ đều bằng nhau, nét thẳng như đũa ngọc bày ra, nét cong như cốt thép uốn khúc, giấu đầu che đôi, không lộ mũi nhọn, mượt mà nhưng đầy sức lực.

            Lệ thư là một trong thư thể của tứ đại thư pháp Trung Quốc, tương truyền do Trình Mạc đời Tần đặt ra, thịnh hành vào đời Hán và được phát triển tới đỉnh cao về nghệ thuật thư pháp. Lệ thư kế tục triện thư và do triện thư diễn biến mà ra. Lệ thư có kết cấu thể hiện sự đoan trang, đẹp đẽ, tự nhiên, cởi mở nhiều biến hoá, có giá trị nghệ thuật và giá trị thực dụng rất cao.

            Khải thư còn gọi là Chính thư hoặc Chân thư bắt đầu xuất hiện vào cuối đời Hán và được lưu hành đến ngày nay. Dạng chữ khải ngay ngắn, nét bút thẳng thắn, được coi là chuẩn mực chữ Hán. Nhờ nghiên cứu thể hiện loại chữ này mà nhiều thế hệ các nhà thư pháp trở nên nổi tiếng.

            Hành thư tương truyền do Lưu Đức Thăng đời Đông Hán sáng chế ra đầu tiên. Tống Tào đời Thanh giải thích về hành thư như sau:

- “Cái gọi là hành thư tức là lược bớt ít nét của chữ khải, sau đó khiến cho giản dị và viết trôi chảy các chữ với nhau, như mây trôi nước chảy, nét to bé xen nhau mà ra, không phải chữ khải, chẳng giống chữ thảo, không vuông cũng chẳng tròn, viết nhanh hơn chữ khải lệ”

Trong hành thư lại có “chân hành” gần giống chữ khải nhưng phóng khoáng hơn, cón “thảo hành” gần giống chữ thảo nhưng gọn gàng hơn. Hành thư với sự tự nhiên, khoáng đạt, linh động, uyển chuyển, biến hoá đa dạng, vừa có sức hấp dẫn đặc biệt, vừa giản tiện dễ hiểu đã thu hút được nhiều thư pháp gia quan tâm và được ứng dụng rộng rãi trong xã hội Trung Quốc.

Thảo thư cũng có từ lâu đời, được sử dụng rộng rãi ở đời Hán, do lệ thư thảo hoá diễn biến mà ra, gọ là Chương thảo. Đến đời Hán, thư pháp gia Trương Chi lại sáng chế ra Kim thảo. Chương thảo có nét chữ ít nối liền nhau, chữ độc lập. Kim thảo lại tăng thêm nét liên miên tôn nhau cho đẹp. Thảo thư liên miên vận chuyển đem lại cảm giác thông sướng nhanh chóng, lâm ly. Thảo thư rất hưng thịnh vào đời Đông Tấn, đến đời Đường lại còn rực rỡ hơn với sự xuất hiện của cuồng thảo. Thảo thư của phái cuồng thảo buông thả không ràng buộc, bút mực lâm ly. Đến đời Minh xuất hiện nhiều thư pháp đại gia như Chúc Doãn Minh, Vương Sủng, Từ Vị, Trương Thoại Đồ... với những đặc sắc riêng biệt. Thư pháp của họ hoặc điển nhã, hoặc hùng phóng, hoặc kỳ tứ hoặc lâm ly. Thoạt nhìn thấy thảo thư như viết rất láu, tựa như viết tuỳ ý nhưng thực ra nó có quy tắc thảo pháp rất quy phạm, rất nghiêm cách. Nét viết thảo thư tuy không rõ rệt như khải thư, bút pháp lại có hiện tượng nhược hoá, nhưng cũng có sự nhấn mạnh có gân có cốt, hàm ẩn sinh cơ. Đặc điểm của bút pháp thảo thư là đơn giản hoá, biến dị nhược hoá, vòng cung uyển chuyển, thứ tự các nét đan xen và nối liền nhau. Khi viết thảo thư đòi hỏi phải múa bút một lần mà thành, viết không đắn đo do dự, thành bại trong phút chốc.

Ở nước ta, ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Quốc nói chung và chữ viết nói riêng rất sâu sắc. Chữ Hán du nhập vào nước ta đã tồn tại hàng ngàn năm. Trên cơ sở chữ Hán, nhân dân ta sáng tạo ra chữ Nôm của riêng mình. Ngày nay chúng ta sử dụng chủ yếu chữ quốc ngữ nhưng chữ Hán - Nôm vẫn là “hồn muôn năm cũ”. Nghệ thuật thư pháp Hán - Nôm tồn tại dai dẳng và ảnh hưởng tới nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ. Nhiều tác giả có bút pháp tốt được thể hiện qua một bố cục (chương pháp) hoàn hảo đã tạo ra những tác phẩm thư pháp có giá trị nghệ thuật cao. Tiến sĩ Vũ Huy Trác thời Lê còn để lại một số thư bút Hán - Nôm linh uyển lạ kỳ. Thời Nguyễn có nhiều linh mục, nhà sư thày đồ, quan văn dùng bút tre, bút sắt viết chữ Quốc ngữ rất đẹp. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, người Nam Định lại dùng bút lông viết chữ Quốc ngữ, chữ Hán như rồng bay phượng múa. Thư pháp Việt Latinh tuy có cấu trúc khác biệt với chữ Hán - Nôm, nhưng thực chất nó là sự nối tiếp của nghệ thuật thư pháp truyền thống. Hiện nay có nhiều người nghiên cứu thư pháp Việt Nam đạt được kết quả đáng khích lệ như Vũ Hối, Nguyệt Đình, Chính Văn, Bùi Tiến... Mỗi người một phong cách làm cho thư pháp Việt thêm đa dạng và phong phú.

Thư pháp không chỉ là môn nghệ thuật thể hiện cái đẹp, mà còn là phương tiện chuyển tải những thông điệp đạo đức, giáo dục, tư tưởng của con người. Người ta gửi gắm ước vọng, tình cảm, tâm sự mơ ước của mình vào thư bút. Trong các thiết kế trang trí của các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, trong đạo cụ và bối cảnh của sân khấu, điện ảnh, truyền hình, trong quảng cáo nhãn hiệu thương phẩm, trong nghệ thuật khắc dấu, trong cổ vật và vật dụng hàng ngày, trong hoành phi câu đối, trong niên lịch... đều có sự hiện diện của nghệ thuật thư pháp.

Nghệ thuật thư pháp Việt Latinh hình thành từ thế kỷ 19 và trở thành phong trào vào những năm gần đây đã kế thừa, nối tiếp truyền thống trọng chữ hàng ngàn năm của dân tộc, phản ánh đậm nét những đặc trưng tiêu biểu của người Việt Nam như tính trữ tình, linh hoạt, giàu cảm xúc... Trong tương lai gần, nhất định thư pháp Việt sớm định hình, phát triển, phát huy được cái đẹp, cái hồn của chữ Việt và là phương tiện chuyển tải những giá trị văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Sau đây là một bức tranh sơn thuỷ của một tác giả Việt Nam thời phong kiến, do trình độ Hán - Nôm của tác giả bài viết này hạn chế nên không thể hiện được cái thần của bút pháp, mà chỉ cố mô phỏng về mặt chương pháp của bức tranh. Bên dưới bức tranh có bài thơ nôm:

Ba XUÂN nho nhỏ một XUÂN tròn

Bốn CẢNH bằng nhau, một CẢNH con

HỒ rộng mênh mang, NGƯ lộn ngược

NON cao chót vót, ĐIỂU nằm ngang.

.........................

 

* Nguồn:

   - Văn hoá Nam Định. - 2005. - Số1.

   - Tạp chí Khoa học Công nghệ Nam Định. - 2005. - Số 1. (Ký bút danh Mỹ Trần)

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét